Đào tạo tiến sĩ một năm bằng tiền uống bia một tuần

21/11/2017 11:17 GMT+7

Sau khi đăng bài của giáo sư Ngô Bảo Châu , Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau, cả đồng tình, cả không đồng tình với đề xuất giảm thiểu việc dùng ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

Đào tạo tiến sĩ một năm bằng uống bia một tuần
Trong bài viết gửi cho Thanh Niên, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT, đặt vấn đề: “Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ trên báo Thanh Niên ngày 16.11.2017, "với câu hỏi là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì câu trả lời là không. Ít nhất không phải ở quy mô như chúng ta đang nghe nói". Nhưng tôi thì cho rằng câu trả lời là vẫn nên”.

tin liên quan

Nghịch lý 2000 USD và 150 USD/tháng
"Với câu hỏi là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì câu trả lời là không. Ít nhất không phải ở quy mô như chúng ta đang nghe nói", giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ.
Với câu hỏi “9.000 tiến sĩ và 12.000 tỉ - nhiều hay ít?”, ông Tùng phân tích: “Theo dự thảo đề án mà Bộ Giáo dục - Đào tạo mới xây dựng gần đây, trong số 9.000 tiến sĩ, dự kiến có khoảng 5.000 đào tạo ở nước ngoài. Nếu chia về gần 300 trường đại học và viện nghiên cứu, mỗi nơi trung bình thêm chưa được 15-20 tiến sĩ. Đây là con số trong 8 năm (2018-2025), tức mỗi năm trung bình được cử 2 người tham gia. Như vậy, đây không phải là con số lớn”.
Ông Tùng so sánh: “Số kinh phí dành cho dự án vào khoảng 500 triệu USD (12.000 tỉ đồng), chia cho 8 năm, thì mỗi năm trung bình chỉ hơn 60 triệu USD. Với lượng tiêu thụ bia khoảng 3 tỉ USD/năm tại Việt Nam hiện nay, thì 60 triệu USD chi ra để đào tạo tiến sĩ hàng năm chỉ đủ uống bia đúng 1 tuần”.
Với câu hỏi “đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài - cần hay không?”, ông Tùng trả lời: “Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi là cần. Nguồn lực học thuật trong nước hiện chưa đủ tầm để đào tạo tiến sĩ chất lượng cao với số lượng lớn. Với các nước có nền giáo dục, khoa học tiên tiến như Pháp, Mỹ,… thì đào tạo tiến sĩ tại chỗ là tốt. Sẽ đến lúc chúng ta cũng đào tạo tốt tiến sĩ trong nước, nhưng chắc chưa phải bây giờ”.
Trong bài viết của mình, ông Tùng còn cung cấp thông tin, với đề án 911 (đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học), Trường đại học FPT cũng như nhiều trường tư khác cũng được tham gia. Tuy là một đại học tư mới chỉ có hơn 10 năm thành lập, nhưng trường đã có hàng chục giảng viên trẻ xuất sắc được nhận kinh phí nhà nước đi làm tiến sĩ tại Úc, Nhật, châu Âu… Trong số này, nhiều người đã tốt nghiệp quay về trường làm việc.
Ông Tùng nhận xét: “Hiện nay có thể có vấn đề chất lượng trong một số ngành đào tạo tiến sĩ tại một số cơ sở đào tạo trong nước, nhưng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án 911 thì trường hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Giảng viên là do trường cử đi được lựa chọn kỹ, các trường đại học nước ngoài cũng ở trong danh sách được lựa chọn, và nghiên cứu sinh phải được trường bạn xem xét nhận thì Bộ GD-ĐT mới xét. Kinh phí cũng dùng để trả học phí trực tiếp cho người học không qua các khâu trung gian, nên so với nhiều đề án sử dụng tiền ngân sách, đây là đề án chi tiêu minh bạch”.
Nếu nghiên cứu sinh không có lương, mọi vấn đề khác trở nên vô nghĩa
Anh Nguyễn Bảo Huy, nghiên cứu sinh ở Đại học Lille 1 (Pháp) và Đại học Sherbrooke (Canada), cho rằng cần phải theo cách mà các nước vẫn làm, đó là đầu tư cho đào tạo tiến sĩ trong nước để nâng cao nội lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Để làm được điều này, theo anh Huy, nhà nước nên lập một quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh, để mỗi nghiên cứu sinh khi làm tiến sĩ trong nước đều được trả lương với mức trần là 10 triệu đồng/tháng, trong khoảng thời gian tối đa 5 năm. Mỗi năm, mỗi nghiên cứu sinh còn được chi thêm tối đa 50 triệu đồng để đi hội nghị và chi tiêu các khoản phục vụ nghiên cứu.
Theo tính toán của anh Huy, với cách này, sau 5 năm, chúng ta có thể đào tạo 10.000 tiến sĩ chất lượng cao, ngang tầm với các đại học thường thường bậc trung của thế giới, với mức kinh phí cao nhất là 8.500 tỉ. Như vậy, so với dự kiến của dự thảo đề án chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ, nhà nước vẫn dư ít nhất 3.500 tỉ đồng để làm các việc khác có liên quan.
Anh Huy giải thích: “Hiện nay, nghiên cứu sinh trong nước không có lương, nên họ phải làm các việc khác để kiếm sống và trang trải các chi phí trong thời gian làm nghiên cứu sinh. Điều đó khiến cho dù có thầy tốt, nghiên cứu sinh giỏi, có cơ sở vật chất, thì nghiên cứu sinh cũng khó làm luận án tốt tương ứng với tiềm năng. Tôi không lạc quan đến mức nghĩ rằng cứ có học bổng đủ sống là sẽ đào tạo được tiến sĩ giỏi. Nhưng đây cần phải gỡ nút thắt về tiền trước, rồi mới có thể gỡ tiếp các nút sau. Nếu nghiên cứu sinh không có lương, mọi vấn đề khác trở nên vô nghĩa”.
Anh Huy chia sẻ thêm: “Trong nước tôi có thầy giỏi (là phó giáo sư Tạ Cao Minh, người mới được giải thưởng Nagamori của Nhật Bản), cơ sở vật chất của trường cũng không đến mức nghèo nàn, môi trường học thuật (ngành điều khiển và tự động hoá của Trường đại học bách khoa Hà Nội) cũng không tệ. Nhưng tôi không thể làm từ 3 đến 5 năm nghiên cứu sinh ở Việt Nam chỉ với lương hệ số cơ bản của trường trả được. Cho nên một trong những lý do tôi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài là vì bài toán kinh tế”.
Anh Huy còn cho biết: “Thầy của tôi đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh. Anh ấy là người giỏi, gia cảnh cũng thuộc diện không khó khăn lắm, nhưng anh ấy vẫn phải làm việc này việc khác để kiếm thêm, thành ra chỉ có thể làm nghiên cứu sinh bán thời gian. Kết cục là kết quả luận án của anh ấy chỉ khá chứ không xuất sắc”.
“Vì thế mà tôi ủng hộ đề xuất của giáo sư Ngô Bảo Châu là trong vấn đề này, nhà nước cần phải phát huy vai trò của mình ở chỗ hỗ trợ nghiên cứu sinh để họ có thể toàn tâm toàn ý vào việc học làm nghiên cứu ngay trong nước. Đề án như 322/911 vẫn nên có, nhưng giảm quy mô lại, dành cho những trường hợp không thể làm được trong nước. Đồng thời, nên động viên nghiên cứu sinh kiếm học bổng của nước ngoài, như giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã nêu ý kiến”, anh Huy bày tỏ.
 “Một câu hỏi đặt ra là khi đã là trường tư, hoạt động không phải là phi lợi nhuận - sao lại còn “lợi dụng” kinh phí nhà nước? Tuy là trường tư, nhưng Trường đại học FPT cho mình cái quyền được nhận ưu đãi từ nhà nước để phát triển trường, vì một điều đơn giản: một thanh niên có bằng đại học không chỉ tạo cơ hội mang lại lợi ích gia tăng cho chính bản thân người học (so với việc không học đại học), mà họ còn đóng góp cho xã hội qua giá trị gia tăng có thể mang lại nhờ học vấn cao, đồng thời giảm các chi phí xã hội - do người có bằng cấp nói chung làm phiền xã hội ít hơn. Nói một cách khác, giáo dục đại học vừa mang lại lợi ích tư cho người học (tư ích), vừa mang lại lợi ích công cho xã hội (công ích), bởi thế việc nhà nước hỗ trợ trường tư là cần thiết, như thực hiện trách nhiệm của nhà nước với các lợi ích công mà đại học tư mang lại.
Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.