Thứ Sáu, 3/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để chính sách tiền lương trở thành đòn bẩy cho cải cách và phát triển

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một trong những nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 là việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương (theo Nghị quyết 27-NQ/TW) từ ngày 1-7-2024. Đây là nội dung rất quan trọng với kỳ vọng cải thiện được những bất cập trong chính sách tiền lương ở khu vực công, vốn lâu nay vẫn nặng tính cào bằng và mức lương thì kém hấp dẫn, khiến cho khu vực công ngày càng khó tuyển được nhân sự có đạo đức và năng lực chuyên môn giỏi.

Việc cải cách chính sách tiền lương, bên cạnh mục tiêu bảo đảm cho cán bộ công chức, viên chức có thể “sống được” bằng lương, vẫn còn một mục tiêu rất quan trọng khác đó là chính sách tiền lương phải trở thành động lực, là đòn bẩy cho cải cách và phát triển. Tuy nhiên, từ những thông tin được công bố trên báo chí, chưa biết đợt cải cách này mang lại nhiều thay đổi như mong đợi hay không.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của khu vực công sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và 30% còn lại là các khoản phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương. Hệ thống bảng lương mới cũng sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Điều đầu tiên có thể nhận ra là quỹ lương vẫn được xác định dựa theo số lượng biên chế như lâu nay vẫn làm. Cách xác định quỹ lương như vậy thì khó mà biến chính sách lương thành động lực để làm tinh gọn và nâng cao hiệu quả vận hành của bộ máy hành chính cũng như đơn vị sự nghiệp. Thứ hai, dù “vị trí việc làm” đã được tính đến khi xây dựng hệ thống bảng lương, nhưng nó vẫn ít nhiều còn mang tính chất cào bằng nên khó có thể động viên cán bộ công chức, viên chức nỗ lực nâng cao hiệu suất công việc.

Để khắc phục phần nào những nhược điểm trên, có lẽ Chính phủ và Quốc hội cần xem xét áp dụng việc xây dựng quỹ lương dựa trên khối lượng công việc, cụ thể là quỹ lương năm sau được dự toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành của năm trước. Đồng thời, bên cạnh vị trí công việc, chức vụ, cần bổ sung thêm việc tính lương theo “sản phẩm” cho từng cán bộ công chức, viên chức. Làm như vậy sẽ khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nỗ lực tiết giảm biên chế và nâng cao năng suất lao động, vì đây là giải pháp khả thi để tăng thu nhập cho đơn vị của mình.

Ngoài ra, việc cải cách chính sách tiền lương cũng cần tính đến việc coi đây là đòn bẩy để thực hiện một số mục tiêu phát triển, nhất là với hai lĩnh vực quan trọng là y tế và giáo dục. Chẳng hạn như dùng chính sách tiền lương để thu hút và phát triển nguồn nhân lực y tế, giáo dục cho các địa phương kém phát triển, qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách về năng lực và chất lượng dịch vụ của hệ thống giáo dục và y tế giữa các tỉnh và các thành phố lớn.

Như người xưa đã nói “có thực mới vực được đạo”, nếu tiền lương vẫn cứ không đủ sống và người làm nhiều cũng lãnh lương như người làm ít, người làm giỏi cũng nhận mức lương như người làm kém thì khu vực công khó mà thoát được trì trệ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mọi sự thay đổi về chính sách tiền lương, để thực chất phải quay về nguyên lý ban đầu của nó: 1. Lương phải đủ sống, 2. Lương đủ để sống đàng hoàng, 3. Lương đủ để sống an nhàn khi nghỉ hưu. Ba cấp độ này phản ánh triết lý luôn tôn trọng người lao động nói riêng, con người nói chung, trong một xã hội được xem là công bằng và văn minh. Người lao động, là nhân tố quan trọng nhất cho mọi sự phát triển kinh tế xã hội, phải được đặt vào trung tâm của mọi chính sách tiền lương và an sinh xã hội. Có như vậy mới tạo ra động lực thay đổi về chất lượng sống cho thế hệ ngày mai. Xin nhắc lại, thế hệ ngày mai, chứ thế hệ hôm qua và hôm nay đã hi sinh quá nhiều thứ rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới