Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trần Văn Thọ (Tokyo)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) – Các nước đi sau có thể phát triển nhanh nếu ngày càng tham gia sâu hơn và tiến lên cao hơn trên các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng phải liên tục xây dựng các tiền đề cho việc tham gia sâu và cao hơn.

Foxconn đã quyết định chuyển các cơ sở sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia

Từ giữa thập niên 1990, công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ kết nối mạng ngày càng phát triển làm giảm chi phí thông tin liên lạc giữa các quốc gia và giảm rủi ro trong việc quản lý các dây chuyền sản xuất. Do đó, công nghiệp hóa và phân công quốc tế ngày càng được thể hiện qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và các chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC). Phân tích dưới đây đề cập đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam trước dòng thác công nghiệp mới

Từ năm 2018, kinh tế, chính trị thế giới thay đổi nhanh làm chuyển hướng nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 làm khuynh hướng ấy càng mạnh hơn.

Tâm điểm của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu là Trung Quốc, nơi được xem là công xưởng thế giới từ mấy chục năm nay. Để duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp đa quốc gia phải chuyển một bộ phận sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước khác hoặc không chọn Trung Quốc làm nơi thực hiện các dự án đầu tư mới. Một làn sóng mới về công nghiệp đang chuyển đến các nước ASEAN và Ấn Độ.

Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của dòng thác mới. Đặc biệt từ năm 2021, nhiều dự án lớn của các công ty đa quốc gia liên tiếp được ký kết. Về những dự án mới chủ yếu, có thể kể đến Công ty Foxconn của Đài Loan, chuyên cung cấp sản phẩm cho Apple, đã quyết định chuyển các cơ sở sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam; Lego của Đan Mạch đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ tại Bình Dương để sản xuất đồ chơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ em; Amkor Technology của Mỹ sẽ sản xuất chip bán dẫn tại Bắc Ninh… Những công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam gần đây đã quyết định mở rộng đầu tư, như Samsung, LG, Coca-Cola, Dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP)…

Công nhân trong Nhà máy Honda của Nhật Bản. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nhật Bản cũng đặc biệt chú trọng Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài năm 2021 trên toàn cầu chỉ tăng 2,6% và sang châu Á tăng 32% nhưng riêng Việt Nam thì tăng tới 59%. Khuynh hướng đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam gần đây cho thấy ngoài những dự án lớn về sản xuất năng lượng và lập trung tâm thương mại, đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tích cực sang Việt Nam sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử và ô tô.

Nói chung, dòng thác mới trong công nghiệp thế giới đang trở thành cơ hội phát triển của Việt Nam. Nhưng để các chuỗi cung ứng mới hoạt động hiệu quả và bền vững, nhất là để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng mới, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và doanh nghiệp trong nước.

Nhìn lại bức tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam

Phân tích tình hình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam cho đến nay ta thấy hai vấn đề lớn. Một là mới tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm cơ bản, sản phẩm trung gian. Hai là những tiến triển trong việc nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ phần lớn do công ty có vốn nước ngoài thực hiện, việc tham gia của công ty Việt Nam rất hạn chế.

Hình 1 biểu diễn tình hình tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Đường dưới cùng (forward GVC) là tỷ trọng của giá trị gia tăng mà Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác trong tổng giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp. Tỷ trọng này càng cao càng chứng tỏ sức mạnh công nghiệp của một nước. Ta thấy tỷ trọng này của Việt Nam còn rất thấp và có khuynh hướng giảm. Đường ở giữa (backward GVC) là tỷ trọng của giá trị gia tăng ở phía sau của chuỗi trị toàn cầu, cụ thể là phần nhập khẩu. Tỷ trọng này tăng nhanh, từ khoảng 20% năm 2000 tăng lên trên 50% vào năm 2018. Đường trên cùng (Total GVC) là tổng hợp của forward và backward.

Như vậy trong mấy mươi năm qua Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng càng tham gia càng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Với khuynh hướng gần đây trong đầu tư từ nước ngoài đã nói ở trên, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện. Nhưng để khả năng này diễn ra như kế hoạch và tiếp tục một cách bền vững, Việt Nam cần chú trọng cải thiện hạ tầng và nhất là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Đặc biệt, vấn đề nguồn nhân lực hiện nay rất căng thẳng. Cuối tháng 11 vừa qua tôi thăm nhiều công ty có vốn của Nhật Bản tại Việt Nam, ở đâu họ cũng nói là gặp khó khăn trong việc tuyển chọn và ổn định nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội và chính quyền ở các địa phương cần đặc biệt quan tâm, có biện pháp khai thông thị trường lao động (tránh tình trạng có nơi thừa nơi thiếu) và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn để đáp ứng nhu cầu mới. Nếu vấn đề cung cấp nguồn nhân lực không được giải quyết, các dự án có vốn nước ngoài đã cam kết có thể sẽ bị trì hoãn hoặc giảm quy mô.

Tình hình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam có hai vấn đề lớn. Một là mới tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm cơ bản, sản phẩm trung gian. Hai là những tiến triển trong việc nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ phần lớn do công ty có vốn nước ngoài thực hiện.

Điều tra mới đây của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam rất kém về chất. Vào năm 2020, lao động có trình độ giáo dục chín năm trở xuống chiếm tới 61%, trong đó có tới 12% chưa tốt nghiệp tiểu học. Lao động đã tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 15% và lao động có trình độ kỹ thuật và chuyên môn chỉ có 24% trong tổng lao động. Đó là chưa nói đến sự khập khiễng giữa kỹ năng đang có của người lao động có trình độ chuyên môn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chính quyền các cấp cần nhận thức sự quan trọng của vấn đề để có đối sách nhanh chóng.

Song song với nỗ lực đào tạo mà việc thực hiện cần thời gian, nên tận dụng số thực tập sinh tại các nước. Nhất là tại Nhật, số lượng thực tập sinh đã lên tới 20.000, trong đó hơn 15.000 có trình độ kỹ năng chuyên môn và tiếng Nhật. Cần có kế hoạch cụ thể và thực thi nhanh chóng trong việc kết nối thực tập sinh với các doanh nghiệp đang hoặc sắp triển khai ở Việt Nam.

Vấn đề thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng còn rất hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tiến triển một bước chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư chứ vai trò của doanh nghiệp trong nước còn rất nhỏ. Thăm một công ty lớn sản xuất máy in có vốn Nhật Bản vào tháng 11, tôi ngạc nhiên thấy là dù công ty rất tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam nhưng số doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về chất lượng, giá thành, thời hạn giao nộp hàng… còn rất ít. Từ năm 2011-2022, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp linh kiện và các sản phẩm hỗ trợ khác cho công ty này tăng từ 105 lên 124 công ty nhưng phần lớn là những công ty cung ứng có vốn Nhật Bản và Đài Loan, doanh nghiệp có vốn Việt Nam chỉ có 18 công ty vào năm 2022, giảm so với 19 công ty vào năm 2011.

Nếu vấn đề cung cấp nguồn nhân lực không được giải quyết, các dự án có vốn nước ngoài đã cam kết có thể sẽ bị trì hoãn hoặc giảm quy mô.

Như bảng 1 cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ vào năm 2018 chưa tới 5.000, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới khoảng một phần ba. Đặc biệt trong ngành điện tử, doanh nghiệp FDI chiếm tới 80%. Trong quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam, FDI đóng vai trò lớn và ở đây cho thấy cả trong ngành công nghiệp hỗ trợ vị trí của FDI cũng lớn đáng kể. Một điểm đáng nói nữa là trong ngành công nghiệp, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam có tới 11.000 nhưng như bảng 1 cho thấy, chỉ có khoảng 3.400 công ty tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ, một con số quá nhỏ.

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là vì doanh nghiệp Việt Nam quá yếu. Phần lớn là các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và một bộ phận khác là SME. Vào cuối năm 2019, Việt Nam có 5,4 triệu đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc hộ gia đình, thu hút hơn chín triệu lao động. Riêng trong ngành công nghiệp có hơn 84.000 cơ sở sản xuất thuộc khu vực này, thu hút 1,7 triệu lao động. Số lao động trung bình trong mỗi đơn vị sản xuất cá thể thuộc ngành công nghiệp chỉ có… hai người.

Quy mô quá nhỏ không cho phép các đơn vị cá thể có thể áp dụng công nghệ mới, không thể đầu tư lớn đủ để cải tiến thiết bị, nên không thể tham gia vào việc sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Cần có chính sách chuyển khu vực phi chính thức này thành những doanh nghiệp có tổ chức, dần dần biến thành những SME mới. Hiện nay, số lượng SME đang thu hút hàng triệu lao động nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh vì khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư với quy mô lớn.

Chính sách cần thiết hiện nay có hai nội dung. Một là chuyển đơn vị cá thể thành SME và hai là cải cách thị trường vốn, thị trường đất đai, tinh giảm thủ tục hành chính để SME lớn mạnh. Đặc biệt nên lập ngân hàng hay quỹ tín dụng dành cho SME – một tổ chức có nhiều cơ năng, ngoài việc cung cấp tín dụng còn có bộ phận tư vấn chuyên môn về hoạt động của SME. Cơ quan phụ trách SME của Chính phủ hàng năm nên phát hành một bản báo cáo (có thể gọi là Sách trắng SME) có các nội dung giúp SME tham khảo, chẳng hạn trào lưu mới về công nghệ và thị trường thế giới, nội dung các chính sách mới liên quan SME…

Đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện thể chất của doanh nghiệp là những tiền đề để doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới