Ông đã bắt đầu dịch văn học như thế nào? Có phải vì đó là một công việc có thể kiếm tiền, một cách để nuôi sống gia đình hay không, thưa ông?

Cả tiếng Anh, tiếng Pháp tôi đều tự học. Động lực tự học là do ham mê văn học, muốn đọc văn học. Về sau, tôi bắt tay vào dịch với hai động cơ. Muốn những tinh hoa của nhân loại mình có thể dịch cho càng nhiều người biết càng tốt, nhưng đồng thời đấy cũng là cần câu cơm.

Nguồn sách để dịch khi đó ông thường lấy ở đâu, nhà xuất bản đưa hay ông phải tự tìm?

Khi đó, sách nước ngoài có một ít ở hiệu sách ngoại văn, thư viện. Có nguồn rất tốt là bạn bè ngoại quốc. Tôi là phóng viên Thông tấn xã nên có quen một số phóng viên nước ngoài, đó cũng là một nguồn cung cấp sách. Thường sách tiếng Pháp là của phóng viên người Pháp, AFP. Nhà xuất bản (NXB) cũng có danh sách những cuốn sách nên dịch. Nếu danh sách đó trùng với ý của tôi thì càng tốt. Khi tôi chuyển sang làm ở Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh, có những đoàn điều tra sang, có rất nhiều luật sư, họ thường mang sách đi đọc và khi về thì cho lại tôi.

Có một người như bà đỡ cho việc dịch thuật của tôi và tôi rất biết ơn, đó là anh Lý Hải Châu. Khi tôi không được dịch thì anh ấy giao việc cho tôi, để tôi làm việc với NXB Văn học. Anh ấy cũng thường giao cho tôi những tác phẩm vừa hay vừa khó.

Ông dịch những cuốn văn học Nga đầu tiên đều qua tiếng Pháp. Cái khó nhất là làm thế nào để có tinh thần Nga, thưa ông?

Tôi nghiền ngẫm văn học Nga, mê văn học Nga, đọc rất nhiều tác phẩm của Nga rồi không khí ấy thấm ngay từ đầu. Từ những tác giả, tác phẩm điển hình của Nga, tôi đọc Tolstoy, đọc Dostoyevsky, đọc Gogol mà thấm được chất Nga. Sau này, tôi tự học tiếng Anh rồi đọc văn học Mỹ. Tôi mê văn học Anh, Mỹ từ ông Shakespeare, Faulkner, Hemingway. Có ba nền văn học ảnh hưởng rất sâu đến tôi là Nga, Pháp và sau này là Mỹ.

Lúc đó, ông tự học ngoại ngữ để dịch như thế nào?

Thế hệ của tôi, anh Trần Dần, anh Lê Đạt, tuổi xuân đi theo cách mạng. Khi hòa bình trở lại, trường đại học của tôi là thư viện, cứ lăn lê bò toài ở thư viện thôi. Thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi, Thư viện Khoa học ở số 5 Lý Thường Kiệt, Thư viện Quân đội có nhiều sách mang từ Sài Gòn ra sau giải phóng. Nhưng trước đó, từ khi bắt đầu đi bộ đội, trong ba lô tôi bao giờ cũng có quyển từ điển tiếng Anh để học, học từng chữ một. Công được đồn, trong khi đồng đội đi thu dọn vũ khí thì tôi tìm sách. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, việc đi thư viện của tôi cũng không bị gián đoạn. Thẻ đọc của tôi là thẻ thường, không được đọc sách đặc biệt, nhưng đọc sách văn học và văn học nước ngoài vẫn thoải mái.

Việc dịch thuật khi đó cũng thường ở trên thư viện phải không, thưa ông?

Khi đó, không có máy photocopy, nên tôi toàn viết tay. Giấy xấu gần như màu nâu, tôi đi nhặt giấy đã đánh máy một mặt làm nháp. Cuốn Phố của những cửa hiệu u tối (Patrick Modiano) là cuốn đầu tiên tôi mượn sách và ngồi dịch ngay trong thư viện. Những cuốn khác có sách thì có thể dịch ở nhà.

Khi ông dịch Con đường xứ Flandres của Claude Simon, có những câu văn quá dài, dài vài trang. Thời kỳ đó khó khăn của ông trong việc dịch thuật có lẽ không phải ở việc tạo không khí như thời dịch văn học Nga nữa. Vậy đó là gì?

Một trong những phương châm làm việc của tôi là không làm việc bằng sức mình mà phải làm những việc khó hơn sức mình một chút như kiễng chân lên. Vì thế, từ Anna Karenina (L.Tolstoy) là lao đầu vấp ngay vào trái núi, những cuốn sau bao giờ cũng khó dần lên.

Đến Con đường xứ Flandres chẳng hạn, hay về sau dịch tác phẩm của Marcel Proust thì khó nhất trong việc chuyển dịch là cấu trúc tiếng Việt. Thường những câu trong tiếng Việt chỉ có một mệnh đề hay hai mệnh đề phụ. Nhưng các tác giả ấy lại có cách viết với những câu mệnh đề lắt léo. Tôi vất vả để đánh vật với ông Marcel Proust. Một nhà văn, nhà phê bình Anh đã viết về ông Proust thế này: “Proust viết một thứ tiếng Pháp, trong đó chữ nào cũng dễ, nhưng câu nào cũng khó”.

Mỗi nhà văn có những đặc sắc riêng của họ. Như Marcel Proust thì giới nghiên cứu đã phải dùng ngữ “câu của Proust”, vì câu của ông khó. Còn như với Lolita của Nabokov thì khác, khó nhất là cộng cảm với nhân vật. Mình đọc mình thấy cộng cảm với nhân vật chính Lolita. Nabokov không phải là nhà văn của chữ, mà là nhà văn của cộng cảm.

Nhân ông nhắc đến Lolita, ấu dâm ở đâu cũng vậy, nó là câu chuyện tâm lý, phân tâm học. Những trạng thái tâm lý nhân vật khó thì ở VN bạn đọc cũng ít muốn tiếp nhận. Bây giờ, chỉ cần nói xem Lolita là tốt hay xấu đã tạo tranh luận rồi. Vì sao ông vẫn chọn dịch?

Tôi đề nghị NXB dịch Lolita từ lâu mà người ta không dám. Cứ theo đuổi thế thôi. Tôi thích cách viết của Nabokov. Đấy là một dạng khác hẳn, dạng nhân vật tôi chưa thấy ở các tiểu thuyết khác. Nhân vật rất là biết mình, biết cặn kẽ về mình và biết mình thật xấu mà vẫn cứ làm như thế. Nó rõ ràng là một cái rất chân thật với bản thân, không có một chút đạo đức giả nào.

Con đường dịch thuật lúc đầu khó khăn và ít người phản biện. Sau này, có những người nói ông dịch câu này chưa đúng, câu kia chưa đúng, đoạn kia chưa chính xác thì cảm xúc của ông thế nào?

Không, tôi thấy là lẽ thường thôi. Còn có những cái mà người ta moi móc không thiện ý thì tôi cười, tôi thấy không đáng để cho mình nghĩ.

Nhiều năm, mọi người vẫn thấy ông có rất nhiều bạn họa sĩ, những lứa họa sĩ khác nhau… Có phải vì ông có Mai Gallery?

Nếu tự định nghĩa, thì tôi định nghĩa mình là vạch nối thế hệ. Tôi chơi với rất nhiều người, từ văn - họa - nhạc, về tuổi cũng thế. Chơi từ ông Nguyễn Tuân đến những bạn trẻ. Tôi kể một chuyện vui. Một bạn trẻ ở TP.HCM ra, bạn ấy đến đây, con rể tôi ngồi dưới nhà. Bạn ấy vào hỏi con rể tôi, chú ơi chú cho cháu hỏi anh Dương Tường. Chuyện thật đấy! Con rể tôi bảo ừ cháu đợi chú để chú gọi bố chú. Nên nếu mà tự định nghĩa với mình, tôi tự định nghĩa mình là vạch nối thế hệ là vậy, vạch nối chơi cả các ngành. Văn mình cũng thích, họa mình cũng thích, nhạc mình cũng thích. Vì thế nên yêu tất cả.

Truyện Kiều - bản dịch cuối cùng của ông lại là một bản dịch ngược. Vì sao ông chọn một bản dịch ngược làm bản dịch cuối cùng?

Tôi tự coi việc này là việc liều lĩnh nhất của mình. Tôi dịch khi gần như không nhìn thấy gì nữa và dịch từ trí nhớ. Từ bé, một bà cô vẫn ru tôi ngủ toàn bằng Kiều. Kiều là điều mà trong thời kỳ tráng niên tôi vẫn nghĩ mình không thể với tới. Nhưng đến lúc cả trí lực, thể lực, thị lực suy giảm thì tôi lại lao vào. Tôi tự coi đấy là một cử chỉ báo hiếu với tiếng mẹ đẻ.

Sau Kiều, tôi nghĩ còn những ngày dài như thế này mình sẽ lập một thư mục để dịch chơi. Bài thơ nào hay, tôi thích thì tôi dịch. Bài nào thấy thuận thì dịch, thuận tiếng Pháp thì dịch sang tiếng Pháp, thuận tiếng Việt thì dịch sang tiếng Việt.

Thế hệ tự học để dịch sách như ông, ưu điểm và nhược điểm là gì?

Tôi chỉ nghĩ thế hệ ấy là thế hệ đánh cược cả đời mình vào chữ, đánh cược cả đời mình vào văn học. Thế thôi. Cho đến bây giờ tôi nghĩ cả đời mình ăn nằm với chữ.

Xin cảm ơn ông!

Báo Thanh Niên
02.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.