Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp Việt Nam bị tố hỗ trợ chính quyền Myanmar mua thiết bị liên lạc vệ tinh


Lực lượng quân đội Myanmar.
Lực lượng quân đội Myanmar.

Văn phòng công tố ở thành phố Ravensburg, Đức vừa mở cuộc điều tra hình sự đối với công ty ND SatCom vì bị tố cáo cung cấp thiết bị liên lạc cho Quân đội Myanmar với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp Việt Nam. Cuộc điều tra diễn ra giữa lúc chính quyền Đức đang cấm vận chế độ quân quản Myanmar vì đàn áp phe đối lập và thực hiện hành vi diệt chủng đối với nhóm sắc tộc Rohingya.

Theo các cơ quan truyền thông Đức, ZDF Frontal và Der Spiegel, cuộc điều tra hình sự diễn ra sau đơn khiếu kiện của Tổ chức Đoàn kết Đức với Dân chủ Myanmar, luật sư Holger Rothbauer, dựa trên kết quả điều tra của tổ chức phi chính phủ Justice for Myanmar (Công lý cho Myanmar - JFM). Theo đó, ND SatCom được cho là đã hỗ trợ đáng kể cho hoạt động liên lạc vệ tinh của quân đội Myanmar kể từ năm 2016, bao gồm phần cứng và phần mềm vệ tinh 5G để sử dụng trong hệ thống Meikhtila của quân đội, bao gồm cả mạng chiến trường.

JFM cung cấp bằng chứng cho các bản tin của ZDF Frontal và Der Spiegel với hơn 40 chuyến giao hàng, bao gồm cả modem vệ tinh và phần mềm, dường như đã né được các biện pháp trừng phạt. Lô hàng modem vệ tinh của tập đoàn này được phía Việt Nam gửi về Tổng cục Mua sắm của quân đội Myanmar vào tháng 10/2021 sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021.

Cáo buộc cho rằng Com & Com, một liên doanh giữa công ty Terabit Wave của Myanmar và công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (OSB) của Việt Nam, đã hỗ trợ quân đội Myanmar hoặc đã đóng vai trò trung gian trong việc mua các thiết bị liên lạc này.

Việc mua bán này có thể vi phạm các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt vào những năm trước đây và các biện pháp cấm vận hiện tại.

VOA đã liên lạc Công ty Terabit Wave, Công ty OSB, và Công ty ND SatCom, đề nghị họ bình luận về cuộc điều tra và các cáo buộc này, nhưng chưa được phản hồi.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.

Trao đổi với VOA qua email, bà Yadanar Maung, người phát ngôn của Justice For Myanmar, cho biết: “Việt Nam là nước ủng hộ chính cho quân đội Myanmar bất hợp pháp và tàn bạo, cung cấp nguồn tài chính thông qua Viettel, cũng như cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự thông qua các công ty trong đó có OSB”.

Như VOA đã đưa tin trước đây, JFM vào năm ngoái tố cáo công ty viễn thông Viettel của Việt Nam thông qua liên doanh Mytel để theo dõi dân thường và quân nhân, bao gồm việc truy tìm binh sĩ đào ngũ và “tiếp tay” cho chính quyền quân quản gây tội ác đối với người dân của nước này.

“Đây là một sự lựa chọn nhằm củng cố thêm quyền lực cho chính quyền quân sự đang phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, tiếp tục hoạt động kinh doanh cướp đi sinh mạng của người dân Myanmar, làm suy yếu nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về việc ngăn chặn dòng vũ khí vào Myanmar mà Việt Nam đã bỏ phiếu thuận, đồng thời làm suy yếu các cam kết giải quyết của ASEAN cuộc khủng hoảng thông qua Đồng thuận 5 điểm”, người phát ngôn của JFM cho biết thêm.

Bà Maung đề nghị: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam khẩn trương chấm dứt hỗ trợ tài chính và quân sự cho chính quyền quân sự ngay, phù hợp với trách nhiệm nhân quyền quốc tế của mình”.

Theo JFM, các tài liệu và vận đơn mà tổ chức này thu thập được cho biết có hơn 40 chuyến giao hàng được cho là đã được thực hiện cho quân đội Myanmar từ năm 2016 đến năm 2022. Các chuyến hàng này bao gồm modem vệ tinh 5G trị giá 46.400 đôla cũng như phần mềm. Những chuyến hàng này sau đó được cho là đã vào Myanmar cũng qua đường Việt Nam. Một hóa đơn từ một công ty khác ở Singapore được cho là đã chứng minh rằng việc mua bán này đã thực sự diễn ra.

Hồi năm 2019, ND SatCom đã chỉ định Terabit Wave làm đại lý bán thiết bị liên lạc vệ tinh tại Myanmar và đàm phán, ký kết hợp đồng. Việc ủy quyền này là một phần của hợp đồng năm 2019 giữa Terabit Wave và Tổng cục Mua sắm của Quân đội Myanmar cũng liên quan đến Com & Com.

Các lô thiết bị ND SatCom gửi cho Tổng cục Mua sắm của Quân đội Myanmar qua đường Việt Nam. Photo Data by Panjia via Justice for Myanmar.
Các lô thiết bị ND SatCom gửi cho Tổng cục Mua sắm của Quân đội Myanmar qua đường Việt Nam. Photo Data by Panjia via Justice for Myanmar.

JFM dẫn dữ liệu vận chuyển Panjiva cho thấy lô thiết bị điều chế tín hiệu vệ tinh SKYWAN 5G, của ND Satcom, được Công ty OSB vận chuyển từ Việt Nam ngày 26/12/2019 cho Tổng cục Mua sắm của quân đội Myanmar.

EU đã cấm vận mua bán vũ khí đối Myanmar từ những năm của thập niên 90. Sau khi chính quyền Myanmar trục xuất người Rohingya vào năm 2017, các biện pháp trừng phạt này thậm chí còn được thắt chặt vào năm 2019. Vào thời điểm đó, EU liệt hành động của quân đội Myanmar là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, trong khi chính phủ Mỹ thậm chí còn coi là “diệt chủng”. Kể từ đó, nước này cũng bị cấm cung cấp các mặt hàng “lưỡng dụng”. Điều này đề cập đến các sản phẩm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân đội hoặc cảnh sát.

Thông tin từ các trang web của Công ty TNHH Terabit Wave ở Myanmar và OSB ở Việt Nam cho thấy hai công ty này có hợp tác với nhau từ nhiều năm qua và liên doanh Com &Com của họ chuyên cung cấp các dịch vụ vệ tinh quân sự và dân sự, bao gồm cả việc bảo trì thiết bị ND SatCom cho quân đội Myanmar.

Nhóm nhân quyền JFM hôm 18/10 hoan nghênh cuộc điều tra của văn phòng công tố bang ở Ravensburg, miền nam nước Đức và kêu gọi nhà chức trách Đức ngăn chặn chính quyền quân quản Myanmar tiếp cận thiết bị và công nghệ của Đức.

“Truy tố là một bước quan trọng hướng tới trách nhiệm giải trình về việc chuyển giao vũ khí và hàng hóa có công dụng kép cho quân đội Myanmar, đồng thời ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí trong tương lai từ Đức và EU, nhưng việc điều tra này cần được mở rộng tới tất cả các công ty liên quan đến việc cung cấp vũ khí bất hợp pháp và hàng hóa lưỡng dụng cho quân đội Myanmar”, JFM cho biết.

Nhóm này cho biết các thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh là công cụ giúp chế độ kiểm soát người dân, tiếp tay giết hại bừa bãi, tra tấn, hãm hiếp, san bằng làng mạc, phá hủy thực phẩm và cưỡng bức di cư.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG