Đọc báo 'bí mật' ở Ba Lan sau 30 năm chuyển đổi dân chủ

  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com
Hội nghị Bàn Tròn Ba Lan

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hội nghị Bàn tròn từ 06/02 đến 04/04 năm 1989 ở Warsaw là cuộc thảo luận công khai đầu tiên của hai phe cộng sản và Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, để sửa đổi hiến pháp nước này và mở đường cho cải tổ chính trị trên toàn Đông Âu

Tháng 2/2019 là dịp kỷ niệm 30 năm Hội nghị Bàn tròn giải thể hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan, mở đường cho phong trào dân chủ hóa Đông Âu 1989-90.

Sang năm 1991, Liên Xô tan rã, chấm dứt 'chủ nghĩa xã hội hiện thực' ở châu Âu và đưa châu lục này sang một thời đại mới.

Nhưng sau 30 năm, nhiều lý tưởng của thời kỳ tự do hóa và dân chủ hóa tưởng như đã bám rễ chắc chắn lại bị thách thức, ở ngay tại Ba Lan, như câu chuyện nhà báo Nguyễn Giang kể lại:

Chạy trốn lên vùng Baltic

Sống ở châu Âu đã lâu, với tôi, đi nghỉ hè là dịp quên mấy chuyện chính trị, sắc tộc nhức đầu ở đô thị ồn ào, nhiều vấn đề như London chẳng hạn.

Nơi chúng tôi thường đến nghỉ, làng Pustkowo (Trống Vắng), nằm ở vùng bờ biển Pomorze của Ba Lan, gần như đảm bảo sự yên tĩnh.

Nhiệt độ vào tháng 8 ở đây cũng lên trên 25 độ C, không quá lạnh so với các vùng biển Nam Âu.

Nhưng tắm biển, đạp xe đi loanh quanh vài hôm cũng cần 'giải ngố' bằng vài tờ báo quen.

Gmina Rewal
Chụp lại hình ảnh,

Vùng biển Pomorze bên bờ Baltic của Ba Lan luôn rất bình yên

Nhưng chuyện tưởng như đùa đã xảy ra ở thời dân chủ Ba Lan, năm Anno Domini 2018.

Ra tiệm báo ở góc phố Baltycka, 'đại lộ' duy nhất trong làng, tôi lật đi lật lại cả mớ sách báo mà không tìm ra hai tạp chí Polityka và Newsweek.

Vốn không thích hỏi nhiều, tôi bỏ đi để hôm sau quay lại.

Cũng lại không có.

Tôi đi vòng thêm đến một tiệm thực phẩm có bán báo ở cuối làng, nơi thường có mấy thanh niên Ba Lan tụ quanh bàn chơi game để tìm.

Cạnh một tủ rượu to tôi thấy có quầy báo nhỏ.

Cái tủ báo đầy ắp tạp chí khiêu dâm ở giá trên cùng, với nhiều hình nữ không bọc giấy bóng kính đen cho 'kín đáo' như ở nước khác.

Phía dưới là nhiều báo thiên hữu in bìa đỏ và đen, lẫn vào vài chục đầu tạp chí làm vườn, nhà đẹp, mỹ phẩm, nấu ăn và chăm sóc sức khoẻ.

Mấy tuần báo về thời sự và chính luận tuyệt nhiên không thấy đâu.

Đi ra trong thất vọng, tôi va phải ông Wojtek, doanh nhân đang nổi lên chiếm dần các cơ sở làm ăn trong làng.

Khách sạn chúng tôi thuê phòng cũng là của ông, tiệm bán bánh ngọt góc phố, và sân tennis trong làng cũng của ông.

Tôi phàn nàn về chuyện tờ Newsweek bản tiếng Ba Lan và tờ Polityka không được phân phối đến nơi hẻo lánh này.

Ông Wojtek nhìn quanh, kéo tôi sang một bên rồi hạ giọng:

"Nếu ông muốn mua hai tờ báo đó, để tôi nhắn tin người ta sẽ mang đến riêng cho hai số vào trưa mai nhé."

Rồi ông giải thích: "chính quyền và các vị giám mục ghét hai tờ đó, cho là 'chống dân tộc Ba Lan', nên người ta không phân phối đến đây nữa".

"Tức là báo bị cho vào sổ đen, hệt như trước 1989?"

Pobierowo
Chụp lại hình ảnh,

Căn nhà lộn ngược ở Pobierowo, vùng biển Baltic. Nhiều thị trấn Ba Lan thích dựng những ngôi nhà kiểu này, như một cách nói về xã hội thay đổi?

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,

Đường phố vùng bờ biển Ba Lan

"Không hẳn vậy, chỉ là lệnh miệng thôi, báo cứ in ra nhưng người ta bảo không nên bán. Một số trạm xăng cũng làm theo rồi, còn ở các thành phố lớn thì vẫn bình thường."

Rồi ông cho biết thêm là một tạp chí biếm họa có tranh vẽ về linh mục, cũng bị Giáo hội nhắn là không nên bán, nên các sạp báo không nhận nữa.

Mọi thứ có thể tan biến?

Đi dạo thêm một vòng quanh làng cho khỏi hết ngỡ ngàng vì phải 'đặt báo chui', tôi nhớ chuyện 'vật đổi sao dời' không lạ với vùng đất này.

Xin kể cho các bạn cùng biết.

Vùng biển Baltic phía Tây Ba Lan trước 1945 thuộc về Đức.

Ngay gần Pustkowo là một thị trấn nhỏ và đẹp: Pobierowo, mà người Đức gọi là Poberow.

Tại đó, trong cánh rừng thông ra biển có một 'di tích' không ai muốn nhắc đến: căn nhà nghỉ hè của Eva Braun, vợ Adolf Hitler, nay để cho đổ nát.

Đến vùng này tôi tìm hiểu thêm về tộc người Balt, mà cái tên được đặt cho biển Baltic.

Họ sống ở một dải đất từ vùng nay thuộc Mecklenburg-Vorpommern của Đức, qua tới Gdansk của Ba Lan (Danzig cũ) lên Lithuania, Latvia và Estonia về phía Đông.

Sau bị các vua Ba Lan và dòng tu Thánh chiến Teutonic chiếm đất, người Balt dần dần bị đồng hóa thành người Phổ (Preussen/Prusacy) hoặc người Ba Lan.

Chỉ còn Lithuania là giữ được nhiều nhất nét văn hóa và ngôn ngữ Balt.

Cảnh 'bãi bể nương dâu' đã làm biến mất cả một tộc người.

Những ngày cuối của Thế Chiến 2, quân Liên Xô và Ba Lan 'dân chủ nhân dân' tiến từ Belarus qua vùng này để đánh sang Rostock và vào Berlin.

Hàng vạn dân Đức lên tàu thủy chạy khỏi Vịnh Gdansk trốn về phía Tây.

Nhiều tàu thuyền bị Liên Xô bắn chìm.

Sau 1945, biên giới ở đây được hoạch định lại và dân bản địa gốc Đức bị trục xuất gần hết luôn.

So với những diễn biến long trời lở đất đó thì chuyện vài tờ báo Ba Lan phải 'chui vào bí mật' quả là không đáng kể.

Điều làm tôi hơi lo ngại là sức khoẻ tâm lý của một xã hội ngày càng trù phú gần 40 triệu dân giữa EU.

Ba Lan đang đi về đâu?

Ở Ba Lan, đảng cầm quyền Công lý và Pháp luật (PiS) do ông Jaroslaw Kaczynski lãnh đạo đang viết lại lịch sử.

Họ chọn một góc nhìn hẹp, dân tộc chủ nghĩa, bài xích Nga, EU và phát hiện ra nhiều 'kẻ thù' bên trong và bên ngoài.

Về cuộc chuyển đổi 1989-90, họ coi quá trình giải thể hệ thống XHCN một cách ôn hòa để chuyển sang dân chủ là một cú lừa đảo.

Thỏa hiệp giữa Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (cộng sản), và Công đoàn Đoàn kết ở Hội nghị Bàn tròn 1989, nay bị báo chí của PiS cho là một âm mưu.

Ba Lan

Nguồn hình ảnh, TVP

Chụp lại hình ảnh,

Duyệt binh ngày Độc lập ở Ba Lan - chính quyền hiện nay thường đề cao các 'võ công' của tầng lớp hiệp sỹ từ thời xưa của nền cộng hòa quý tộc Ba Lan

Lần lượt, các nhân vật có tên tuổi của Công đoàn Đoàn kết và phong trào dân chủ giai đoạn 1970-80 bị cho là "đặc tình của cộng sản".

Với những người cộng sản trong bộ máy an ninh, quân đội XHCN từng cởi mở chấp nhận chia sẻ quyền lực với Công đoàn Đoàn kết, PiS tìm cách hồi tố, hạ và tước quân hàm quân tịch kể cả khi đương sự đã qua đời.

Thực lòng mà nói, chế độ XHCN ở Ba Lan và Liên Xô khi đó phải tan rã vì người dân quá mệt mỏi, cả về thể xác lẫn tinh thần, và chỉ mong có gì đó tốt hơn.

Hoa Kỳ, EU đã dang rộng vòng tay cho Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc...nhận viện trợ, tái cấu trúc kinh tế và mở thị trường tiêu thụ.

Vào thời gian tôi sang Ba Lan mùa Thu năm 1989, con người mới XHCN kiểu Đông Âu (Homo Sovieticus) không còn muốn đóng vai trò lịch sử khó nhọc đó.

Một thế hệ trí thức mới đã hình thành, có đầu óc thoáng đãng hơn, khép lại cả quá khứ cộng sản và đấu tranh, không ai là 'công thần'.

Tôi đã có vinh dự được học từ các giáo sư như thế: Leszek Balcerowicz, Marek Safjan, Jadwiga Koralewicz, Daniel Grinberg...và nhiều người khác.

Trong ba thập niên, người ta có thể sống bình thường, không phải theo một khuôn mẫu, mô hình gì cả.

Sự đa dạng đầy màu sắc làm xã hội đẹp hơn, sáng tạo, năng động hơn.

Nhưng ngày nay, Đảng PiS có tham vọng tạo ra một thế hệ người Ba Lan mới, mà thực ra là rất cũ.

'Dobry Polak' (Người Ba Lan Tốt) nay là người nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa, bài xích, ân oán, theo Công giáo dòng nông thôn vị kỷ, mê tín.

Họ cũng muốn Ba Lan 'vĩ đại trở lại' bằng số dân, bất kể trình độ dân trí đó thế nào.

Để khuyến khích sinh đẻ và mua chuộc cử tri bình dân, PiS ra một chiêu rất đơn giản: trợ cấp tiền, gọi là 500 plus.

Người Ba Lan, và cả người Việt sống ở đó, cứ sinh con thứ nhì thì được ngay 500 zloty/tháng.

Khoản tiền bằng 140 USD một tháng sẽ được nhân đôi nếu nhà có thêm một em bé.

Ba Lan

Nguồn hình ảnh, Sean Gallup

Chụp lại hình ảnh,

Một sạp báo ở Ba Lan - hình tư liệu chụp ở Krakow năm 2004 khi tờ tạp chí tin tức Newsweek của Hoa Kỳ phát hành bản tiếng Ba Lan đầu tiên

Ba Lan

Nguồn hình ảnh, NurPhoto

Chụp lại hình ảnh,

Ba Lan sắp tròn 30 năm dân chủ

Đột nhiên, hàng chục vạn gia đình Ba Lan không cần làm gì nhiều, chỉ cần đẻ ba con là đủ sống.

Ba Lan như đang quay lại những năm 1918-35, khi vừa giành lại độc lập sau 123 năm mất nước nên người ta cố đề cao bản sắc dân tộc một cách ít bao dung.

Nhìn rộng ra, đây còn là một trào lưu trên toàn châu Âu.

Chủ nghĩa dân tộc quay lại cả ở Nga, Czech, Hungary, Đức và gần đây nhất là Thụy Điển, Hà Lan và Anh Quốc.

Nhưng điều mang tính đặc thù Ba Lan là hiện tượng kiểm duyệt truyền thông khá thô thiển mà cứ nhân danh các giá trị rất tốt đẹp.

Sách báo, truyền hình, truyền thanh bỗng nhiên bị thanh lọc để phù hợp với nhãn quan mới.

Một số nhà báo hàng đầu bị đuổi việc bằng thủ thuật mang tính hợp đồng.

Cùng lúc, thanh thiếu niên được khuyến khích dùng các biểu tượng nhắc lại cuộc chiến chống phát-xít Đức, chống Liên Xô và chống Hồi giáo.

Trên làn da trắng muốt của không ít cô gái Ba Lan nay là các hình xăm thánh giá, đại bàng, gươm Chrobry bảo vệ Ki Tô giáo, mỏ neo 'Ba Lan chiến đấu' - Polska Walczaca.

Thông điệp ngầm là chống lại sự xâm lăng Hồi giáo dù Ba Lan không nhận bao nhiêu số tỵ nạn từ Trung Đông.

Trên thực tế có một nhóm nhỏ người Syria chính phủ Ba Lan miễn cưỡng nhận vào thì sau đó đã bỏ sang Đức.

Vẫn không tránh khỏi toàn cầu hóa

Ba thập niên sau chuyển đổi chế độ thành công trong ôn hòa, Ba Lan trở thành nền kinh tế 550 tỷ USD, và mức sống cao hơn nhiều so với trước.

Chính tăng trưởng kinh tế rất tốt - Ba Lan được cho là 'động lực tăng trưởng châu Âu - 4,2% năm 2018 - làm cho thị trường lao động phức tạp hơn.

Cả triệu người Ba Lan di cư sang Tây Âu định cư, làm ăn, tạo lỗ hổng trên thị trường lao động mà dân Ukraine, và cả người châu Á dần lấp vào.

Ba Lan cũng nhận thêm lao động Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Philippines, và Việt Nam.

Hàng vạn người từ bên ngoài châu Âu bỗng xuất hiện ở cả tỉnh xa của Ba Lan, nơi hàng chục năm qua dân chúng đa số là thuần chủng.

Khác với các khu xóm nghèo ngoại ô Paris, London thường phức tạp về sắc tộc, chủng tộc và dễ có va chạm 'đen - trắng', 'Hồi giáo -Thiên Chúa giáo', Ba Lan chưa hề có những khu vực toàn người nhập cư sống với nhau.

Vấn đề kinh tế thuần tuý: lao động nhập cư vì thị trường thiếu nhân công, đang biến thành vấn đề chính trị.

Dù thái độ thù nghịch bị cánh hữu thổi lên, người Việt Nam có vẻ như chưa phải là mục tiêu hàng đầu cho các nhóm bài ngoại.

Tuy thế, tôi thấy có dân biểu Quốc hội Piotr Krzysztof Liroy-Marzec, người sùng bái Putin, đã công khai phản đối sự có mặt của người Việt.

Điều này có nghĩa rằng người Việt Nam, nhất là hàng nghìn người nhập cư theo đủ cách vài năm gần đây, vốn rất thiếu hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Ba Lan, qua hành xử vô ý thức sẽ dễ dàng gây bức xúc cho dân bản xứ.

Trở lại chuyện tìm mua báo ở làng quê vùng biển.

Cuối cùng thì ông Wojtech cũng chuyển cho tôi tờ Newsweek và Polityka.

Ông nháy mắt: "Tôi sống qua thời đại tướng (Jaruzelski) thì sẽ qua được cả thời ngài chủ tịch (prezes Kaczynski)."

Nghe vậy tôi cũng yên tâm hơn.

Nhưng trên đường đi về nhà nghỉ, không hiểu sao tôi đã cuộn cả hai tờ báo lại cầm cho kín đáo.

Thôi thì cứ 'cẩn tắc vô áy náy' trước con mắt những người dân địa phương mà tôi không rõ là đang ủng hộ phe phái nào.

Nhà báo Nguyễn Giang từng du học và làm việc ở Ba Lan từ cuối 1989 đến 1999 trước khi sang định cư tại Anh Quốc.

Xem bài cùng tác giả: