29.2.24

Đọc lại Tư bản (V): Chương 4 - Sự sùng bái hình thái giá trị

Trần Hải Hạc

Đọc lại Tư bản (V)

LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ - DỊCH GIẢ

Trần Hải Hạc (1945-)

Năm 2003, công trình nghiên cứu Pháp ngữ Relire Le Capital. Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique của Trần Hải Hạc ra mắt ở nhà xuất bản Page Deux (Lausanne, Thụy Sĩ) và gồm hai tập sách (t.1, 397 trang; t.2, 366 tr.). Từ đầu năm 2021, với nhan đề Đọc lại Tư bản. Marx, phê phán chính trị kinh tế học và đối tượng của phê phán chính trị kinh tế học, bản dịch tiếng Việt do tác giả tự thực hiện được công bố từng phần trên trang Phân tích kinh tế.

Phần thứ năm (V) bao gồm những nội dung như sau:

Chương 4: Sự sùng bái hình thái giá trị

Mục lục

Xem các phần trước:

-          Đọc lại Tư bản (I)

-          Đọc lại Tư bản (II)

-          Đọc lại Tư bản (III)

-          Đọc lại Tư bản (IV)

Do không có đầy đủ bản Việt ngữ các trước tác của Marx, dịch giả chọn sử dụng bản Pháp ngữ của các tác phẩm và tự chuyển ngữ. Trong thư mục, các văn bản của Marx được xếp theo thứ tự năm xuất bản tác phẩm gốc hoặc năm Marx biên soạn bản thảo, tiếp theo là nhan đề tiếng Việt của tác phẩm và quy chiếu của văn bản tiếng Pháp. Đặt ở phía sau mỗi chương, các chú thích trích dẫn tác phẩm của Marx gồm có tên của văn bản Việt ngữ và quy chiếu đến văn bản Pháp ngữ.

Khi chuyển ngữ một số thuật ngữ của Marx chưa được thông dụng, lần đầu chúng tôi kèm theo từ Pháp ngữ trong dấu ngoặc đơn, đồng thời phía sau đây chúng tôi gom các thuật ngữ đó trong một bảng đối chiếu Việt - Pháp. Khi cần thiết, chúng tôi bổ sung bảng thuật ngữ với những chú giải về chọn lựa cách chuyển ngữ.

THUẬT NGỮ VIỆT–PHÁP

Hình thái giá trị / Hình thái của giá trị (Forme valeur / Forme de la valeur)Trong lý luận về giá trị, Marx phân biệt “hình thái giá trị” [forme valeur] và “hình thái của giá trị” [forme de la valeur]. Phạm trù “hình thái giá trị” chỉ giá trị với tính cách là hình thái xã hội, giá trị như là quan hệ xã hội lịch sử đặc thù. Phạm trù “hình thái của giá trị” [forme de la valeur] chỉ hình thái biểu hiện của giá trị hay hình thái hiện tượng của nó, tức hình thái tiền tệ của giá trị mà Marx còn gọi là “giá trị trao đổi” để phân biệt với “giá trị”. Sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng trong các văn bản của Tư bản, chẳng hạn như trong ấn bản đầu tiên của Quyển I năm 1867, cho nên trong ấn bản 1875, tức phiên bản tiếng Pháp, Marx đã phải đính chính khi trình bày hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi: “Nếu ở đoạn đầu chương này, theo cách nói thông thường, chúng tôi có nói: hàng hóa là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, thì xét theo nghĩa đen từng chữ, nói như vậy là sai. Hàng hóa là giá trị sử dụng hay vật hữu dụng, và là giá trị. Hàng hóa chỉ biểu hiện thành một vật hai mặt khi giá trị của nó có một hình thái hiện tượng riêng, khác với hình thái tự nhiên của nó, tức hình thái giá trị trao đổi”[1]. Còn trong Bản thảo 1861-1863, để tránh hiểu sai, Marx phải cảnh báo người đọc: “Khi chúng tôi sử dụng từ giá trị mà không có chi tiết gì khác thì bao giờ cũng nên hiểu là giá trị trao đổi”[2].

Ngoài ra, thuật ngữ Đức ngữ “Werthform” mà Marx dùng để trình bày hình thái của giá trị ở Quyển I không được chuyển ngữ một cách thống nhất trong các ấn bản tiếng Pháp của bộ Tư bản. Trong ấn bản tiếng Pháp 1875 do chính tay Marx chỉnh sửa, thuật ngữ được dịch là “forme de la valeur”; còn trong ấn bản sau cùng của nhà xuất bản Editions Sociales năm 1983, nó được được dịch là “forme-valeur” làm cho khó phân biệt phạm trù hình thái giá trị với phạm trù hình thái của giá trị[3].

Thâu gồm (Subsomption) - Trong triết học Kant, “thâu gồm” [subsomption] là đưa một đối tượng vào khái niệm của nó, đưa cái cá biệt vào cái phổ quát, theo nghĩa đặt nó vào quy luật của cái phổ quát. Marx vay mượn khái niệm này để phân tích các quan hệ về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông phân tích “sự thâu gồm của những cá nhân vào những giai cấp nhất định”[4]. Bộ Tư bản triển khai lý luận về “sự thâu gồm lao động vào tư bản” theo đó, trong mối quan hệ với tư bản, lao động chỉ tồn tại như là hình thái của tư bản; lao động không tồn tại như là hoạt động thể lực và trí lực mà người lao động tiến hành trong mọi phương thức sản xuất, nó trỏ hoạt động đặc thù của người làm công trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo nên giá trị thặng dư cho chủ tư bản. Theo nghĩa đó tư bản thâu gồm lao động như là hình thái của nó[5].

Trong các bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Sự Thật, thuật ngữ Đức ngữ “Subsumtion” được chuyển ngữ là: “sự phụ thuộc” của những cá nhân vào những giai cấp nhất định (Hệ tư tưởng Đức), “sự lệ thuộc” của lao động vào tư bản (Tư bản, Quyển I) hay “sự phục tùng” của lao động đối với tư bản (Bản thảo kinh tế những năm 1861-1863) – tức là chỉ nói lên một khía cạnh của nội dung khái niệm của Marx. Theo Trần Hữu Quang mà chúng tôi có tham khảo ý kiến, muốn diễn tả hết nội dung đó có lẽ cần tạo ra một thuật ngữ mới như là “sự hàm nhiếp” (hàm: bao hàm; nhiếp: thu lấy) đã xuất hiện trong từ điển Trung Quốc. Tạm thời, chúng tôi sử dụng cách chuyển ngữ đơn giản của Bùi Văn Nam Sơn là “sự thâu gồm” trong bản dịch Phê phán lý tính thuần túy của Kant (nxb Văn học, 2004, tr. 1231).

Tính khách thể, tính vật (Objectalité) - Bản thân tác giả của Tư bản đã gặp khó khăn khi chuyển ngữ thuật ngữ tiếng Đức “Gegenstandlichkeit” sang tiếng Pháp. Trong phiên bản Pháp ngữ 1875 của Quyển I do chính Marx kiểm tra việc dịch thuật, ông đã tránh né khó khăn trong Chương 1 bằng cách không chuyển ngữ mà dùng một từ khác là “réalité” [thực tế] để thay thế[6]. Trong các phiên bản Pháp ngữ về sau của Quyển I, các dịch giả đều chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “objectivité”[7] và gặp phải trở ngại là thuật ngữ này thường được dùng để chỉ “tính khách quan” đối lập với tính chủ quan [subjectivité].

Để khắc phục vấn đề đó, phiên bản Pháp ngữ mới nhất của Quyển I ở nxb Editions Sociales 2016 đã chọn thay “objectivité” bằng một từ tạo mới là “objectalité” để chỉ “tính vật” [le caractère d’objet][8]. Trong khảo cứu việt ngữ này, chúng tôi đề nghị chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “tính vật” hay là “tính khách thể”.

Bề ngoài giả hình: Fausse apparence

Bó buộc, cưỡng bức giá trị thặng dư: Contrainte à la survaleur, à la plus-value

Bó buộc tiền tệ: Contrainte monétaire

Cái biểu đạt - Cái được biểu đạt: Signifiant - Signifié

Cái phổ quát, phổ biến: Universel, généralité

Cảm giác - Siêu cảm giác: Sensible - Supra sensible

Chỉ số hóa: Indexation

Cụ thể hiện thực - Cụ thể trong tư duy: Concret réel - Concret de pensée

Cương vị lý luận: Statut théorique

Danh pháp: Nomenclature

Duy danh: Nominalisme

Duy hình thức: Formalisme

Duy kim loại: Métallisme

Duy lịch sử: Historicisme

Duy nhà nước: Etatisme

Duy thực thể: Substancialisme

Đè xẹp: Aplatissement

Đổi chác: Troc

Đúc tiền - Đặc quyền đúc tiền: Monnayage - Seigneuriage

Hợp thức hóa - Hợp thức hóa giả - Tiền-hợp thức hóa: Validation - Pseudo-validation - Anté-validation

Ký hiệu học: Sémiologie

Lãnh trường lý luận: Champ théorique

Lao động ngang bằng - Phép làm cho lao động ngang bằng: Travail égal - Égalisation des travaux

Loài - Tính loài: Genre - Générique

(theo) Ngôn từ hiện thực: En termes réels

Người mang quan hệ xã hội: Porteur du rapport social

Nhân loại học - Nhân loại luận: Anthropologie - Anthropologisme

Phái sinhDérivation

Phân đôi: Dédoublement

Phép phân nhỏ: Fractionnement

Quá trình phát sinh: Genèse

Quy chiếu đến - Cái quy chiếu: Se référer - référent

Sản phẩm thước đo: Numéraire (theo nghĩa của kinh tế học).

Siêu cấu trúc: Métastructure

Sùng bái / Tha hóa: Fétichisme / Aliénation

Sự bao phủ: Recouvrement

Thực tế / Hiện thực: Réalité / Réel

Thực thể: Etre

Thiết địnhPoser; position

Tiền giả địnhPrésupposer; présupposition

Tiền đúc: Numéraire (theo nghĩa của Marx)

Tính đẳng cầu: Isomorphie

Tính đồng chất: Homogénéité

Tính đồng nhất: Unité, homogénéité

Tính đồng đẳng: Homologie

Tính năng trao đổi - Tinh năng trao đổi trực tiếp: Echangeabilité - Echangeabilité immédiate;

Tính hai chiều: Ambivalence

Tính hai mặt: Dualité

Tính nhập nhằng: Ambiguité

Tính quy định - Quy định: Détermination - Déterminer

Tính thỏa dụng: Ophélimité

Tính thông ước: Commensurabilité

Trở thành độc lập - Độc lập: Autonomisation - Autonomie

Tuyệt đối luận: Absolutisme

Tương đối luận: Relativisne

Vật đỡ quan hệ xã hội: Support du rapport social

Vật hóa / Vật thể hóa: Objectivation / Réification

Xác định tiêu chuẩn giá cả: Etalonnage

Ý tưởng biến thành thực thể: Hypostase

 

* * *

 

Trần Hải Hạc

Đọc lại Tư bản (V)

CHƯƠNG 4

SỰ SÙNG BÁI HÌNH THÁI GIÁ TRỊ

Sùng bái hình thái giá trị - theo diễn giải của Marx - là “coi giá trị, nếu như không phải là thuộc tính của một vật cá biệt (được xét riêng ra), thì cũng là mối quan hệ giữa những vật với nhau - trong khi giá trị chỉ là biểu hiện trong các vật, chỉ là biểu hiện vật thể hóa của mối quan hệ giữa con người với nhau, của mối quan hệ xã hội, quan hệ của con người ta với hoạt động sản xuất qua lại của họ”[1]. Tính sùng bái vốn gắn với giá trị như là hình thái trong đó các tính quy định nội tại chỉ biểu hiện thông qua phức hợp của những tính quy định bên ngoài. Từ phép phân tích hình thái, quy chiếu một mặt đến mối quan hệ xã hội và mặt khác đến vật đỡ vật chất, chúng ta có thể làm sáng tỏ hai vấn đề tranh cãi trong Tư Bản Phần I.

1. Trước tiên là vấn đề phân tích sự sùng bái hàng hóa: ở đó tính bái vật không phải là một ảo giác chủ quan, mà là hình thái về tồn tại hiện thực, hình thái của hiện thực các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, do quan hệ đó chỉ tái sản xuất thông qua một hình thái khách thể [forme objet] và một hình thái chủ thể [forme sujet]. Quá trình về sự sùng bái [fétichisme] được cấu trúc hóa bởi những quan hệ của tính quy định hình thái: quan hệ sản xuất xã hội – hình thái khách thể – hình thái chủ thể; nó biến thành quá trình về sự tha hóa [aliénation], một quan hệ đảo ngược chủ thể và khách thể, khi tính quy định nội tại của quan hệ sản xuất xã hội biến mất trong hình thái của quan hệ. (Tiết 41)

2. Vượt qua sự sùng bái là vấn đề phân tích mâu thuẫn của hàng hóa: ở đó tính mâu thuẫn xuất phát từ cương vị vừa bên trong - bên ngoài của vật đỡ đối với mối quan hệ khi phân tích hình thái của nó. Mâu thuẫn giữa giá trị – giá trị sử dụng, quy chiếu một mặt đến mâu thuẫn lao động trừu tượng – cụ thể và mặt khác đến mâu thuẫn tiền tệ – hàng hóa, biểu hiện các mối quan hệ tư bản chủ nghĩa về sản xuất; các mâu thuẫn ấy được gọi là “hình thức” và mang tính hình thái, theo nghĩa chúng thiết định khả năng khủng hoảng, và xác định hình thái của khủng hoảng (Tiết 4.2).

Tiết 41:

HÌNH THÁI KHÁCH THỂ VÀ HÌNH THÁI CHỦ THỂ

“Các hàng hóa không thể tự mình đi tới thị trường và trao đổi lẫn nhau được. Vậy chúng ta phải quay sang phía những người nắm giữ chúng, những kẻ sở hữu hàng hóa”. Chương 2 của Tư bản, với nhan đề “Quá trình trao đổi”[2], mở đầu như thế. Bằng cách đó, tác giả Tư bản nói rõ với độc giả rằng Tiết 4 “Tính bái vật của hàng hóa” chấm dứt Chương 1 không hề kết thúc phép phân tích hàng hóa; rằng không thể giới hạn phân tích này vào các vật trao đổi mà nó còn phải bao gồm các cá nhân trao đổi. Và như hình thái giá trị xác định một tính vật, một hình thái về khách thể [forme d’objectalité], nó cũng xác định một tính cách cá nhân, một hình thái về cá thể [forme d’individualité]. Một mặt - và Chương 1 Tư bản làm rõ điều này -, có quá trình khách thể hóa các quan hệ xã hội, biến sản phẩm lao động thành những vật kinh tế. “Mối quan hệ xã hội của những người sản xuất đối với toàn bộ lao động được họ hình dung như là mối quan hệ xã hội của các vật nằm ở bên ngoài họ. Do có quid pro quo [ngộ nhận] này mà những sản phẩm lao động trở thành hàng hóa, thành những vật vừa cảm giác được, vừa siêu cảm giác [sensible suprasensible], hay là những vật xã hội”[3]. Mặt khác - và đó là nội dung Chương 2 Tư bản -, có quá trình “nhân cách hóa các quan hệ kinh tế”, biến những cá nhân thành chủ thể kinh tế. “Ở đây, những con người chỉ quan hệ với nhau khi họ đặt những vật nào đó trong quan hệ với nhau như là hàng hóa. Họ chỉ tồn tại đối với nhau với tư cách là kẻ đại biểu cho thứ hàng hóa mà họ sở hữu”[4].

Khách thể hóa và nhân cách hóa các quan hệ xã hội về sản xuất là quá trình hai mặt cần được làm rõ để phân tích “tính bái vật gắn liền với những sản phẩm của lao động khi sản phẩm này biểu hiện ra là hàng hóa”[5]. Nó giải thích vì sao sự vận hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bao hàm sự sùng bái, trong chừng mực tái sản xuất các quan hệ sản xuất xã hội được tiến hành qua một hình thái khách thể (§ 411) và một hình thái chủ thể (§ 412). Nó cũng lý giải vì sao phải phân biệt quá trình sùng bái mà cấu trúc là quan hệ sản xuất – hình thái khách thể – hình thái chủ thể của bộ Tư bản, và quá trình tha hóa với cấu trúc quan hệ khách thể – chủ thể trong văn bản của Marx thời trẻ (§ 413).

 

§ 411- Hình thái về khách thể và sự sung bái

Khi đặt vấn đề tồn tại của giá trị, chúng tôi đã chỉ ra rằng giá trị là một hình thái đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa: bởi trong quan hệ này, tính quy định xã hội (được xác định qua thể thống nhất của hai mặt đối lập lao động trừu tượng – cụ thể) mang hình thái của một thuộc tính gắn liền với sản phẩm của lao động; cho nên sản phẩm lao động chuyển hóa thành hàng hóa, thành một vật đỡ những quan hệ xã hội về sản xuất nhất định, thành vật xã hội vừa cảm giác được, vừa siêu cảm giác, hay là khách thể kinh tế [objet économique][6]. Trong chừng mực các quan hệ sản xuất xã hội chỉ biểu hiện dưới một hình thái khách thể, hình thái biểu hiện này cũng là một hình thái che lấp. Nói cách khác, các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chi tồn tại và có thực tế trong một hình thái che đậy chúng. Như vậy, “từ một quan hệ xã hội, tư bản ngày càng chuyển thành một vật, nhưng là một vật đã mang trong nó, đã sáp nhập vào nó một quan hệ xã hội - thành một vật có cuộc sống và tính độc lập giả tưởng, thành một thực thể vừa cảm giác được, vừa siêu cảm giác”. Marx nhấn mạnh: “Đó là hình thái thực tế của nó, hay nói đúng hơn là hình thái tồn tại hiện thực của nó. Và đó cũng là hình thái dưới đó tư bản sống trong ý thức của những người mang nó, của các nhà tư bản, và được phản ánh trong những quan niệm của họ”[7].

Rồi khi nêu vấn đề biểu hiện của giá trị, chúng tôi đã thấy rằng giá trị của một hàng hóa - do không thể biểu hiện trong hình thái giá trị sử dụng của bản thân nó - cần có sự tách đôi hàng hóa – tiền tệ [dédoublement marchandise – monnaie]: đó là quá trình cấu thành hình thái giá cả [forme prix] như là hình thái đã trở nên độc lập [forme autonomisée] của giá tri; với tính cách trở thành độc lập [autonomisation] đó, giá trị đạt tới hình thái biểu hiện thích đáng của nó bằng một quá trình triển khai hình thái có hiệu ứng che khuất tính quy định cơ bản của giá trị và cắt rời giá cả ra khỏi giá trị[8]. Marx nhận xét rằng quá trình cấu thành hình thái của giá trị như đã tan biến trong kết quả của nó: “Sự vận động trung gian đã biến mất ngay trong kết quả của bản thân nó và không để lại một dấu vết nào cả”[9]. Quá trình cấu thành như tan đi trong hình thái mà nó tạo nên. Nói cách khác, hình thái - khi đã hoàn thành - xóa mất quá trình này bằng cách đảo ngược nó. “Cái hình thái đã hoàn thành của những quan hệ kinh tế, như nó biểu hiện ra ngoài trong sự tồn tại hiện thực của nó, do đó cũng biểu hiện ra trong quan niệm của những người mang và đại biểu những quan hệ ấy, khi họ tìm cách hiểu những quan hệ ấy, - cái hình thái đó khác rất xa với cái nội dung cơ bản nội tại, song bị che giấu đi, của những quan hệ ấy, khác rất xa với cái khái niệm tương ứng với nội dung đó và trên thực tế, nó còn ngược lại, là cái trái hẳn với nội dung đó”[10]. Cho nên “một hàng hóa tựa như không trở thành tiền tệ vì các các hàng hóa khác dùng nó để biểu hiện giá trị lẫn nhau; trái hẳn lại, hình như các hàng hóa này dùng nó để biểu hiện giá trị của mình, vì nó là tiền tệ”[11].

Như vậy, hình thái của giá trị là hình thái tồn tại của những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ trong nghĩa và theo phương thức hình thái đó che giấu và đảo ngược các mối quan hệ ấy. Hiệu ứng che giấu và đảo ngược này, gắn với quá trình cấu thành hình thái của giá trị, là cơ sở của sự sùng bái giá trị trao đổi, “biến tính chất xã hội kinh tế mà quá trình sản xuất xã hội mang lại cho các vật, thành một tính chất tự nhiên bắt nguồn từ bản chất vật thể của các vật”[12]. Việc không nhận thức tính chất vừa cảm giác được, vừa siêu cảm giác của vật kinh tế (tức cương vị hình thái quan hệ xã hội nhất định của nó) khiến các vật kinh tế hiện ra như là vật thuần cảm giác được; và biến thành thuộc tính tự nhiên của các vật cái thật ra chỉ là sự vật hóa, khách thể hóa một quan hệ xã hội. Hàng hóa hiện ra là vật có giá trị như là một thuộc tính mà nó sở hữu một cách tự nhiên, và cho phép các hàng hóa trao đổi với nhau theo những tỷ lệ nhất định. Đấy là vì người ta không nắm lấy giá trị trao đổi như là hình thái của giá trị, và hệ quả là cắt đứt tiền tệ và giá cả ra khỏi nền tảng giá trị của chúng, tức ra khỏi các quan hệ xã hội mà tiền tệ và giá cả là biểu hiện: thay vì là giá trị, hàng hóa chỉ có giá trị trao đổi, chỉ có giá cả. Thế thì hàng hóa khẳng định sự tồn tại độc lập với các quan hệ xã hội và các cá nhân hoạt động trong quan hệ đó. Các vật kinh tế không những đạt vị thế độc lập, mà còn đoạt ưu thế trên các cá nhân - các cá nhân này không những không thể chi phối sự vận động của vật mà ngược lại chịu sự chi phối của nó. Các đại lượng giá trị không ngừng thay đổi độc lập với nguyện vọng, dự kiến và hoạt động của những người trao đổi sản phẩm. Đối với những người này, sự vận động xã hội của bản thân họ lai mang hình thái một sự vận động của các vật, sự vận động này chi phối họ chứ không phải họ chi phối nó”[13].

Cần thiết xác định ở đây một công thức trong Tư Bản theo đó quy luật giá trị là “quy luật mang tính tự nhiên”[14]. Đối với Marx, quy luật giá trị dĩ nhiên không thể là quy luật tự nhiên. Song, đối với các cá nhận sinh hoạt trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quy luật giá trị hiện ra “như là” một quy luật tự nhiên theo nghĩa nó biểu hiển ra như là một quy luật khách quan, mù quáng: “Quy luật giá trị tác động như một quy luật nội tại và, đối với các tác nhân khác nhau, như là một quy luật tự nhiên, mù quáng”[15]. Nó tự khẳng định “dưới hình thái một quy luật tự nhiên có sức mạnh áp đảo, đối lập với tự do ý chí của các tác nhân”[16]. Nói khác đi, chính sự sùng bái làm cho quy luật giá trị thành một quy luật tự nhiên.[17]

1. Sự sùng bái của hình thái giá trị xác định cấp độ nhận thức “thực tế” [réalité] đối lập với cấp độ nhận thức “hiện thực" [réel]; nói cách khác, sự sùng bái xác định một sự vận động bề ngoài, thấy được của sự vật, sự kết nối bên ngoài đối lập với sự vận động hiện thực, cơ bản, sự kết nối bên trong. Đối với Marx, sự sùng bái chỉ trỏ một phương thức tồn tại của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, hình thái thực tế của chúng. Hay nói cách khác, sự sùng bái cấu thành thực tế: đó là “một sự lừa phỉnh không phải tưởng tượng mà là một thực tế tầm thường, đặc điểm của tất cả các hình thái xã hội về lao động tạo nên giá trị trao đổi”[18]. Trong thực tế, việc “gán tác động của một hình thái xã hội nhất định của lao động cho những vật, những sản phẩm của lao động” không phải là “một ảo tưởng thuần chủ quan” - Marx nói: “phương thức thể hiện này xuất phát từ bản thân mối quan hệ hiện thực”[19]. Đối với những người sản xuất hàng hóa, “các quan hệ xã hội giữa lao động tư nhân của họ trên thực tế như thế nào thì hiện ra như thế ấy, nghĩa là chúng không thể hiện thành những quan hệ xã hội trực tiếp giữa những con người với nhau trong lao động của họ, mà thể hiện thành quan hệ vật thể hóa giữa người ta với nhau và thành những quan hệ xã hội giữa vật với vật”[20]. Nói cách khác, việc chuyển hóa các quan hệ xã hội thành thuộc tính gán cho vật không phải chỉ là sự chủ quan, mà là một thực tế đối với các cá nhân hoạt động trong quan hệ đó. Nó là một ảo tưởng mang tính khách quan, theo nghĩa sự sùng bái cấu thành thực tế hiệu dụng của quy luật giá trị; cho nên việc phát hiện hình thái giá trị không hề xóa tan biểu hiện tính chất xã hội của lao động dưới hình thái vật hóa. Hình thái giá trị, trước cũng như sau phát hiện này, hiện ra như không có thay đổi - “giống như hình thái thể hơi của không khí vẫn không có gì thay đổi trước cũng như sau khi phát hiện ra các nguyên tố hóa học của không khí”[21].

2. Chính trị kinh tế học là nạn nhân của sự sùng bái hình thái giá trị ở hai mặt. Một mặt, khi nó quy các tính quy định xã hội của những quan hệ sản xuất vào những thuộc tính tự nhiên của đồ vật, chính trị kinh tế học lẫn lộn tính quy định hình thái và tính quy định vật chất của đồ vật, cho nên ở nó hiện tượng xã hội xuất phát từ hiện tượng vật chất (chẳng hạn như là khả năng tạo nên giá trị được gán cho thuộc tính vật chất - kỹ thuật của lao động có ích, của lao động với tính cách là tiêu hao năng lượng và hoạt động kỹ thuật). Mặc khác, do chính trị kinh tế học phú cho đồ vật một quyền lực xã hội, ở nó hiện tượng vật chất xuất phát từ hiện tượng xã hội (chẳng hạn như là tư bản, một hình thái xã hội nhất định về tư liệu sản sản xuất, được gán cho khả năng tăng năng suất lao động, là một thuộc tính kỹ thuật của tư liệu sản xuất)[22]. Nhầm lẫn thuộc tính của đồ vật với quan hệ sản xuất xã hội vật chất hóa dưới hình thái một vật thể, các nhà kinh tế tỏ ra “ngay thơ kinh ngạc (…) khi cái mà họ vừa mới xác định một cách thô sơ là một vật lại bỗng nhiên biến thành quan hệ xã hội trước mắt họ, và sau đó khi cái mà họ vừa xếp vào loại quan hệ xã hội lại trêu ngươi họ dưới hình thái một vật”[23]. Sai lầm - theo như tác giả Isaak Roubine có nhấn mạnh - không ở chỗ các nhà kinh tế học quan tâm đến các hình thái vật chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa: quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ vật chất hóa và biểu hiện trong hình thái quan hệ giữa vật với nhau, cho nên người ta chỉ có thể năm bắt và phân tích quan hệ đó dưới hình thái vật hóa. Sai lầm ở chỗ người ta không thấy phải tìm nguồn gốc của những hình thái vật chất này trong hình thái xã hội về sản xuất, chứ không phải trong các thuộc tính vật chất của những vật[24]; nói cách khác, người ta không thông hiểu hình thái vật thể [forme objet], tức cương vị vật đỡ [support] quan hệ sản xuất xã hội nhất định của những vật.

3. Quá trình qua đó mối quan hệ xã hội chuyển hóa thành vật, một vật trở nên độc lập [autonome] và trở thành quyền lực xã hội - quá trình này được Marx mô tả trong một văn bản khác của Tư Bản như là: “sự vật thể hóa [réification] những tính quy định xã hội của sản xuất, và sự chủ thể hóa [subjectivisation] các cơ sở vật chất của sản xuất, là những cái nói lên nét đặc trưng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”[25]. Các từ ngữ sử dụng ở đây không thể không gợi nhắc diễn từ nhân loại luận về sự tha hóa đảo ngược quan hệ chủ thể – khách thể, chủ thể trở thành khách thể của khách thể của nó. Song - như tác giả Jacques Rancière có nhấn mạnh - các thuật ngữ “vật thể hóa” và “chủ thể hóa” vận hành trong Tư Bản với nội hàm hoàn toàn khác các bản thảo 1843-1844. Bởi trong quá trình vật hóa quan hệ sản xuất xã hội, tính quy định xã hội của mối quan hệ bị quy vào thuộc tính vật chất của vật, nên tạo sự vật thể hóa của mối quan hệ. Và, vì vật làm vật đỡ quan hệ xã hội trở nên độc lập, cái vật trong đó mối quan hệ đã biến mất, hiện ra như một “chủ thể người máy” [automate], tạo nên sự chủ thể hóa của vật ấy. Trong quá trình chủ thể hóa này, vật như tậu được năng lực vận động của các quan hệ sản xuất, và nhờ năng khiếu vận động độc lập ấy mà vật khách thể tự xác lập là “chủ thể”. Trong quá trình đó, không hề có chủ thể nhân loại luận, bởi tương ứng với “sự chủ thể hóa của vật” trong Tư Bản là “sự vật thể hóa quan hệ sản xuất xã hội”, chứ không hề có “sự vật thể hóa con người”[26].

 

§ 412 - Hình thái về cá thể và quan hệ về hàng hóa

Khi các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cấu thành dưới hình thái giá trị, hình thái về quan hệ hàng hóa, chúng đồng thời quy định mối quan hệ về cá thể, quan hệ giữa các cá nhân với tính cách là chủ hàng hóa. Thật vậy, các cá nhân chỉ tồn tại và tiếp xúc với nhau với tư cách là đại biểu của hàng hóa mà họ sở hữu. Chính là thông qua những quan hệ giữa vật với nhau mà xã hội tác động lên động cơ cá thể, khiến các cá nhân ứng xử phù hợp với các quan hệ sản xuất. Sự nhập thân những cá nhân vào các quan hệ sản xuất xã hội, sự việc họ phục tùng các quan hệ xã hội đến từ hai tính quy định: 1) tính quy định hình thái kinh tế của các vật bởi những quan hệ sản xuất xã hội; 2) tính quy định quan hệ giữa cá nhân trong sản xuất bởi các vật kinh tế mà họ nắm giữ. Tất nhiên, các vật kinh tế chi phối những tương quan cá thể trong sản xuất chỉ vì vật kinh tế, với tính cách là hình thái, biểu hiện của quan hệ sản xuất xã hội. Được quy định từ trong động cơ và ứng xử, các cá nhân hành xử như là “đại biểu” [représentant] của những vật; nói cách khác, các cá nhân chẳng qua chỉ là “sự nhân cách hóa” [personnalisation] các quan hệ kinh tế. Với tư cách “người mang” [porteur] những chức năng nhất định do quan hệ sản xuất xã hội quy định, và tư cách “vật đỡ” [support] các quan hệ ấy, những cá nhân mang hình thái kinh tế về chủ thể, tự xác lập là chủ thể kinh tế.

1. Định nghĩa chủ thể kinh tế như là vật đỡ quan hệ kinh tế mang tính thiết yếu. Cùng một khái niệm “vật đỡ” được vận dụng để định nghĩa các hình thái khách thể và chủ thể cho thấy sự chuyển đổi và chỉnh lý về khái niệm mà Marx tiến hành giữa các văn bản thời trẻ và bộ Tư Bản.[27] Trong những bản thảo 1843-1844, phép phân tích quan hệ kinh tế được cấu trúc hóa bởi cặp chủ thể – khách thể; trong bộ Tư bản, nó được cấu trúc hóa bởi khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội, và khái niệm này một mặt quy định một chức năng về khách thể và mặt khác một chức năng về chủ thể. Trong bản tháo 1843-1844, chủ thể mang tính động lực, là nguyên lý cấu thành của khách thể; trong Tư Bản, tính động lực ở các quan hệ sản xuất xã hội, chủ thể cũng như khách thể ở đây chỉ là vật đỡ của các quan hệ ấy.

Hình thái chủ thể cấu thành cấp độ nhận thức “thực tế” [réalité], theo nghĩa chủ thể hàng hóa chỉ nắm bắt sự vận động bề ngoài, những nối kết bên ngoài (tức các quan hệ trao đổi hàng hóa) qua đó “sự vận động hiện thực” [mouvement réel], những nối kết bên trong (tức sự tái sản xuất quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa) được hiện thực hóa. Sự vận động hiện thực này, thông qua sự vận động bề ngoài, được chủ thể hàng hóa nội hiện như là động cơ hành động của nó. Từ đó, chủ thể tự khẳng định là chủ thể cấu thành, tự cho rằng tính chủ quan và hành vị của nó cấu thành sự vận động của thực tế. Do đó khái niệm chủ thể có hai mặt khách quan và chủ quan: 1) là hình thái chủ thể, hình thái của cá nhân phục tùng quan hệ sản xuất xã hội mà nó là vật đỡ; 2) là chủ thể tự do, cá nhân độc lập, theo nghĩa tác nhân thủ xướng, quyết định và chịu trách nhiệm hành vi của nó. Tính chất hai mặt của chủ thể được cấu thành / cấu thành [constitué / constituant] tương ứng với cương vi hai mặt của thực tế: 1) là sự vận động bề ngoài được quy định bởi sự tái sản xuất các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà nó là hình thái biểu hiện; 2) là sự vận động xuất phát từ “hành vi thuần nguyên tử luận” (atomistique) của chủ thể mà hoạt động cấu thành quá trình trao đổi kinh tế[28]. Và trong kích thước hai mặt của sự vận động thực tế, tính quy định kinh tế vĩ mô chỉ hiện thực hóa thông qua những hành vi kinh tế vi mô[29].

2. Trong tính chất hai mặt của khái niệm về chủ thể, chủ thể cấu thành [sujet constituant] lại là hình thái mà chủ thể được cấu thành [sujet constitué] mang trong ý thức của những cá nhân, tức ở cấp độ tư tưởng hệ. Đặc tính của hệ tư tưởng - theo như tác giả Louis Althusser đã nhấn mạnh - là chất vấn cá nhân như chủ thể để nó tự phục tùng quan hệ sản xuất xã hội, một sự phục tùng do nó tự thực hiện: “Chủ thể sở dĩ có chỉ là để phục tùng và để qua nó thực hiện sự phục tùng”[30]. Chương 2 Tư bản nói rõ là sự nhân cách hóa các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được tiến hành dưới hình thái của chủ thể pháp nhân [sujet de droit], qua hình thái của hệ tư tưởng pháp lý cấu trúc hóa bởi cặp phạm trù con người – đồ vật[31]. Theo Marx, các cá nhân được cấu thành chủ thể, thành “những con người độc lập” qua sự thừa nhận lẫn nhau tính “sở hữu chủ từ những vật có thể bán buôn”; mối tương quan của các cá nhân mang hình thái của “quan hệ pháp lý” là tương quan khế ước, “tương quan giữa những ý chí phản ánh mối quan hệ kinh tế”[32]. Bởi vì hàng hóa chỉ trao đổi qua trung gian của khế ước, “ở đây nhân tố pháp lý về con người bao hàm sự tự do của nó”[33].

Trong một văn bản của Bản thảo 1857-1858, Marx xác định trật tự hàng hóa là trật tự của sự bình đẳng và tự do của chủ thể. Quan hệ trao đổi hàng hóa thiết định tính bình đẳng của các cá nhân chủ thể với tư cách là người trao đổi: “Giữa các cá nhân tuyệt đối không có sự khác biệt” và “sự không khác biệt này là tính quy định kinh tế của họ”. Chính quan hệ tiền tệ thực hiện “bình đẳng hóa xã hội giữa các cá thể”, vì trong mối quan hệ đó, cá thể chỉ là “cá thể hóa tiền tệ”[34]. Song song, quan hệ trao đổi hàng hóa thiết định sự tự do của những cá thể thừa nhận nhau là chủ sở hữu: “Không cá thể nào chiếm đoạt sở hữu người khác bằng vũ lực”; “mỗi cá thể tự nguyện nhường bán sở hữu của nó”. Tất cả đều thực hiện lợi ích tư của mình chứ không phải một lợi ích chung nào đó, cho nên “lợi ích phổ quát chính là tính phổ quát của những lợi ích vị kỷ”[35]. Mặc dù “những tính quy định của pháp nhân, tức của cá nhân trao đổi” có xuất hiện trong pháp luật La Mã từ thời Cổ đại, chủ thể pháp nhân bình đẳng và tự do chỉ tự khẳng định với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bởi “bình đẳng và tự do không những được tôn trọng trong quan hệ trao đổi căn cứ trên giá trị trao đổi, mà trao đổi theo giá trị trao đổi còn là cơ sở hiện thực tạo nên mọi sự bình đẳng và mọi quyền tự do”[36]. Tất nhiên trong xã hội tư sản, con người cá thể không chỉ là người trao đổi hàng hóa mà còn là công dân, và trật tự dân chủ cũng thiết định nó là chủ thể pháp nhân bình đẳng và tự do[37]. Tuy nhiên, ở cấp độ phân tích hiện tại, chúng tôi chỉ chú tâm đến hình thái hàng hóa về cá thể[38].

Người ta tìm thấy ở tác giả Evgeny Pasukanis nỗ lực đầu tiên nhằm lý thuyết hóa mối tương quan giữa hình thái về khách thể giá trị và hình thái về chủ thể pháp nhân trong xã hội sản xuất hàng hóa: “Trong khi sản phẩm của lao động mang thuộc tính của hàng hóa và biến thành vật mang giá trị [porteur de valeur], con người trở thành chủ thể pháp lý và người mang những quyền [porteur de droits]”[39]. Tuy nhiên, phân tích của Pasukanis vấp phải vấn đề “tính nhị nguyên” [dualité] công và tư của pháp luật: một bên là quy phạm pháp lý nhà nước, tức là luật, và một bên là những tương quan pháp lý tư nhân cấu thành các hợp đồng về hàng hóa; nói cách khác, một bên là pháp luật như là quy chế có tính chất quyền uy, bó buộc bên ngoài, và một bên là pháp luật như là quyền tự chủ của chủ thể, quyền tự do của họ được đảm bảo. Pasukanis chọn luận điểm theo đó pháp luật bắt nguồn từ trong quan hệ vể hàng hóa, chứ không phải quan hệ về nhà nước: “Lô-gích của các khái niệm pháp lý tương ứng với lô-gích các quan hệ xã hội của một xã hội hàng hóa. Hệ thống pháp luật tư bắt rễ trong các quan hệ xã hội ấy chứ không phái trong sự hợp thức hóa của nhà nước”. Cho nên pháp luật công tiền giả định có pháp luật tư; pháp luật công chỉ là biểu hiện của pháp luật tư ở cấp độ nhà nước, nó chỉ là hình thái pháp chế của pháp luật tư: “Pháp luật công chỉ tồn tại như là phản ánh hình thái pháp lý tư trong phạm vi của tổ chức chính tri, nếu không thì nó không phải nói chung là luật nữa”[40]. Hay nói cách khác, chính là chủ thể pháp nhân, các tương quan pháp lý tư nhân sinh ra luật, chứ không phải ngược lại: “Chủ thể với tư cách là người mang và người nhận các ý đồ có thể, chuỗi các chủ thể kết nối bởi những ý đồ qua lại ấy, đó là cấu trúc pháp lý cơ bản tương ứng với cấu trúc kinh tế, tức là các quan hệ sản xuất của một xã hội căn cứ trên phân công lao động và trao đổi. Tổ chức xã hội có bó buộc, đó là tổng thể cụ thể chúng ta tiến tới sau khi quan niệm trước tiên quan hệ pháp lý trong hình thức đơn thuần nhất và đơn giản nhất của nó”[41].

Pasukanis có thể bảo vệ luận điểm trên chỉ vì tác giả quan niệm không đúng mối quan hệ trao đổi hàng hóa như một quan hệ hàng hóa – hàng hóa, trong khi, theo Marx, đó là một quan hệ đối cực hàng hóa – tiền tệ. Bởi khi trao đổi hàng hóa được quan niệm là quan hệ tiền tề thì phạm trù tiền tệ khẳng định một tính chất hai mặt nhà nước – tư nhân, tương tự như tính hai mặt công – tư của phạm trù pháp luật[42]. Tương tự như với phạm trù tiền tệ, phải nói đến tính chất hai chiều [ambivalence] của pháp luật, theo nghĩa: 1) pháp luật [droit] không chỉ quy giản vào luật [loi] mà còn có pháp luật tư được tư nhân phát ra một cách phi tập trung (cũng như tiền tệ không quy giản vào tiền tệ trung ương, mà còn có tiền tệ tư nhân phát hành phi tập trung); 2) nhưng để có hiệu lực, pháp luật tư này phải tuân theo luật mà hiệu ứng là “tiền hợp thức hóa” pháp luật do tư nhân phát ra (cũng như để có hiệu lực, tiền tệ tư nhân phải tuân theo tiền tệ trung ương mà hiệu ứng là tiền hợp thức hóa tiền tệ do tư nhân phát hành; 3) tuy nhiên, khi những người mang pháp luật tư mất tín nhiệm vào hiệu lực của nó thì tính chính đáng của luật bị đặt lại thành vấn đề (cũng như khi người mang tiền tệ tư nhân mất tín nhiệm vào hiệu lực của nó, tính chính đáng của tiền tệ pháp định bị đặt thành vấn đề). Do đó, chúng ta không thể tư duy các quan hệ pháp lý tư nhân nếu thiếu vắng một cấp bậc trung ương là nhà nước[43]. Điều đó có nghĩa là không thể giản lược quan niệm pháp luật như là một “phản ánh” của quan hệ trao đổi hàng hóa: trái lại, pháp luật là một điều kiện cấu thành của quan hệ hàng hóa[44].

3. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, con người cá thể được cấu thành chủ thể với tư cách là người mang những chức năng được quy định bởi quan hệ sản xuất, nó là “viên chức” [fonctionnaire] của các quan hệ đó[45]. Quy giản cá thể vào cương vị người mang chức năng này không phải do phép phân tích của Marx, mà là do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tiến hành. Thật vậy, phạm trù về chủ thể không chỉ trỏ “con người”, là một sự trừu tượng hóa vô định ngoài các quan hệ xã hội xác định nó; chủ thể luôn luôn là một hình thái về cá thể do quan hệ sản xuất xã hội sinh ra. Xuất phát từ chỗ con người “chỉ có thể cá thể hóa trong một xã hội”, Marx cho thấy xã hội tư sản sản sinh một hình thái đặc thù về cá thể - chủ thể, là “cá thể riêng rẽ” [individu isolé], một hình thái trong đó “các mối liên hệ xã hội thể hiện ra đối với cá thể như là công cụ để thực hiện những mục đích riêng của nó, như là một tất yếu bên ngoài”[46]. Như vậy, con người cấu thành cá thể là kết quả của quan hệ xã hội, con người cá thể hóa một cách khác nhau trong mỗi xã hội. Xã hội tư sản đặc thù ở phương thức sản sinh cá thể của nó, theo đó cá thể mang hình thái tư nhân: thông qua tiền tệ và pháp luật, những con người cảm nhận họ như là cá thể tự chủ, chủ thể độc lập, và họ hình dung các quan hề xã hội như là “một mối liên kết ở bên ngoài họ”, như là “công cụ khách thể hóa tính cá thể của họ”[47]. Thay vì nói lên đặc tính của một con người có tính loài [homme générique] nào đó, sự độc lập của cá thể, tính tư nhân của nó thể hiện một hình thái lịch sử về tính cá thể xã hội [individualité sociale], một hình thái về cá thể chịu phục tùng những quan hệ sản xuất xã hội nhất định. Tức không phải là một sự độc lập tự nó của các cá thể, mà là một sự độc lập hình thức, theo nghĩa sự độc lập của các cá thể ở đây là hình thái mang bởi sự phụ thuộc của họ[48]. Cũng không phải là một tính chất tư nhân tự nó của các cá thể, mà là một tính tư nhân hình thức, theo nghĩa tư nhân ở đây là hình thái mang bởi tính cá thể xã hội[49]. Theo Marx, tư cách người mua và bán hàng là “những tư cách xã hội nhất định, không hề bắt nguồn trong tính chất cá thể của con người nói chung, mà từ các quan hệ trao đổi giữa những con người sản xuất ra sản phẩm dưới hình thái hàng hóa”. Hình thái “cá thể riêng rẻ” ấy, trong đó tính cá thể xã hội quy giản vào tư cách mua và bán hàng, giải thích “con ngươi trừu tượng” [homme abstrait] mà chính trị kinh tế học đạo diễn. Do vậy mà Marx bác bỏ phê phán mang tính nhân văn của chính trị kinh tế học: “Nếu quan niệm các tư cách kinh tế tư sản của người mua và người bán như những hình thái xã hội vĩnh cửu của con người cá thể là điều ngớ ngẩn, thì than trách những tư cách kinh tế đó thủ tiêu tính cá thể ấy cũng sai lạc không kém. Các tư cách đó là biểu hiện tất yếu của tính cá thể ở một giai đoạn nhất định của quá trình sản xuất xã hội”[50].

 

§ 413 - Sùng bái và tha hóa

Để thông hiểu phân tích của Tư bản về sự sùng bái, chúng ta cần làm rõ cả hình thái khách thể lẫn hình thái chủ thể hợp thành hình thái giá trị. Theo Marx, sự sùng bái hình thái giá trị ở chỗ “hình thái này phản ánh cho con người ta thấy tính chất xã hội của lao động của bản thân họ như là một tính chất vật thể của chính ngay những sản phẩm lao động, như là những thuộc tính xã hội mà các vật đó tự nhiên vốn có; vì vậy cả mối quan hệ xã hội của những người sản xuất đối với toàn bộ lao động cũng được họ hình dung như là một mối quan hệ xã hội của các vật nằm ở bên ngoài họ”[51]. Sự sùng bái chỉ trỏ sự thực [le fait] theo đó, trong xã hội tư sản, các quan hệ sản xuất xã hội hiện ra đối với con người-chủ thể của quan hệ ấy như là những thuộc tính mà các vật vốn có. Sự sùng bái liên quan đến một cấu trúc gồm ba chứ không phải chỉ hai nhân tố: sự sùng bái không quy chiếu đến cặp chủ thể – khách thể; hay cặp quan hệ của con người với nhau – quan hệ của vật với nhau, như người ta thường trình bày. Nó liên quan đến cấu trúc ba nhân tố: quan hệ sản xuất xã hội – hình thái về khách thể – hình thái về chủ thể. “Hành vi thuần nguyên tử luận của những con người với nhau trong quá trình sản xuất xã hội, và hình thái vật thể của các quan hệ sản xuất xã hội của họ - hình thái này thoát khỏi sự kiểm soát của họ và hoạt động cá thể có ý thức của họ -, thể hiện ra trước hết ở chỗ sản phẩm lao động của họ mang một cách phổ quát hình thái hàng hóa” - tác giả Tư Bản viết ở đoạn kết thúc Chương 2 (song không có trong bản dịch tiếng Pháp xuất bản năm 1872)[52]. Theo Marx, sự sùng bái chỉ có đối với cá thể xác định bởi các quan hệ sản xuất xã hội ấy, chỉ “đối với con người nằm trong guồng máy và các quan hệ của nền sản xuất hàng hóa”[53]. Tức là các quan hệ xã hội biểu hiện ra như là thuộc tính của đồ vật chỉ trong quan điểm của cá thể được cầu thành chủ thể. Sự thực [le fait] của quan hệ xã hội mang hình thái của “một cái gì ở bên ngoài” con người là do bản thân con người ta mang hình thái của cá thể tự chủ, của “chủ thể độc lập”[54]. Hay nói cách khác, biểu hiện của quan hệ xã hội như là thực thể ở ngoài con người ta, như là đồ vật, tương liên với biểu hiện của con người như là cá thể tự chủ, chủ thể có tính “nguyên tử luận”. Mọi lẫn lộn giữa quan hệ xã hội với cá thể khiến cho phân tích về sùng bái trượt sang lý luận về tha hóa.

Có thể xác minh điều này qua ba phép đọc: trước tiên là phép đọc của Karel Kosik trong đó mối quan hệ xã hội được quan niệm từ những hình thái về cá thể xã hội; sau đó là phép đọc của Lucio Colletti trong đó mối quan hệ sản xuất xã hội được tư duy theo khái niệm về con người như là thực thể tự nhiên mang tính loài của các văn bản Marx thời trẻ; từ đó, ta có thể khảo sát một phép đọc những Bản thảo 1857-1858 mà tính loại suy trong trình bày với các Bản thảo 1844 cho phép chúng ta xác định lại vị trí của phân tích về sùng bái so với lý luận về tha hóa.

Georg Hegel (1770-1831)

I. Trong chừng mực người ta không thể định nghĩa con người tư nó, mà phải tùy theo những quan hệ sản xuất xã hội, câu hỏi chủ yếu do chính trị kinh tế học đặt ra, theo K. Kosik, không phải: “con người là gì?”; mà quả là: “con người phải có những năng lực nào để hệ thống tư bản chủ nghĩa có thể vận hành?”[55]. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống không ngừng chuyển hóa cá thể thành “người kinh tế” - “homo oeconomicus” mà chính trị kinh tế học luận bàn. Tuy nhiên, vì trong hình thái về cá thể này quá trình cấu thành nó đã tan biến, các nhà kinh tế học chỉ nhìn thấy trong con người homo oeconomicus một thứ “hư cấu thuần lý”, thậm chí một “biếm họa hữu ích”. Thật ra, con người homo oeconomicus chỉ là hư cấu hay biếm họa khi người ta xem nó như tồn tại độc lập với trật tự tư bản chủ nghĩa: “như là yếu tố của hệ thống, con người homo oeconomicus là một thực tế”[56]. Nói cách khác, chủ nghĩa tư bản chỉ giữ lại như “thực tế” con người các tính chất và năng lực của chủ thể mà hệ thống yêu cầu để vận hành, và nó không biết đến các năng lực và thiên hướng khác, coi như “phi hiện thực” khi chúng không ích lợi gì cho sự vận hành của hệ thống. Đó là điều các nhà kinh tế học không hiểu khi họ đi tìm cơ sở nhân loại luận của các phạm trù kinh tế trong tâm lý học của lợi ích cá thể. Phân tích của Kosik vạch rõ một sự thực [le fait] của chủ nghĩa tư bản là nó không chỉ phát triển của cải xã hội mà cả tính chất và những năng lực của con người có liên can đến hệ thống[57]. Người ta có thể hiểu rằng hình thái giá trị không biểu hiện sự vận động của những vật hoặc của những quan hệ xã hội tách rời khỏi những cá thể và ý thức của họ: “Các phạm trù kinh tế vận dụng ý thức của những cá thể như là những hình thái tồn tại và vận động của chúng”[58]. Nói cách khác: quá trình tái sản xuất các quan hệ sản xuất xã hội được tiến hành thông qua hình thái chủ thể.

Tuy nhiên, phép phân tích do Kosik triển khai mang một tính nhập nhằng do xu hướng của nó nắm bắt các quan hệ sản xuất xã hội thông qua một khái niệm về “hệ thống xã hội” hiểu như quan hệ liên chủ thể. “Một hệ thống có thể sinh ra từ hai cá thể. Hay chính xác hơn: mối tương quan giữa hai con người cấu thành mô hình sơ đẳng của một hệ thống xã hội”. Tác giả dẫn ra nhiều “mô hình cụ thể về những mối quan hệ con người được triển khải thành hệ thống”: người phụ nữ tự phụ và gã thương gia gian xảo của Mandeville, Jacques - người định mệnh cùng ông chủ của Diderot, ông chủ và kẻ nô lệ của Hegel[59]. Xu hướng của Kosik lẫn lộn các quan hệ sản xuất xã hội với những hình thái xã hội về cá thể biểu hiện khi tác giả đồng nhất hóa “sản xuất các quan hệ xã hội trong đó sản xuất được thực hiện” và “sản xuất con người với tính cách là thực thể xã hội lịch sử”[60]. Để minh chứng, tác giả dẫn mệnh đề của Marx theo đó “mọi hoạt động sản xuất đều là một sự vật thể hóa cá thể”. Để hiểu rõ mệnh đề này của Bản thảo 1857-1858, cần dẫn cả đoạn văn: “Mọi hoạt động sản xuất đều là một sự vật hóa cá thể. Nhưng ở dạng tiền tệ (dạng giá trị trao đổi), không phải là vật hóa cá thể trong tính quy định tự nhiên của nó, mà là cá thể được thiết định trong tính quy định (trong quan hệ) xã hội, đồng thời ở bên ngoài nó. […] Ở dạng tiền tệ, cộng đồng vừa là thuần trừu tượng, là một cái gì hoàn toàn ở bên ngoài và ngẫu nhiên đối với cá thể, và đồng thời là phương tiện thuần túy để thỏa mãn nó với tư cách là cá thể cá biệt riêng rẽ”[61]. Văn bản này không bàn về mối quan hệ sản xuất xã hội mà về hình thái cá thể tương ứng với hình thái giá trị, hình thái của cá thể “riêng rẽ”, “cá biệt” trong đó mối quan hệ xã hội mà tiền tệ biểu thị đối mặt với cá thể như một cái gì ở ngoài nó.

Song trong chừng mực cấp độ của quan hệ sản xuất xã hội bị gập xuống cấp độ của chủ thể, phân tích về sự sùng bái có thể bị đồng nhất hóa với lý luận về sự tha hóa, “phép biện chứng chủ thể – khách thể” cấu thành, theo Kosik, một cách đặt vấn đề chung của những Bản thảo 1844 và bộ Tư Bản. “Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, người ta chứng kiến một sự hoán vị đôi giữa cá thể và vật: một sự nhân cách hóa các vật và một sự vât thể hóa những con người” - Kosik nói và viết thêm: “Nếu cá thể (con người) hiện ra đầu tiên trong quan hệ sản xuất kinh tế như là nhân cách hóa sự vận động xã hội của các vật, và nếu ý thức biểu hiện như là người thực hiện (tác nhân) của sự vận động đó, thì phép phân tích làm tiêu tan bề ngoài hiện thực ấy và minh chứng rằng sự vận động xã hội của các vật chỉ là hình thái lịch sử của quan hệ giữa những con người, cũng như ý thức vật thể hóa chỉ là hình thái lịch sử của ý thức con người”[62]. Như vậy, phân tích sự sùng bái như “phép biện chứng cá biệt của con người và đồ vât” dẫn tới chỗ: 1) là nói đến sự“vật thể hóa các cá nhân” về vấn đề cấu thành hình thái khách thể, trong khi đối với Marx đó là sự vật thể hóa quan hệ sản xuất xã hội; 2) là chỉ thấy “sự nhân cách hóa các vật”, chủ thể hóa đồ vật, mà quên đi sự nhân cách hóa các quan hệ sản xuất xã hội, tức sự cấu thành của hình thái chủ thể. Trong phân tích của Kosik, các quan hệ sản xuất xã hội biến mất ở hai mặt, khỏi sự cấu thành của các khách thể kinh tế và khỏi sự cấu thành của các chủ thể kinh tế. Chí ít, đó là giá phải trả để có thể đưa sự sùng bái vào sơ đồ lý luận của sự tha hoa, như là sự đảo ngược chủ thể – khách thể.

II. Điều khiến không thể lẫn lộn lý luận về tha hóa với lý luận về sùng bái, chính là điều cơ bản phân biệt những bản thảo 1843-1844 của Marx trẻ với bộ Tư Bản: đó là sự vắng mặt có tính quyết định của khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội[63]. Nói cách khác, để đọc phân tích về sùng bái như nối tiếp phân tích về tha hóa thì phải - như Lucio Coletti - thiết định luận điểm ngược lại, theo đó: “khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội được xây dựng lần đầu tiên và quyết định trong các Bản thảo 1844 dưới hình dạng khái niệm về con người như là sinh vật tự nhiên có tính loài [être naturel générique]”[64]. Trong văn bản ấy, người ta đọc: “Bằng lao động bị tha hóa, con người không những sản sinh quan hệ của minh với vật và hành vi sản xuất như là những lực lượng xa lạ và đối địch với mình; mà con người còn sản sinh mối quan hệ của những người khác với sự sản xuất và sản phẩm của mình, và mối quan hệ của bản thân mình với những người khác ấy”. Hay là: “Quan hệ của công nhân với lao động sản sinh ra quan hệ của nhà tư bản, của người chủ lao động - hay tên gọi nào khác - với lao động ấy. Vậy thì sở hữu tư nhân là sản phẩm, là kết quả tất yếu của lao động bị tha hóa, của quan hệ bên ngoài của công nhân với giới tự nhiên và với bản thân mình”[65].

Các mệnh đề trên của Marx trẻ đặt trong bối cảnh của một chủ nghĩa nhân văn triết học tiếp nhận từ Feuerbach, theo đó con người được xác định bởi hai tính chất: “thực thể tự nhiên” [être naturel] và “thực thể có tính loài” [être générique]. 1) Nói rằng con người là một thực thể tự nhiên có nghĩa thực thể của con người là giới tự nhiên; tức con người là một thực thể khách quan trong các thực thể tự nhiên khác mà con người tùy thuộc - tóm lại, lý do tồn tại của con người ở bên ngoài nó[66]. 2) Nói rằng con người là một thực thể có tính loài có nghĩa đặc tính của con người không phải là một chủng loại [espèce] tự nhiên mà là loài [genre] của tất cả chủng loại tự nhiên; tức, con người là một thực thể phổ quát với tư cách là thực thể có ý thức, thực thể mà tư duy thâu tóm trong nó tất cả giới tự nhiên - tóm lại, tính loài có nghĩa rằng ý thức về vật là ý thức của con người về bản thân nó[67]. Theo Colletti, qua khái niệm về con người như là thực thể có tính loài, Marx khẳng định rằng không thể tách rời con người khỏi giới tự nhiên và đó là nền tảng của quan niệm duy vật lịch sử của ông. Một mặt, mối quan hệ của con người với giới tự nhiên là quan hệ của người với người: “mối quan hệ của con người với sự khác biệt khách quan thật ra là biểu hiện (thông qua tính khách thể) của con người đối với người khác; mặt khác, mối quan hệ của con người với con người là quan hệ của con người với giới tự nhiên: “mối quan hệ của con người với người khác, và do đó với chủng loại của nó hay với bản thân nó, bao hàm rằng con người (thực thể có bản thể ở ngoài nó) muốn quy chiếu đến bản thân nó thì phải quy chiếu đến một thực thể khác không phải là thực thể con người”. Khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội chỉ là sự triển khai tương quan hai mặt đó. “Bởi quan hệ của con người với tự nhiên xuất hiện đồng thời như quan hệ giữa người với người, sản xuất nhất thiết biểu lộ là quan hệ xã hội”. Theo nghĩa đó, sản xuất là “truyền thông mang tính liên chủ thể [communication intersubjective]”[68].

Do xuất phát từ cách đặt vấn đề của những Bản thảo 1844, Colletti không thể làm gì khác hơn là giải khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội trong bản thể con người, tức trong một tính xã hội tự nhiên và mang tính loài. Cách đặt vấn đề này thiết định một mặt tính đồng nhất của xã hội và tự nhiên: “bản thể con người của tự nhiên hay bản thể tự nhiên của con người […], thực tế xã hội của tự nhiên và những khoa học tự nhiên về con người đều là những cụm từ đồng nhất”[69]. Người ta có thể nghĩ rằng quan niềm này về tính thống nhất của xã hội và tự nhiên báo trước thuyết trình của bộ Tư Bản trong đó Marx phân tích thể thống nhất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với các lực lượng sản xuất mà quan hệ sản xuất xã hội này thâu gồm [subsomption]. Thật ra, trong trường hợp thứ nhất, tính thống nhất đến từ bản thể của con người: quan hệ giữa con người với nhau = quan hệ của con người và tự nhiên. Trong khi tính thống nhất của trường hợp thứ hai - như chúng ta về sau sẽ thấy - đến từ phép phân tích hình thái: với tư cách là quan hệ sản xuất xã hội, tư bản vật chất hóa trong hình thái của lực lượng sản xuất[70].

Adolph Wagner (1835-1917)

Mặt khác, những Bản thảo 1844 thiết định tính đồng nhất của xã hội và cá thể. “Tôi mang tính xã hội bởi vì tôi hành động như một con người” - Marx trẻ tuyên bố: “Ta lại phải tránh định hình xã hội như một sự trừu tượng đối mặt với cá thể. Cá thể là thực thể xã hội. […] Đời sống cá thể và đời sống loài của con người không có khác biệt”[71]. Phương pháp luận của bộ Tư bản đối lập với cách đặt vấn đề đó: “Phương pháp phân tích của tôi không khởi đi từ con người, mà từ một thời kỳ xã hội kinh tế nhất định” - Marx xác định trong Những ghi chú bên lề sách của Wagner là văn bản phê phán triệt để các phạm trù kinh tế hiểu như là phạm trù nhân loại luận[72]. Và trong phiên bản nguyên thủy 1858 của Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Marx lật ngược mệnh đề 1844 về “cá thể là thực thể xã hội” để khẳng định “các điều kiện tiên quyết không do ý chí của cá thể, cũng không do bản thể trực tiếp của nó sinh ra, mà do các điều kiện và quan hệ lịch sử khiến cá thể là một thực thể xã hội được xã hội quy định”[73]. Và chống lại quan niệm cấu thành xã hội từ cá thể và tính chủ thể của nó, các Bản thảo 1857-1858 khẳng định: “Xã hôi không phải gồm các cá thể, mà biểu hiện tổng số những mối liên hệ, những quan hệ của các cá thể đối với nhau”[74]. Như chúng ta biết, Marx đoạn giao với cách đặt vấn đề trước đây của Feuerbach từ văn bản 1845 Luận cương về Feuerbach mà luận điểm thứ 6 là sự tự phê bình: “Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá thể cá biệt. Trong hiện thực của nó, đó là tập hợp những quan hệ xã hội”[75]. Nói cách khác, cá thể không được định nghĩa bởi một bản chất con người, bằng một thực thể xã hội có tính tự nhiên và tính loài, mà bởi những quan hệ sản xuất xã hội quy định cá thể như là một hình thái lịch sử về thực thể xã hội - điều mà luận điểm của Colletti không hề kể đến. Bản thân khái niệm về quan hệ sản xuất xã hội là sự phủ định khái niệm về thực thể xã hội có tính loài.

David Ricardo (1772-1823)

Khi đồng nhất hóa quan hệ “xã hội” với quan hệ “con người”, quan hệ “liên chủ thể”, Colletti lẫn lôn, như Marx trẻ, hai cấp độ phân tích mà bộ Tư bản phân biệt rõ ràng: cấp độ của các quan hệ sản xuất xã hội là các quan hệ giai cấp, và cấp độ của các hình thái về chủ thể, của các cá thể là “vật đỡ những quan hệ giai cấp nhất định”[76]. Chỉ khi nó đoạn giao với quan niệm triết học cho rằng “Loài hay Con người đã phát triển trong các cá thể” thì phép phân tích của Marx, từ Hệ tư tưởng Đức trở đi, mới thiết định được “sự phụ thuộc của các cá thể vào những giai cấp nhất định”[77]. Việc sản sinh khái niệm quan hệ sản xuất xã hội với tính cách là quan hệ giai cấp đánh dấu ở Marx sự từ bỏ cách đặt vấn đề về bản thể con người và sự tha hóa của nó, và sự đăng quang cách đặt vấn đề về hình thái giá trị và tính sùng bái nó. Hẵn là sự “sản sinh”, sự “từ bỏ” và tương liên là sự “đăng quang” ấy xảy ra vào những năm 1845-1846 chỉ khẳng định từng bước. Văn bản bản lề là Hệ tư tưởng Đức cho thấy điều đó: 1) khái niệm quan hệ sản xuất xã hội quả xuất hiện lần đầu tiên, nhưng là dưới hình dáng còn chung chung của sự trao đổi, “hình thái của những trao đổi”, “phương thức trao đổi” của những con người với nhau - thuật ngữ này không cấm cản một lối diễn giải mang tính liên chủ thể, và đưa đến tư duy quan hệ sản xuất xã hội dưới hình thái mà nó mang trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa[78]; 2) lý luận về sự tha hóa của bản thể con người quả bị phủ định như là lừa phỉnh triết học, trong khi sự tồn tại của tha hóa được lý giải bởi sự phân công lao động gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp - việc duy trì thuật ngữ tha hóa được kèm theo chú thích “nếu tạm thời ta sử dụng thuật ngữ triết học ấy” hay “dùng từ đó để cho các nhà triết học dễ hiểu trình bày của chúng tôi”[79]; 3) thuyết về giá trị cũng lần đâu tiên xuất hiện, tuy không được trình bày rõ ràng mà chi nêu lên khi bàn về tiền tê - vả chăng đó là thuyết về giá trị-lao động của Ricardo[80]. Sự đứt doạn không phải vì thế mà không hiển nhiên, nó không cho phép xem xét sự sùng bái vốn gắn với hình thái giá trị như một sự triển khai của thuyết về tha hóa bản thể con người. Bảo vệ luận điểm về tính độc nhất của đề án lý luận của Marx, Colletti lấy sự “phi sùng bái hóa” [défétichisation] các phạm trù kinh tế làm sợi chỉ phê phán chính trị kinh tế học từ những Bản thảo 1844 đến bộ Tư Bản. Sở dĩ Colletti có thể khẳng định điều ấy là vì ông định nghĩa sự phi sùng bái hóa như là sự “phát hiện lại dần dần tính chủ thể của con người tha hóa” dưới tính khách thể của các phạm trù kinh tế - một định nghĩa chủ thể luận quả nằm trong khuôn khổ lý luận về tha hóa, nhưng không thể ở trong khuôn khổ lý luận về tính sùng bái[81]. Sùng bái không phải là tên khác của tha hóa, nó không phải là một quá trình nhân loại luận.

III. Việc đồng nhất hóa phép phân tích sự sùng bái với phép phân tích sự tha hóa thường dựa vào vài đoạn văn bàn về “tha hóa” trong Bản thảo 1857-1858 được xem như là văn bản “trung gian” giữa Bản thảo 1844Tư bản[82]. Liên quan đến vấn đề hình thái giá trị, có thể đọc “Chương nói về tiền tệ” trong đó người ta thấy vận hành phạm trù tha hóa[83]. Phê phán tính không tưởng của tiền tê-lao động mà nhiều tác giả tưởng tượng rằng nó cho phép cá thể kiểm soát nền sản xuất xã hội về giá trị, Marx nhắc lại thứ quan hệ cá thể - xã hội gắn liền với hình thái giá trị. Quan điểm của văn bản này không khác với những văn bản về hình thái của cá thể xã hội gắn với hình thái giá trị mà chúng ta có dịp xem xét và thuộc cùng thời kỳ[84]. Chúng ta hãy trích đoạn văn nói về tha hóa.

“Các cá thể phát triển phổ biến - mà những quan hệ xã hội là tương quan cộng đồng của họ và phục tùng sự kiểm soát của cộng đồng họ - không phải là sản phẩm của giới tự nhiên mà của lịch sử. Trình độ và tính phổ biến của sự phát triển các năng lực - nhờ đó mà tính chất cá thể ấy tồn tại - tiền giả định hoạt động sản xuất trên cơ sở của giá trị trao đổi, tức tạo nên, cùng với tính phổ biến, sự tha hóa của cá thể đối với bản thân mình và đối với các cá thể khác, nhưng cũng tạo nên tính phổ biến và đa chiều của các quan hệ và năng lực của cá thể. Trong những thời kỳ trước đó, con người cá thể cá biệt hiện ra đầy đủ hơn, chính là vì nó chưa tạo ra được đầy đủ những quan hệ và chưa đối mặt với quan hệ ấy với tư cách là sức mạnh và quan hệ xã hội độc lập với nó. Thật là nực cười nếu luyến tiếc tính đầy đủ ban đầu của cá thể, cũng nực cười không kém nếu tin rằng phải dừng lại ở trạng thái hoàn toàn trống rỗng hiện nay. Chưa bao giờ quan điểm tư sản có thể vượt qua tính đối lập lãng mạn này, cho nên quan điểm lãng mạn ấy cấu thành một cách chính đáng cực đối lập của quan điểm tư sản và bạn đường cho đến hơi thở cuối cùng của nó”[85]. Vấn đề mà Marx nêu lên trong đoạn văn này có hai mặt. Chúng tôi tạm để qua một bên mặt thứ nhì theo đó hình thái giá trị sản sinh một hình thái về cá thể trừu tượng, có đặc tính hoàn toàn trống rỗng, và tạo ra đồng thời những điều kiện và khả năng của một hình thái về cá thể phát triển phổ biến[86]. Chúng ta chỉ quan tâm ở đây đến sự vận dụng thuật ngữ tha hoá trong đoạn văn này: “sự tha hóa của cá thể đối với bản thân minh và đối với các cá thể khác” mà Marx nói đến có ý nghĩa gì? 

Chúng ta hãy tham chiếu những đoạn văn khác trong văn bản nói trên để soi sáng điều mà tác giả muốn chỉ khi ông nói đến tha hóa của cá thể. Theo Marx, trong giá trị trao đổi, “tính chất xã hội của hoạt động, cũng như hình thái xã hội của sản phẩm, cũng như sự tham gia của cá thể vào trong sản xuất, đều biểu hiện ra ở đây với các cá thể như là một cái gì xa lạ, như là một đồ vật; không phải như là hành xử qua lại giữa các cá thể với nhau, mà là như sự phục tùng của họ đối với những quan hệ tồn tại độc lập với họ và nảy sinh từ sự xung đột của cá thể vô cảm đối với cá thể khác”. Theo nghĩa đó, “sự tồn tại của tiền tệ tiền giả định sự vật hóa mối liên hệ xã hội”; hay “các cá thể đã tha hóa khi biến mối liên hệ xã hội của họ thành một vật”[87]. Có thể nhận xét rằng tha hóa không chỉ do sự vật hóa các quan hệ sản xuất xã hội gây nên mà còn là do sự nhân cách hóa các quan hệ ấy tạo ra, một quá trình nhân cách hóa biến cá thể thành những “cá thể vô cảm đối với những cá thể khác”, thành những cá thể độc lập mà mối quan hệ với xã hội hiện ra như là “quan hệ tồn tại độc lập với họ”, như là quan hệ với những vật. Loại hình quan hệ cá thể - xã hội ấy chỉ “ một tính độc lập cá nhân trên cơ sở của một sự lệ thuộc vật thể” [indépendance personnelle fondée sur une dépendance objective]: “mối quan hệ lệ thuộc vật thể này, quan hệ về đồ vật, không là cái gì khác hơn tập hợp của những liên hệ xã hội đã trở nên độc lập đối diện với những cá thể bề ngoài có vẻ độc lập, tức tập hợp của các tương quan sản xuất của họ với nhau, đã trở nên độc lập đối với chính bản thân họ”. Theo Marx, “thật ngu ngốc nếu hiểu mối liên hệ này, một mối liên hệ về đồ vật, như là mối liên hệ tự nhiên, liện hệ nội tại thuộc bản chất của cá thể và không thể tách rời nó được. Mối liên hệ ấy là một sản phẩm lịch sử”[88]. Tha hóa không phải là do sự đảo ngược tương quan chủ thể - khách thể, mà là do quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa biến mất trong hình thái về khách thể và hình thái về chủ thể mà quan hệ đó sản sinh. Ở đây, không có một chủ thể tha hóa trong vật của nó. Hay đúng hơn, quả có sự tha hóa của chủ thể trong vật của nó, nhưng chỉ từ góc nhìn của con người cá thể tự nhận thức bản thân là chủ thể độc lập, tức là không kể đến tính quy định của nó bởi các các quan hệ sản xuất xã hội. Trong nghĩa đó, Marx viết rằng con người tha hóa của các nhà triết học “tiền giả định con người cá thể trừu tượng, riêng rẽ”. Nhưng đây không phải là chủ thể, mà một hình thái về chủ thể trong đó các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bị xóa bỏ: “Có cảm tưởng độc lập (tính độc lập này về mọi mặt chỉ là ảo tưởng, và nên gọi đúng hơn là tính vô cảm [indifférence] - theo nghĩa đã mất cảm giác [insensibilité]), các cá thể hồ như giao tiếp với nhau một cách tự do và tiến hành trao đổi trong khổ của sự tự do ấy; nhưng cái bề ngoài ấy chỉ có đối với những ai không xét đến những điều kiện trong đó những cá thể này giao tiếp với nhau (và đó lại là những điều kiện độc lập với các cá thể và, tuy do xã hội sinh ra, hiện ra tựa hồ là những điều kiện tự nhiên, tức không chịu sự kiểm soát của các cá thể)”. Và Marx nhấn mạnh: “Khi nghiên cứu tường tận những quan hệ bề ngoài ấy, những điều kiện ấy, ta lại thấy rằng những cá thể thuộc một giai cấp nào đó v.v. không thể số đông vượt qua những quan hệ ấy, nếu không thủ tiêu chúng. Từng cá thể cá biệt có thể ngẫu nhiên vượt qua được, nhưng đó không phải là số đông những người mà các quan hệ ấy thống trị, bởi bản thân sự tồn tại của họ biểu thị rằng đó là những cá thể lệ thuộc, nhất thiết lệ thuộc”[89].

Tóm lại, trong văn bản thuộc Bản thảo 1857-1858 này, tha hóa chỉ rằng sự lệ thuộc của cá thể đối với các quan hệ giai cấp được những cá thể-vật đỡ các quan hệ ấy - nhận thức dưới hình thái của sự phục tùng đối với đồ vật và quan hệ giữa đồ vật với nhau; hay nói cách khác: trong hình thái lịch sử về cá thể xã hội này, cá thể được cấu thành như là cá thể độc lập và nhận thức quan hệ của nó với xã hội như như là quan hệ với cái gì ở bên ngoài và thống trị nó. Cho nên, nếu cách đọc này đúng thì những phép trình bày loại suy với Bản thảo 1844 che lấp một sự khác biệt về cách đặt vấn đề[90]. Không thuộc cách đặt vấn đề về bản thể con người và sự tha hóa của nó, Bản thảo 1857-1858 không thể được ai đọc - mà không ngược nghĩa - theo quan điểm của Bản thảo 1844[91].

Vấn đề ở đây không phải là phủ định thực tế của sự tha hóa, mà là xác định chỗ đứng của nó trong tương quan lý luận với sự sùng bái. Được cấu trúc bởi quá trình đảo ngược quan hệ chủ thể - khách thể, tha hóa không thể bị đồng nhất hóa với sự sùng bái là một quá trình dàn cảnh một hình thái khách thể và một hình thái chủ thể, tức với tính quy định nội tại của mỗi hình thái bởi các quan hệ sản xuất xã hội. Trong viễn cảnh đó, với tính cách là hình thái, tha hóa hiện ra như là kết quả của quá trình sùng bái, một kết quả trong đó tính quy định bởi các quan hệ sản xuất xã hội đã biến mất. Trong hình thái tha hóa, đã tan biến quá trình tạo nên nó, là quá trình cấu thành của hình thái khách thể và của hình thái chủ thể. Có thể nói rằng hiện tượng tha hóa là hiện tượng sùng bái trong đó đã biến mất các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa quy định nó; đó quả là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể nhưng nắm bắt ngoài tính quy định hình thái của chúng. Bị cắt đứt khỏi những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, hình thái tha hóa hiện ra như là hiệu ứng của phép biện chứng chủ thể - khách thể, một chức năng của tính chủ thể. Nói cách khác, quá trình của sự sùng bái biểu hiện và đồng thời che giấu các mâu thuẫn của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thái của sự tha hóa, tức là của một sự đảo ngược mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể.

Từ đó, cũng có thể hiểu và thấu tình sự mê hoặc, thậm chí sự thôi miên, mà Bản thảo 1844 đã tạo lên nhiều thế hệ người đọc, vì văn bản này - một cách không thể chối cãi - thể hiện một sự thực. Đó là sự thực của tha hóa như là một thực tế của chủ nghĩa tư bản và thuộc về trãi nghiệm của các cá thể được cấu thành chủ thể. Bởi đặc điểm của xã hội tư bản chủ nghĩa là những mâu thuẫn của các quan hệ sản xuất xã hội mang hình thái giá trị và phản ánh trong biểu tượng của cá thể-chủ thể như là mâu thuẫn giữa người và vật, và - vì cá thể đối diện với xã hội với tư cách là đồ vật - như là mâu thuẫn giữa cá thể và xã hội. Nói khác đi, trong sự tha hóa, các mâu thuẫn của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện ra đối với những cá thể dưới hình thái của mâu thuẫn người – vật, cá thể – xã hội. Chính sự thực-ảo ảnh ấy của chủ thể giam hãm phạm trù nhân loại luận về tha hóa cùng Bản thảo 1844 của Marx trẻ. Và chỉ khi ông tiến hành xóa bỏ và vượt qua ảo ảnh đó thì tác giả Tư bản mới đảo ngược phương pháp phân tích của mình, không xuất phát từ con người cá thể và tính chủ thể của nó nữa, mà khởi đi từ các quan hệ sản xuất xã hội quy định hình thái về cá thể và tính chu thể của nó. Lúc ấy, Marx mới minh chứng được rằng những mâu thuẫn giữa người – vật hay giữa cá thể – xã hội, về cơ bản, là mâu thuẫn của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên phải giải mâu thuẫn cơ bản này thì các mâu thuẫn trên mới tìm được giải pháp[92]. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng phép phân tích sự sùng bái trong bộ Tư bản đặt lại lý luận về tha hóa của Bản thảo 1844 ở đúng chỗ của nó. 

 

Tiết 42:

BÀN VỀ PHẦN 1 CỦA TƯ BẢN

Nếu cách đọc Marx của chúng tôi xác đáng ở đây thì chúng ta không thể chia sẻ nhận định của Etienne Balibar cho rằng lý luận về sùng bái trong bộ Tư bản vẫn là “một quá trình phát sinh chủ thể với tính cách là chủ thể bị tha hóa”; rằng, khi nó dàn cảnh cặp phạm trù con người – đồ vật, lập luận về sùng bái của Chương 1 tự đặt nó vào khung lý luận về tha hóa của Hegel và Feuerbach, - dấu hiệu “không thể chối cãi” của Feuerbach là sự vận dụng hình tượng về phép “đảo ngược” của tha hóa tôn giáo[93]. Phải chăng có thể đọc lý luận về sùng bái trong Tư bản như là nối tiếp lý luận về tha hóa của Bản thảo 1844? Điều ấy chúng ta đã chứng kiến ở nhiều nhà bình luận. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng nêu ra những điều kiện của phép đọc đó: là sự biến mất của khái niệm quan hệ sản xuất xã hội, sự đồng nhất hóa nó với một tương quan liên cá thể, một quan hệ con người liên chủ thể. Ắt Balibar có lý khi đặt câu hỏi về cương vị của cặp phạm trù con người - đồ vật trong phép trình bày sự sung bái, bởi nó không thể không gợi nhắc cặp chủ thể - khách thể của sự tha hóa. Song, nền tảng của sùng bái là một cái gì khác hẵn như Marx vạch ra ở Chương 2: đó là cấu trục bộ ba quan hệ sản xuất xã hội – hình thái khách thể – hình thái chủ thể. Theo Marx, hình thái hàng hóa hiện thực hóa trong một quá trình vật hóa đồng thời nhân cách hóa các quan hệ sản xuất xã hội, nó bao gồm việc cấu thành một hình thái vật thể và một hình thái chủ thể mà tương quan mang tính bái vật. Được cấu thành như là chủ thể tư nhân độc lập, con người cá thể nắm bắt các quan hệ xã hội và sự sáp nhập của nó vào các quan hế ấy, dưới hình thái nghịch đảo của quan hệ giữa vật với nhau và sự phục tùng của con người đối với đồ vật. Sự sùng bái chỉ một thực tế là mâu thuẫn của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện và được các cá thể-chủ thể trải nghiệm dưới hình thái của sự tha hóa, của sự thống trị của tiền tệ trên các cá thể. Sự sùng bái phải được nằm bắt như là thực tiễn, như là phương thức vận hành của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà sự tái sản xuất tiến hành qua những vận động của tiền tệ theo thủ xướng của các chủ thể. Nhưng để được như vậy thì không thể, như Balibar, quy giản phân tích về sừng bái chỉ vào Tiết 4 của Chương 1 Tư bản. Phải nối khớp Chương 1 với Chương 2 - là nơi trình bày quá trình nhân cách hóa các quan hệ sản xuất xã hội dưới hình thái những con người tư nhân, những chủ thể pháp nhân - thì mới tránh đọc ngược nghĩa lý luận về sùng bái và cương vị của nó trong bộ Tư bản. Nói khác đi, hai chương đầu của bộ Tư bản có cùng một đối tượng là hình thái hàng hóa như là quan hệ xã hội nhất định về sản xuất: Chương 1 phân tích quá trình vật hóa các quan hệ ấy và sự cấu thành của hình thái khách thể; Chương 2 phân tích quá trình nhân cách hóa các quan hệ đó và sự cấu thành của hình thái chủ thể. Cho nên, chương thứ hai cần được đọc không chỉ tiếp theo chương 1 thứ nhất, mà còn phải được đọc song song với Chương 1[94].

Thật ra, phép đọc phê phán của Balibar vượt qua vấn đề của sự sùng bái, bởi luận đề của tác giả là cần tìm kiếm nguồn gốc của những khó khăn lý luận về sự sùng bái trong cách Marx tư duy đối tượng và phương thức trình bày Phần 1 của Quyển I Tư bản. Theo Balibar, phép trình bày Phần 1 này có hai cách đọc khác nhau và đối lập. 1) Một mặt là “nơi biệt đãi và hầu như độc nhất mà tác giả Tư bản ve vãn [flirt] phương thức trình bày của Hegel”, phép trình bày Phần 1 hiện ra từ đầu đến cuối như là “sự tự phát triển liên tục của khái niệm” về hàng hóa, khởi đầu là “tự nó” đồng nhất hóa với lao động xã hội, rồi biểu hiện “cho nó” trong quá trình trao đổi, và cuối cùng “tự nó-và-cho nó” trong sự hình thành của tiền tệ[95]. Như thế có một quá trình sản sinh những khái niệm xuất phát từ hàng hóa, hàng hóa sinh ra tiền tệ, đến lượt tiền tệ sinh ra tư bản; ngay những chủ thể cũng hiện ra như là “biểu hiện của bản thân” hàng hóa. 2) Mặt khác, Phần 1 còn có một cách đọc phi Hegel luận, bởi phép trình bày của Tư bản có “hàng loạt đứt đoạn mỗi khi Marx đề ra và xác định một đối tượng phân tích mới”. Như ở Tiết 2 Chương 1, khi Marx “thay thế” phân tích tính hai mặt của hàng hóa bằng phân tích tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa; hay ở Chương 2, khi Marx “thay thế” phân tích quá trình phát sinh của tiền tệ như là hình thái của giá trị bằng phân tích quá trình trao đổi bao hàm một mối quan hệ pháp lý và sự pháp điển hóa có tính lịch sử của tiền tệ. Theo Balibar, đó chính là “mâu thuẫn” xuyên qua cả Phần thứ nhất của Tư bản, mâu thuẫn giữa “những quan diểm duy vật và duy tâm trong cùng một cách đặt vấn đề” do ở đây phân tích của Marx chưa hoàn toàn thoát khỏi hệ ý thức mà tác giả Tư bản tiến hành phê phán[96]. Nên chăng nhắc lại phán xét dứt khoát của Louis Althusser về Phần 1 thật “kinh khủng” của Quyển I “vì nó còn mang tính Hegel luận, không chỉ trong thuật ngữ mà cả trong trật tự trình bày của nó nửa”: cho nên “người ta không làm sao có thể hiểu được Phần thứ nhất của Tư bản nếu không viết nó lại”[97].

I. Về phương thức trình bày - Một cách chính đáng, Althusser và Balibar khước từ đọc phương thức trình bày Phần 1 Tư bản theo quan điểm Hegel. Bản thân tác giả Tư bản hoàn toàn ý thức nguy cơ sử dụng phép biện chứng về khái niệm của Hegel và, mỗi khi Marx vận dụng nó về mặt hình thức trong những Bản thảo 1857-1858 thì ông luôn nêu ra những giới hạn và chỉ dẫn điều cần chỉnh sửa. “Về sau, trước khi rời bỏ vấn đề này, cần phải chỉnh sửa cái phương thức trình bày duy tâm có thể làm người ta tưởng rằng vấn đề ở đây đinh nghĩa các khái niệm và biện chứng của các khái niệm ấy” - Marx lưu ý bạn đọc trong Chương về tiền tệ. “Nhất là công thức: sản phẩm (hoặc hoạt động) trở thành hàng hóa; hàng hóa trở thành giá trị trao đổi; giá trị trao đổi trở thành tiền tệ”[98]. Cho nên trong Tư bản, mặc dù không từ bỏ hoàn toàn phương thức trình bày biện chứng, Marx luôn luôn chú ý tiến hành nó một cách duy vật, nghĩa là không bao giờ thiết định một sự trừu tượng hóa một cách tiên nghiệm để suy ra sự tồn tại của môt cái gì đó. Độc giả Quyển I đều biết lời hiệu chính của Marx trong Lời bát 1873 của lần xuất thứ hai: 1) Marx thừa nhận trong Chương 1 đã, “ ở đây đó, làm dáng [coquetterie] với lối diễn đạt đặc biệt của Hegel”; 2) Marx xác định phương pháp lập luận của mình đối lập với phương pháp Hegel ở chỗ “quá trình tư duy, mà Hegel đặt cho cái tên là Ý niệm và biến nó thành một chủ thể độc lập, chính là vị thần sáng tạo ra hiện thực, và hiện thực này chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của tư duy mà thôi”; 3) Marx cảnh giác bạn đọc đối với ảo ảnh Hegel luận luôn luôn có thể xẩy ra khi quá trình tư duy tái sản xuất sự vận động hiện thực một cách thích đáng, “đời sống vật chất phản ánh trong ý niệm, thì phản ánh đó có thể làm cho người ta tưởng đó là một kết cấu tiên nghiệm”[99]. Đó là trường hợp của Tiết 3, Chương 1 phân tích các hình thái của giá trị[100]. Qua nhiều lần tái bản Quyển I, Marx có dịp tẩy bớt những công thức ra vẻ Hegel luận; đồng thời ông có những bổ sung chỉnh sửa cảm tưởng duy tâm mà vài lập luận tạo ra[101].

Nói như thế không có nghĩa rằng phép trình bày Phần 1 không còn những dấu vết Hegel luận: như khi người ta đọc rằng Hình thái I “tự chuyển sang” Hình thái II; rằng Hình thái I “là mầm móng” của Hình thái tiền tệ[102]. Vì thế, không thể tránh khỏi cám dỗ tái thiết quá trình phát sinh của tiền tệ theo một lô-gích tư biện: khi ấy, tiền tệ xuất hiện như là sản phẩm của cái trừu tương hóa ban đầu - Hình thái I hoặc, vượt lên nó, lao động trừu tượng - tự phát triển qua những hình thái liên tiếp mỗi lần cụ thể hơn cho đến hiện thực hóa của nó trong tiền tệ. Quá trình tái thiết ấy, trước hết, quên rằng lao động trừu tượng, mà Hình thái I là biểu tượng, không chỉ tính chất chung hay phổ biến [généralité] của lao động, không phải là sự trừu tượng hóa lao động (loài của những lao động cụ thể), nó là một hình thái lịch sử nhất định của lao động xã hội (đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa). Tiếp đó, tái thiết ấy lại quên rằng Hình thái I chỉ một momen trong phép phân tích hình thái của giá trị, nó không có khả năng tự sản sinh Hình thái tiền tệ. Bởi hình thái này - như trình bày trong các Chương 2 và 3 của Phần 1 - giả định một hành động của toàn xã hội, đúng hơn của đại diện của nó là nhà nước: tiền tệ là một hình thái mang tính qui ước và có tính thể chế, nó đòi hỏi một mối quan hệ xã hội có tính tập trung và thẳng đứng, tức một quan hệ xã hội khác hơn tương quan đơn gian, phi tập trung và hàng ngang của cá thể bán buôn với nhau.

Tất nhiên, việc diễn giải quá trình phát sinh của tiền tệ theo lối Hegel đã không xảy ra nếu trình bày của Marx về mối quan hệ của tiền tệ với hàng hóa hoàn toàn minh bạch; nói khác đi, nếu phép trình bày hình thái của giá trị ở Chương 1 không để tồn tại một sự lập lờ, nước đôi, mà chỉ có những triển khai của các Chương 2 và 3 mới cho phép khắc phục[103]. Vì vậy mà phép đọc Tư bản của chúng tôi giả định rằng người đọc nắm lấy Phần 1 (“Hàng hóa và tiền tệ”) trong thể thống nhất của nó; tức là không ngừng lại ở chương thứ nhất (“Hàng hóa”) hay đối lập nó với các chương thứ hai (“Quá trình trao đổi”) và thứ ba (“Tiền tệ hay lưu thông hàng hóa”)[104].

II. Về phép phân tích hình thái - Trong cách đọc phê phán Phần 1 Quyển I của mình, Balibar có lý khi nhận xét rằng phép trình bày của Marx đề ra những tính quy định khái niệm không có thể suy ra từ một khái niệm ban đầu qua sự phát triển nội tại của nó. Nhưng phải chăng Marx đề ra - như Balibar viết - một đối tượng phân tích mới thay thế những phạm trù của chính trị kinh tế học mà Chương 1 lấy làm điểm xuất phát? Cho dù nội dung của Chương 2 mới mẻ và quan trọng đến đâu đi nữa - và Balibar đã nhấn mạnh thích đáng -, người ta không thể cho rằng nó “thay thế” những phân tích của các Tiết 3 và 4 Chương 1 bàn về hình thái của giá trị và tính sùng bái của nó; và bởi vì có cùng một đối tượng, các Chương 1 và 2 cần được đọc song song với nhau, thay vì đối lập với nhau. Cũng như người ta không thể cho rằng trong Chương 1, Marx “thay thế” việc nghiên cứu tính hai mặt của hàng hóa ở Tiết 1 bằng tính hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa ở Tiết 2; vả lại ở đây, khái niệm về lao động trừu tượng – cụ thể còn mang tính bất định trong hình thái của nó và chỉ hoàn toàn được xác định ở các Tiết 3 và 4[105].

Thay vì để xuất một cách đọc Phần 1 vạch ra những “đứt đoạn” trong đối tượng và trật tự trình bày các văn bản, phép đọc của chúng tôi xác lập thể thống nhất của tập hợp văn bản ấy. Chúng tôi tìm thấy tính nhất quán của Marx trong phép phân tích hình thái mà Phần 1 triển khai. Một mặt, khái niệm hình thái quy chiếu đến những quan hệ xã hội chính là tính quy định bên trong của hình thái; nhưng mặt khác, hình thái cũng quy chiếu đến vật đỡ vật chất là tính quy định bên ngoài của hình thái. Ở mỗi cấp độ trừu tượng hóa của khái niệm, quá trình phát triển hình thái đề ra những vật đỡ, là những tính quy định vật chất, những mối quan hệ bên ngoài. Hình thái hàng hóa, như thế, bao hàm một hình thái vật thể và một hình thái chủ thể. Mà nói rằng sản phẩm và cá thể được quan hệ sản xuất xã hội quy định như là những vật đỡ của những quan hệ, cũng là nói rằng hình thái quan hệ sản xuất xã hội được quy định bởi những sản phẩm-vật đỡ và những cá thể-vật đỡ. Chính vì thế mà không thể đọc quá trình trình bày Phần 1 như là một quá trình mang tính Hegel luận. Bởi không thể cho rằng quá trình của hình thái hàng hóa - như lời của Balibar - là một sự tự phát triển: lao động xã hội – giá tri – giá trị trao đổi – giá cả. Trước tiên, chúng ta cần xác định rằng điểm xuất phát của phép phân tích Tư bản không phải là lao động xã hội nói chung, mà là một hình thái lịch sử đặc thù, hình thái lao động trừu tượng – cụ thể, trong đó - như Marx nhấn mạnh - lao động trừu tượng “chỉ có thể hiện thực hóa, khách thể hóa khi sức lao động con người được tiêu phí dưới một hình thái nhất định, là một thứ lao động nhất định, bởi chỉ có một thứ lao động nhất định mới đối diện với vật liệu tự nhiên, với yếu tô bên ngoài cần thiết để lao động khách thể hóa”. Marx chú thích: “Chỉ có ‘khái niệm’ của Hegel mới có thể khách thể hóa mà không có vật liệu bên ngoài” - vượt qua những nét giống nhau hình thức, đây chính là điều phân biệt quá trình trình bày của Tư bản với quá trình Hegel luận[106]. Vấn đề lại đặt ra khi phép trình bày Phần 1 chuyển sang khái niệm về giá trị mà Marx không thể cấu thành nếu thiếu tính quy định vật chất và bên ngoài của giá trị sử dụng: giá trị chỉ có thể tồn tại trong hình thái của giá trị sử dụng. Từ giá trị của hàng hóa Marx chuyển sang khái niệm về giá trị trao đổi thông qua giá trị sử dụng của một hàng hóa khác. Và sự bầu chọn-loại trừ một giá trị sử dụng riêng biệt cho phép xác lập tiền tệ, và sự chuyển hóa trong ý niệm của giá trị thành giá cả. Tiền tệ không thể quan niệm được là vật ngang giá chung, và trong các chức năng khác của nó, nếu thiếu tính quy định về thiết chế của nhà nước; cũng như không thể quan niệm được bái vật tiền tệ nếu thiếu tính quy định về hệ tư tưởng của pháp luật.

Khi đề ra những tính quy định bên ngoài ở mỗi cấp độ trừu tượng hóa của khái niệm, Marx tạo nên một sự phức hợp các tính quy định hình thái biểu hiện những quan hệ sản xuất xã hội nhưng đồng thời lại che lấp chúng, cho nên trong hình thái, quá trình cấu thành nó như biến mất. Tóm lại, cái làm nên tính nhất quán của quá trình trình bày Phần 1 là sự phát triển phép phân tích của hình thái hàng hóa từ cấp độ trừu tượng hóa này sang cấp độ khác, sự phát triển hình thái này không thể quy giản vào một sự phát triển nội tại, bên trong của khái niệm, bởi nó đề ra hàng loạt quan hệ bên ngoài - song không vì vậy mà tạo ra đứt đoạn.

III. Về tính bên trong – bên ngoài – Trong lời giới thiệu tác phẩm của Gérard Duménil về phép lô-gích của Tư bản, Althusser viết rằng tư duy của Marx không hề theo phép “tự sản sinh của khái niệm” [auto-production de concepts] mà theo phép “thiết định khái niệm” [position de concepts], mỗi khái niệm xác định một lĩnh trường lý luận do sự thiết định ấy “mở và đóng”; rồi qua phép thiết định những khái niệm mới, Marx mở rộng lĩnh trường lý luận cho đến khi hình thành một không gian có cấu trúc cực kỳ phức tạp. Như vậy, một lĩnh trường lý luận được cấu thành bởi một bên trong loại trừ một bên ngoài: thuật ngữ “tính bên trong” hay “ tính bên ngoài” dùng để chỉ các tính quy định thuộc hay không thuộc “bên trong của khái niệm” ở một thời điểm, một momen nào đó của phép trình bày mà Marx đang ở. Khái niệm do đó là cái trừu tượng hóa theo nghĩa lĩnh trường lý luận của nó không kể đến hay để qua một bên [faire abstraction], các quan hệ ở bên ngoài, là những tính quy định chưa được đưa vào trong trật tự trình bày[107]; hay như Marx có lưu ý đọc giả: “Cho đến bây giờ, chúng ta chưa nghiên cứu những yêu tố (ấy)... Cho nên, đối với chúng ta, chúng không tồn tại”[108]. Cách Althusser và Dumenil đặc thù hóa lô-gích tư duy của Tư bản quả xác đáng trong chừng mực nó nhấn mạnh, một mặt, trên sự khác biệt và sự phân biệt các cấp độ về trừu tượng hóa lý luận trong quá trình trình bày; và nhấn mạnh, mặt khác, trên sư triển khai phân tích từ cấp độ trừu tương hóa này sang cấp độ khác bằng việc thiết định, xây dựng những khái niệm mới sáp nhập một số mối quan hệ cho đến nay còn ở ngoài lĩnh trường lý luận.

Tuy nhiên lô-gích của tư duy thiết định các quan hệ ở bên trong hay ở bên ngoài lĩnh trường khái niệm - với một bên trong loại trừ bên ngoài -, không khỏi tạo nên nghi vấn. Bởi trong phép phân tích hình thái, những tính quy định gia nhập khái niệm với tính cách là vật đỡ chỉ thuộc về khái niệm này theo một nghĩa nào đó mà thôi. Đúng ra, cương vị của các tính quy định này là không hoàn toàn ở trong cũng không hoàn toàn ở ngoài, mà là cương vị mang tính vừa bên trong – bên ngoài. Đó là trường hợp của giá trị sử dụng. Theo tác giả Duménil, giá trị sử dụng ở trong tương quan bên ngoài với giá trị: “Lý luận về giá trị không hề kể đến những tính quy định vật chất đặc trưng của giá trị sử dụng”; “các tính quy định ấy hoàn toàn xa lạ với lô-gích đặc thù của hệ thống khái niệm trong đó giá trị được xác định”. Điều đó “không cho phép” người ta quy chiếu đến một “khái niệm” về giá trị sử dụng hay về lao động cụ thể, khiến tác giả phải nêu lên tính “nguy hại” của các thuật ngữ của Marx về giá trị sử dụng và giá trị trao đổi làm cho người ta tưởng rằng đấy là hai mặt của một mâu thuẫn bên trong của giá trị[109]. Chúng ta gặp lại ở đây quan điểm của Althusser cho rằng giá trị sử dụng là một biểu hiện Hegel luận do tác giả Tư bản, trong Phần 1, cố ý ve vãn Hegel: Marx “nói về hai điều hoàn toàn khác nhau (…) với những thuật ngữ trong thực tế có một từ chung”[110]. Chúng tôi đã cho thấy rằng đề xuất của Althusser thay thế thuật ngữ “giá trị sử dụng” bằng cụm từ “hữu dụng xã hội của sản phẩm” đưa đến diễn giải khái niệm này theo nhân loại luận vì nó lẫn lộn một tính chất phổ quát [généralité] không thuộc về bất cứ hình thái sản xuất xã hội nào nhất định, một sự trừu tượng hóa phi-lịch sử (tính hữu dụng xã hội của một sản phẩm) với một hình thái xã hội đặc thù và có tính lịch sử nhất định (giá trị sử dụng). “Gia trị sử dụng, với tính cách là giá trị sử dụng của hàng hóa, cũng có tính lịch sử đặc thù - Marx hiệu chính trong Ghi chú bên lề sách của Wagner: đó là một “hình thái xã hội nhất định về giá trị sử dụng”[111]. Althusser cũng như Duménil không nhận ra cương vị hai mặt bên trong - bên ngoài của của giá trị sử dụng trong tương quan với khái niệm về giá trị. “Bản thân giá trị sử dụng có hai mặt”: một mặt, “ đối với người bán, giá trị sử dụng chỉ là sự vật chất hóa, một sự vật chất hóa riêng biệt, là phương thức tồn tại của giá trị”; mặt khác, “đối với người mua thì nó là giá trị sử dụng tự nó, tức là vật thỏa mãn những nhu cầu riêng biệt”[112]. Giá trị sử dụng của hàng hóa là vật hữu dụng và vật mang giá trị, vật hữu dụng với điệu kiện là vật mang giá trị; đó là điều cấu thành hình thái vật thể và khiến nó là một hình thái mang tính mâu thuẫn. Từ đó, có thể định nghĩa hàng hóa như là sự thống nhất của giá trị và giá trị sử dụng thâu gồm vào giá trị [la valeur d’usage subsumée sous la valeur]. Với tính cách là “hình thái”, “vật đỡ vật chất” của giá trị thì giá trị sử dụng quả là một tính quy định của khái niệm về giá trị; hay nói khác đi, người ta không thể tư duy giá trị nếu không cấu thành một “khái niệm” về giá trị sử dụng của hàng hóa.

Cũng vấn đề lại đặt ra khi phân tích hình thái chủ thể trong đó tính cá thể xã hội vừa ở bên trong và bên ngoài - ở bên ngoài với điều kiện là ở bên trong - các quan hệ sản xuất xã hội. Có thể nói rằng tính cá thể xã hội là sự thống nhất giữa các quan hệ xã hội và cá thể thâu gồm vào quan hệ xã hội [l’individu subsumé sous le rapport social]. Điều đó có nghĩa là, một cách cơ bản, các quan hệ sản xuất xã hội cấu thành những cá thế với tính cách là “người mang” [porteur] quan hệ ấy. Nhưng một hệ quả là không thể quy giản cá thể chỉ vào cượng vị vật đỡ của nó; Marx nhắc điều ấy khi nói đến “sự khác biệt giữa đời sống của mỗi cá thể trong chừng mực đó là đời sống cá nhân với đời sống của người đó trong chừng mực đời sống ấy phụ thuộc vào một ngành lao động nào đó và những điều kiện gắn với ngành đó”. Chính “sự khác biệt (này) giữa con người cá nhân và con người trong tư cách thành viên của một giai cấp” khiến chúng ta có thể nói đến hai mặt bên trong – bên ngoài và, do đó sự mâu thuẫn, của tính cá thể xã hội[113].

III. Về điểm khởi đầu - Với độc giả Tư bản, Althusser có “lời dặn dò cấp thiết” rằng hãy “tạm thời để trong ngoặc đơn” tất cả Phần 1 (“Hàng hóa và tiền tệ”), và nên khởi đầu đọc Quyển I từ Phần 2 (“Sự chuyển tiền tệ thành tư bản”). Việc di dời khởi điểm đọc Tư bản được ông biện giải bởi những vấn đề lý luận mà phương thức trình bày mang tính Hegel luận đặt ra, và đã buộc Marx viết lại nhiều lần Chương 1 của Tư bản. Công nhận khó khăn về trình bày ấy, Marx - theo lời Althusser - nêu “định kiến Hegel luận” cho rằng, trong mọi ngành khoa học, “khởi đầu luôn gay go”[114]. Nhưng phải chăng khó khăn đó là do Marx đã chọn “khởi đầu từ sự giản đơn và không gian đồng nhất của nó”, đã căn cứ quá trình trình bày vào “khái niệm thể hiện tính đồng nhất của sự giản đơn là: giá trị”?[115]. Theo Althusser, không thể không nêu câu hỏi này, nhất là khi bản thân Marx khiến người ta có hoài nghi đó. Như bức Thư gửi Kugelmann trong đó tác giả Tư bản phân tích quy luật về giá trị và quy chiếu nó đến quy luật về phân bổ lao động xã hội nói chung mà “ngay cả trẻ em cũng hiểu được”: ở đây, Marx phải chăng phủ nhận rằng khởi đầu luôn luôn gay go trong khoa học?[116]. Hoặc như Ghi chú bên lề sách của Wagner theo đó “giá trị trao đổi hàng hóa chỉ tồn tại khi hàng hóa hiện ra số nhiều”: ở đây, Marx phải chăng cho rằng hàng hóa, với tính cách là quan hệ xã hội, không thể quy giản vào giá trị? Các chỉ dẫn ở trên phải chăng gợi lên một phép phân tích khác, không khởi đầu bằng tính giản đơn, mà từ “một tính phức tạp nào đó”?[117].

Hai văn bản do Louis Althusser trích dẫn ở trên không mang hoàn toàn ý nghĩa mà ông nêu lên. Chúng tôi đã lưu ý sai lầm của Althusser khi đọc bức Thư gửi Kugelmann[118]: điều mà “ngay cả trẻ em” cũng hiểu được là yêu cầu phẩn bổ lao động cần thiết để tái sản xuất xã hội, là “quy luật phân bổ lao động xã hội”, tức một phạm trù mang tính chất phổ biến và không xác định, tồn tại trong mọi xã hội; chứ không phải “quy luật giá trị”, là một hình thái đặc thù và có tính lịch sử về phân bổ lao động xã hội - và hình thái này thì chỉ có phép phân tích hình thái mới vạch ra được, tức nó không hề ở “trong tầm tay của trẻ em”[119]. Chúng ta có thể nhận xét thêm rằng ý tưởng lấy quy luật về phân bổ lao động xã hội nói chung làm khởi điểm, tức chọn khởi đầu bằng một lý luận có tính chất phổ biến, là một đặc tính trong tư duy Althusser, khiến tư duy của ông có xu hướng ngã sang nhân loại luận, mặc dù - hay đúng hơn là chính vì - lập trường chống nhân loại luận của ông[120].

Còn về Ghi chú bên lề sách của Wagner theo đó giá trị trao đổi bao hàm hàng hóa số nhiều, thì Althusser không nhận ra là tác giả Tư bản nhắc lại một mệnh đề ở đầu của Chương 1 và nói đến một thứ “contradictio in adjecto” [mâu thuẫn trong lời nói]: với tính cách là mối quan hệ, giá trị trao đổi của hàng hóa không thể là cái gì “nội tại”, “vốn có” của hàng hóa, mà nó giả định sự tồn tại của những hàng hóa cá biệt khác nhau. Từ contradictio in adjecto này, phép trình bày của Marx chuyển từ phạm trù về giá trị trao đổi sang phạm trù về giá trị: bởi vì tương quan của những hàng hóa cá biệt đặt ra câu hỏi về cái cấu thành tính thống nhất của chúng, cho nên phép phân tích phạm trù hàng hóa chuyển từ định nghĩa trực tiếp của hàng hóa như là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi (“hàng hóa cá biệt” [marchandise singulière]) sang định nghĩa cốt yếu của nó là sự thống nhất giá trị và giá trị sử dụng thâu gồm trong giá trị (hình thái hàng hóa hay “hàng hóa nói chung” [marchandise en général]). Qua phân tích hình thái của giá trị (giá trị trao đổi), phép trình bày của Marx đi từ phạm trù về hàng hóa nói chung - được quan niệm ngoài tính số nhiều hay tính cá biệt của hàng hóa - sang phạm trù về “hàng hóa số nhiều” [marchandise au pluriel] chỉ tồn tại trong mối quan hệ đối cực với tiền tệ[121]. Phê phán của Althusser cho thấy ông không phân biệt rõ ràng hai khái niệm về giá trị và về giá trị trao đổi, và cấp độ trừu tượng hóa khác nhau của mỗi khái niệm[122]. Mặt khác, chúng ta đã có thể xác định rằng phép phân tích hình thái của Marx (Chương 1, Tiết 3: Hình thái của giá trị) không hề khởi đầu với “một khái niệm thể hiện tính đồng nhất của sự giản đơn” (khái niệm về giá trị hay khái niệm về hàng hóa quy giản vào giá trị); khởi điểm của Marx là một khái niệm biểu thị “một tính phức tạp nào đó”, là một tổng thể cấu trúc hóa bởi mâu thuẫn: khái niệm về thể thống nhất của giá trị và giá trị sử dụng thâu gồm trong giá trị [unité de la valeur et de la valeur d’usage subsumée par la valeur].

Tuy nhiên, điều quả có thật ở Marx là: trong bản phác họa đầu tiên của Tư bản, tức Bản thảo 1857-1858, tác giả chọn khái niệm về giá tri hay giá trị trao đổi - sự phân biệt giữa hai khái niệm lúc ấy chưa được xác lập - làm khởi điểm phân tích, và ông loại khái niệm về giá trị sử dụng ra khỏi phép phân tích các hình thái kinh tế. Như trong văn bản tháng 4 1858, Marx trình bày phân tích của ông theo thuật ngữ của chính trị kinh tế học Ricardo. “1. Giá trị. Được quy giản thành lượng lao động chỉ thế thôi. Thời gian như là thước đo lao động. Giá trị sử dụng như là tính hữu dụng của sản phẩm ở góc độ chủ quan, hoặc như là khả năng sử dụng của nó ở góc độ khách quan - giá trị sử dụng do đó chỉ xuất hiện ở đây như là điều kiện vật chất tiên quyết của giá trị, nó tạm thời đứng hoàn toàn ở ngoài tính quy định hình thái kinh tế. Giá trị với tư cách là giá trị không có vật liệu nào khác hơn là bản thân lao động”[123]. Khái niệm về giá trị sử dụng chỉ được đưa vào lại ở “Chương nói về tư bản” để phân tích mối tương quan giữa tư bản và lao động. “Trong quan hệ giữa tư bản và lao động, giá trị trao đổi và giá trị sử dụng được đặt trong mối tương quan giữa chúng với nhau; một bên (tư bản) với tư cách là giá trị trao đổi, đối lập với bên kia, và bên khác (lao động) với tư cách là giá trị sử dụng, đối lập với tư bản”. Trong khi ấy ở “Chương nói về tiền tệ” trước đó, người ta đọc rằng trong lưu thông tiền tệ, “không có quan hệ thật sự giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. Cho nên, hàng hóa với tư cách là hàng hóa - đặc tính của nó -, mang nội dung nào cũng được, nội dung này là thuần ngẫu nhiên và nói chung là tưởng tưởng, nằm ngoài mối tương quan về hình thái kinh tế”[124]. Người ta nhận thấy ở đây khác biệt giữa phép trình bày của Tư bản và “khởi điểm sai” của Bản thảo 1857-1858[125]. Người ta cũng hiểu rằng, ở trang cuối của bản thảo đó, Marx phải nêu yêu cầu chọn một khởi điểm mới. Nguyên văn như sau: “ I. Giá trị. Toàn bộ phần này phải viết lại. Phạm trù đầu tiên qua đó của cải tư sản biểu hiện ra là phạm trù về hàng hóa. Bản thân hàng hóa thì xuất hiện như là sự thống nhất của hai tính quy định. Hàng hóa là giá trị sử dụng, tức là một vật thỏa mãn một hệ thống nhu cầu nào đó của con người. Đây là khía cạnh vật chất của hàng hóa, khía cạnh này có thể là chung đối với những thời đại sản xuất hết sức khác nhau, do đó việc xem xét khía cạnh ấy nằm bên ngoài phạm vi chính trị kinh tế học. Giá trị sử dụng chỉ thuộc lĩnh vực chính trị kinh tế học khi nó được biến đổi bởi quan hệ sản xuất hiện đại, hoặc bản thân nó ảnh hưởng đến quan hệ sản xuất, làm cho các quan hệ ấy biến đổi”[126].

Vấn đề ở đây không phải là phủ nhận khả năng và những đề xuất nhằm phân tích quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa theo một quy trình trình bày khác hơn quy trình mà Marx tiến hành ở Phần 1 Quyển I. Vấn đề, nếu có, là những đề xuất khác ấy phủ nhận tính xác đáng của phép trình bày trong Phần 1. Chẳng hạn như là đề xuất phê phán cho rằng Phần 1 là “siêu hình” trong phân tích hàng hóa, bởi thay vì dừng lại ở các hàng hóa cá biệt, nó lại tìm cách thiết lập một khái niệm về “hàng hóa nói chung” [marchandise en général] (hình thái hàng hóa của sản phẩm lao động) để rồi phải phân đối nó ra thành hai khái niệm tiền tệ và hàng hóa cá biệt. Sự khác biệt của Marx với những đề xuất phê phán quả ở chỗ đó. Đề xuất phê phán xác lập các hàng hóa cá biệt trên nền tảng tồn tại của tiền tệ, nghĩa là khái niệm được thiết định trước tiên là tiền tệ như là “hàng hóa chung” [marchandise générale], từ đó mới xác định được hàng hóa cá biệt.

Nếu Marx bắt đầu Phần 1 (“Hàng hóa và tiền tệ”) bằng thiết định khái niệm về hàng hóa, đó là vì hàng hóa, như là hình thái xã hội của sản phẩm lao động, là một hình thái trừu tượng hơn, và ít có tính bái vật hơn tiền tệ: “Thấy được tính chất bái vật của nó hình như còn là một điều tương đối dễ”. Vì “trong những hình thái cụ thể hơn thì ngay cả tính đơn giản bề ngoài đó cũng biến mất”. Do đó người ta “không thấy rằng, vàng và bạc, với tính cách là tiền, đại biểu cho một quan hệ sản xuất xã hội, nhưng lại đại biểu dưới hình thái những vật của tự nhiên có những thuộc tính xã hội kỳ lạ”[127]. Do hình thái tiền tệ bao hàm những tính quy định bên ngoài (một vật đỡ khác hơn vật đỡ giá trị sử dụng của hàng hóa) và phức tạp (môt mối quan hệ khác hơn quan hệ của các nhà sản xuất hàng hóa), nó khó nắm bắt hơn hình thái hàng hóa; và càng hơn thế vì trong hình thái hoàn bị của tiền tệ, quá trình bầu chọn-loại trừ sản sinh ra nó đã biến mất. Phép phân tích hình thái của giá trị trong Phần 1 có xác đáng hay không là ở chỗ đó: nó cho phép Marx trình bày quá trình phát sinh của tiền tệ trong tương quan đối cực với hàng hóa - cho dù, do tính đối cực đó, cũng có thể khởi đầu từ tiền tệ mà phân tích hàng hóa[128].

Ngoài ra, còn có đề xuất phê phán Phần 1 đã khởi đầu phân tích quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa từ các khái niệm hàng hóa và tiền tệ, thay vì đi từ khái niệm tư bản là khởi điểm xác đáng hơn “trên bình diện chính trị”[129]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là định nghĩa tư bản như thế nào? Tư bản không phải là quan hệ tước đoạt lao động thặng dư nói chung, mà là quan hệ tước đoạt giá trị thặng dư, tức là lao động thặng dư dưới hình thái giá trị. Nói khác đi, hình thái ở đây của mối quan hệ xã hội, tính đặc thù lịch sử của nó, quy chiếu chúng ta đến một mối quan hệ xã hội khác: quan hệ của các nhà sản xuất hàng hóa, quan hệ bán hàng. Chình vì vậy mà khái niệm về tư bản không thể làm khởi điểm cho phân tích, trừ phi, theo nhân loại luận, chúng ta thiết định quan hệ lao động làm thuê trong một thuyết về bóc lột nói chung, tương tư như thuyết về tha hóa. Hoặc là, theo phương cách Hegel luận - tức là tự suy diễn -, chúng ta phái sinh mọi quan hệ xã hội từ khái niệm về tư bản[130].

Trong phép đọc Tư bản của chúng tôi, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất của mối quan hệ lao động làm thuê [rapport salarial] với mối quan hệ mua bán hàng hóa [rapport marchand], và phân tich của Marx không khởi đầu bằng mâu thuẩn cốt yếu (tư bản) mà bằng mâu thuẫn hình thái (hình thái giá trị). Lý do là mâu thuẫn tư bản chủ nghĩa tác động và biểu hiện thực tế qua những mâu thuẫn của quan hệ hàng hóa. Nó giải thích vì sao khó có thể khái niệm hóa tư bản trước khi xác định hình thái giá trị; ngược lại, có thể xác định hình thái giá trị mà không nhất thiết cầu đến khái niệm về tư bản[131].

Trong thư từ trao đổi với tác giả Tư bản, Engels có lần tự đề nghị tóm tắt Quyển I khởi đầu từ Phần 2, và Marx đã đáp lại: “Nếu bạn muốn khởi đầu bằng Phần 2 […] thì, trong trình bày của bạn, đừng quên nhắc nhỡ độc giả rằng họ sẽ tìm thấy cái bẩn thỉu [saloperie] của giá trị và tiền tệ được trình bày dưới một hình thức mới trong Phần 1”[132].

IV. Về mâu thuẫn - Cuỗi cùng, cuộc tranh cãi về cương vị lý luận của Phần 1 Tư bản đưa đến câu hỏi như sau: chúng ta để mất điều gì khi để sang một bên không khảo cứu “cái bẩn thỉu của giá trị và tiền tệ” mà Marx nói đến? Những vấn đề bàn luận ở trên cho thấy điều mà người ta bỏ mất chính là phép phân tích mâu thuẫn. Khi Balibar phê phán đối tượng và phương thức trình bày của Phần 1, cũng như khi Althusser đề xướng loại khái niệm giá trị sử dụng ra khỏi lĩnh trường lý luận và thay khái niệm giá trị bằng một khởi điểm Phần 1 khác, điều họ ngắm chính là phép mâu thuẫn qua đó Marx cấu trúc khái niệm hàng hóa. Nghe theo Athusser mà “đặt Phần 1 trong dấu ngoặt đơn” là nén ẩn mâu thuẩn khai mào bộ Tư bản. Phê phán tính Hegel luận của “kết cấu tiên nghiệm” hàng hóa như là thống nhất hai mặt đối lập, Althusser đã từng cật vấn: làm sao giá trị sử dụng lại có thể mâu thuẫn với giá trị mà nó là vật đỡ?[133].

Người đọc Marx tìm thấy lời giải ở trong phép phân tích hình thái mà tác giả thiết định ngay từ mệnh đề mở đầu Phần 1 và triển khai bằng nối khớp hình thái-quan hệ [forme-rapport] và hình thái-vật đỡ [forme-support][134]. Phân tích hình thái cho phép Marx xác lập cương vị kép của khái niệm giá trị sử dụng là hữu dụng và vật đỡ giá trị, hữu dụng với tính cách là vật đỡ giá trị. Chính cương vị vừa bên trong - bên ngoài này của giá trị sử dụng đối với giá trị khiến hàng hóa là mâu thuẫn, tức là sự thống nhật của hai tính chất loại trừ lẫn nhau; nó khiến người ta có thể nói rằng khái niệm về hàng hóa là một mâu thuẫn, tức sự thống nhất của hai mặt đối lập, giá trị và giá trị sử dụng thâu gồm trong giá trị; rằng khái niệm về giá trị loại trừ đồng thời bao gồm giá trị sử dụng; rằng khái niệm về giá trị chỉ tồn tại trong mặt đối lập của nó, trong hình thái của giá trị sử dụng, hình thái vừa phủ nhận vừa khẳng định nó; rằng khái niệm về giá trị trao đổi là là hình thái vận động của mâu thuẫn giá trị - giá trị sử dụng, như là biểu hiện giá trị của một hàng hóa trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác. Cho nên người ta không thể theo Althusser nói rằng hàng hóa là một cái gì hai mặt không có liên quan gì với nhau cả; rằng mâu thuẫn ở đây là một khái niệm “không thích đáng”; rằng đó chỉ là “mâu thuẫn của ảo ảnh”[135]. Althusser phủ nhận rằng phép phân tích mâu thuẫn trong Phần 1 Tư bản là mácxít, viện lẽ rằng Marx chỉ trở nên hoàn toàn mácxít - tức theo phái Althusser - vào cuối đời của mình trong các Ghi chú bên lề sách của Wagner là văn bản “hoàn toàn và dứt khoát” không còn dấu vết của ảnh hưởng Hegel[136]. Vậy mà văn bản được phái Althusser sùng bái này, chính là nơi Marx khẳng định rõ, không hề lập lờ, lý luần về tính hai mặt triển khái trong Tư bản, tức là nơi ông xác định phép phân tích hình thái và mâu thuẫn. Marx nhấn mạnh yêu cầu nắm một cách đúng đắn tương quan giữa các khái niệm về giá trị, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi: khái niệm về giá trị sử dụng như là hình thái xã hội lịch sử, tương tự như khái niệm về giá trị (“Nếu giá trị của hàng hóa chỉ là một hình thái lịch sử nhất định, […] đó cũng là trường hợp của giá trụ sử dụng của hàng hóa”); khái niệm về giá trị trao đổi như là hình thái hiện tượng của giá trị, hình thái giá trị của một hàng hóa trong hình thái sử dụng của một hàng hóa khác (“Hàng hóa một mặt là giá trị sử dụng và mặt khác là giá trị, chứ không phái là giá trị trao đổi, bởi hình thái hiện tượng không phải là thực thể của nó”)[137]. Chính là trên nền cơ sở của những quan hệ về khái niệm cấu thành các mâu thuẫn giá trị – gía trị sử dung, giá trị sử dụng – giá trị trao đổi, giá trị C giá trị trao đổi này mà chúng ta có thể giải thích rằng hàng hóa - là sự thông nhất giá trị và giá trị sử dụng thâu gồm trong giá trị - biểu hiện trong tồn tại trực tiếp của nó như là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, hay tầm thường hơn nữa như là một vật hữu dụng có giá cả.

Kết cục, Althusser, Balibar và các tác giả cùng phái đặt vấn đề xét lại cương vị lý luận của Phần 1 trong Tư bản bởi vì họ không quan niệm được rằng mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng của hàng hóa (cũng như nền tảng của nó là mâu thuẫn lao động trừu tượng – cụ thể, và hệ quả của nó là mâu thuẫn tiền tệ – hàng hóa) là những “mâu thuẫn hiện thưc”, tức là những hình thái của mâu thuẫn quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhiều lắm, và căn cứ trên thứ “contradictio in adjecto” của Chương 1, họ có thể cho rằng đấy chỉ là thứ “mâu thuẫn trong lời nói”, “mâu thuẫn hình thức” [contradiction formelle] theo nghĩa nó thuộc về phương thức trình bày khái niệm, và trong chừng mực mâu thuẫn ở đây chỉ là giữa những cấp độ khác nhau trong quá trình khái niệm hóa[138]. Mâu thuẫn này được gọi là thuần hình thức vì nó “thuộc về quá trình trình bày, và không hề quy chiếu đến một quá trình hiện thực nào cả: người ta còn có thể nói rằng mâu thuẫn hình thức đó là đặc tính của một phương thức trình bày loại trừ hiện thực”[139]. Song, thật khó lòng dùng ý niệm về mâu thuẫn hình thức ấy để nói về mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng khi chúng ta nối liền mâu thuẫn của hàng hòa một mặt với mâu thuẫn lao động trừu tượng – cụ thể, và mặt khác với mâu thuẫn tiền tệ – hàng hóa. Ở một bên thì khái niệm về lao động trừu tượng – cụ thể chỉ một quá trình vô cùng hiện thực, là quá trình tư bản chủ nghĩa của lao động xã hội, tức lao động trong chừng mực nó tái sản xuất các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và mâu thuẫn của chúng; sự thống nhất hai mặt đối lập của lao động trừu tượng và của lao động cụ thể thâu gồm trong lao động trừu tượng chỉ định mâu thuẫn của phép phân bổ lao động xã hội thành lao động tư nhân, sự độc lập-phụ thuộc của các quá trình sản xuất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ở bên khác thì mâu thuẫn tiền tệ – hàng hóa chỉ các điều kiện đối lập, loại trừ lẫn nhau của phép chuyển hóa hàng hóa thành tiền tệ trong hiện thực, tức quá trình lưu thông của hàng hóa; quá trình này “không làm cho các mâu thuẫn đó mất đi, mà tạo ra hình thái trong đó các mâu thuẫn ấy có thể vận động đươc. Vả chăng đó là phương pháp độc nhất để giải quyết những mâu thuẫn hiện thực”[140]. Nếu quả mâu thuẫn lao động trừu tượng – cụ thể và mâu thuẫn tiền tệ – hàng hóa đều là những mâu thuẫn hiện thực của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì làm sao có thể gọi mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng của hàng hóa là mâu thuẫn hình thức, khi một mặt nó là hình thái vận động của mâu thuẫn thứ nhất (lao động trừu tượng – cụ thể) và mặt khác là hạt nhân của mâu thuẫn thứ hai (tiền tệ – hàng hóa)?

Theo chúng tôi, mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng đúng là một mâu thuẫn có tính hình thức, nhưng trong một nghĩa khác: ở cấp độ phân tích hàng hóa và tiền tệ của Phấn 1, nhận thức về những mâu thuẫn của quan sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ có thể là trừu tượng, khái quát và chỉ giải thích được hình thái về khủng hoảng biểu lộ các mâu thuẫn của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng, và những mâu thuẫn lao động trừu tượng – cụ thể, tiền tệ – hàng hóa, có tính chất hình thức theo nghĩa của Marx khi ông cho rằng các mâu thuẫn ấy chỉ “khả năng có tính hình thức của khủng hoảng” [possibilité formelle de la crise]; rằng đó là “hình thái chung nhất của khủng hoảng”, là “hình thái trừu tượng của cuộc khủng hoảng hiện thực”. Trong Các học thuyết về giá trị thăng dư, người ta đọc rằng mâu thuẫn mang tính hình thức do nó là “hình thái cho một khủng hoang” [forme pour une crise]: “Hình thái trừu tượng nhất của khủng hoảng (và vì thế khả năng có chất hình thức của khủng hoảng), chính là bản thân sự chuyển hóa hình thái hàng hóa, trong đó - với tư cách là một sự vận động đã phát triển - nó chứa đựng sự mâu thuẫn - bao hàm trong sự thống nhất của hàng hóa - giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng, rồi giữa tiền tệ và hàng hóa”. Và Marx nhấn mạnh rằng điều khiến cho khả năng có tính hình thức ấy biến thành khủng hoảng hiện thực “không chứa đựng trong bản thân hình thái ấy”, mà chỉ có hình thái cho một khủng hoảng[141]. Muốn cho khả năng đó trở thành hiện thực thì “phải có một loạt những hoàn cảnh và quan hệ mà xét về phương diện lưu thông hàng hóa giản đơn thì chưa có được”[142]. Để chỉ khả năng có tính hình thức đó, Marx đôi khi dùng cụm từ ngữ nhập nhằng “mầm mống” của khủng hoảng: “Trong định nghĩa tiền tệ như là vật trung gian, trong sự phân ly trao đổi thành hai hành vi, đã chứa đựng mầm mống khủng hoảng hay chí ít cũng chứa đựng khả năng nổ ra khủng hoảng”[143]. Mặc dù nội hàm Hegel luận của nó, người ta nắm bắt rằng ý niệm vê “mầm mống” quy chiếu đến mâu thuẫn có tính hình thức: mầm mống không thể phát triển thành mâu thuẫn hiện thực khi thiếu những quan hệ không có chứa đựng trong mầm mống. Bởi, như Marx, nhấn mạnh: “Không thể nói được rằng hình thái trừu tượng của khủng hoảng là nguyên nhân của khủng hoảng”[144]. Một mâu thuẫn có tính hình thức do đó không phải là mâu thuẫn tư biện, mà là hình thái của một mâu thuẫn hiện thực - mâu thuẫn này khác mâu thuẫn tư biện ở chỗ nó chỉ được giải quyết qua bạo lực, bạo lực của đấu tranh xã hội[145].

Phần thứ nhất của nghiên cứu của chúng tôi đã khảo sát khái niệm về hàng hóa như là hình thái của sản phẩm lao động. Nó cho phép xác lập tầm quan trọng chiến lược của Phần 1, Quyển I Tư bản để đọc và hiểu đúng Marx. Trong văn bản này - và những phần tương ứng của những Bản thảo 1857-1858Các học thuyết về giá trị thặng dư - Marx thiết kế hai khái niệm cơ bản trong cách đặt vấn đề của mình là: giá trị như là hình thái, và hình thái của giá trị. Đọc tới, đọc lui, đọc ngang, đọc dọc văn bản đó đã cho phép chúng ta nắm bắt cách biệt về lý luận giữa Marx và chính trị kinh tế học, đặc biêt là kinh tế học Ricardo, và vì thế phủ định cái gọi là lý luận giá trị-lao động. Đồng thời, nó cũng cho phép chúng ta đo lường khoảng cách giữa phê phán đầu tiên chính trị kinh tế học của Marx 1844 và bộ Tư bản, và vì thế phủ nhận phép đọc Phần 1 Quyển I theo Hegel và Feuerbach luận. Phản bác các cách đọc kinh tế học và triết học cổ điển, còn cho phép chúng ta tái lập phép lô-gích của Marx trong phân tích sùng bái, và vượt lên sự sùng bái là phân tích mâu thuẫn. Tất nhiên, ở cấp độ phân tích chúng ta đang đứng, những mâu thuẫn của hình thái hàng hóa còn mang tính hình thức. Trong mâu thuẫn giữa người mua và người bán, “bản chất đối kháng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hãy còn biểu hiện ra” - theo như Marx viết - một cách “hời hợt”, “hình thức”[146]: điều đó không có nghĩa rằng hình thái hàng hóa là cái gì không thiết yếu, tan mất dần hay ở bên ngoài các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa - sai lầm của chính trị kinh tế học mà Marx phê phán trong suốt Phần 1. Nó có nghĩa đối với chúng ta rằng hình thái hàng hóa của sản phẩm lao động còn phải đặt nền tảng trên phép phân tích hàng hóa như sản phẩm của tư bản.

----

MỤC LỤC

Tập I

LỜI NÓI ĐẦU

LỜI DẪN NHẬP

Phần thứ nhất: HÀNG HÓA NHƯ LÀ HÌNH THÁI CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG

Chương 1: LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG - CỤ THỂ

Tiết 11: Lao động trừu tượng và lao động cụ thể, lao động xã hội và lao động tư nhân

§ 111: Tính đối lập giữa lao động tư nhân và lao động xã hội

§ 112: Tính che phủ lao động tư nhân - lao động cụ thể, lao động xã hội - lao động trừu tượng

§ 113: Tính xã hội và sự xã hội hoá các cá nhân tư

Tiết 12: Lao động trừu tượng – cụ thể, lao động sinh lý và lao động có ích

§ 121: Định nghĩa vật chất - kỹ thuật về lao động cụ thể

§ 122: Định nghĩa thực định về lao động trừu tượng

Tiết 13: Lao động trừu tượng, lao động nói chung và sự trừu tượng hóa hiện thực

§ 131: Lao động trừu tượng như là sự thật thực tiễn

§ 132: Lao động trừu tượng như là lao động tha hóa

§ 133: Lao động trừu tượng như là phổ quát cụ thể

Tiết 14: Lao động trừu tượng, lao động xã hội và lao động ngang bằng

§ 141: Lao động trừu tượng như là phạm trù lô-gích

§ 142: Lao động trừu tượng như là phạm trù siêu hình

§ 143: Bàn về Chương 1, Quyển I bộ Tư bản

 

Chương 2: HÌNH THÁI GIÁ TRỊ CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG

Tiết 21: Tính khách thể xã hội và hình thái vật chất của giá trị

§ 211: Giá trị như hình thái vật hóa của xã hội

§ 212: Giá trị như hình thái xã hội của một vật

§ 213: Tính khách thể và tính vật chất

Tiết 22: Giá trị và giá trị sử dụng

§ 221: Sự phân biệt giữa tính hữu dụng và giá trị hữu dụng

§ 222: Sự thống nhất của giá trị và giá trị hữu dụng

 

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TIỀN TỆ

Chương 3: TÍNH ĐỐI CỰC TIỀN TỆ – HÀNG HÓA

Tiết 31: Lao động trừu tượng và/hay tiền tệ

§ 311: Hình thái của giá trị và tính đối cực hình thái tương đối – hình thái  vật ngang giá

§ 312: Hình thái giá cả và tính đối cực hàng hóa – tiền tệ

§ 313: Các hình thái của tiền tệ và tính đối cực tín dụng – tiền tệ

§ 314: Tiền tệ hay mặt đối lập của hàng hóa

§ 315: Tính hai mặt của tiền tệ

Tiết 32: Giá trị và/hay giá trị trao đổi

§ 321: Từ Góp phần phê phán kinh tế chính trị học đến Tư bản

§ 322: Giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối

§ 323: “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” đối chiếu với “20 m vải = 1 cái áo”

Tiết 33: Giá trị và/hay giá cả

§ 331: Thước đo nội tại và thước đo bề ngoài của giá trị

§ 332: Sự chuyển hóa giá trị thành giá cả

 

Chương 4: SỰ SÙNG BÁI HÌNH THÁI GIÁ TRỊ

Tiết 41: Hình thái khách thể và hình thái chủ thể

§ 411: Hình thái về khách thể và sự sùng bái

§ 412: Hình thái về cá thể và quan hệ hàng hóa

§ 413: Sùng bái và tha hóa

Tiết 42: Bàn về Phần 1, Quyển I bộ Tư bản

 

Phần thứ hai: HÀNG HÓA VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ SỨC LAO ĐỘNG

Chương 5: TƯ BẢN NHƯ QUAN HỆ HÀNG HÓA VỀ BÓC LỘT

Tiết 51: Sự phân chia thế giới hàng hóa giữa sản phẩm của tư bản và sức lao động

§ 511: Giá trị như là quan hệ bó buộc lao động thặng dư

§ 512: Sức lao động như là hàng hóa ảo

Tiết 52: Quan hệ trao đổi như là hình thái quan hệ giai cấp

§ 521: Quan hệ hàng hóa và quan hệ tư bản chủ nghĩa

§ 522: Hình thái giá trị và nội hàm giai cấp

 

Chương 6: TƯ BẢN NHƯ LÀ QUAN HỆ SẢN XUẤT VÀ SỨC SẢN XUẤT

Tiết 61: Sự vật thể hóa tư bản trong sức sản xuất

§ 611: Thâu gồm hình thức và bó buộc tiền tệ về lao động thặng dư

§ 612: Thâu gồm hiện thực và bó buộc kỹ thuật về lao động thặng dư

Tiết 62: Tính hai mặt của sức sản xuất do tư bản phát triển

§ 621: Phủ định tư bản như là xu thế của tư bản

§ 622: Tính đối kháng và phi đối kháng của mâu thuẫn tư bản

§ 623: Sức lao động, khái niệm đặc thù của người lao động tự do

CHÚ THÍCH

 

Tập II

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TỶ SUẤT LỢI NHUẬN CHUNG

Chương 7: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ LÀ BƯỚC CHUYỂN PHÂN TÍCH TƯ BẢN TỪ CẤP ĐỘ TRỪU TƯỢNG HÓA NÀY SANG CẤP ĐỘ KHÁC

Tiết 71: Quan hệ giai cấp và quan hệ liên tư bản

§ 711: Sản xuất hàng hóa đơn giản và sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa

§ 712: Tư bản nói chung và tư bản số nhiều

Tiết 72: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận bình quân

§ 721: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá trị thị trường

§ 722: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá cả thị trường

§ 723: Cương vị kép của tỷ suất lợi nhuận chung: hình thái chuyển hóa của tỷ suất giá trị thặng dư và tỷ suất lợi nhuận bình quân

 

Chương 8: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ BƯỚC PHÁT TRIỂN HÌNH THỨC CỦA GIÁ TRỊ SANG CẤP ĐỘ TƯ BẢN SỐ NHIỀU

Tiết 81: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận không ngang bằng

§ 811: Tỷ suất lợi nhuận chung và những hình thái cạnh tranh

§ 812: Tỷ suất lợi nhuận chung và phân khúc tư bản

Tiết 82: Giá cả sản xuất và quy luật giá trị

§ 821: Phép chuyển hóa và bóc lột

§ 822: Hai đẳng thức của phép chuyển hóa

§ 823: Giá cả sản xuất và lao động xã hội cần thiết

 

Phần thư ba: HÀNG HÓA VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN CÁ BIỆT

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH

Chương 9: SIÊU LỢI NHUẬN NỘI NGÀNH VÀ LIÊN NGÀNH

Tiết 91: Giá cả sản xuất chung, giá cả sản xuất cá biệt và siêu lợi nhuận cá biệt

§ 911: Giá cả sản xuất và giá cả thị trường

§ 912: Giá cả sản xuất chung và giá cả sản xuất cá biệt

§ 913: Giá cả sản xuất chung và giá trị thị trường

Tiết 92: Giá cả sản xuất chung, giá cả thị trường và siêu lợi nhuận thị trường

§ 921: Tính chất của lao động xã hội cần thiết

§ 922: Giá cả thị trường xoay quanh giá cả sản xuất

§ 923: Tỷ suất lợi nhuận chung, siêu lợi nhuận thị trường và siêu lợi nhuận cá biệt

 

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ CHUYỂN ĐỔI LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH THÀNH ĐỊA TÔ

Chương 10: ĐỊA TÔ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Tiết 101: Sở hữu đất đai và tư bản

§1011: Sở hữu đất đai như là quan hệ phân phối tư bản chủ nghĩa

§ 1012: Sự thâu gồm sở hữu đất đai vào tư bản

§ 1013: Địa tô tuyệt đối, sở hữu ruộng đất và giai cấp xã hội

Tiết 102: Vấn đề ruộng đất và quy luật giá trị

§ 1021: Địa tô tư bản chủ nghĩa và khớp nối các phương thức sản xuất

§ 1022: Sự thâu gồm lao động vào tư bản trong nông nghiệp và sự bóc lột lao động nông dân

§ 1023: Đối tượng của Phần 6 Quyển III Tư bản

 

Chương 11: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH

Tiết 111: Lĩnh vực nông nghiệp và sự xác định giá cả sản xuất

§ 1111: Khả năng về lợi nhuận dưới chuẩn bình quân trong nông nghiệp

§ 1112: Khả năng về địa tô chênh lệch âm

Tiết 112: Đất nông nghiệp và tính màu mỡ

§ 1121: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ kinh tế

§ 1122: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ nhân tạo

§ 1123: Ruộng đất như là hàng hóa ảo và sự chuyển đổi siêu lợi nhuân cá biệt thành địa tô chênh lệch

 

Chương 12: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ TUYỆT ĐỐI

Tiết 121: Giải pháp lý luận năm 1862

§ 1211: Địa tô trên khoảng đất tồi nhất

§ 1212: Cấu thành hữu cơ của tư bản nông nghiệp và sở hữu ruộng đất

§ 1213: Địa tô tuyệt đối như khoản dư của giá trị trao đổi trên giá cả sản xuất

§ 1214: Tình trạng thị trường và sự hiện thực hóa địa tô

Tiết 122: Đặt lại vấn đề địa tô tuyệt đối

§ 1221: Khoản trừ trên giá trị trao đổi hay khoản dư trên giá cả sản xuất

§ 1222: Địa tô tuyệt đối hay địa tô độc quyền

§ 1223: Địa tô nội sinh hay địa tô ngoại sinh

§ 1224: Tính chất của địa tô tuyệt đối và phương thức xác định nó

 

LỜI KẾT

CHÚ THÍCH

THƯ MỤC

MỤC LỤC

 

Nguồn: Tác giả - dịch giả Trần Hải Hạc gởi trực tiếp cho PTKT.

---- 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 4: SỰ SÙNG BÁI HÌNH THÁI GIÁ TRỊ

[1] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1974-1975, t. 3, tr. 175].

[2] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 97].

[3] Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, nxb Editions Sociales 1983, tr. 82-83 và 2016, tr. 74].

[4] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 95-96].

[5] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 85].

[6] Xem phía trên Tiết 21.

[7] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 570].

[8] Xem phía trên Tiết 33.

[9] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 223].

[10] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 103].

[11] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 223].

[12] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 208].

[13] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr.76; phiên bản 2016, tr. 76]

[14] “Trong những quan hệ trao đổi ngẫu nhiên và thường xuyến biến động giữa các sản phẩm lao động, thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm ấy thắng thế thành quy luật tự nhiên có tính chất điều tiết, y như khi nhà đổ đè lên đầu rồi thì bất cứ ai cũng thấy được quy luật trọng lực” [1875, t. 1, tr. 87].

[15] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 3, tr. 255].

[16] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 3, tr. 256]. Xem thêm tr. 208, Marx viết rằng những vận động của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa “hiện ra đối với các tác nhân sản xuất như là những quy luật tự nhiên toàn năng, thể hiện một sự thống trị không thể nào tránh được và biểu hiện đối với họ như là tất yếu mù quáng”.

[17] Michel Vadée có nhấn mạnh nhận định theo đó quy luật giá trị không phải là một quy luật tự nhiên mà là một quy luật biểu hiện như là quy luật tư nhiên [M. Vadée, Marx, penseur du possible, nxb Méridien/Klincksieck, 1992, tr. 84 và tiếp]. Tuy nhiên, mặc khác, ông thiết định quy luật giá trị như là một “quy chung” về phẩn bổ lao động xã hội “trong bất cứ xã hội nào” và nó hiện thưc hóa dưới những hình thái riêng biệt tùy theo điều kiện xã hội lịch sử [sđd, tr. 96-99]: trong một ý nghĩa nào khác, điều này đưa quy luật giá trị trở về với quy luật tư nhiên.

[18] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 27].

[19] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 344-345].

[20] Tư bản, Chương 1 [1867-1890a, 218].

[21] Tư bản, Chương 1 [1867-1890a, 219].

[22] Tư bản, Chương VI, 1864 [1864, 256].

[23] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 14].

[24] Isaak Roubine, Essai sur la théorie de la valeur de Marx, nxb Maspéro, 1978, tr. 50.

[25] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 3, tr. 255].

[26] Jacques Rancière, ‘Le concept de critique et la critique de l’économie politique des Manuscrits de 1844 au Capital’, in L. Althusser et al., Lire le Capital, nxb Maspéro, 1973, t. 3, tr. 107-108.

[27] J. Rancière, sđd, tr. 76.

[28] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 106].

[29] Chúng tôi chia sẻ phân tích của Alain Lipietz [Le monde enchanté, Maspéro, 1983, tr. 117] khi tác giả phân biệt mối liên hệ “nội tại”, “ẩn dấu” với mối liên hệ “bề ngoài” “hiện ra ở bên ngoài” của các phạm trù kinh tế; hay theo thuật ngữ của Marx là phân biệt hai cách nhận thức “bí truyền” [ésotérique] với “công truyền” [exotérique] trong Các học thuyết về giá trị thặng dư [1974-1975, t. 2, tr. 184 và 188].

[30] L. Althusser, ‘Idéologie et appareils idéologiques d’Etat’, La Pensée, tháng 6 1970, tr. 29 và 36.

[31] E. Balibar, Cinq études du matérialisme historique, nxb Maspéro, 1974, tr. 214.

[32] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 98 và 95].

[33] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 220].

[34] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 181-182 và 187].

[35] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 183-184].

[36] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 185-186].

[37] Tính hai mặt này quy chiếu đến sự phân cách của ”xã hội dân sự” và “nhà nước”, tương ứng với sư phân biệt giữa quyền của “con người” (thành viên của xã hội dân sự) và quyền của “công dân” (thành viên của nhà nước). Xem Về vấn dề Do Thái [1843b, tr. 347-381].

[38] Sự nối khớp trật tự trao đổi hàng hóa với trật tự đân chủ sẽ được xét đến khi chúng tôi khảo sát khái niệm về sức lao động. Xem phía sau § 623.

[39] Evgeny Pasukanis, La théorie générale du droit et le marxisme, nxb EDI, 1970, tr. 102.

[40] E. Pasukanis, sđd, tr. 85 và 92-93.

[41] E. Pasukanis, sđd, tr. 88-89.

[42] Bruno Theret, Régime économique de l’ordre politique, nxb PUF, 1992, tr. 97-98.

[43] Một cách lô-gích, Evgeny Pasukanis bảo về một quan niệm nhà nước như cở sở thượng tầng, như là một “momen phụ và phái sinh” so với xã hội dân sự [sđd, tr. 80]. Tác giả quy chiếu đến một đoạn văn của Marx trẻ trong Gia đình thần thánh [tr. 147]: “Chính tính tất yếu tự nhiên, chính những thuộc tính chủ yếu của con người cho dù bị tha hóa, chính lợi ích là cái liên kết các thành viên của xã hội dân sự lại với nhau, cái xã hội mà mối liên kết hiện thực của nó là đời sống dân sự chứ không phải đời sống chính trị […] Ngày nay chỉ có sự mê tín chính trị mới còn cho rằng sự cố kết của đời sống dân sự là sự nghiệp của nhà nước trong khi đó thì trong thưc tế lại trái lại, sự cố kết của nhà nước được duy trì bởi đời sống dân sự”; Trong văn bản 1844 này, Marx phê phán sự tha hóa chính trị ở Hegel và tiến hành đảo ngược như Feuerbach mối tương quan giữa nhà nước và xã hội dân sự. Song, ngay từ 1845, trong Hệ tư tưởng Đức [tr. 31], xuất hiện một cách đặt vấn đề mới của Marx trên nền tảng mối tương quan đối cực xã hội dân sự – nhà nước hiện đại. Chúng tôi sẽ bàn tiếp tục vấn đề này trong lời kết luận chung.

[44] Jacques Bidet, Théorie de la modernité, nxb PUF, 1990, tr. 170.

[45] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1974-1975, t. 1, tr. 183 và 321].

[46] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 150].

[47] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 217].

[48] “Sự liên kết xã hội, sinh ra từ những cá thể độc lập tiếp xúc với nhau, hiện ra đối với họ như là tất yếu khách quan và đồng thời như là ở bên ngoài họ: nó biểu hiện tính độc lập của họ. Sự tồn tại trong xã hội […] hiện ra đối với các cá thể như là một cái gì ở bên ngoài họ, và hơn nữa, trong tiền tệ, nó hiện ra như là một vật sờ mó được” (Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 217]).

[49] “Đối diện với những cá thể - những chủ thể độc lập -, cộng đồng phải tồn tại như là cái gì vật chất, độc lập, bên ngoài, ngẫu nhiên. Đó là điều kiện để các cá thể, với tính cách là những con người tư nhân, duy trì đồng thời mối quan hệ xã hội” (Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 218]).

[50] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 50]

[51] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 82-83].

[52] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 106].

[53] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 86].

[54] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 217-218]

[55] Karel Kosik, La dialectique du concret, nxb Maspéro, 1978, tr. 64 và 67.

[56] K. Kosik, sđd., tr. 64.

[57] Mặt khác và một cách chính đáng, Karel Kosik thiết định rằng “không thể quy giàn con người vào hệ thống” [sđd., tr. 68]. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng chính tính bất khả quy con người cá thể vào chức năng của nó trong hệ thống, cấu thành tính hai mặt mâu thuẫn của nó.

[58] K. Kosik, sđd., tr. 133-134.

[59] K. Kosik, sđd., tr. 63.

[60] K. Kosik, sđd., tr. 133-134.

[61] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 164-165].

[62] K. Kosik, sđd., tr. 132-133.

[63] Xem phía trên §§ 132 và 212.

[64] Lucio Colletti, Le marxisme de Hegel, nxb Champ libre, 1976, tr. 241.

Chú thích bổ sung: Lucio Colletti quy chiếu đến mệnh đề “con người là một sinh vật có tính loài” [l’homme est un être générique] trong Bản thảo 1844 [1844, tr. 61]. Nhân đây, chúng tôi hiệu chính cách chuyển ngữ thuật ngữ “genre” ở mục § 133 bàn đến khái niệm về lao động trừu tượng của Ruy Fausto. Trong mục này, hai cấp phân loại “genre” và “espèce” được dịch là “giống” và “loài”, tạo nên nhầm lẫn về khái niệm. Xin dành thuật ngữ “loài” và “tính loài” để chuyển ngữ “genre” và tính từ “générique” trong những văn bản của Marx.

[65] Bản thảo 1844 [1844, tr. 66-67]. Cũng như trong Gia đình thần thánh [1845, tr. 54], người ta tìm thấy mệnh đề có thể xem như công thức đầu tiên của khái niêm quan hệ xã hội về sản xuất: “Vật thể, với tư cách là sự tồn tại vì con người, với tư cách là sự tồn tại vật thể của con người thì đồng thời cũng là sự tồn tại hiện có của con người vì người khác, là quan hệ con người với người khác, là quan hệ xã hội của người đối với người”. Xem bình luận của Lénine [Toàn tập, t. 38, nxb Progrès, 1971, tr. 27] và thảo luận về điểm này ở phía sau, Chương 6.

[66] Trong Bản thảo 1844 [1844, tr. 136-137], người ta đọc rằng: “con người có những đối tượng hiện thực, cảm tính làm đối tượng của thực thể của mình, của biểu hiện đời sống của mình; và con người chỉ có thể biểu hiện đời sống của mình nhờ những đối tượng hiện thực, cảm tính. Có tính đối tượng, tự nhiên, cảm giác thì cũng là có đối tượng, tự nhiên, cảm tính ở ngoài mình; hoặc bản thân mình là đối tượng, tự nhiên, cảm giác đối với một thực thể thứ ba nào đó. […] Thực thể không có tự nhiên của nó ở bên ngoài nó thi không phải là thực thể tự nhiên, nó không tham gia đời sống của tự nhiên”.

[67] Cũng trong Bản thảo 1844 [1844, tr. 61 và 63] người ta đọc rằng “con người biến loài, cả loài của chính mình cũng như loài của những vật khác, thành đối tượng của mình, mà còn là vì - và đây chỉ là cách diễn đạt cùng một sự việc theo một lối khác mà thôi - con người đối xử với bản thân mình như với loài sống hiện nay, vì con người đối xử với bản thân mình như với một thực thể phổ quát và do đó là một thực thể tự do”. Trong khi “con vật đồng nhất nó một cách trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó […], thì con người biến bản thân hoạt động sinh sống của mình thành đối tượng của ý chí và của ý thức của mình. […] Hoạt động sinh sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sinh sống của con vật. Chính vi thế và chỉ vì thế mà con người là thực thể có tính loài”.

Chú thích bổ sung: Nhân đây, chúng tôi hiệu chỉnh cách chuyển ngữ thuật ngữ “genre” trong mục § 133 ở phía trên. Trong mục bàn về lý luận của Ruy Fausto này, hai cấp phân loại “genre” và “espèce” được dịch là “giống” và “loài”, tạo nên nhầm lẫn về khái niệm. Xin dành thuật ngữ “loài” và “tính loài” để chuyển ngữ “genre” và tính từ “générique” trong những văn bản của Marx.

[68] L. Colletti, sđd., tr. 235, 254 và 234.

[69] Bản thảo 1844 [1844, tr. 95 và 97]. Về mối tương quan nam - nữ, Marx còn viết rằng: “Trong quan hệ có tính loài tự nhiên, quan hệ của con người với tự nhiên là trực tiếp quan hệ với con người; cũng như quan hệ với con người là trực tiếp quan hệ với tự nhiên” [1844, tr. 86].

[70] Xem phía sau, Chương 6.

[71] Bản thảo 1844 [1844, tr. 89-90]

[72] Ghi chú bên lề sách bàn về chính trị kinh tế học của Adolph Wagner [1979-1880, tr. 477].

[73] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 214].

[74] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 205].

[75] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 3].

[76] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 20].

[77] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 62].

[78] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 34 và 59].

[79] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 277 và 33].

[80] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 402].

[81] L. Colletti, De Rousseau à Lénine, nxb Gordon & Breach, 1974, tr. 151.

[82] K. Kosik, sđd., tr. 131.

[83] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 91 và 101].

[84] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 149-150; 217-218; 65]. Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 164-165].

[85] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 98-99].

[86] Cạnh khía này của vấn đề sẽ được thảo luận ở phía sau, Chương 6.

[87] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 92-93 và 96].

[88] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 93, 101 và 98].

[89] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 100].

[90] Ngược lại, cách Jacques Bidet đọc Bản thảo 1857-1858 cho rằng văn bản này không nằm trong viễn cảnh phân tích sự sùng bái của bộ Tư bản, mà nó nối tiếp phân tích sự tha hóa-vật thể hóa có tính Hegel-Feuerbach luận trong Bản thảo 1844 [Que faire du Capital?, nxb Klincksieck, 1985, tr. 224].

[91] Trong Bản thảo 1857-1858, người ta cũng tìm thấy những công thức khác liên quan đến tiền tệ như là “Thượng đế” [“Tiền tệ là Thương đế trong các hàng hóa”, sđd., 1, tr.160] hoặc là “cộng đồng” [“Bản thân tiền tệ là cộng đồng và không chấp nhận một cộng đồng nào khác đứng bên trên nó”, sđd, 1, tr. 161]. Cho dù mang nội hàm Feuerbach luận chăng nữa, các mệnh đề này, về nội dung, không hề có chung nền tảng triết học với những Ghi chú đọc sách 1844 về J. Mill của Marx trẻ [Notes de lecture, Œuvres - Economie, t. 2, tr. 17-18].

[92] Lucien Sève, Une introduction à la philosophie marxiste, nxb Maspéro, 1980, tr. 153.

[93] Etienne Balibar, Cinq études du matérialisme historique, sđd., tr. 223-224. Xem Louis Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, in Le Capital, Livre I, nxb Garnier-Flammarion, 1969 tr. 22.

[94] D.I. Rosenberg, Giới thiệu Quyển I bộ Tư bản của Các Mác, nxb Sự Thật, 1969, tr. 175-176.

[95] E. Balibar, sđd., tr. 223 và 217-218. Xem L. Althusser, ‘Avant propos’ à Gérard Duménil, Le concept de loi économique dans le Capital, nxb Maspéro, 1978, tr. 14.

[96] E. Balibar, sđd., tr. 218-220. Trong tác phẩm sau cùng - La Philosophie de Marx, nxb La Découverte, 1993 -, Balibar xem như đánh giá lại lý luận về sùng bái và, chung hơn, Phần 1 Quyển I bộ Tư bản, với những nhận định như sau:

1) Phần 1 Tư bản chứa đựng “một phép trình bày triết học về sự hình thành của các tính phổ biến và mối tương quan của các thực thể trừu tượng ấy với thực tiễn của con người”; đặc biệt lý luận về sùng bái không những là một đỉnh cao triết học của Marx, hoàn toàn sáp nhập vào sự nghiệp “phê phán” và “khoa học” của ông, mà nó còn là công trình lý luận lớn của triết học hiện đại.

2) Phép trình bày của Chương 1, “gắn liền” với Chương 2, xử lý sự sùng bái không chỉ như là hình thái khách thể mà còn như là hình thái chủ thể, và “khi Marx tư duy lại tính khách thể xã hội, đồng thời và tiềm tàng ông cách mạng hóa khái niệm về chủ thể”.

3) Phân tích hàng hoá dẫn đến hậu thế kép: không những là phép phân tích sự “vật thể hóa” các chủ thể trong thế giới hàng hóa, lấy cảm hứng từ Lukacs; mà còn là phép phân tích các “phương thức lệ thuộc” của thế giới hàng hóa gắn với tiền tệ và pháp luật, lấy cảm hứng từ cấu trúc luận. [sđd., tr. 55-71]

[97] L. Althusser, Lénine et la philosophie suivi de Marx et Lénine devant Hegel, nxb Maspéro, 1972, tr. 78-79.

[98] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 86].

[99] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 17].

[100] Chẳng hạn, trong lần xuất bản đầu tiên 1867, người ta có thể đọc về Hình thái I rằng “hình thái này hơi khó phân tích vì nó đơn giản. Có thể nói rằng nó là hình thái tế bào hay, như Hegel có thể nói, là cái tự nó của tiền tệ [en-soi de l’argent]” (Tư bản, Chương 1, bản 1867 [1867/1890a, tr.49]).

[101] Chẳng hạn, kể từ lần xuất bản thứ hai, là việc thay thế đoạn văn về các khái niệm có tính loài như “động vật” và “pháp luật” bởi văn bản về “tính thực định” của lao động trừu tượng. (Tư bản, Chương 1, bản 1867 [1867/1890a, tr. 73 và 133]; Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 80]).

Cũng trong mục đích ấy, nhưng không mấy xác đáng, là việc Marx bổ sung hai “câu nhỏ” về tính lịch sử của Hình thái I và Hình thái II, tạo nên, như chúng ta đã thấy, một sự lẫn lộn giữa phát sinh lý luận và phát sinh lịch sử của tiền tệ (Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 78]). Xem khảo sát của J. Bidet về sự hình thành của Tiết 3 Chương 1 [Que faire du Capital?, sđd, tr. 200 và tiếp].

[102] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 7 và 83].

[103] Xem phía trên Tiết 31.

[104] Ngược lại và thay vì bảo vệ phép đọc Marx dựa theo Hegel, Ruy Fausto đề xuất một phép đọc Tư bản khởi đi từ Lô-gích của Hegel, vì nhiều khó khăn gặp phải trong diễn giải Tư bản đến từ sự thiếu hiểu biết phép biện chứng, đặc biệt là biện chứng của Hegel. [R. Fausto, Le Capital et la Logique de Hegel, nxb L’Harmattan, 1997; ‘La dialectique du Capital et ses implications: éthique et marxisme’, Colloque Marx, Université Paris X, 1997]

[105] Ngược lại, Etienne Balibar cho rằng phép phân tích sùng bái ở Tiết 4, Chương 1 dẫn đến một khái niệm về lao đông trừu tượng – cụ thể “chưa đạt đến” tính chất hai mặt của lao động biểu hiên trong hàng hóa trình bày trước đó ở Tiết 2. Bình luận văn bản về biểu hiện của lao động trong các hình thái sản xuất hàng hóa và phi hàng hóa của Tiết 4, Balibar cho rằng nó tiền giả định “biểu hiện của lao động trừu tượng như là sự tồn tại tự nhiên và hiển nhiên của lao động nói chung mà các ngành khác nhau của phân công lao động chỉ hiện thực hóa những hình thái cá biệt” [Cinq études du matérialisme historique, sđd., tr. 215]. Sự ngược nghĩa ở đây không thể chối cãi bởi, như chúng tôi đã nhận xét, đối tượng của văn bản này chính là xác định phạm trù lao động trừu tượng như là hình thái lịch sử nhất định của lao động xã hội - lao động với tính cách nó tái sản xuất quan hệ xã hội về sản xuất tư bản chủ nghĩa; và tất cả lập luận của Marx làm rõ vì sao lao động trừu tượng không phải là lao động nói chung, cũng không phải là lao động xã hội nói chung, hay lao động ngang bằng nói chung. Xem phía trên Tiết 1.4.

[106] Tư bản, Chương 1, bản 1867 [1867/1890a, tr. 55-57]. Nhấn mạnh sự khác biệt đối với Hegel, Marx nhận xét là, trong Lô-gích của Hegel,: “do khái niêm trước tiên chỉ là chủ quan, nó chuyển sang khách thể hóa bởi hoạt động của bản thân mà không cần đến một vật liệu hay một yếu tố bên ngoài nào cả”.

Lucien Sève cũng nhận xét rằng trong khái niệm của Hegel, do bên trong và bên ngoài “bản chất là đồng nhất, […], biểu hiện của khái niệm không cho thấy cái gì khác hơn là bản chất của nó, và bản chất của khái niệm không có gì mà không biểu hiện ra” [Georg Hegel, La science de la logique, Encyclopédie des sciences philosophiques, nxb Vrin, 1970, tr. 391]. Trong khi ở Marx, tính hai mặt của hình thái xã hội lich sử và hình thái tự nhiên buộc người ta tư duy vừa tính bên trong và tính bên ngoài, vừa tính nội hiện và tính lệch tâm của bản chất, và vượt bỏ ảo tưởng tư biện theo đó có thể tư duy lô-gích hình thái như là sự vận động độc lập của vật độc lập [L. Sève, Structuralisme et dialectique, nxb Editions Sociales, 1984, tr. 214 và 222].

[107] L. Althusser, ‘Avant-propos’ in G. Duménil, Le concept de loi économique dans Le Capital, sđd., tr. 17-19

[108] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 228].

[109] G. Duménil, sđd., tr. 43 và 39.

[110] L. Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, Le Capital, Livre I, sđd, tr. 22.

[111] Ghi chú bên lề sách của Wagner [1979-1880, tr. 472 và 476]. Xem phía trên, Tiết 22.

[112] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 231].

[113] Hệ tư tưởng Đức [1846, tr. 63].

[114] L. Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, sđd., tr. 13 và 19. Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 17].

[115] L. Althusser, ‘Avant-propos’ in G. Duménil, sđd., 25-26.

[116] L. Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, sđd., tr. 21; Những là thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, tr. 229]

[117] L. Althusser, ‘Avant-propos’ in G. Duménil, sđd., tr. 26. Ghi chú bên lề sách của Wagner [1979-1880, tr. 477].

[118] Xem phía trên Tiết 14.

[119] Những là thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, tr. 229]. L. Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, sđd., tr. 20. 

[120] Xem nhận định phê phán của Ruy Fausto về tương quan giữa cách đặt vấn đề của Lỉre Le Capital và nhân loại luận. “Đề án xác lập chủ nghĩa duy vật lịch sử trên cở sở của một lý luận chung, khái quát là con đường chắc chắn nhất dẫn đến nhân loại luận, cho dù hay đúng hơn bởi vì ý đồ chống nhân loại luận của nó. […] Chủ thuyết Althusser là nhân loại luận chính vì nó là phản nhân loại luận. Tính phi biện chứng của sự chống đối nhân loại luận khiến phải lật ngược phản nhân loại luận thành đối lập của nó”. Thế thì triết học chủ thể và triết học phi chủ thể lại gặp nhau. [R. Fausto, ‘Althusérisme et anthropologisme’, L’Homme et la Société, tháng 7-tháng 12, 1976, tr. 97].

[121] Gérard Duménil nhận xét rằng phép trình bày Tư bản đi từ phân tích hàng hóa nói chung sang hàng hóa số nhiều ngay trong Phần 1 Quyển I. Và theo ông, Marx tiến hành bước chuyển từ hàng hóa sang những hàng hóa khi khảo cứu lưu thông M - A - M, tức ở Chương 3 [G. Duménil, sđd., tr. 107] Trong phép đọc của chúng tôi, bước chuyển xẩy ra ngay từ Chương 1, Tiết 3 bàn về hình thái của giá trị, khi phân tích của Marx chuyển từ giá trị sang giá trị trao đổi. Đó là ý nghĩa của Ghi chú bên lề sách của Wagner theo đó “giá trị trao đổi của hàng hóa chỉ tồn tại khi hàng hóa hiện ra số nhiều”.

[122] Trong Lire Le Capital, bàn đến thứ mâu thuẫn “contradictio in djecto”, Pierre Macherey lẫn lộn giá trị với giá trị trao đổi và thay thể một cách có hệ thống giá trị trao đổi bằng giá trị: “Giá trị xem ra như là một thứ tùy tiện và thuần tương đối”; “giá trị trước tiên được trình bày như là một nhân tố của hàng hóa” [P. Macherey, ‘A propos du processus d’exposition du Capital, in L. Althusser et al., Lire Le Capital, nxb Maspéro, 1973, t. 4, tr. 25-26].

[123] Thư gửi Engels ngày 2.4 1958, Những là thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, tr. 95-96].

[124] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 207-210].

[125] Như Gérard Jorland có nhấn mạnh [G. Jorland, Les paradoxes du capital, nxb Odile Jacpb, 1995, tr. 28 và 32-33].

[126] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 375-376].

[127] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 94].

[128] Đây là phương pháp lập luận của những tác giả như Carlo Benetti và Jean Cartelier, Michel Aglietta và André Orléan, Ghislian Deleplace, Michel De Vroey, Gilbert Faccarello…

[129] Biện bạch thứ tự trình bày của Tư bản, Marx cũng có nêu lý lẽ chính trị. Khi xuất bản hai chương đầu bàn về hàng hóa và tiền tệ của Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Marx đưa ra cho F. Engels chỉ dẫn như sau: “Do tính chất của phần nội dung đã xuất bản, bọn chó má sẽ không thể quy giản phê bình của chúng trong những lời thóa mạ khuynh hướng của chúng ta, và vì tổng thể có dáng vẻ thật nghiêm túc và khoa học, nên tôi buộc bọn bịp bợm phải có thái độ nghiêm túc đối với những lập luận của tôi về tư bản” (Thư gửi Engels ngày 13.1 1859, Những là thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, tr.104]. Hay chỉ dẫn sau đây cho F. Lassalle: “Phần 1 chưa chứa đựng chương cơ bản, tức chương 3 nói về tư bản. Tôi cho rằng như vậy là tốt hơn vì lý do chính trị, bởi trận chiến thực sự bắt đầu với chương ấy, và không nên thoạt tiên gây ra nỗi lo sợ” (Thư gửi Lassalle ngày 28.3 1859, sđd., tr. 111).

[130] Có thể nhận xét với Alain Lipietz rằng cắt xén Phần 1 của Tư bản không hề tống khứ vấn đề khởi đầu tuyết đối của Hegel, bởi khi ấy Phần 2 trở thành khởi đầu. “Và cám dỗ Hegel luận vẫn còn đó: xây dựng lại toàn bộ Tư bản từ khái niệm về mâu thuẫn giai cấp tư sản / vô sản và từ đó suy diễn sự tồn tại của những tư bản khác nhau (như là thực thể-của-tư bản-bên cạnh-bản thân-nó-như-thực thể-lạ?)” [A. Lipietz, Crise et inflation, pourquoi?, nxb Maspéro, 1979, tr. 66-67].

[131] Về tương quan giữa các khái niệm giá trị và tư bản, xem phía sau Tiết 52.

[132] Thư gửi Engels ngày 23.5 1868, Những là thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, tr. 222]. Các “chương” 1 và 2 của lần xuất bản thứ Quyển I Tư bản trở thành từ lần xuất bản thứ 2 “tiết” 1 và 2.

[133] L. Althusser, ‘Avant-propos’ in G. Duménil, sđd., 14. Xem phía sau, Tiết 22.

[134] “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối thì của cải xã hội biểu hiện ra là một “đống hàng hóa khổng lồ, còn từng hàng hóa thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy [Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 39]. Hình thái này, theo phân tích của Marx, là môt hình thái - vật, theo nghĩa vật ở đây là hình thái biểu hiện của một quan hệ. Đi từ vật sang quân hệ, Marx chuyển qua một cấp độ khác của khái niệm hình thái. Song không phải vì thế mà khái niệm hình thái thay đổi “ý nghĩa” khiến các phép sử dụng khác nhau “không tương hợp”, như là Pierre Macherey nhận định [P. Macherey, sđd, tr. 43-44].

[135] Jacques Rancière: “Có thể cho rằng khái niệm do Marx vận dụng trong Phần 1 Tư bản chỉ mang giá trị trịệu chứng […] Có thể tự hỏi xem những khái niệm mà Marx sử dụng (mâu thuẫn, sự phát triển và giải quyết mâu thuẫn) có thể hiện một cách thích đáng điều mà Marx tư duy” [J. Ranciềre, ‘Le concept de critique et la critique de l’économie politique des Manuscrits de 1844’ in L. Althusser et al., Lire Le Capital, sđd., t. 3, tr. 55-56]. Pierre Macherey: “Vật hai mặt chỉ là một biểu tưởng không thích đáng, vì giá trị sử dụng và giá trị trao đổi tuyệt đối không thể đặt trên cùng bình diện. Giữa chúng không hề có mâu thuẫn, trừ phi là do dốt nát hay ảo tưởng (cho nên mâu thuẫn chỉ là mâu thuẫn của ảo tưởng)” [P. Macherey, sđd., tr. 41].

[136] L. Althusser, ‘Avertissement aux lecteurs du Livre I du Capital’, sđd., tr. 21. 

[137] Ghi chú bên lề sách của Wagner [1979-1880, tr. 477 và 471]. Etienne Balibar quy giản nội dung của những Ghi chú bên lề sách của Wagner trong sự phê phán các “mâu thuẫn giả”, và ý đồ của Marx là “bác bỏ và chế giễu ý nghĩ về sự mâu thuẫn của giá trị giữa hai mặt là giá trị sử dụng (cụ thể) và giá trị trao đổi (trừu tượng)” [E. Balibar, ‘A nouveau sur la contradiction’ trong CERM, Sur la dialectique, nxb Editions Sociales, 1977, tr. 46].

[138] Theo Roger Establet, có thể nói là mâu thuẫn “theo nghĩa công thức xác định nó chỉ có thể nêu lên những mối tương quan khó hiểu và không thể phối hợp” [R. Establet, ‘Présentation du plan du Capital’, trong L. Althusser et al., Lire Le Capital, sđd., t. 4, tr. 65].

[139] P. Macherey, sđd., tr. 27. Cũng theo nghĩa đó, Gérard Duménil phân biệt “mâu thuẫn của những quá trình khách quan” với “mâu thuẫn của khái niệm hóa” như là mâu thuẫn giá trị-giá trị sử dụng [G. Duménil, sđd, tr. 363 và 354].

[140] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 113].

[141] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 2, tr. 608, 610-611 và 614].

[142] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 122].

Chú thích bổ sung: Cần quy chiếu đến văn bản 1890 đặc biệt rõ nét và cô động do Marx soạn thảo cho lần xuất bản thứ 4 của Quyền I. “Khi sự độc lập ở bên ngoài của những quá trình sản xuất phụ thuộc lẫn nhau ở bên trong - vì là bổ sung cho nhau - đạt tới một điểm nào đó, thì sự thống nhất của những quá trình đó sẽ bộc lộ bằng bạo lực thông qua một cuộc khủng hoảng. Sự đối lập nội tại của hàng hóa giữa giá trị sử dụng và giá trị, giữa lao động tư nhân là thứ lao động đồng thời lại phải biểu hiện ra như là lao động xã hội trực tiếp, với lao động cụ thể cá biệt là thứ lao động đồng thời chỉ có ý nghĩa như là lao động trừu tượng phổ biến, sự đối lập giữa việc nhân cách hóa các vật và việc vật hóa con người - mâu thuẫn nội tại ấy tìm được những hình thái phát triển của sự vận động trong những đối lập của sự biến đổi hình thái của hàng hóa. Dó đó, ngay những hình thái đó cũng đã bao hàm khả năng - nhưng chỉ mới là khả năng thôi - xảy ra những cuộc khủng hoảng” [1890, tr. 129].

[143] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 137].

[144] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 2, tr. 614].

[145] “Những cuộc khủng hoảng bao giờ cũng chỉ là cách giải quyết bằng bạo lức và tạm thời các mâu thuẫn hiện có, chỉ là những sự bung nổ dữ dội lặp lại trong chốc lát thế quân bình bị phá vỡ” Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 262].

[146] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 65].



Chú thích cho phần LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ - DỊCH GIẢ:

[1] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 74].

[2] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 15].

[3] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 53].

[4] Hệ tư tưởng Đức [1846, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2014 của nxb Editions Sociales, tr. 195, 197]. Trong các ấn bản trước của nhà xuất bản này, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “subordination” [sự phụ thuộc] [ấn bản 1967, tr. 62].

[5] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 571]. Chương VI. Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2010 của nxb Editions Sociales, tr. 30]. Trong ấn bản trước đó của nxb UGE, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “soumission” [sự phục tùng] [ấn bản 1971, tr. 191].

[6] Tư bản, Quyển 1, bản 1875 [1875, t.1, tr. 62].

[7] Chương 1 của bộ Tư bản, bản 1867 [1867/1890a, tr. 53, bản in 1977 nxb Cerf]. Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. 54, bản in 1983 nxb Editions Sociales].

[8] Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. xii và 51, bản in 2016 nxb Editions Sociales].

Print Friendly and PDF