'Đọc văn Nguyễn Huy Thiệp là nhận ra chân dung xã hội thời ấy'

  • Kỹ sư Đỗ Quang Nghĩa
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin, Đức
Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Nguồn hình ảnh, Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Nguyễn Huy Thiệp ở Đức, Limburg, mùa xuân năm 2000, 50 tuổi, cùng kỹ sư Đỗ Quang Nghĩa (đeo kính) và con trai kỹ sư Nghĩa

Ba mươi năm trước, biết Nguyễn Huy Thiệp làm việc ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, tôi chủ động tìm tới, xin gặp. Sau đó tôi còn qua nhà ông ở làng Cò, ven Hà Nội, thậm chí, đến bữa, còn được ông cho ăn cơm cùng gia đình.

Khi ấy Nguyễn Huy Thiệp đã nổi tiếng lắm, thậm chí theo tôi là nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng ông rất giản dị. Người hâm mộ ông mà cứ như tôi thì sức đâu mà tiếp đãi.

Nhưng nhà văn Việt Nam, nói cho ngay, sống bằng văn chương thì siêu sao với ai.

Sau này tôi còn qua nhà ông nhiều lần, còn thấy tượng Phật Bà của ông, xi măng cốt thép (?), phảng phất gương mặt ca sĩ Khánh Ly, "Người đàn bà góa của chiến tranh Việt Nam“, không nhớ ai, văn sĩ miền Nam trước 1975, gọi bà như vậy.

Trong tiếng hát của bà, nghe ra nỗi đau quá sức chịu đựng của con người.

Nỗi đau thân phận Việt Nam

Nỗi đau ấy, và còn hơn cả nỗi đau của nội chiến 20 năm ấy, cảm thấy rất rõ trong văn Nguyễn Huy Thiệp.

Ông thương những thân phận đàn bà, thân phận đàn ông, cả thân phận lãnh tụ và hơn thế, thân phận dân tộc! Thương cái tương lai bế tắc của dân tộc từ thời điểm ấy, mà lại là cán bộ nhà nước, quá lạ và quá độc.

Dân tộc cụ thể là ai, khó biết, nhưng chính quyền thì chạm nọc, người ta khám nhà ông như để tìm đồ quốc cấm, tịch thu nhiều bản thảo, và không có ý định hoàn trả.

Với họ thì đám giấy ấy có nghĩa lý gì? Nhân đây muốn thêm, phim Xích Lô của Trần Anh Hùng, 1995, là mượn ý tưởng của Nguyễn Huy Thiệp nhưng cho tới nay chưa thấy ai nói.

12 năm sau những lần gặp Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội, tôi đón ông về nhà tôi ở Limburg, Đức.

Nước Việt sang trang vì nước Mỹ kia bỏ cấm vận. Chuyến đi sang Đức ấy của ông do giáo sư văn chương Günter Gieselfeld, một người hâm mộ Văn hóa Việt, tổ chức vào mùa xuân năm 2000.

Hâm mộ Việt Nam thì hay hơi hâm, ở đây tôi không khẳng định trường hợp này.

Ông Gieselfeld thì thạo "cái nước mình“ ở mức hơn là 'hơi hơi'. Ông ta biết rằng giả như đại sứ Đức ở Hà Nội định sửa sang dinh thự Pháp để lại ở phố Trần Phú thì phải xin phép hai thứ. Phía Việt Nam sẽ gạt đi một thứ, cái còn lại là cái mà người Đức muốn.

Định bụng mời Nguyễn Huy Thiệp, ông Gieselfeld đến ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Người phụ trách ban là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hết buổi đón tiếp, mấy tiếng sau, ông Phạm Tiến Duật ra tối hậu thư: nếu vậy phải mời "cả tôi đây“ (nghĩa là Phạm Tiến Duật), và Y Ban, và nữ thi sĩ X.

Bởi thế đoàn sang Đức đợt ấy là bốn người.

Nữ thi sĩ X gần như chỉ theo để điếu đóm, kể cả giặt giũ cho trưởng đoàn là Phạm Tiến Duật, nghe đâu như chị ấy là công an ngầm, đi để làm bánh lái, hướng con tàu là phái đoàn đi đúng lối.

Nữ văn sĩ Y Ban thì kể đi kể lại trên máy bay mấy câu chuyện khiếm nhã, mà với một người suýt theo ngành y như chị thì hình như là bình thường.

Phạm Tiến Duật khi ấy đã già, còn làm ưa làm duyên khi nói, và, trong lúc thân tình ở nhà anh Trần Cung tại Sulzbach-Rosenberg, bang Bavaria có khoe băng ca nhạc của ca sĩ TL, là người lúc ấy ông đang yêu.

Tour công cán của đoàn qua nhiều nơi, cuộc gặp gỡ ở nhà anh Trần Cung chủ yếu/chỉ có những người hâm mộ, tôi là một trong số đó.

Đêm ngủ lại tại nhà anh Cung. Sáng hôm sau, lúc mọi người chưa dậy tôi rủ anh Thiệp đi dạo trong công viên trước nhà anh Cung, trong tiếng chim và trong sương sớm.

Ít hôm sau đoàn lại có show ở Frankfurt am Main, gần nhà tôi. Cuối buổi, các thành viên của đoàn hẹn nhau hôm sau gặp nhau ở nhà giáo sư Gieselfeld lúc 16h00, còn thì tùy nghi di tản.

Anh Thiệp giản dị nói, “Tôi về nhà Đỗ Quang Nghĩa“.

Trải bao nhiêu năm quen anh Thiệp tôi không thấy anh kiêu ngạo bao giờ.

Theo kinh nghiệm cá nhân tôi biết không nhất thiết phải quen các văn nghệ sĩ khi mình hâm mộ họ. Văn nghệ sĩ lúc sáng tác và biểu diễn là ở trạng thái xuất thần, lúc đó họ cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, con người thường nhật.

Sự giản dị trong phong cách Nguyễn Huy Thiệp khiến tôi càng thích đọc văn anh.

Tối hôm đó, anh nói chuyện về người vợ của mình, rằng chị vốn là hoa khôi của khóa sư phạm năm ấy. Rằng khi hai vợ chồng, là giáo viên, được quay về Hà Nội thì vất vả lắm.

Đôi bên nội ngoại có bốn ông bà già. Thêm hai đứa con trai, gánh nặng gia đình thật đáng sợ. Nhưng giờ thì bọn trẻ đã lớn, và "đã chôn hết các cụ rồi”.

Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Nguồn hình ảnh, Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Bát Tràng, Hà Nội, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ Đỗ Quang Nghĩa trên đĩa đất (sau mới nung, men rạn), năm 2004

Trên bàn thờ nhà tôi hồi đó có đến ba bát hương, cúng gia tiên, thổ công, tiền chủ… Anh Thiệp bảo cần gì nhiều thế, cốt lòng thành, một bát hương là đủ. Kể từ đó nhà tôi chỉ để một bát hương.

Chuyện trò rôm rả, anh nói về những ngày đầu cầm bút. Viết xong những truyện ngắn đầu tiên anh đưa cho họa sĩ Hồng Hưng xem. Họa sĩ bảo "mày viết thế này thì hay nhất Việt Nam rồi.“

Sáng hôm sau, anh cùng chúng tôi đi thăm phố cổ của Limburg, buổi chiều đánh xe đưa anh đi Marburg, nơi ở của Gieselfeld.

Mấy năm sau người Đức tổ chức một cuộc hội thảo văn hóa hoành tráng hơn ở Berlin, tại Nhà Văn hóa Thế giới “Haus der Kulturen der Welt”, phần về Việt Nam là một trong các mục của chương trình chứ không phải nội dung duy nhất.

Khi ấy độ thất sủng của Nguyễn Huy Thiệp nặng hơn hồi năm 2000. Giết nhầm hơn bỏ sót, các văn sĩ miền bắc Việt Nam không ai được xuất ngoại. Bọn xấu miệng không thể bảo đấy là chèn ép một cá nhân nào.

Còn mãi những câu văn ám ảnh

Năm 2004 tôi mới có dịp về Việt Nam, gặp Nguyễn Huy Thiệp ở làng Cò, lại còn được ăn bữa trưa do anh nấu.

Sau bữa, anh đang quét nhà, quay lại chuyện văn, tôi bảo người ta không biết xếp anh vào phong trào, chủ nghĩa nào, vì anh không vừa vào khuôn khổ nào cả. Anh cười, bảo thế thì tốt quá!

Biết anh có tài ký họa trên đất rồi nung thành gốm tôi xin được anh ký họa.

Hà Nội khi ấy điện thoại cầm tay đã khá tràn lan, và một buổi thuận cho anh, anh gọi điện cho tôi, đón nhau ở quán cà phê Deli trước quảng trường nhà hát lớn Hà Nội.

Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Nguồn hình ảnh, Hình do Đỗ Quang Nghĩa cung cấp

Đấy là lần đầu tôi đến Bát Tràng. Vẽ coi như xong, anh bảo tôi thích đưa câu thơ nào của tôi để anh viết lên đĩa, ấy vậy mà tôi không nghĩ ra câu nào cả.

Đợt anh sang Đức sau đó, tôi không đến gặp được, lại mè nheo anh gửi qua bưu điện chiếc đĩa Bát Tràng ấy. Ô, có vài người hâm mộ như tôi cũng mệt thật.

Năm 2015, tình cờ cùng đến một triển lãm tranh ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội tôi quan sát được hai bậc kỳ tài dắt nhau qua phố Tràng Thi: Nguyễn Bảo Sinh và Nguyễn Huy Thiệp.

Đợt ấy, ông vừa qua đột quỵ, đi lại phải chống gậy. Ông Nguyễn Bảo Sinh nói với tôi rằng ông là người gọi hồn chó mèo chết nhất Hà Nội thời điểm ấy. Thú cưng chết, người ta tìm đến ông làm lễ cho hồn con vật thanh thoát. Ông Sinh, hơn ông Thiệp 10 tuổi, lúc đó đã 75, vẫn cứ là hoạt bát. Nhân duyên tình bạn của hai ông đến nay đã quá 30 năm, là chuyện xưa nay hiếm.

Những câu văn đầy chất thơ, những câu thơ đầy chất văn và cái nhìn sâu thẳm và thất vọng về cuộc đời người Việt. Những câu văn của ông, do vậy có thể thuộc được, như thuộc một đoạn thơ, và nó ám ảnh. Truyện, đành là thường cốt tích, chuyện của Nguyễn Huy Thiệp sau khi biết cốt rồi vẫn có thể đọc lại, bất kỳ đoạn nào, và vẫn nhận ra từng câu, từng đoạn bất chợt ấy biết bao là chiêm nghiệm đắng cay, thông tuệ, như người ta bói Kiều.

Trong truyện ngắn Vàng Lửa ông để nhân vật của mình suy tưởng thế này: "Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.“

Ô, đó là chính trị thế giới, hay chính trị trong nước bây giờ? Và biết đâu nó còn kéo dài không biết đến bao giờ.

Ông Lenin khen ông Lew Tolstoi là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga.

Mặc kệ câu nói kia có đúng cho Tolstoi không, nhưng: soi tấm gương văn Nguyễn Huy Thiệp trong những năm tháng của thập kỷ 1990 ta nhận ra chân dung xã hội thời ấy. Mà thời ấy, dẫu đang đà xuống dốc, xã hội dường như còn có đường, có nét, còn dễ miêu tả?

Sau Nguyễn Huy Thiệp - tôi nghĩ khi nghe tin anh lâm bệnh - văn học Việt không thể nào như trước.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của kỹ sư, nhà thơ Đỗ Quang Nghĩa ở Berlin, Đức.