Đối thoại Shangri-La: Các nước bàn về Ukraine, Đài Loan; Việt Nam nói ‘thế giới khó lường’

Các bộ trưởng và đại biểu lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các bộ trưởng và đại biểu lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, phát biểu qua mạng với Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tuyên bố kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.

"Tôi biết ơn sự hỗ trợ của các bạn ... nhưng sự hỗ trợ này không chỉ dành cho Ukraine, mà còn cho cả các bạn", ông nói.

"Chính trên các chiến trường của Ukraine, các quy tắc tương lai của thế giới này đang được quyết định."

Ông nói rằng Nga đang phong tỏa các cảng ở Biển Đen và Biển Azov, khiến xuất khẩu thực phẩm của Ukraine không thể đến với thị trường thế giới.

Ông nói: "Nếu do sự phong tỏa của Nga mà chúng tôi không thể xuất khẩu thực phẩm, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng."

Phát biểu trước 575 đại biểu đến từ 40 quốc gia, Zelenskiy nói quân đội của ông không có tham vọng tiến vào lãnh thổ Nga.

"Xin hãy nhớ rằng chiến tranh đang được tiến hành trên đất của chúng tôi. Người dân Ukraine đang chết dần."

Việt Nam nói thế giới 'biến động khó lường'

Đến Singapore, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có bài phát biểu ngày 11/6.

Ông nói: "Chúng ta đã và đang chứng kiến một thế giới, với nhiều diễn biến, biến động khó lường. Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng xảy ra nhiều hơn, hậu quả nặng nề hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay góp sức để ứng phó thì các vấn đề an ninh truyền thống còn nhiều phức tạp, có nguy cơ xảy ra ở một số nơi, một số khu vực."

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có bài phát biểu

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có bài phát biểu

Trong bài phát biểu, Đại tướng Phan Văn Giang tuyên bố: "Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang."

"Tăng cường khả năng quốc phòng thể hiện cả ở xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc."

Ông nói về tranh chấp ở Biển Đông: "Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, chúng tôi kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/6 ở Singapore

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/6 ở Singapore

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ trao đổi

Tại Singapore ngày 10/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Phía Trung Quốc thông báo ông Ngụy Phượng Hòa đã tái khẳng định lập trường "kiên định" của Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.

Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh "nếu có ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến, không tiếc mọi giá, kiên quyết đập tan bất kỳ âm mưu nào nhằm chia cắt Đài Loan".

Về Biển Đông, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa nói với người đồng cấp Mỹ rằng "thế lực ngoài khu vực nhúng tay vào mới là nhân tố lớn nhất phá hoại ổn định khu vực Nam Hải", theo thông báo của Trung Quốc cho báo chí.

Đối thoại Shangri-La còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á.

Hội nghị lần thứ 19 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức, diễn ra từ ngày 10 đến 12/6 tại Singapore.

Hội nghị đã hoãn hai năm qua do dịch Covid-19.

Sự kiện này tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore.

Đây là dịp cho các lãnh đạo quốc phòng các nước trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.