đong đưa trong kén

Nguyễn Ngọc Tư

 

Ba bạn, một người bán rong trên những chuyến tàu đò dọc sông Cái Lớn, đã sống những năm tháng cuối đời gần như trên võng. Nói gần như vì ông buộc rời khỏi nó khi bị giục đi tắm (“sạch sẽ để làm gì, có làm cái cẳng bớt đau đâu”, ông cự nự), hoặc ăn cơm hoặc tháo chất thải trong người. Việc nào cũng đều làm ông chán ngán quá sức, tới mức ông thà ăn uống ít thôi, kiểu như giữ sống là được rồi, nhồi vào dạ dày càng nhiều càng thêm vài lần đi đứng.

Với ông già, bỏ võng ra tựa như bị cắt rún thêm lần nữa. Nhìn vào cách ông chuẩn bị tháo mình ra khỏi võng là thấm thía sống là việc chẳng dễ dàng gì. Thở hắt năm bảy lượt, tặc lưỡi xong lại ứ hự ừ hư, ngồi bần thần ở mép võng cũng lâu như quá ngộp bởi cuộc lưu đày đang ập tới, nhưng sợ nhất là lúc ông thật sự văng khỏi nó, lần đi những bước đầu. Chới với, liêu xiêu. Không hẳn vì đôi khớp gối sưng gồ ra, hay bởi một bên chân giờ cong vẹo, chứng tích một vụ tai nạn gãy xương ống nhưng bà thầy thuốc vườn chỉ nẹp bằng nhánh quao và đắp lá thuốc qua loa, cũng không hẳn bởi sức nặng của khối thân xác mập bệu vì không vận động, mà bước chân của một kẻ bị mất mối liên hệ với mặt đất, khiếp đảm bởi trọng lực, ông nhích từng bước ngắn, ngoái nhìn cái võng mình vừa rời khỏi, miệng không quên rên rẩm ơi trời đất ơi ơi quỷ thần ơi.

Cả má bạn, người sống với ông lâu nhất, cũng không phân biệt được nỗi muộn phiền kia của ông chồng là bởi chân đau hay bởi phải rời tấm võng mà bà hay nói rằng ổng ghiền vô phương, ghiền hết thuốc chữa, “ghiền từ trong bụng mẹ ghiền ra”. Bà nội bạn từng kể với con dâu, “hồi mang bầu thằng chồng mầy, tao suốt ngày ngủ võng”. Thứ dân gian tối kị, rủi đứt dây té võng là nguy cho mẹ lẫn con. Nhưng bà nội thà nhịn ăn còn hơn phải bỏ võng nằm giường. Không ít lần ngủ ngày ở chái cạnh bồ lúa, bà nằm mơ thấy mẹ chồng quá cố của mình vặc đầu võng bảo rời đi. Không thấy người, nhưng giọng đuổi xua thì rành rạnh. Vài lần phải tỉnh giấc giữa chừng, cô con dâu cố kìm ý nghĩ ngang ngược trong đầu để khỏi văng ra tiếng làu bàu, “má còn sống đuổi tui còn chưa thấy gì, đằng này má về đất rồi, không ăn thua đâu”.

Hệt như mọi nhà trong xóm, giàu nghèo gì cũng có ít nhất một cái võng. Có thể làm bằng bao tải, vải dù, lưới chài hay bện dây cước, kết từ vải vụn. Có thể giăng từ cột này qua xà nọ, hoặc máng võng vào giá gỗ đóng sẵn. Lâu lâu có người về đất, một tấm võng biến mất. Nó được gói theo người sang thế giới bên kia. Chỗ buộc dây trên xà cột còn cái ngấn lên nước bóng dờn. Ít lâu sau đúng chỗ đó, người ta lại treo một cái võng khác, cho em bé mới chào đời. Hồi nhỏ sang nhà bạn chơi đã thấy võng treo vài ba cái rồi. Nhưng chỉ từ ba bạn tấp tểnh lê chân về ở hẳn trong nhà võng mới giăng dày sau trước. Vải làm võng cho ông phải may rộng gấp đôi, để khi cần ông kéo mép vải đắp lại ngủ không bị ruồi muỗi làm phiền. Buổi sáng ông nằm võng phía trước hàng ba, nơi có thể nghe được bước chân người đi chợ lại qua, hóng chuyện của khách ghé tiệm tạp hoá kế bên nhà. Mặt trời lên cao ông chuyển qua võng giăng gần cái bàn tròn bằng đá, chỗ mọi người trong nhà xúm ăn trưa. Tối lại ông cuộn mình vào võng giăng ở chái sau, nơi mọi người hay tụ tập, hoặc nói chuyện ba khơi, ăn vặt hoặc uống vài ba chai bia. Và những lần buộc phải di chuyển giữa mấy cái võng, ông già không quên rắc lên lối đi những ứ hự ừ hư. Ca cẩm sao trời nghiệt quá bắt mình sống quá lâu, than thỉ sao từng từng bộ phận trên cơ thể mà mình chưa từng đối xử tệ bạc giờ quay qua phản bội mình.

Dõi theo ông già rời võng và quay lại luôn mang lại cho bọn tôi niềm vui thầm kín.  Nhất là ngắm thời khắc ân sủng khi ông trở lại võng. Ngay khi mới vịn được chút mép võng thôi mặt ông đã vô cùng khuây khoả rồi, mà mãn nguyện hoàn toàn, thoả mãn tuyệt đối khi thả mình vào lòng kén. Người giãn ra vì khoái cảm, trở lại với trạng thái tựa hồ vô trọng lực, ông già giảng hoà với thể xác – kẻ đồng hành bệ rạc, chậm rãi lăn sang trái rồi sang phải tráng thân mình lên mặt võng, như một thứ mật mã đăng nhập vào kén, như thể làm vậy thì cái kén kia mới thật sự mở lòng.

“Y như sà vô lòng mẹ”, tôi nói.

“Phải nói hệt thai nhi lúc nằm trong dạ con”, bạn gật gù.

Bởi cái liên tưởng nọ, bạn nói, bằng cái giọng vô cùng nghiêm túc, rằng tới đây mình sẽ làm một nghiên cứu có hệ thống, cực kỳ khoa học về võng và những con người day dưa cả đời với nó. Bạn nói bụng mẹ là võng, nên khi chào đời rồi, chỉ ngủ võng trẻ con mới sâu và dài giấc, không bị giật mình. Chính vì dao động ấy y chang như hồi còn nằm trong dạ con mẹ mang theo ra vườn sau sân trước, đi cấy đi cày. Ở đâu không biết, chớ con nít xứ này trăm đứa hết chín chín đứa nằm được Mụ Bà dạy khóc cười ngay trong lòng võng. Bạn nói nghĩ lại chỉ dân xứ mình mê võng và cũng chỉ dân xứ mình nồng độ lang bạt kỳ hồ trong máu cao, hai thứ đó tỉ lệ thuận với nhau, vì “nằm võng là ở một chỗ mà không bất động, như ông ba tui, gói thân già trong võng cho đỡ nhớ thời đi rong”. Võng mô phỏng, sao chép cái chuyển động, chao lắc của của chiếc tàu đò đẫm mùi nước mặn xuôi sông Cái Lớn, của chuyến xe đêm ngược Sài Gòn, của ghe hàng bông bẹo treo đầy gió. Và những giấc chiêm bao ở trong lòng nó cũng xao động, dập dờn.

Chẳng biết nghiên cứu nọ tới đâu rồi, lâu không gặp nhau để hỏi.  Bạn đi chơi suốt. Bữa thì thấy khoe hình ngồi kiết già dưới cội bồ đề ở Bodh Gaya, ít hôm sau thấy treo võng nằm chơi ở một khu rừng cao su đang lợp lá non. Gần đó là một cái võng trống đang chao gió. Nhìn ảnh, tôi bỗng nhớ ba bạn. Ông già qua trời khác đã lâu, mang theo bí ẩn lớn lao, làm cách nào ông không hề thò chân xuống đất lấy đà mà võng vẫn lắc đều, làm sao nó không ngừng đong đưa dù người đã ngủ queo cất cao tiếng ngáy.

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Bản Tư gởi ngày 18-1-23