Got a TV Licence?

You need one to watch live TV on any channel or device, and BBC programmes on iPlayer. It’s the law.

Find out more
I don’t have a TV Licence.

Tường thuật trực tiếp

Thời gian tính bằng giờ Anh

  1. Báo Quân đội Nhân dân VN

    bài đăng 20/01/2020

    Bất chấp đạo lý và pháp lý, những ngày gần đây, các thế lực thù địch và kẻ xấu tiếp tục tung ra nhiều thông tin xuyên tạc hòng lôi kéo sự can thiệp của các tổ chức quốc tế đối với vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm.

    Một số đài báo nước ngoài với cái nhìn thiếu thiện chí, thường xuyên xuyên tạc tình hình Việt Nam, như: BBC tiếng Việt, VOA, RFA, RFI… tiếp tục có nhiều bài viết sai sự thật. Tại Mỹ, đối tượng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã lập ra cái gọi là nhóm “Hành động vì Đồng Tâm” và chuyển “Báo cáo về vụ tấn công ở Đồng Tâm” đến văn phòng một dân biểu liên bang Mỹ. Họ lợi dụng vị dân biểu với “truyền thống” hay thiên kiến với Việt Nam này để thổi phồng sự việc.

  2. Trang web VTV News 20/01

    Tình hình Đồng Tâm sau 10 ngày từ vụ 09/01

    Theo ghi nhận của PV trong chiều ngày 19/1, ngoài việc chợ vẫn họp, người dân thôn Hoành cũng bắt đầu ra đồng gieo mạ, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới. Trâu vẫn thư thái gặm cỏ ngoài đồng, còn nông dân đang hối hả tát nước vào ruộng. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi như bao làng quê Việt những ngày giáp Tết.

  3. Đồng Tâm 10 ngày sau cuộc đụng độ hôm 9/1

    "Tết không xuất hiện trong nhà ông Lê Đình Kình, ngôi nhà nằm cách cổng thôn Hoành hơn trăm mét. Một chậu than to đặt giữa sân cho người già sưởi ấm và xua tan khí lạnh chiều đông. Bà Dư Thị Thành đầu chít khăn tang, ngồi hơ tay bên chậu lửa. Bà mới làm lễ cúng mười ngày cho chồng,"

    Đây là một đoạn trong bài viết trên báo điện tử VnExpress tiêu đề "Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố", đưa lên mạng hôm nay 20/1.

    Theo bài báo, "Người dân cho biết ba ngày trước, công an bắt đầu rút quân, thu dọn barie chắn các lối vào làng.

    Ngoài khu vực đồng Sênh giáp tỉnh lộ 429, tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn đã xây xong, trát vữa, chăng dây thép bên trên và đóng biển đỏ "Khu vực cấm" bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

    Người lạ đi vào thôn Hoành vẫn bắt gặp ánh mắt dò xét của cư dân, nhưng những cuộc trò chuyện đã cởi mở hơn".

  4. Kiến nghị Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình

    Cộng đồng mạng bắt đầu kêu gọi ký tên vào kiến nghị trênchange.org, gửi Vietcombank, Mizuho Bank, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các cấp thẩm quyền ngân hàng trên thế giới yêu cầu Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình.

    Kiến nghị cho rằng, bằng việc tùy tiện khoá tài khoản của khách hàng khi không có bằng chứng hợp pháp đã đặt dấu hỏi về sự tin tưởng ở Vietcombank, cũng như sự hợp lý và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

    Image captionKiến nghị Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình trên change.org.

    Kiến nghị kêu gọi "Ngân hàng Mizuho xem lại việc đầu tư tại Vietcombank, và liệu làm việc với Vietcombank sẽ bôi xấu đi danh tiếng của Mizuho"; "Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các giới thẩm quyền ngân hàng trên thế giới hãy điều tra trường hợp Vietcombank đóng khoá một trương mục ngân hàng với khoản tiền dành riêng cho việc tang lễ".

    Kiến nghị trên change.org Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình
    Image caption: Kiến nghị trên change.org Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình
  5. Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu nêu vấn đề về Đồng Tâm và EVFTA

    “Làm sao vào tháng 2 tới, Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn một thỏa thuận thương mại tự do với một quốc gia khủng bố và đàn áp người dân kiểu như vậy”, nữ nghị sĩ Saskia Bricmont viết trên twitter hôm 18/1/2020.

    Bà Saskia Bricmont là thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) - ủy ban chuyên trách về các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của Nghị viện Châu Âu.

    Trên Twitter của mình, bà Saskia Bricmont cũng dẫn đường link một bài báo viết bằng tiếng Anh đăng trên trang web thevietnamese.org, trong đó có tường thuật về vụ đụng độ tại Đồng Tâm.

    Hồi tháng 11/2019, nghị sỹ Sasikia Bricmont cũng có thư gửi Nghị viện Châu Âu, chủ tịch các ủy ban của Nghị viện này và các nghị sĩ EU, kêu gọi EU tạo áp lực lên Chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập), cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.

    Dự kiến ngày 21/1/2020 tới, INTA sẽ họp tại Bruxelles để bỏ phiếu về khuyến nghị cho các nghị sĩ châu Âu về việc biểu quyết phê chuẩn hiệp định EVFTA.

    Nếu khuyến nghị không được thông qua, Nghị viện EU không thể bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định EVFTA.

    Nghị viện EU dự tính sẽ bỏ phiếu về hiệp định EVFTA tháng Hai tới, trong phiên họp toàn thể.

    View more on twitter
  6. Facebooker Đoàn Bảo Châu: 'Khoe thuốc nổ là một việc làm dại dột'

    Nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu viết: Tôi luôn đứng về phía người dân thấp cổ bé họng và cũng không tin hoàn toàn những gì truyền thông nhà nước nói bởi sự dối trá là có. Nhưng tôi cũng không cực đoan để phủ nhận họ hoàn toàn.

    Ở đây, việc khoe có thuốc nổ có thể chỉ là khoe, nhưng đấy là một việc dại dột, chính quyền có thể lợi dụng việc này khi họ thiếu minh bạch và nhiều thủ đoạn.

    View more on facebook
  7. 'Ngăn chặn, kiểm soát dòng tiền'

    Trong khi đó Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an được báo Pháp Luật dẫn lời nói với phóng viên báo này rằng quyết định phong tỏa tài khoản nói trên là vì có "dấu hiệu khủng bố".

    "Như chúng tôi đã công bố, các đối tượng trong vụ việc này đã khai nhận việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp để mua sắm vũ khí, vật liệu nổ, sản xuất vũ khí thô sơ và đã dùng để tấn công lại lực lượng chức năng.

    "Những việc như vậy có dấu hiệu của khủng bố. Pháp luật Việt Nam và các nước đều rất nghiêm khắc với khủng bố, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như ngăn chặn, kiểm soát dòng tiền," Tướng Quang nói.

  8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

    Phát biểu hôm 17/01

    "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các Tổ chức xã hội - Hội quần chúng. Chúng ta làm tốt công tác vận động quần chúng, sát dân hơn, khắc phục tồn tại, yếu kém của công tác này. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề, từ đó giải quyết vấn đề từ gốc, từ cơ sở, không để chậm chễ, dẫn đến người dân bức xúc."

    "Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của một số Tổ chức xã hội - Hội quần chúng có những tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; hạn chế về kinh phí hoạt động, chưa thu hút người có năng lực tham gia... Thủ tướng cho rằng cần dành kinh phí cần phí cho các hoạt động này, nhất là công tác dân vận..."

    Theo báo VN, các hội đoàn Thủ tướng Phúc nhắc đến có Hội Nông dân, cho đến năm 2019 đạt con số trên 10 triệu thành viên.

  9. Bộ Công an VN ra thông báo

    Báo Công an Nhân dân 17/01, vụ Vietcombank - tiền phúng viếng ông Lê Đình Kình

    "Bộ Công an thông báo và đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao cảnh giác, không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý. Hiện, Cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại Ngân hàng VCB mang tên NGUYEN THUY HANH."

  10. Facebooker Lê Nguyễn Duy Hậu

    Vụ Vietcombank

    TẨY CHAY?

    Thật lòng mà nói thì mình thấy Vietcombank đáng thương (hại) hơn đáng ghét. Vì tuy là ngân hàng thương mại Nhà nước, mình tin chắc rằng những người điều hành ngân hàng này theo đuổi lợi nhuận quyết liệt chẳng kém gì các nhà tư bản khác (nhất là khi án tù hoặc tử hình vẫn treo trên đầu họ). Cho nên, nếu không có một lệnh nào đó từ chính quyền (công an?) thì chả dại gì họ làm một chuyện trời ơi như vậy vào dịp gần Tết, cho dù miệng có bày tỏ lòng xót thương hay căm hờn vô hạn đến thế nào đi nữa...

    ..., liệu phong trào tẩy chay Vietcombank có liên tục và lan rộng được không nếu như các công ty vẫn chọn trả lương nhân viên qua Vietcombank vì tiền hàng họ nhận từ Vietcombank hoặc đang đi vay từ Vietcombank.

  11. Vietcombank

    Sáng hôm 17/1, mạng xã hội lan tràn tin tài khoản hơn nửa tỉ đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình do khắp nơi gửi về đã bị Vietcombank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCB) phong tỏa.

    Vietcombank chưa lên tiếng về cáo buộc này.

  12. Cách dùng tiếng Việt vụ Đồng Tâm

    Minh Hà từ Hà Nội viết trên Facebook cá nhân:

    Tớ phàn nàn về cách dùng tiếng Việt nhé, không bàn chuyện ai đúng ai sai trong vụ việc này.

    Phóng viên của VTV trình bày tin về vụ Đồng Tâm, lần nào cũng chỉ dùng gọn lỏn 3 từ: Lê Đình Kình. Ai cũng hiểu Một người chưa bị kết án bởi toà án thì chưa có tội. Mà kể cả ở toà, quan toà cũng nói: đề nghị “bị cáo” ABC...

    Với một ông già 84 tuổi, lại đã chết, chúng ta có nên dùng lối xưng hô gọn lỏn, trống không và lạnh lùng như vậy không? Việc xưng hô như vậy có góp phần làm bản tincó giá trị hơn về mặt tuyên truyền không?

    Nghe gợn lắm. Với riêng tớ, tớ thấy nó thật láo toét và chối tỉ và không văn hoá. Đừng ai bảo là đang áp dụng văn hoá phương tây nhé. Đây toàn người Việt nói tiếng Việt ạ!

    Tái bút: chỉ bàn chuyện ngôn ngữ tiếng Việt, không bàn chuyện chính trị xã hội!

  13. Dân biểu liên bang Úc Chris Hayes

    Đảng Lao động Úc, hạt Fowler, New South Wales, phát biểu hôm 16/01

    "Tôi được tin ông Lê Đình Kình bị giết trong cuộc tấn công có chọn lọc nhắm vào tư gia của ông. Đã 84 tuổi, ông Kình là nhà hoạt động tích cực, đại diện cho dân làng trong cuộc ̣đối đầu với vụ tịch thu đất mà chính quyền thực hiện. Tôi được biết ông Kình bị tử vọng trong cái chết bạo lực, và con ông, cháu ông bị bắt giữ ở những nơi không rõ."

    "Vấn đề tịch thu đất cho mục đích kinh tế tại xã Đồng Tâm đã và đang diễn ra lâu nay, bất công trong đền bù đất là một vấn nạn lớn tại đất nước Việt Nam."

    Theo ông Hayes, trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ hơn với sự đàn áp của nhà cầm quyền, đòi hỏi chính phủ Úc phải lên tiếng.

    Thư của dân biểu Chris Hayes
    Image caption: Thư của dân biểu đảng Lao động Úc, Chris Hayes về cái chết của ông Lê Đình Kình
  14. ̣Đất đai luôn chiếm đa số các vụ khiếu kiện

    LS Ngô Ngọc Trai gửi cho BBC

    Đến năm 2009 tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, kết thúc một quá trình và mở ra một giai đoạn mới cho dân khiếu kiện nơi này.

    Suốt nhiều năm qua, Thanh tra Chính phủ luôn đưa ra số liệu tổng kết hàng năm, xác định lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số đơn thư khiếu nại.

    Trong một thời gian dài, tỷ lệ đơn khiếu nại về đất đai chiếm hơn 70% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo trong mọi mặt đời sống xã hội.

    Sau nhiều cố gắng tình trạng có sụt giảm nhưng không đáng kể. Mới đây, theo báo cáo công tác của Thanh tra chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hồi tháng 11 năm 2019, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7%.

    Còn theo một số liệu của Thanh tra chính phủ năm 2017, thì trong một năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 342.630 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, với 219.355 vụ việc, có 4.763 đoàn đông người.

    Nông thôn VN
    Image caption: Nông thôn VN
  15. Facebooker Pù Lò Khương

    Sĩ quan biên phòng

    ..."Tôi muốn nhìn nhận ở góc độ cách thức ứng xử với vụ việc mà đáng lý không phải chịu như những gì đã xảy ra.

    Tại sao tôi lại đặt vấn đề nhận thức? Đó chính là xuất phát điểm từ học thuyết Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xét cho đến cùng là nhận thức. Nhận thức đúng sẽ hành động đúng. Khi nhận thức sai thì, "sai một ly đi một dặm". Những gì từ nhận thức sai xảy ra khó gì có thể bù đắp và sửa chữa được. Dù có khắc phục đến đâu thì nó đã để lại hậu quả đáng tiếc.

    Tôi cũng đã may mắn được có mặt ở 3 vụ: Quỳnh Hoa (1997), Tây Nguyên (2004), FORMOSA (2014). Vụ Quỳnh Hoa cũng dân có bắt công an. Vụ Tây nguyên dân có đánh công an và vụ FORMOSA dân cũng quây công an. Nói chung là cũng căng thẳng và rất dễ bùng phát thành "đám lửa nhỏ". Nếu không nhanh và xử lý chính xác có thể bùng lên thành đám lửa lớn. Nhưng thật may. Tất cả đều trở về đúng quỹ đạo của nó. Dân hiểu hơn về lòng Đảng, ý Đảng và Đảng cũng gần dân, sát dân hơn, các chủ trương đường lối thuận lòng dân.

    Còn vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, phải nói là mất mát quá lớn. 3 sĩ quan công an và 1 người dân đã chết. Tại sao lại có thể để xảy ra chuyện đau đớn thế này? Nếu nhìn thẳng vào sự việc, đây chính là biểu hiện sự bất lực của chính quyền. Chính quyền không còn đủ niềm tin trong dân. Sự mất lòng tin này không chỉ ở một cấp mà từ cấp cơ sở đến huyện, thành phố và Trung ương. Mà trong đó, có vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận quá yếu kém.

    Tôi tin rằng, không có gì không thể giải quyết được bằng đối thoại, gặp gỡ, trao đổi. Lắng nghe ý kiến của dân. Cái gì dân đúng, chính quyền tổ chức thực hiện sai thì sửa. Cái gì dân chưa hiểu thì nói cho dân hiểu. Để bảo vệ và giành lại quyền độc lâp, chúng ta còn "trường kỳ" được thì tại sao để dân hiểu, dân tin lại không thể trường kỳ. Dân hiểu, dân tin cũng là kế sâu gốc bền rễ cơ mà..."

  16. Lê Đình Kình 'vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức'

    Nhà văn Tạ Duy Anh, từ Hà Nội, nhận xét:

    “Đáng lẽ là một “tội phạm”, người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn, có khả năng biến toàn bộ những nhân vật khác liên quan đến ông ta thành thứ dây buộc giày.

    Tôi không biết người viết trẻ tuổi nào sẽ lãnh nhận sứ mệnh này. Điều tôi biết trước là nhiều thế hệ nữa sẽ tiếp tục suy tư về con người ấy. Những bí ẩn về cái chết của ông ta, sẽ còn là đề tài của hàng ngàn giả thuyết, ngốn theo hàng vạn trang giấy.

    Điều không ai mong muốn là xã hội chúng ta, kể từ sau cái chết của lão nông Lê Đình Kình, cũng bắt đầu một cuộc phân hóa, chia rẽ trầm trọng và rõ ràng là cực kỳ nguy hiểm.

    Tất cả chỉ bằng đúng một phát súng.”

    View more on facebook
  17. Lể̃ tang cho ba sĩ quan cảnh sát

    Chính phủ Việt Nam sáng 16/1 đã tổ chức long trọng tang lễ ba cảnh sát thiệt mạng trong đụng độ ở Đồng Tâm hôm 9/1.

    Truyền thông Nhà nước đưa tin rộng rãi về tang lễ tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

    Tới dự lễ tang có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện Đảng ủy Công an Tung ương, Bộ Công an. Ba cảnh sát của Bộ Công an thiệt mạng "khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức".

  18. Những cái tên phụ nữ thuần Việt của nông thôn miền Bắc

    Trong vụ Đồng Tâm

    Trong số những người vừa bị khởi tố vì 'hành vi giết người' trong một âm mưu chống Nhà nước VN ở Đồng Tâm, HN, có những cái tên phụ nữ thuần tuý của nông thôn Bắc Bộ Việt Nam, như La, Nối, Đục, Lụa, Bét...

    Hai mươi người Đồng Tâm này gồm các ông bà Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.

    ̣Đồng ruộng làng quê miền Bắc VN - hình chỉ có tính minh họa
    Image caption: ̣Đồng ruộng làng quê miền Bắc VN - hình chỉ có tính minh họa
  19. Sinh viên "bình luận khiếm nhã" về cái chết của các cảnh sát ở Đồng Tâm sẽ bị kỷ luật

    Trang Facebook tự giới thiệu là "page chính thức của Phòng Công tác Sinh viên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TPHCM" thông báo rằng nhà trường đã nhận được tin về việc một sinh viên "có một bình luận khiếm nhã, thiếu tôn trọng trên một group Facebook về các chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm gần đây".

    Trang này cho rằng: "Hành động trên đã gây ra nhiều bức xúc cho rất nhiều người tham gia group và cả sinh viên của trường" và cho biết, hiện tại Phòng Công tác Sinh viên sẽ trình hồ sơ kỷ luật đến Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường để xử lý vi phạm về đạo đức và nội quy trường của sinh viên nói trên.

    View more on facebook
  20. Tại sao không khởi tố vụ án giết cụ Lê Đình Kình?

    Facebooker Vũ Hữu Sự phân tích: "Cụ Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Cụ đang sống bình yên tại nhà mình.

    "Như vậy, chỗ ở của cụ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của cụ nếu không được cụ cho phép, theo quy định tại điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Tính mạng của cụ được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của cụ trái luật, theo quy định tại điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

    "Lực lượng cảnh sát cơ động đã đột nhập nhà của cụ Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được cụ cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam và vi phạm điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015.

    "trước khi khởi tố bị can đối với 22 người dân Đồng Tâm, tại sao lại không khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở và giết người với những kẻ giết cụ Lê Đình Kình? Chẳng lẽ cái chết của cụ không phải là cái chết? Mạng của cụ không phải là mạng người?"

    Facebooker này kết luận rằng: "Nếu không dưa được những kẻ giết cụ Lê Đình Kình ra trước vành móng ngựa, thì vụ án này sẽ trở thành một vết bẩn không thể nào rửa sạch được của ngành công an vẫn tự hào là “giỏi nhất thế giới” này"

    View more on facebook