Đụng đến đâu cũng đều “chia chác”, còn lại gì cho đất nước, nhân dân?

(Dân trí) - Đất nước vẫn nghèo và nhiều người đói khổ, động đến lĩnh vực nào cũng thấy ăn chia, nhân dân sẽ còn lại những gì?

Đụng đến đâu cũng đều “chia chác”, còn lại gì cho đất nước, nhân dân? - 1

Tại buổi làm việc với Sở Tài chính, Cục thuế thành phố Đà Nẵng sáng ngày 12/1, Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa chỉ ra một điểm phải lưu ý là thất thu thuế đất từ điều chỉnh quy hoạch.

Ông Nghĩa nói: “Một dự án mà khi nộp tiền sử dụng đất thì quy hoạch 2 tầng, nhưng dự án về tay em, em múa một lúc là các anh ở sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lên 20 tầng. Điều chỉnh như thế thì giá đất khác hẳn. Có tính đến phát sinh thất thu thuế đất chỗ này thì tiền về tay ai? Có phải cứ hết về tay em nọ rồi em kia, còn Nhà nước thì thất thu? Đây là câu chuyện của cả nước. Đừng để như vậy nữa!”

Phát biểu của ông Nghĩa hẳn sẽ khiến không ít người có chức vụ phải giật mình. Bởi, quả đúng là chuyện tiêu cực trong vấn đề quy hoạch gây ra thất thu thuế không chỉ là chuyện của riêng Đà Nẵng, mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Cho nên mới có thêm một cụm từ đang rất thịnh hành là “tham nhũng quy hoạch”.

Luật Quy hoạch được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái cũng chính để ngăn chặn tình trạng thất thu, tham nhũng như vậy.

Khi bàn về luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, nếu như giai đoạn 2010, chúng ta có 3.114 quy hoạch, qua 6 năm số lượng quy hoạch đã tăng lên 12.680 quy hoạch. Theo chương trình đến năm 2020, cả nước sẽ có 19.250 quy hoạch. Hoạt động quy hoạch trong một thời gian dài trở nên rất hỗn loạn, với nhiều hình thức như lợi ích nhóm, lái quy hoạch, thao túng quy hoạch...

“Có quy hoạch tốt mà “băm nát quy hoạch”, vì lợi ích nhóm... lái quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện gây hậu quả thì phải có chế tài xử phạt thật nghiêm”, ông Thường đề nghị.

Bản thân Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng thừa nhận, có hiện tượng quy hoạch chiều lòng đại gia, quy hoạch vẽ vội để phục vụ doanh nghiệp thân hữu.

Ở đây, ta hiểu “quy hoạch” theo nghĩa rộng, có quy hoạch nhỏ, quy hoạch lớn, từ quy hoạch một dự án như ông Nghĩa đề cập, đến những quy hoạch động chạm lợi ích của cả một quận, một thành phố, một vùng, một địa phương… Để quy hoạch được thông qua, không thể một người mà quyết được, nên khi đã có “tham nhũng”, “thất thu” trong quy hoạch thì sẽ là vấn đề của “nhóm lợi ích”.

Tài tình ở chỗ: “khi nộp tiền sử dụng đất thì quy hoạch 2 tầng, nhưng dự án về tay em, em múa một lúc là các anh ở sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lên 20 tầng”. Người làm dự án có “ma thuật” tài tình như thế nào mà có thể khiến cơ quan chức năng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, nếu không phải là nhờ một thoả ước “tiền về tay anh, tay em” đằng sau đó?

Rốt cuộc, ngân sách Nhà nước thấ thu. Người dân trong không ít trường hợp còn phải chịu hệ luỵ nặng nề bởi những “quy hoạch treo” kéo dài hàng năm, hàng thập kỷ.

Sự “chia chác” đó, đáng buồn lại chẳng phải chỉ xảy ra giữa người có quyền phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch với bên lập và trình quy hoạch, mà còn xảy ra lộ liễu ở cả những người thực hiện chức năng thu thuế về cho Nhà nước, đảm bảo sự công bằng cho xã hội.

“Đang diễn ra phổ biến trong cả nước là tình trạng ăn chia giữa người nộp và người đi thu thuế. Đáng nộp 100, bảo nộp 50 thôi rồi ăn chia chênh lệch 50 còn lại, tư tưởng nộp càng ít càng tốt. Tôi nói ra điều này, chắc các anh bên thuế cũng không bất ngờ. Rồi cả người giám sát thu thuế nữa. Anh đi giám sát mà đến người ta mời một bữa thịnh soạn, một cốc nước mát rồi về, thì có tin được không?”- vẫn là lời ông Trương Quang Nghĩa.

Và thế là, ngay trong vấn đề thu thuế từ dự án mà động đến đã thấy “chia chác”, chưa kể còn những chuyện khác như chia thùng mì cứu trợ đến, chia tiền hỗ trợ người nghèo, chia cả bát cơm, thìa canh của những người tàn tật…

Đất nước vẫn nghèo và nhiều người đói khổ, cứ ăn chia như thế, nhân dân còn lại được gì?

Bích Diệp