Dược sĩ Nguyễn Thị Bính – “Madame Hoàng Xuân Hãn”: Một trí thức một thiên hương

Dược sĩ Nguyễn Thị Bính – “Madame Hoàng Xuân Hãn”: Một trí thức một thiên hương

Thứ Năm, 18/10/2018, 16:51
Bạn bè người Pháp ở Paris gọi bà là Madame Hoàng Xuân Hãn, còn người Hà Nội và Việt kiều thường gọi với cái tên quen thuộc: bà Bính -  Nguyễn Thị Bính. 

Bà là phu nhân Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một trong số hiếm hoi phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX, có bằng Dược sĩ hạng nhất tại Đại học Dược khoa (Paris - Pháp).

Đôi bạn trí thức “Hoàng-Nguyễn”

Nếu hỏi người hàng phố, đa số đều biết đến hiệu thuốc Tây lớn trên phố Tràng Thi mang tên "Pharmaice Hoàng Xuân Hãn". Đó vừa là hiệu thuốc vừa là nhà riêng của GS Hoàng Xuân Hãn mà người chủ hiệu thuốc là Hoàng Xuân Hãn phu nhân, nhũ danh Nguyễn Thị Bính. Bà có bằng Dược sĩ hạng nhất của Paris.

Phụ nữ Việt Nam có bằng Dược sĩ hạng nhất trước Cách mạng tháng Tám 1945 là thứ "của hiếm". Khắp Hà Nội chỉ có dược sĩ Đỗ Thị Thao (74 phố Hàng Bạc), phu nhân Luật sư Phan Anh và Dược sĩ Nguyễn Thị Bính. Hai bà từng học trường Đại học Đông Dương rồi sang Pháp tu nghiệp để lấy bằng Dược sĩ hạng nhất.

Luật gia Vũ Đình Hòe, cựu sinh viên ĐH Đông Dương, trong một kỷ niệm về GS Hoàng Xuân Hãn đã kể: "Hai chị Bính và Thao theo khoa Dược, còn chúng tôi theo khoa Luật. Về Y - Dược, sinh viên nữ chỉ có hai chị, nên được bọn sinh viên nam chúng tôi rất "săn sóc". Tôi nhớ khi hai cô Bính và Thao thi hết khóa, vào vấn đáp thì chúng tôi đứng xúm xít trước cửa phòng thi. Cô Thao, vốn tính rắn rỏi, nên khoan thai bước vào phòng. Còn cô Bính thì rụt rè, ngập ngừng, đưa mắt nhìn chúng tôi, tỏ vẻ muốn khuyên chúng tôi lánh đi nơi khác thì hơn…".

Năm 1934, đang học trường Cầu đường Paris (École Nationale des Ponts et Chaussées), Hoàng Xuân Hãn về Việt Nam. Bốn tháng sau, anh trở lại Pháp để tiếp tục việc học. Trên chuyến tàu lần này, anh gặp cô Nguyễn Thị Bính, cũng đang trên đường sang Pháp vào học trường Đại học Dược khoa. 

Ông bà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tiếp chuyện đạo diễn Trần Văn Thủy (Paris, 11-1989).

Hàng tháng bồng bềnh trên đại dương, qua bao nhiêu xứ sở, mối tình nảy nở giữa chàng sinh viên họ Hoàng (Nghệ Tĩnh) với cô nữ sinh trường Đồng Khánh (Hà Nội), rồi họ trở thành đôi bạn trăm năm. Khi ngoài 80 tuổi, trả lời câu hỏi của đạo diễn Trần Văn Thủy về tình yêu của ông bà, bà Bính rủ rỉ bảo:

"Thuở ấy chúng tôi cùng du học qua Pháp bằng tàu thủy. Tàu đi trên biển được ít ngày thì ông ấy đã để ý tôi rồi. Qua Pháp chúng tôi có lòng với nhau. Tôi biên thư về Hà Nội xin ý kiến của thầy mẹ. Thầy mẹ tôi biên thư bảo tôi hỏi xem anh ấy tuổi gì.

Lúc ấy tôi hỏi: "Anh tuổi gì" thì ông ấy bảo: "Tôi tuổi con vịt". Thế là tôi cũng biên thư về Hà Nội thưa với thầy mẹ tôi: Anh ấy tuổi con vịt".

Hai năm sau, Hoàng Xuân Hãn kết hôn với cô Nguyễn Thị Bính.  Nhà văn Nguyễn Đức Hiền đã trân trọng đánh giá: "Đôi bạn trí thức "Hoàng - Nguyễn" ấy từ thuở mới yêu nhau đến thuở nên duyên cầm sắt, cho đến mãi mãi về sau này không hề bao giờ có ý tưởng làm giàu nhằm vinh thân phì gia".

Madame Hoàng Xuân Hãn

Hiệu thuốc tân dược của bà Bính trên đường Tràng Thi, sát cạnh hiệu thuốc là nhà ông bà Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945). 

Trước cửa hiệu thuốc, bên kia đường là hiệu bán sách Pháp của bác sĩ Phạm Khắc Quảng, một người anh em họ của ông Hãn. Địa điểm này suốt thời kỳ Pháp chiếm đóng, được chọn làm địa điểm liên lạc giữa nhóm "trí thức trùm chăn".

Đó là nhóm những trí thức yêu nước cương quyết không chịu cộng tác với chính quyền thân Pháp. Trong số đó có GS Hoàng Xuân Hãn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Luật sư Vũ Văn Hiền, bác sĩ Trần Văn Lai (nguyên Đốc lý Hà Nội thời Chính phủ Trần Trọng Kim, sau năm 1954, cụ làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội…). 

Ông Nguyễn Bắc, nguyên Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, trong hồi ký của mình kể rằng, thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều lần ông đã đến hiệu thuốc bà Bính, chuyển giao thư từ, tài liệu của đồng chí Phạm Văn Đồng tận tay GS Hoàng Xuân Hãn.

Đầu xuân 1951 khi bị chính quyền bù nhìn đe dọa bắt, ông Hãn lánh sang Pháp. Ông lên máy bay một mình với 2 va li con mang theo các tư liệu văn hóa quý giá nhất. Ở lại Hà Nội, bà Bính tiếp tục tạo điều kiện cho tổ chức cách mạng liên lạc với chồng bà cũng như một số trí thức Việt kiều tại Paris.

Khi cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn giằng co giữa hai bên, Hội nghị Genève bàn về việc lập lại hòa bình ở Triều Tiên và Đông Dương được mở. 

Tại Hà Nội, một cuộc vận động kiến nghị đòi hòa bình ở Đông Dương diễn ra. Chỉ trong vòng chưa đầy tuần lễ, hàng trăm thân sĩ, trí thức có tên tuổi ở Hà Nội đã ký vào bản kiến nghị. Văn bản lập tức được gửi đi Paris trao tận tay nhóm GS Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà.

Dưới nhan đề "Những nhân sĩ Hà Nội" (Les notabilitiés de Hanoi) hai tờ báo lớn nhất nước Pháp 'Le Monde" và "L'Humanité" đồng thời đăng trên trang nhất nguyên văn bản kiến nghị kèm tên tuổi chữ ký những người đòi hòa bình dài sắp lượt hai cột báo. 

Về sau này, một số người có trách nhiệm mới biết, văn bản sang Paris được suôn sẻ là nhờ bà Nguyễn Thị Bính. Bà đã nhờ một dược sĩ trông coi hiệu thuốc rồi sang Paris mang theo bản kiến nghị đòi hòa bình ở Đông Dương.

Cứu vớt “sách tàn, giấy cũ”

Trong dịp sang Paris, nhà văn Nguyễn Đức Hiền đã đến tư gia của ông bà GS Hoàng Xuân Hãn. Được tiếp xúc với bà Hãn, nhà văn nhận ra ngay đó là bậc phu nhân cao quý, khác xa các bà mệnh phụ đẫy đà. Cốt cách thanh tao kiều diễm. Ngoài tám mươi tuổi, trên khuôn mặt bà vẫn còn giữ lại nhiều nét "thiên phú" một thời xuân sắc! 

Trong điều kiện của mình ở xứ người gần nửa thế kỷ nhưng ông bà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ông bà đã dành dụm tiền bạc để trợ giúp con cái bạn bè, bà con đồng xứ, đồng hương, những người đang gặp hoạn nạn khốn khó hoặc là học trò nghèo khó, thanh niên cơ nhỡ nhưng có chí tiến thủ hơn người.

Dược sĩ Nguyễn Thị Bính.

Không chỉ vậy, chính những năm tháng tảo tần làm chủ hiệu thuốc, bà Bính đã gom góp từng đồng để chồng tiêu dùng hàng trăm đồng Đông Dương vào những công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. 

Bà Bính đã âm thầm chi ra những khoản tiền lớn cho ông tiêu dùng vào các việc tìm kiếm, hoặc chuộc lại, hoặc sao chép, nhặt nhạnh… các di cảo, di bản mà ông Hãn là "nỗ lực cứu vớt những sách tàn giấy cũ"… Trong đó, có một thứ vô cùng quý giá là bảo vật quốc gia: Thư vua Quang Trung gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Đó là năm 1938, khi đi thăm những dòng họ quanh vùng, Hoàng Xuân Hãn được gặp ông tộc trưởng hậu duệ của Nguyễn Thiếp lúc này rất nghèo khó. Ông ấy đã cho học giả họ Hoàng xem bức thư của vua Quang Trung được cất trong nhà thờ họ. Thấy tài liệu quý giá mà được bảo quản rất sơ sài, chủ nhà bó lại rồi nhét vào ống tre, thành ra các bức thư sờn rách hết. 

Hoàng Xuân Hãn mượn về sao lại rồi đóng hòm sơn son thiếp vàng để các bức thư vào trong. Sau này, những bức thư được GS Hoàng Xuân Hãn chuyển qua bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa về giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản.

Ngoài ra, nhiều tư liệu quý giá khác được ông đưa vào các công trình nghiên cứu: "Lý Thường Kiệt"; "Chinh phụ ngâm bị khảo"; "Truyện Kiều tầm nguyên"; "Thi văn Việt Nam: Từ đời Trần đến cuối đời Mạc"; "Mai Đình mộng ký"; ""Bích Câu kỳ ngộ"; "Truyện Song Tinh"; "Văn tế thập loại chúng sinh"…

Từ sau năm 1954, tình hình đất nước có chuyển biến, ông bà Hoàng Xuân Hãn không trở về nữa. Ông bà đã làm giấy hiến toàn bộ hiệu thuốc và tài sản cho Chính phủ. 

Trong số tài sản này, theo Đại tá - Bác sĩ Lê Khắc Thiền, nguyên Giám đốc Viện Quân y Trung ương, có nhiều hòm sách báo cũ Hán Nôm, nhiều bản cảo bằng giấy dó mà ông Hãn đã nuôi một bác đồ Nho trong nhà sao chép biết bao năm trường.

Qua những việc làm của ông bà Hoàng Xuân Hãn, nhà văn Nguyễn Đức Hiền bình luận: "Nếu thiếu người bạn đời tâm đắc, đảm đang, thiếu người cộng sự dịu dàng có trái tim vàng với đôi bàn tay ngọc như Nguyễn Thị Bính, làm sao Hoàng Xuân Hãn có thể một mình bơi chải trong biển sâu cổ học để phát hiện, sưu tầm, bảo tồn những hạt châu văn hóa, để thực hiện hoài bão nối gót các bậc phu tử (hiền triết)?".

Còn Bác sĩ Lê Khắc Thiền cũng bày tỏ: "Ngày nay nhiều người đều biết rằng nhờ hằng tâm và ý thức cao cả của ông bà Hãn, nhiều di sản văn hóa dân tộc vô giá mới được cứu thoát khỏi bom đạn chiến tranh cùng lửa thiêu mù quáng".

"Nghệ Tĩnh tứ kiệt"

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là một trong những học giả hàng đầu của Việt Nam. Ông sinh tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đương thời, ông được vinh danh là "Nghệ Tĩnh tứ kiệt" (Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai).

Hoàng Xuân Hãn có bằng cử nhân toán 1935 và thạc sĩ toán 1936 tại khoa Toán trường Đại học Sorbonne (Licence des Sciences mathématiques Sorbonne). Năm 1945, ông tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim và giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ thuật. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên (thường gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn).

Hoàng Xuân Hãn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngữ văn nổi tiếng: "Lý Thường Kiệt"; "La Sơn Phu tử"; "Lịch sử và Lịch Việt Nam" (cụm công trình này đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Công nghệ năm 2000).

Tháng 8 năm 2011, tên của GS Hoàng Xuân Hãn đã được Trường Cầu đường Paris đặt cho một giảng đường đại học. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống, Trường Cầu đường Paris đã vinh danh GS Hoàng Xuân Hãn là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của trường.

Kiều Mai Sơn
.
.