DƯƠNG HƯỚNG một thoáng văn và người

Thứ Sáu, 29/05/2020 09:09

.UÔNG TRIỀU

Tôi gặp nhà văn Dương Hướng lần đầu tại nhà riêng của ông ở thành phố Hạ Long. Thành phố Hạ Long lúc đó chưa sầm uất như bây giờ, các con phố hoặc là quay ra biển hoặc là tựa trên những dãy đồi lô xô. Nhà Dương Hướng ở phố Long Tiên, một trong những con phố nhộn nhịp bậc nhất Hạ Long lúc đó, nhìn ra núi Bài Thơ. Sở dĩ có lần “yết kiến” đấy là do ông chủ động mời tôi đến nhà chơi khi biết tôi đoạt giải nhì về truyện ngắn ở cuộc thi sáng tác trẻ trên báo Hạ Long. Nhân vừa trở về từ Nhật trong chương trình “Tàu thanh niên Đông Nam Á”, tôi biếu nhà văn một chiếc quạt cầm tay trang trí. Dương Hướng cởi mở nhiều hơn tôi tưởng. Nhà văn của Bến không chồng đón tiếp những người bạn trẻ mới bước vào làng văn rất nhiệt thành. Ở Dương Hướng toát ra một thứ chân thành và gần gũi, không có cái kiểu xoa đầu trẻ con hoặc tỏ ra “ông kễnh”. Những lần sau gặp lại nhà văn, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng ấy. Chúng tôi nói chuyện về Bến không chồng, về văn chương trẻ Quảng Ninh. Tôi thấy Dương Hướng là một người đàn anh giản dị và chân tình, nói chuyện nhiệt huyết, khiêm tốn cùng với một sự bình thản về cuộc đời. Hình như việc sống ở những đô thị không quá lớn đã tạo cho người ta một dáng vẻ bình thản nhưng vẫn đủ năng động và thức thời, Dương Hướng cũng thế. Lúc đó nhà văn đang là một công chức Sở Hải quan Quảng Ninh, một công việc có vẻ không liên quan gì đến văn chương. Ông đã từng xin nghỉ mấy tháng không lương để lên tận Tam Đảo thuê khách sạn, sống trong tĩnh lặng để hoàn thành cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời của mình.

Tôi còn gặp nhà văn nhiều dịp sau đó, khi báo Hạ Long “thuê” Dương Hướng biên tập trang văn xuôi. Tôi đã từng gửi một số truyện tới báo khi Dương Hướng làm biên tập và cái cảm giác của chàng trai mới viết văn được đăng truyện trên báo văn nghệ của tỉnh, nhất là khi được bậc đàn anh trực tiếp biên tập mới sung sướng làm sao.

Dương Hướng có cái vẻ chân chất, mộc mạc của một người sinh ra trong khốn khó ở nông thôn mà vẫn vương víu một kiểu thức giả của những cư dân thành phố mới. Lúc thì thấy nhà văn mặc áo bà ba màu nâu non thong dong đi bộ, đôi khi lại thấy ông đi giày thể thao, mặc quần bò xanh phẳng phiu, lái một chiếc ô tô hiệu Yaris đi đón bạn bè. Sau này Dương Hướng không còn ở ngôi nhà cũ chật hẹp ở phố Long Tiên nữa mà chuyển đến một ngôi nhà mới gần bến phà Bãi Cháy, thoáng đãng và rộng rãi hơn. Nơi này tôi đã đến chơi đôi lần. Khi đi trên con đường đến nhà mới của Dương Hướng ngày trước từng là bãi hoang sú vẹt ven biển, tôi nghĩ rồi sau này thành phố sẽ mở rộng ra đến mọi chỗ, thậm chí lấn ra biển và điều ấy bây giờ đã trở thành sự thật. Đến Hạ Long bây giờ người ta khó hình dung ra khuôn mặt cũ của nó độ hai mươi năm trước, thành phố ồn ào và cuồng nhiệt thoát khỏi hẳn dáng điệu của một đô thị tỉnh lẻ ngày nào.

Về nghề văn, có lần Dương Hướng nói với tôi một câu và tôi đã nghĩ về nó trong nhiều năm. Ông bảo, không cần phải viết nhiều mà viết sao cho chất lượng. Và Dương Hướng làm đúng như thế khi số lượng tác phẩm của ông không phải là nhiều, chỉ có ba cuốn tiểu thuyết Bến không chồng, Trần gian đời người, Dưới chín tầng trời và một số tập truyện ngắn. Điều tôi suy nghĩ về Dương Hướng, cũng giống như với một vài người viết khác, là khi một trong những cuốn sách trong gia tài của mình nổi lên quá trội thì dễ làm lu mờ các cuốn khác. Bến không chồng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cùng với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, bộ ba tiểu thuyết được coi là danh giá bậc nhất trong nền văn học Việt Nam đương đại. Tôi cũng đã từng tự hỏi, nếu trong đời văn, bỗng ta có một cuốn quá xuất sắc, liệu đó có phải là điều may mắn hay không? Người ta quá nhớ đến Bến không chồng thì sẽ dễ lãng quên những thứ khác của Dương Hướng. Cùng mạch liên tưởng như vậy, tôi nghĩ đến Trần Đăng Khoa khi ông phải chịu đựng sự nổi tiếng từ những bài thơ thuở nhi đồng của mình quá lâu. Người ta gần như không để ý đến những bài thơ viết cho người lớn của ông và có lẽ phải đến Chân dung và đối thoại bạn đọc mới hình dung ra một diện mạo khác của Trần Đăng Khoa. Với Dương Hướng, tôi nghĩ những tiểu thuyết khác của ông cũng đầy nhiệt huyết, chất lượng và ông có cả những truyện ngắn khá duyên nhưng đời văn ông đã mặc định gắn liền với Bến không chồng mất rồi.

Thế nhưng Dương Hướng cũng có cái may mắn hơn người. Bến không chồng được dịch ra tiếng nước ngoài, hai lần được dựng thành phim có sức hút lớn, và đặc biệt, quê hương ông, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã vinh danh Bến không chồng bằng một hành động hiếm thấy. Một khối kiến trúc bằng đá ngay bên bờ sông lấy cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết đã được tạc dựng. “Bến không chồng” từ nay đã trở thành “cột mốc văn học” trong bản đồ địa lí xã Thụy Liên và có lẽ nó sẽ trở thành bất tử, ít nhất là trong tâm thức những người dân quê hương ông.

Tôi còn gặp Dương Hướng ở Hà Nội vài dịp nữa. Một lần nhà văn mang cho tôi tiền thưởng giải văn nghệ Hạ Long vì tôi ở xa không về nhận được. Chúng tôi gặp nhau bên bờ Hồ Gươm, khi ấy có nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên đồng hương Quảng Ninh đi cùng. Chúng tôi ngồi uống cà phê bên Bờ Hồ một buổi chiều lộng gió, tự hào mình là một khoảnh nhỏ của vùng đất mỏ đã được “bứng” lên đây. Điều thích thú là dù khác nhau về thế hệ nhưng khi ngồi cùng nhau, chúng tôi thường nói chuyện về văn chương và những người trẻ với quan điểm khá tương đồng. Nói thêm, Dương Hướng rất ân tình và nhiệt thành với những người trẻ. Sau lớp tôi ở Quảng Ninh còn có Đinh Phương và Cao Nguyệt Nguyên, đều là những người được nhà văn hết lòng ủng hộ và giúp đỡ. Đinh Phương từng về công tác ở báo Hạ Long một thời gian cùng với Dương Hướng trước khi về Văn nghệ Quân đội cùng ban, cùng phòng với tôi. Sự trưởng thành của những người viết trẻ từ Quảng Ninh như tôi, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Vũ Thị Hạnh… có một phần đóng góp tâm huyết của Dương Hướng.

Một lần, Dương Hướng kể cho tôi những chuyện xoay quanh cuốn Bến không chồng. Người ta đã từng đề nghị ông cắt bỏ những đoạn nhạy cảm để cuốn sách được in ra dễ dàng nhưng Dương Hướng không chịu. Ông bảo, những chỗ người ta đề nghị cắt đều là những chỗ hay nhất, nếu thế cuốn sách còn gì nữa. Hồi ấy, in ấn còn chưa thuận lợi như bây giờ. Quảng Ninh có nhà xuất bản địa phương nhưng ông không in ở đấy vì lí do trên. Bản thảo được gửi về Hà Nội tới Nhà xuất bản Hội Nhà văn do nhà văn Nguyễn Phan Hách biên tập. Khi những cuốn sách được cho vào bao tải xếp trên ô tô gửi về, Dương Hướng đã mừng đến rơi nước mắt vì đứa con tinh thần của ông được vẹn toàn và sạch đẹp. Nhà văn Nguyễn Phan Hách đã gọi điện cho ông và nói những lời khen ngợi đầu tiên. Tôi không rõ có phải lí do từ cuốn Bến không chồng kể trên hay không mà khi biên tập trang văn xuôi cho báo Hạ Long, Dương Hướng rất ít khi cắt bỏ trên những bản thảo được gửi đến. Một người đồng nghiệp của ông là nhà thơ Trần Nhuận Minh thì có cách làm khác. Khi biên tập, Trần Nhuận Minh không bao giờ thêm bớt từ nào vào bản thảo, nếu cần can thiệp thì ông thường “gắp” từ thừa này vào chỗ thiếu kia làm bài thơ trở nên “ổn” hơn và tổng số chữ vẫn được bảo toàn.

Thỉnh thoảng tôi có gọi điện cho Dương Hướng và hỏi ông có truyện ngắn mới nào không nhưng nhà văn luôn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc của mình. Ông viết ít và sống một cuộc đời nhàn tản, thỉnh thoảng thấy ông xuất hiện ở Hà Nội và những địa điểm xa cùng với những bạn văn thân thiết.

Trong tiểu thuyết Bến không chồng cũng như ở ngoài đời có nhân vật chàng thợ ảnh phố huyện bị thọt chân nên không phải đi bộ đội, anh ta tán gái rất tài nên các cô gái làng Đông mê tít. Anh tên ngoài đời là Dân, râu quai nón, đẹp trai, da dẻ hồng hào. Khi tác phẩm xuất bản, Dương Hướng nghĩ anh ta sẽ nổi giận, nên lần nào về quê ông đều tránh không muốn giáp mặt. Một chuyện thật bất ngờ, khi Dương Hướng về quê tham gia xây dựng tượng đài “Bến không chồng” đã nhận được lời nhắn của ông Dân, chàng trai thợ ảnh phố huyện năm nào, nay đã lên lão ngoài bảy mươi mời tới nhà với lời nhắn thân tình: “Ông đừng ngại vì chuyện bêu xấu tôi trong tiểu thuyết. Đó là thời cuộc…”. Được lời như cởi tấm lòng, bữa tiệc có ông người Đức dịch Bến không chồng sang tiếng Đức về trả tiền bản quyền, Dương Hướng mời ông này cùng phiên dịch xuống nhà ông Dân. Cuộc gặp mặt tay ba giữa nhà văn, nhân vật, dịch giả sau ba mươi năm tác phẩm ra đời thật thú vị. Và kết cục, chàng trai thợ ảnh phố huyện năm nào giờ vẫn là chủ tiệm ảnh đã tình nguyện tài trợ toàn bộ phần quay phim chụp ảnh cho buổi khánh thành tượng đài tác phẩm Bến không chồng.

Một câu chuyện gắn liền với Bến không chồng nữa mà có lẽ ít người biết. Đó là khi viết tác phẩm, để có cảm hứng và sự chân thật, Dương Hướng đã lấy nguyên tên những nhân vật ở quê hương ông, thậm chí là những người họ hàng thân thiết để đưa vào tác phẩm. Lúc hoàn thiện bản thảo để mang đi in, nhà văn mới cặm cụi sửa tên những nhân vật ấy để khỏi đụng chạm nhưng ông đã để sót một nhân vật. Khi sách được in ra, đoạt giải thưởng, người dân quê ông háo hức đọc tác phẩm vì họ biết cuốn sách viết về nơi mình ở, về những người đã từng sống chết ở cái làng An Lệnh đã trải qua bao biến cố đau thương của thời cuộc. Trong số những người đọc, có cả nhân vật Dương Hướng quên chưa đổi tên và sở hữu những đặc điểm giống hệt ông ta. Người ấy có họ hàng với nhà văn và ông ta nổi giận thực sự. Ông ta đến tận nhà ông cụ thân sinh ra nhà văn và nhắn nhe rằng khi nào Dương Hướng về làng, ông ấy sẽ… ném nhà văn xuống ao cho bõ ghét. Dương Hướng biết được điều ấy thì toát mồ hôi và tìm mọi cách hóa giải “án phạt.” Ông cụ thân sinh ra nhà văn đã phải đến tận nhà nhân vật kia nói giảm, nói tránh giúp. Đại ý, cháu nó (Dương Hướng) viết thế là để ca ngợi ông chứ không phải bôi xấu gì và có thể nhờ văn học mà tên tuổi ông sẽ thành… bất tử. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn thoả và đó là bài học không quên trong đời nhà văn. Tôi nghĩ, khi kể cho chúng tôi câu chuyện này, Dương Hướng có ngụ ý với những người viết trẻ chúng tôi những bài học tự nhiên, thấm thía nhất. Nhà văn không cao giọng hay tỏ ra “nguy hiểm” nhưng chúng tôi nhớ mãi câu chuyện của ông trong hành trình viết đơn độc và lặng thầm.

Dạo này tôi ít gặp Dương Hướng vì bận rộn và ông cũng ít lên Hà Nội hơn. Ở vùng Đông Bắc ấy, chắc trái tim nhà văn vẫn khoẻ mạnh với… hai cái stent đặt trong cơ thể. Tôi vẫn hình dung ra hình ảnh Dương Hướng đi giầy thể thao, mặc quần bò xanh, lái chiếc xe Toyota kiểu nhỏ cùng với giọng nói đầy nhiệt huyết mang âm hưởng cả quê lúa và vùng biển vẫn nhấp nhóa, vang vọng đến chúng tôi

U.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)