Giải mã chân dung

Xuân Sách

Chú Vũ Thư Hiên  đây là lời nói đầu của tập 2 "Chân dung nhà văn" hay bố cháu gọi là "Giải mã chân dung". Không ai dám in.

Ngô Nhật Đăng

KHÚC DẠO ĐẦU

Một ngày tháng 4 năm 1992 tôi nhận điện từ Chi nhánh nhà xuất bản Văn học ở Sài Gòn: “Sách đã ra lò. Lên ngay!”.

Từ khi cầm bút, các tác phẩm ra lò của tôi chưa đến nỗi nhiều nhưng cũng đủ làm nguội cái cảm giác hồi hộp sung sướng thuở ban đầu. Lần này thì khác, đứa con tinh thần của tôi là tập thơ CHÂN DUNG NHÀ VĂN. Hành trình của nó dài đến 30 năm. Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu chuyện.

Bài thơ chân dung đầu tiên tôi viết năm 1962 trên vỏ bao thuốc lá Tam Đảo trong một buổi chỉnh huấn của Quân đội phê phán chủ nghĩa xét lại. Bài thơ thuộc dạng hiền lành vậy mà tức thì anh Nguyễn Khải nhận xét nghiêm túc: “Thằng này không đùa nữa rồi”.

Nhưng như cái nghiệp đã vận vào thân, không đùa thì còn biết làm gì? Các chân dung lần lượt xuống chiếu với nhiều cung bậc khác nhau. Có bài đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức, có bài “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Ra bài nào chuyền tay bài ấy, truyền khẩu mọi nơi mọi lúc, ở giờ nghỉ các cuộc họp, ở quán nước vỉa hè, cửa hàng bán bia hơi bánh tôm Hồ Tây, quán thịt chó Hàng Lược… và tất nhiên cũng được đặt trên bàn các cuộc họp của Ban thường vụ Hội Nhà văn, Ban Tuyên huấn Trung ương, cơ quan Bảo vệ văn hóa văn nghệ. Tôi ngu ngơ như kẻ điếc không sợ súng, hay nói như Vương Trí Nhàn: “Ông Sách bị quỷ ám”. Cũng có lúc bị bầm dập tôi cảm thấy cô đơn trơ trụi, cũng có lúc ngộ ra cái khoái cảm tuyệt vời trong sự sáng tạo, tôi lặng lẽ đi tới. Biết đâu “Dại chốn văn chương ấy dại khôn”.

Ba mươi năm sàng lọc được trăm bài. 99 bài xưng tụng các anh các chị đồng nghiệp, bài 100 tự vẽ mặt mình.

Nhưng làm thế nào để in ra thành sách? Nhiều người góp ý cho tôi. Phùng Quán nói: “Thơ ông tuy truyền miệng chuyền tay vẫn coi như ‘một sàng xó bếp’ in ra mới được gọi là ‘một miếng giữa làng’”. Có người khuyên không nên in ra mà để lưu truyền như một thứ văn học dân gian, có khi tạo nên một dòng thơ như dòng thơ Bút Tre vậy, tạo việc làm cho các nhà sưu tầm khảo cứu hậu thế. Có người cảnh cáo, từ truyền khẩu mà in ra giấy trắng mực đen của lọai thơ “độc hại” này là một khỏang cách “chết người”, trăm năm bia đá, nghìn năm bia miệng… đâu phải chuyện chơi.

Tôi ghi nhận những lời khuyên ấy. Tôi nhớ lại chuyện năm 1978 khi đi học ở Học viện chính trị quân đội. Trước ngày khai giảng các học viên nêu những thắc mắc chính của mình. Phần lớn ý kiến là chưa hiểu quan điểm “Làm chủ tập thể”. Tôi chú ý đến một học viên, anh là chính ủy một sư đoàn nổi tiếng nhiều chiến tích, anh nhận thức: “Đời là bể khổ”.

Khi hết khóa học anh nói: “Tôi cám ơn các đồng chí đã góp ý về nhận thức của tôi. Có đồng chí nói đó là một nhân sinh quan yếm thế, không phù hợp với cách mạng. Một tư tưởng kỳ quặc với một Chính ủy, là phần tiêu cực trong giáo lý nhà Phật… Tôi thành khẩn tiếp thu, nhưng với riêng tôi cho đến lúc này tôi vẫn đinh ninh: Đời là bể khổ”.

Còn tôi cũng đinh ninh rằng phải in được tập thơ chân dung. Một việc cực khó. Phải thông qua một Nhà xuất bản với những luật lệ hiện hành. Mà các ông Giám đốc Nhà xuất bản và các Tổng biên tập các báo đã có nhiều bài học chua cay khi in một cuốn sách, đăng một bài báo có “vấn đề” mà cơ cực ở chỗ những vấn đề ấy có khi chỉ là ý kiến của một số người, không được tổ chức công khai bàn luận rộng rãi. Lỗi nhẹ thì “kiểm điểm nghiêm khắc”, nặng thì các vị Giám, Tổng lặng lẽ cắp cặp đi chơi chỗ khác.

Một lần tôi đi dự buổi tổng duyệt một vở kịch. Khán giả là một số bạn bè của tác giả, một số phóng viên văn hóa văn nghệ của báo, các vị có chức trách phê duyệt. Quan trọng hơn cả là một vị lãnh đạo bậc cao. Ông không phải là người phụ trách văn nghệ mà là lãnh đạo lĩnh vực mà nội dung vở kịch đề cập. Vị này vốn xuề xòa không quan cách. Tác giả rất mừng khi thấy ông đến dự. Một việc bất ngờ xảy ra, nửa chừng vở diễn vị này cùng người bảo vệ lặng lẽ ra về. Tác giả hết hồn, thế là xong chỉ vài hôm nữa là báo chí sẽ “hỏi thăm sức khỏe” tác giả và vở kịch. May mà ông cũng là loại “Vua biết mặt chúa biết tên”. Ngay sáng hôm sau ông đến nhà riêng vị lãnh đạo để thỉnh thị. Cấp trên cười:

– Làm gì có chuyện mình bỏ về vì vở kịch có vấn đề. Mình chưa xem hết nên không có ý kiến tổng kết. Cái cô đóng vai nông dân diễn vui ra phết. Ông về họp lấy ý kiến anh em rồi nâng tầm tác phẩm lên là được. Mình phải về ngang chừng vì cái bệnh của mình nó trở chứng. Yên tâm đi nhà văn phải chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình, cố nhất là không sai lạc về chính trị là được. Thế nhá.

Vậy thì tác phẩm của tôi hay dở chưa biết nhưng chắc chắn là có “vấn đề” làm sao tìm được một ông Giám đốc Nhà xuất bản dám chịu trách nhiệm với mình.

Mấy anh em văn nghệ Vũng Tàu thường hỏi tôi: Anh vẫn định in chân dung chứ? Liệu bao giờ thì in được? Một lần tôi buột miệng: Năm 92 in được.

Tôi nói vậy vì thường nhẩm tính, năm 30 tuổi bắt đầu viết, năm 60 tuổi in ra là vừa đẹp đúng lúc về hưu. Vậy mà sau này có nhà văn nói tôi cố ý in sách vào năm kỷ niệm Hội Nhà văn 35 tuổi là có dụng ý xấu. Thật oan uổng, tôi hơi đâu mà để ý đến tuổi của Hội. Nói dại nếu sau này tập thơ của tôi lại được khen biết đâu ông ấy lại nói Xuân Sách rất có ý thức khi in sách của mình đúng dịp Hội ta ba mươi lăm xuân.

Cuối năm 1991 anh Hoàng Lại Giang lúc đó là Trưởng chi nhánh nhà xuất bản Văn học ở Sài Gòn xuống gặp tôi:

-Tôi đến là để bàn với ông về việc in thơ chân dung, ông đồng ý không? Ông Hoàng vừa nói vừa cười.

– Thôi đi đừng đùa, làm tôi tổn thọ.

– Nghiêm chỉnh đấy, không chỉ ý kiến của riêng tôi mà đã được Giám đốc đồng tình. Chuyện không dễ nhưng ông thử tính xem, tôi biết ông máu in, chúng tôi cũng liều…thân với ông, không chớp lấy thời cơ này thì hỏng, bây giờ là thời điểm văn nghệ được “cởi trói”.

Tôi vỗ mạnh vào bàn tay Hòang Lại Giang:

– “Tiên sư Tào Tháo” chúng ta làm.

Việc đầu tiên là tôi nộp bản thảo để gửi ra Hà Nội duyệt, chợt lóe lên một ý nghĩ tôi nói:

– Gửi ra Hà Nội dù ông Lữ Huy Nguyên ngồi trong phòng riêng đóng kín cửa mà đọc cũng không ổn, ông ấy sẽ thấy cả những ánh mắt xuyên tường nhìn vào, khiếp lắm. Hay là chúng ta mời ông ấy vào trong này như chuyến đi nghỉ mát Vũng Tàu, ông ấy gật đầu là xong.

Hòang Lại Giang đồng ý:

– Ông có lý, tôi về Sài Gòn thực hiện ngay.

Hôm sau Giang gọi điện với giọng hồ hởi:

– Lữ Huy Nguyên đồng ý và hứa sẽ thu xếp vào sớm.

Những năm ở Hà Nội tôi có quen biết anh Lữ Huy Nguyên. Anh lành tính, làm việc cẩn trọng chu đáo. Nhà Xuất bản Văn học do anh làm Giám đốc có uy tín lớn. Ra được sách không chỉ đúng mà hay, có nhiều phát hiện đổi mới. Nhà văn cỡ tầm tầm như tôi mà có sách được in ở Văn học là hãnh diện lắm. Trong những lần gặp anh Nguyên chưa bao giờ tôi đả động đến thơ chân dung. Nhưng tôi biết anh không thờ ơ với những bài thơ “tai tiếng” ấy và anh lại càng biết nếu in nó ra thì sẽ thế nào. Tôi còn biết cấp trên rất chú ý đến tài đức của anh và việc cất nhắc anh lên bậc cao hơn là chuyện có thực và rất gần.

Khoảng một tuần sau anh Nguyên và anh Giang đã có mặt ở nhà tôi. Sau buổi chiều dạo quanh thành phố, buổi tối chúng tôi làm việc. Tôi mời Lữ Huy Nguyên ra bờ biển ngồi trên chiếc ghế đá dưới ngọn đèn sáng, chúng tôi thông qua từng bài thơ một và trao đổi một số ý kiến ban đầu. Trong khung cảnh trời cao biển rộng chúng tôi chẳng e ngại điều gì bộc lộ hết những ý nghĩ của mình, thỉnh thoảng còn xen vào những chuyện đời chuyện người, và không thiếu những tràng cười thú vị.

Sáng hôm sau thêm anh Hoàng Lại Giang chúng tôi bàn bạc cụ thể tóm tắt như sau. Anh Nguyên đề nghị bỏ hai bài. Không, gọi là để lại, một bài viết về nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh). Lý lẽ của anh Nguyên là bài này chưa đến tầm tác giả, chưa đến tầm của đối tượng. Bài thứ hai viết về một nhà phê bình, ông Hà Xuân Trường, bài này hay, (lời anh Nguyên) nhưng đụng vào ông này gay lắm, ông ấy sẽ dồn tôi và anh đến cùng, nhưng cũng chẳng sao, nhưng đáng sợ là ông ấy đủ khả năng làm cho tập thơ có in xong cũng phải đắp chiếu nằm đấy.

Ông ấy là một cây lý luận hàng đầu của đảng về Văn hóa văn nghệ, như tôi biết, ngoài danh xưng “Nhà” ông còn một danh xưng cao hơn gọi tắt là “Trung ủy” dù chỉ là dự khuyết suốt hai khóa. Anh em văn nghệ thường thì thầm với nhau đó là một cây quan điểm lập trường, một tay bảo hoàng hơn vua. Ngoài ra còn sửa hai chữ ở hai bài khác. Tôi chấp nhận dù hơi tiếc, và điều luôn hai bài khác ngồi ghế dự bị vào sân cỏ.

Lữ Huy Nguyên nói với tôi bằng giọng nghiêm túc và nhã nhặn vốn có:

– Tôi đề nghị anh cho Nhà Xuất bản chúng tôi được ấn hành tập thơ này. Tôi muốn hỏi anh vài chuyện bên lề có được không?

– Vâng mời anh.

– Nghe nói có người tới mua bản thảo tập thơ?

– Có hai người, một từ Nhật tới gặp tôi, một người Mỹ qua trung gian.

– Họ đặt số tiền ứng trước khá lớn?

– Với ta thì thật lớn. Tôi tính ra một nhà văn xứ ta viết được cuốn tiểu thuyết nghìn trang, với chất lượng xứng tầm thời đại thì nằm mơ cũng không nghĩ tới số tiền nhuận bút lớn như vậy. Người Nhật còn hứa với tôi xin phép nhà nước Việt Nam xuất bản hợp pháp.

– Và anh từ chối?

– Đơn giản vì tôi tâm niệm phải xuất bản trong nước.

Nguyên quay sang Hoàng Lại Giang:

– Anh xem có ứng trước cho anh Sách một số tiền được không? Chắc chắn không nhiều, nhưng có lẽ anh Sách xài tiền Việt dễ hơn tiền đô.

Tôi trả lời:

– Khỏi cần.

Cuối năm 1967 tôi vào chiến trường miền Nam, nhà Xuất bản Giải phóng có ý tốt ứng cho tôi 200 đồng. Thời giá hồi đó một bát phở ngon năm hào, còn thuốc lá thì:

Trường Sơn một dãy ba hào

Điện Biên lịch sử hai bao một đồng

Nghìn năm văn vật Thăng Long

Một đồng một gói bằng lòng thì mua.

Ở chiến trường ra tôi nộp cho nhà Xuất bản khoảng ba chục bài thơ. Sách in ra tôi tới lĩnh nhuận bút. Nhà thơ Ý Nhi xinh đẹp, biên tập viên bắt tay tôi cười: “Khó cho anh rồi, thơ của anh theo barem thì nhuận bút hẻo lắm, cũng tại thơ anh viết ngắn, lại không biết ‘leo thang’ nên ít dòng. Bọn tôi đã ưu tiên đưa một số bài từ bậc B1 lên loại A, ngồi chung chiếu nhất với các cụ mà công lại cũng chỉ được 180 đồng, anh phải nộp lại hai chục, nhưng khỏi lo, nhà xuất bản đã quyết định xóa nợ cho anh”. Tôi nói lời cám ơn và tiếc rằng không có tiền mời Ý Nhi đi ăn phở.

Tôi nói:

– Vậy các anh khỏi ứng trước, dẫu có 100 bài nhưng bài nào cũng ngắn, chẳng được bao nhiêu nhuận bút đâu.

Lữ Huy Nguyên cười rồi cầm bút ký vào bản thảo:

– Chúng tôi sẽ làm nốt vài thủ tục cuối cùng, anh Giang sẽ bàn với anh về chuyện in ấn, sao cho càng nhanh càng tốt.

Hoàng Lại Giang đế:

– “Cưới vợ thì cưới liền tay” thứ này để lâu thì không chỉ có gièm pha.

Khi tiễn chân Lữ Huy Nguyên tôi nói riêng với anh:

– Lư còn phân vân gì không?

Tên cúng cơm của anh là Nguyễn Huy Lư, tôi gọi thế để biểu lộ tình cảm chân thành và khâm phục.

Lư đáp lại:

– Sách yên tâm, tôi nghĩ cuối đời cũng làm được điều gì đó.

Chúng tôi ôm nhau rồi chia tay.

Hai hôm sau Hoàng Lại Giang trở lại mang theo bản thảo, một xấp giấy can và mấy cái bút kim. “Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ ta đưa vào nhà in để họ xếp chữ là không ổn. Cái thứ thơ ngắn của ông thế nào công nhân cũng đọc khi xếp chữ xong và in thử, lập tức những bài thơ sẽ bay ra ngoài và điều gì sẽ đến chắc ông rõ. Vì vậy tôi mang giấy bút đặc biệt xuống để ông viết tay các bài thơ, viết bằng chữ thường, chữ mẫu mà hồi bé chúng ta phải tập ấy. Khi đưa vào nhà in cứ thế họ cho vào máy chạy, cùng lắm hai ngày là gọn 3.000 cuốn theo số lượng mà nhà xuất bản đăng ký. Đúng ra thơ ông đã được truyền miệng rộng rãi có thể in gấp nhiều lần ba ngàn, nhà xuất bản cũng có lãi mà tác giả cũng ấm chân răng, nhưng làm thế nguy hiểm lắm”.

– Cám ơn Giang nhé, ông quan tâm chu đáo với tôi quá.

– Mà tôi nói ông rõ, thường ở nước ngoài phải là tác giả có cỡ thế nào tác phẩm mới được in bút tích của mình mà cũng chỉ vài ba trang thôi, còn ông có cả trăm bài,nhất ông rồi đấy.

Đúng là mèo mù vớ cá rán. Tôi bắt tay ngay vào việc, nắn nót viết thứ chữ tập viết từ hồi xưa ở trường làng với ông Hương sư mặc áo dài the đen đứng lớp cầm tay thước gõ vào ngón tay học trò với lời dạy “Các con nên nhớ luyện chữ là luyện tâm tính con người”. Gọn một ngày tôi viết xong, Hoàng Lại Giang ưng ý đem về Sài Gòn và đẹp làm sao sau một tuần tôi nhận điện đi lấy sách.

Ngồi trên xe từ Vũng Tàu lên Sài Gòn tôi mừng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo. Đã sống thời gian dài trong chiến tranh, nhiều hoàn cảnh, nhiều luật lệ khắc nghiệt éo le khiến số phận con người gặp nhiều bất trắc, cái sướng cái khổ, cái rủi cái may đến bất ngờ không kịp trở tay không kịp đối phó. Trong cõi văn chương bé tý này cũng đã có quá nhiều chuyện.

Một cây bút trẻ có tài, lại chịu khó đi vào những nơi là mũi nhọn của cuộc sống viết những trang sáng giá được biểu dương, sách được đưa vào loại in số lượng tính bằng vạn. Ít lâu sau anh biến mất. Anh bị đi tù mà chẳng kịp biết vì sao không có phiên xử, cứ lặng lẽ lên đường không kịp từ biệt gia đình. Phúc cho anh sau bảy năm tu nghiệp trong nhà tù khi trở về viết được gần nghìn trang sách thuộc loại có giá trị. Nhưng cũng khốn khó lắm mới in ra được, cũng nhờ một ông giám đốc xuất bản có lương tâm và dũng khí. Dù quyển sách không hề được dư luận công khai bình luận, bị thu gom không công bố, nhưng bằng mọi cách tác phẩm vẫn đến được với người đọc, đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Năm 1973, một nhà văn ở cùng tạp chí Văn nghệ quân đội với tôi đeo quân hàm đại úy, được cử đi trong đoàn đại biểu Việt nam dự đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới được tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Rất mừng. Được cử đi đã là một niềm vui lớn vì sự tín nhiệm chính trị, trong thời chiến lại được đi dự một ngày hội lớn thế giới còn phải nói gì nữa. Dù hoàn cảnh khó khăn, anh bạn tôi vẫn cố gắng tổ chức vài cuộc liên hoan nhỏ để khao bạn bè. Tôi lúc đó đêm đêm đeo một ba-lô gạch tập hành quân chuẩn bị cho cuộc đi B dài lần thứ hai. Anh rủ tôi đi ăn mì hoành thánh đặc biệt ở cửa hàng người Tàu ngõ Hàng Lược. Chạm chén rượu, anh nói:

– Mình với Sách cùng đi. Sách đi vào, mình đi ra. Là người viết, được đi là vui rồi!

– Anh đi Đông Đức, tôi đi Đức Cơ, chúng ta cùng đi, cùng vui.

Một tuần trước khi lên đường anh bỗng nhận được lệnh ở lại. Người ta phát hiện ra trong lý lịch của anh có chút tì vết ở mức độ “đi Liên Xô thì được nhưng đến Đức nơi tuyến đầu giáp giới giữa hai phe có thành phố Berlin phân chia Đông-Tây thì không được.”

Lại một chuyện xảy ra ở sân bay. Một cậu sinh viên được chọn đi du học nước ngoài, cậu ta con một gia đình bình thường nhờ học giỏi mà được đi. Việc lo hành trang, thủ tục giấy tờ quá vất vả, cuối cùng được ra sân bay. Làm thủ tục xuất cảnh, gửi hành lý xong, chỉ còn chờ giờ tàu cất cánh. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào, khi ngồi xuống chiếc ghế ở phòng chờ, cậu ta ngả lưng vươn vai kêu lên một câu cảm thán: “Thế là sắp được làm người!”. Chợt từ phía sau một người xiết chặt tay cậu ta và cậu bị nhấc bổng ra khỏi ghế, rời khỏi sân bay, tan biến giấc mơ làm người do dại dột thốt ra. Số phận chàng trai bất hạnh ấy sau này như thế nào thì tôi không rõ.

Nghĩ lan man thế rồi chột dạ, biết đâu cuốn sách của mình bị trắc trở ở phút chót, hãy đợi lúc được cầm nó trên tay mới chắc ăn.

Xe dừng trước cửa nhà xuất bản, tôi không xuống vội, nhìn vào trong sân thấy đông người, trong đó có nhiều nhà văn tôi quen. Họ tới mua sách của tôi, người cầm vài ba cuốn, có người ôm cả một chồng. Có chuyện gì vậy?

Chẳng lẽ sách của tôi được chào đón đến vậy ư? Hoặc là của này không nhanh tay thì hết mua. Tôi có một động thái kỳ cục, nhờ người đi cùng vào nhận sách bản quyền và mua thêm mang ra xe rồi quay đầu dông thẳng về Vũng Tàu.

Trên xe tôi nâng niu cuốn sách vừa vặn bằng bàn tay, giống loại sách bỏ túi. 99 nhà văn và tôi mỗi người một trang chật chội một chút nhưng không ai chen lấn ai, không ai nhòm ngó ai. Bìa cũng khá đơn giản, trên nền hoa văn li ti màu xám nhạt điểm một bông hoa đỏ. Tôi giở nhanh từng trang chưa cần đọc lại vì in đúng như bản viết tay nên không sợ mắc lỗi, đến cuối sách thì hiện ra sự cố. Một tờ in rời dán vào đó là “Lời cuối sách” của Nhà xuất bản mà tôi chưa được biết.

Một lần nữa tôi lại thông cảm với Lữ Huy Nguyên. Anh đã kịp thời dùng chiến thuật lập lá chắn phòng ngự trong bóng đá. Còn có cách nào khác khi đối phương có một hàng tiền đạo đông đảo hăng hái bắn phá khung thành đối phương không thương xót. Cố mà phòng thủ kéo dài được thời gian không bị thủng lưới chừng nào hay chừng ấy để có thể đưa sách ra thị trường.

Sự cố thứ hai bi hài hơn. Ở trang cuối nơi ghi những người chịu trách nhiệm về cuốn sách có một mảnh giấy trắng dán kín một dòng như người bị vết xước phải dán miếng băng keo y tế. Đó là chỗ in tên người chịu trách nhiệm về bản thảo. Mãi đến phút cuối khi sách đã in xong, nghe ngóng thấy có sự bất an, ông này năn nỉ với Giám đốc cho rút tên ra vì ông sắp về hưu rồi nên muốn được hạ cánh cho an toàn.

Đề nghị của ông ấy được chấp nhận, nhưng tiếc rằng sách đã in xong không thể in lại nên bất đắc dĩ phải làm chuyện cắt dán nhưng cầm sách soi lên vẫn đọc được tên người đó, giống như trẻ con trong trò chơi trốn tìm sau khi có chỗ ẩn nấp kín đáo lại kêu tướng: “Xong”.

Thế là đứa con ra đời, vì mẹ nó không được “Tròn” nên nó cũng không được “Vuông” phải mang dị tật, báo hiệu những ngày sắp tới không bình yên. Mấy hôm sau tôi nhận được những tin không tốt lành. Có lệnh mồm xuống Nhà xuất bản phải giữ lại và niêm phong những tập thơ chưa kịp phát hành.

Ở Hà Nội có nhiều cuộc họp phê phán tập thơ, một số nhà văn viết kiến nghị xử tội tác giả. Tuy nhiên tác giả không nhận được trực tiếp bản kiến nghị ấy. Họ gửi một số cơ quan Trung ương và hai bản gửi về Vũng Tàu cho lãnh đạo và Hội Văn nghệ. Xin trích nội dung bản kiến nghị ấy:

“…cuốn Chân dung nhà văn dẫu không nêu tên người nhưng Xuân Sách đã lấy tên tác phẩm để miêu tả thì chả khác gì gọi tên người ta ra.

Dưới con mắt của Xuân Sách, chân dung nhà văn trở nên méo mó dị dạng. Cố nhiên Xuân Sách cũng tỏ ra xu phụ nịnh bợ một số ít người.

Bằng giọng thơ châm chọc, diễu cợt, bằng thái độ cao ngạo răn dạy và kích động kẻ khác Xuân Sách đã mượn cách tả chân dung để:

– Bôi nhọ phỉ báng, thậm chí vu khống đối với nhiều nhà văn đáng kính đã quá cố.

– Xuyên tạc lăng mạ đời tư nhà văn một cách vô trách nhiệm, đặc biệt là các nhà văn nữ, gây những hậu quả cực kì xấu đối với họ.

– Với vị trí văn học hạn chế của mình Xuân Sách đã miệt thị tài năng và thành tựu văn học của đồng nghiệp.

– Qua cách đánh giá thiên lệch của mình, Xuân Sách đã gây không khí bất lợi cho sự đoàn kết nội bộ của Hội.

Chúng tôi coi đây là một vết xấu trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta, đặc biệt trong quản lí xuất bản.

Chúng tôi xin kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền mấy điều:

1. Xem xét lại trách nhiệm của người cấp giấy xuất bản, của Giám đốc Nhà xuất bản Văn học và các biên tập viên đã cho in cuốn sách.

2. Phải có biện pháp thực sự thu hồi và hủy bỏ cuốn sách.

3. Ban chấp hành Hội Nhà văn xem xét tư cách nhà văn của Xuân Sách và có kỷ luật thích đáng chiếu theo điều lệ của Hội vì đã xúc phạm nhân cách gây mất đoàn kết nội bộ. Kỷ luật cần được thông báo cho toàn thể hội viên biết.

Kính mong Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao, Ban Chấp hành Hội Nhà văn xem xét bản kiến nghị này".

Sau những lời luận tội đanh thép và các biện pháp xử lí nghiêm khắc là mấy trang chứa những chữ kí như “rồng bay phượng múa”của 41 nhà văn đáng kính. Có nhà văn còn ghi thêm trước khi kí: “Tôi không thể nào tưởng tượng được với nội dung toàn nói xấu gần như toàn bộ Hội nhà văn như vậy lại có thể được in đến ba nghìn cuốn và nghe nói đã ngay lập tức bán được sáu trăm cuốn rồi”.

Ông ấy nghĩ thế cũng phải, sự thật nhiều khi khác xa sức tưởng tượng của nhà văn.Tôi phát hiện ra trong số 41 người kí tên có ông ấy và 26 nhà văn nữa không có chân dung trong tập thơ. Tôi không hiểu làm sao lại thế?

Một nhà văn bậc đàn anh giải thích cho tôi: “Hoặc giả họ có tính bầy đàn cao, đụng tới đồng loại là đụng tới họ. Hoặc giả… chuyện này có thật, một ông nhà văn tiếng thì to nhưng tác phẩm lại nhỏ nói với mình cái thằng Xuân Sách văn thơ tầm tầm chẳng ai chú ý, nên bày trò chân dung để chơi trội, chẳng qua hắn mượn tên tác phẩm và vài câu thơ ý thơ của người ta rồi xáo xào lắp ghép vào có gì sáng tạo đâu. Mình bảo thế thì ông quan tâm làm gì cho rách việc. Bất ngờ ông ấy cao giọng: “Nhưng một người như tôi tại sao hắn lại không đưa vào? Láo””.

Tôi tạm dừng viết về hành trình gian nan và cũng thú vị của tập sách để trở lại phần chính. Tôi sẽ trả lời những bạn đọc yêu quý xa gần của tôi là tôi đã nghĩ, đã viết những bài thơ chân dung như thế nào? Tôi còn muốn làm thêm cái khung cho những bức tranh ấy. Đấy là hoàn cảnh môi trường, có thể gọi là chân dung một thời mà các nhà văn chúng tôi đã sống và viết.

Nguồn: FB Ngô Nhật Đăng

Comments are closed.