27/11/2023 11:34 GMT+7

Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?

Đó là câu hỏi mà chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành đặt ra trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh vụ Vạn Thịnh Phát.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SCB trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM vào sáng 8-10-2022 - Ảnh: T.T.D.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SCB trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM vào sáng 8-10-2022 - Ảnh: T.T.D.


Trong khi đó, ông Trần Quốc Hùng - chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu giám đốc điều hành tại Viện Tài chính quốc tế (IIF), đồng thời phụ trách bộ phận thị trường mới nổi và phân tích thị trường vốn toàn cầu - đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ về vụ Vạn Thịnh Phát và SCB.

Ông Hùng đưa ra nhiều góc nhìn quan trọng về giải pháp để xử lý "nạn" sở hữu chéo.

Từ vụ SCB nói về sở hữu chéo

* Dù không nắm giữ chức vụ gì nhưng bà Trương Mỹ Lan mới là "chủ thực sự" chi phối Ngân hàng SCB và biến nó thành "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Ông bình luận gì về việc này?

- Vụ án SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất nghiêm trọng vì quy mô thất thoát tài sản quá lớn (trên 12 tỉ USD) và xảy ra trong một thời gian dài (trên 10 năm, từ 2012). Vụ án này bộc lộ một số lỗ hổng lớn trong luật lệ về ngân hàng ở Việt Nam, cần phải nhanh chóng giải quyết.

Một tập đoàn kinh doanh lớn, đa ngành nhưng chủ yếu đầu tư bất động sản, sở hữu và kiểm soát một ngân hàng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để Vạn Thịnh Phát hay hàng trăm công ty con trong hệ sinh thái có thể vay từ ngân hàng mà không thông qua quy trình xét duyệt đúng nguyên tắc, luật lệ. Họ được hưởng ưu đãi kể cả về số tiền cho vay lớn hơn và điều kiện giải ngân, sử dụng tiền lỏng lẻo hơn luật định.

Các cơ hội này có được chủ yếu do ảnh hưởng áp đảo từ cổ đông lớn nhất trong ngân hàng đồng thời cũng là chủ sở hữu của tập đoàn. Ở đây còn có sự hoán đổi về nhân sự trong thành phần ban lãnh đạo và giám đốc ngân hàng, tập đoàn và các công ty con. Hoạt động ngân hàng trở nên thiếu minh bạch và khó kiểm soát.

Nói chung mô hình tập đoàn kinh doanh lớn được phép sở hữu ngân hàng hoặc ít nhất không kiểm soát được việc họ đứng sau các ngân hàng đã tạo ra việc lợi dụng huy động vốn ký gửi ngân hàng (hưởng bảo hiểm ký gửi của Nhà nước) để phục vụ quyền lợi riêng của tập đoàn hay sở hữu chủ của tập đoàn. Điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác không sở hữu ngân hàng. Hơn nữa, việc tập trung cho vay vào tập đoàn và các công ty con vi phạm nguyên tắc ngân hàng cần đa phương và đa dạng hóa cơ cấu tài sản của mình.

* Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, những xe tiền lớn chở hàng trăm nghìn tỉ đồng từ ngân hàng về nhà riêng chủ tịch. Ở các ngân hàng trên thế giới, họ làm gì để kiểm soát vấn đề này?

- Để tránh các nguy cơ nói trên, một số nước như Mỹ đã cấm doanh nghiệp thương mại hay công nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát ngân hàng. Trừ một số ít trường hợp đặc biệt dành cho các công ty cho vay công nghiệp (industrial loan company). 

Nếu một doanh nghiệp muốn mua và sở hữu trên 25% số cổ phiếu của một ngân hàng và như thế có thể kiểm soát nó, họ phải xin phép cơ quan có thẩm quyền xét duyệt về tư cách, khả năng tài chính và kinh doanh. 

Khi được phép phải tự biến thành hay thành lập công ty sở hữu ngân hàng (bank holding company), họ phải tuân theo luật lệ ngân hàng và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng.

Cần lưu ý, họ sẽ chỉ thuần túy được hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nếu một cá nhân muốn mua trên 10% số cổ phiếu của một ngân hàng cũng phải khai báo và xin phép trước. 

Ngoài ra các nước phương Tây có luật lệ rất chặt chẽ về việc cho vay đối với các cá nhân nội bộ trong ban lãnh đạo, giám đốc hay viên chức cấp cao trong ngân hàng. Sự chặt chẽ này áp dụng với cả người ngoài ngân hàng nhưng có quan hệ gia đình hay kinh doanh với họ. 

Mức hạn chế cho vay đối với các cá nhân có liên hệ với ngân hàng không chỉ áp dụng cho từng cá nhân mà cho cả toàn bộ các đối tượng này.

Tòa nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB - Ảnh: T.T.D.

Tòa nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB - Ảnh: T.T.D.

Chất lượng ngân hàng mới là quan trọng

* Có ý kiến cho rằng Việt Nam hiện có khoảng 50 ngân hàng lớn nhỏ. Có nhà băng "sức khỏe" tốt nhưng cũng có ngân hàng yếu nên xử lý. Theo ông, số lượng nhiều như vậy có cần thiết không?

- Việt Nam hiện nay có 49 ngân hàng các loại cho khoảng 100 triệu dân. Nếu so trên quy mô dân số là ít so với Mỹ với 4.844 ngân hàng cho 332 triệu dân. Thành thử vấn đề của Việt Nam không phải là số lượng mà là chất lượng ngân hàng.

Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm việc tuân thủ luật lệ ngân hàng cần được đặt lên hàng đầu. Các cơ quan thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước phải có năng lực giám sát, thanh tra và kịp thời giải quyết các động thái sai luật. 

Quan trọng hơn cả là phải có biện pháp phòng và chống tham nhũng. Nếu không, có luật cũng như không. Việc chúng ta bàn sẽ sửa Luật Tổ chức tín dụng như thế nào để hạn chế sở hữu chéo cũng khó phát huy tác dụng.

* Thế nhưng như vụ Vạn Thịnh Phát vừa qua, cả đoàn thanh tra bị mua chuộc. Vậy theo ông, cần thiết đảm bảo được yếu tố giám sát chéo?

- Ở một số nước khác, cách thường làm là thay đổi người trong đoàn thanh tra. Không để một người thanh tra một ngân hàng trong nhiều năm…, rất dễ dẫn đến bị mua chuộc. 

Ngoài ra, các biên bản thanh tra cũng thường xuyên được kiểm toán, kiểm tra tiến trình có theo đúng trình tự và nội dung đã quy định hay không. Nếu làm như thế mà vẫn bị mua chuộc, có thể đây là vấn đề có tính chất hệ thống, rất khó giải quyết.

Một phần tiền rút từ SCB, Vạn Thịnh Phát đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản như khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Một phần tiền rút từ SCB, Vạn Thịnh Phát đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản như khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ

* "Giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ" là câu quen thuộc giới ngân hàng nói về cách thức quản lý khiến họ thực thi đúng quy định từng ngày từng giờ, chứ không cần đợi đến thanh tra. Ông nghĩ sao về vấn đề này nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát?

- Giám sát xa, thanh tra gần là đúng theo thông lệ quốc tế. Ở đây việc giám sát là theo dõi các báo cáo thường xuyên (cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng…) về các tỉ lệ an toàn của ngân hàng về thanh khoản, giá tài sản dao động… 

Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, tổ chức thanh tra bất ngờ, không định kỳ. Các cuộc thanh tra nhằm xem xét quy trình làm quyết định cho vay có theo đúng trình tự và có đầy đủ hồ sơ chứng minh hay không. Nhưng khi cả đoàn thanh tra bị mua chuộc làm biên bản dối trá… thì sẽ khó phát hiện.

* Vậy Việt Nam nên làm gì để mang lại hiệu quả trong việc nâng cao sự minh bạch hệ thống tài chính ngân hàng?

- Hiện nay Quốc hội đang thảo luận dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân và tổ chức, nhất là việc sở hữu chéo là rất cần thiết. Quan trọng không kém, Việt Nam cũng cần phải giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ doanh nghiệp phi tài chính. 

Qua vụ việc Vạn Thịnh Phát, có thể thấy nợ xấu một phần phát sinh từ những mối quan hệ thân hữu, sân sau với những điều kiện cho vay lỏng lẻo, không đúng quy định. Củng cố thêm lý do để quan ngại về vấn đề nợ doanh nghiệp khu vực phi tài chính.

Tuy nhiên, cách giải quyết nào cũng có cái giá của nó. Nhân dịp lạm phát bắt đầu chững lại để nới rộng phát hành tín dụng, có thể yểm trợ sản xuất ngay trước mắt nhưng sẽ tăng mức dư nợ doanh nghiệp phi tài chính gây khủng hoảng trầm trọng hơn trong tương lai. 

Mạnh tay thanh lý các món nợ xấu và giải thể các doanh nghiệp hoàn toàn không còn khả năng trả nợ sẽ gây xáo trộn, làm suy thoái kinh tế ngay trước mắt nhưng sẽ lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp và ngân hàng, tạo cơ sở để hồi phục tăng trưởng trong tương lai.

Thử thách đối với Nhà nước là phải lựa chọn phương án thích hợp, chấp nhận phải trả giá và tiến hành giải quyết tình trạng nợ doanh nghiệp quá cao chứ không thể để nó tiếp tục như hiện nay.

Việt Nam cần quan tâm rất lớn đến việc tách ngân hàng ra khỏi tập đoàn thương mại hay công nghiệp và có luật lệ nghiêm ngặt hơn trong việc cho vay đối với các cá nhân nội bộ có liên hệ với ngân hàng.
Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?- Ảnh 4.Ông Trần Quốc Hùng (chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council)

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo để ngăn rửa tiền

Đây là nội dung quyết định 11 vừa được Thủ tướng ký ban hành. Từ ngày 1-12, các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, công ty chứng khoán và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan như bất động sản... phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước đối với các giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng quy định này không mới mà có từ năm 2005 với mức giá trị giao dịch phải báo cáo là 200 triệu đồng.

Sau đó đến năm 2023, Thủ tướng ban hành quyết định nâng mức giá trị giao dịch phải báo cáo lên từ 300 triệu đồng trở lên và theo quy định mới là nâng lên mức 400 triệu đồng.

Mức này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới đây. Trên thực tế các ngân hàng, tổ chức tài chính chấp hành tốt việc báo cáo này.

Mục đích của việc yêu cầu các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.

Đồng thời quy định này phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và phòng chống tội phạm.

* Ông Bùi Kiến Thành (chuyên gia tài chính ngân hàng):

Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?

Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?- Ảnh 5.

Sở hữu chéo trong ngân hàng gây nhiều hệ lụy khi có sự điều hướng dòng tiền, tín dụng có lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đứng sau. Vụ Vạn Thịnh Phát và SCB vỡ lở, cho thấy hệ lụy quá lớn.

Từ vụ này chúng ta thấy nổi cộm ba vấn đề: quản lý, giám sát ngân hàng thiếu chặt chẽ; thanh tra kiểm tra nhưng lỏng lẻo; hệ thống pháp luật có nhưng còn kẽ hở.

Sở dĩ xảy ra nguyên nhân trên là do việc giám sát sự thực thi pháp luật trong ngăn chặn sở hữu chéo chưa chặt. Từ nhận thức được các vấn đề, chúng ta đặt ra các giải pháp để hoàn thiện như: sửa đổi chính sách, hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng con người và rà soát tiếp, liệu có trường hợp tương tự như SCB không? Phát hiện xử lý sớm để tránh hệ quả kéo dài và quy mô lớn như SCB.

Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, ngân hàng thương mại phải công bố thông tin về tổ chức, cá nhân, nhóm có liên quan nắm giữ từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Cũng có quy định cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng thương mại.

Chúng ta đang bàn về sửa Luật Tín dụng. Nhiều nước trên thế giới đã có những quy định rất chặt chẽ về sở hữu chéo, chúng ta có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Song song với việc hạn chế số lượng cổ phiếu mà cá nhân, tổ chức được quyền sở hữu, nhiều nước giới hạn việc thực hiện quyền cổ đông, quyền biểu quyết.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của tôi, quy định có thể tiệm cận thế giới nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ "quy định một đường, người thực hiện làm một nẻo".

Như vụ SCB, bà Trương Mỹ Lan trên giấy tờ đâu có nắm cổ phần nào nhưng vẫn điều hành toàn bộ. Vậy quy định, giám sát như thế nào mà để những chuyến xe chở trăm nghìn tỉ đồng từ ngân hàng về nhà riêng bà Trương Mỹ Lan được?

Để làm tốt khâu quản lý, giám sát, phải hoàn thiện được đội ngũ thực thi. Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát có đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao.

Sự thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng tạo sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên ở khâu này, chúng ta làm chưa tốt nên mới có câu chuyện cả đoàn thanh tra nhận tiền hối lộ rồi bưng bít vụ SCB, Vạn Thịnh Phát.

Nhìn chung chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải làm, nếu muốn dẹp yên nạn sở hữu chéo.

* TS Phạm Mạnh Hùng (phó viện trưởng Viện nghiên cứu ngân hàng - Học viện Ngân hàng):

Cần có cơ chế giám sát dòng tiền

Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?- Ảnh 6.

Theo thông lệ quốc tế, việc giám sát và quản lý sở hữu chéo được thực hiện thông qua cả công cụ hữu hình và vô hình.

Đối với các công cụ hữu hình, việc quy định tỉ lệ giới hạn sở hữu cổ phần là căn cứ xử lý sai phạm. Ví dụ các quốc gia (Malaysia, Thái Lan, Đức…) quy định cổ đông lớn là cá nhân hoặc thực thể nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại tổ chức tín dụng.

Đồng thời các quốc gia này quy định một cá nhân không được phép sở hữu trên 10% vốn pháp định của một ngân hàng. Tuy nhiên, có quy định về giới hạn cổ phần sở hữu nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên, việc thao túng này cũng khó xử lý.

Còn tại một số nước phát triển, để xử lý sở hữu chéo, chính phủ tập trung vào việc áp dụng các mô hình nhiều đỉnh giám sát. Bên cạnh vai trò giám sát của ngân hàng trung ương còn có sự giám sát của cơ quan khác.

Như tại Mỹ, giám sát hệ thống ngân hàng được thực hiện bởi ba cơ quan là OCC (Cơ quan Kiểm soát tiền tệ), Fed (Cục Dự trữ liên bang), FDIC (Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ).

Thực tiễn tại Việt Nam dù có nhiều giải pháp đề ra nhưng để hạn chế sở hữu chéo quan trọng hàng đầu phải xác định được cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Do đó các quy định pháp luật cần được xây dựng nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại. Và quan trọng hơn nữa là việc minh bạch được dòng tiền.

Do vậy một công cụ quan trọng và trước tiên cần áp dụng đi kèm là cơ chế giám sát dòng tiền góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thông qua kiểm soát dữ liệu cá nhân và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, việc kiểm soát sở hữu chéo cần có các công cụ vô hình theo cơ chế thị trường đi kèm với ý tưởng là hãy để thị trường giám sát và điều tiết. Trong đó ưu tiên là cần xây dựng cơ chế chặt chẽ về minh bạch thông tin cho tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.

Nếu thông tin bị đánh giá không tích cực và đủ minh bạch, nhà đầu tư, người gửi tiền sẽ có các hành động phản ứng phù hợp để bảo vệ lợi ích. Tuy nhiên, việc minh bạch thông tin đối với các tổ chức không niêm yết (như trường hợp SCB - PV) đang vẫn còn nhiều kẽ hở tồn tại.

Từ vụ SCB, Vạn Thịnh Phát, cần xác định chủ sở hữu thực sự của ngân hàngTừ vụ SCB, Vạn Thịnh Phát, cần xác định chủ sở hữu thực sự của ngân hàng

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng cường vai trò hoạt động thanh kiểm tra của ngân hàng để không xảy ra vụ việc như Vạn Thịnh Phát vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên