10/05/2020 09:30 GMT+7

Giáo sư người Việt làm lãnh đạo Hiệp hội Nghiên cứu châu Á

TRẦN HUỲNH thực hiện
TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO - Giáo sư Lương Văn Hy (Trường ĐH Toronto, Canada) vừa được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies, AAS). Ông là người Việt Nam đầu tiên giữ cương vị lãnh đạo AAS trong lịch sử 70 năm của hiệp hội này.

Giáo sư người Việt làm lãnh đạo Hiệp hội Nghiên cứu châu Á - Ảnh 1.

Giáo sư Lương Văn Hy (Trường ĐH Toronto, Canada)

Nhân học không chỉ là một khoa học cơ bản, mà còn có tính ứng dụng cao vào những vấn đề đương đại. Ngân hàng Thế giới có khoảng 200 nhà nhân học làm việc ở đây, và chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ năm 2012 đến 2019 là TS Jim Yong Kim, một bác sĩ có bằng tiến sĩ nhân học.

GS LƯƠNG VĂN HY

AAS là một hội học thuật, phi chính trị và hiệp hội nghề nghiệp phi lợi nhuận có trụ sở tại Michigan, Hoa Kỳ. Phóng viên Tuổi Trẻ phỏng vấn giáo sư Lương Văn Hy nhân sự kiện này.

Đóng góp cho sự phát triển châu Á

* Với khoảng 8.000 thành viên trên toàn thế giới là các giáo sư, học giả ở nhiều ngành như kinh tế, nhân học, chính trị học, sử học, văn học, ngôn ngữ học..., mục tiêu hoạt động của AAS là gì, thưa giáo sư?

- AAS đã và đang đóng góp cho sự phát triển nghiên cứu châu Á trên thế giới bằng nhiều cách như: tạo điều kiện trao đổi kết quả nghiên cứu giữa học giả làm việc ở nhiều nơi trong những hội nghị hằng năm; xuất bản những công trình nghiên cứu có chất lượng (qua một tạp chí đầu ngành là Journal of Asian Studies, và một số ấn phẩm); giúp các nhà nghiên cứu mở rộng mạng lưới quan hệ học thuật của mình cũng như giúp các nhà nghiên cứu trẻ trong phát triển học thuật và nghề nghiệp.

Hội nghị lớn nhất của AAS là hội nghị được tổ chức vào tháng 3 hằng năm tại Bắc Mỹ, với khoảng 3.000 học giả tham gia. Hội nghị lớn thứ hai được tổ chức vào đầu mùa hè tại châu Á (AAS-in-Asia), với khoảng 1.000 học giả tham gia...

* Ông là người Việt Nam đầu tiên và là người thứ hai ở ngoài nước Mỹ được bầu vào vai trò lãnh đạo AAS. Ông sẽ làm gì trên cương vị của mình?

- Tôi ủng hộ mạnh mẽ tiếp tục những hội nghị AAS-in-Asia để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những học giả ở châu Á, gồm cả những học giả trẻ, trao đổi học thuật về những kết quả nghiên cứu của mình.

Những học giả ở châu Á có thể tham gia AAS-in-Asia thuận lợi hơn vì khoảng cách địa lý gần hơn, chi phí đi lại thấp hơn, và ít lệch múi giờ giữa nơi họ công tác và nơi tổ chức hội thảo. 

Ở AAS-in-Asia, những học giả phương Tây có tham gia nhưng thường không chiếm đa số trong hội nghị. Do đó, những nhà nghiên cứu châu Á có nhiều cơ hội mở rộng quan hệ học thuật không chỉ với phương Tây mà còn ở châu Á.

Tầm quan trọng của nhân học

* Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành nhân học để trở thành giáo sư nhân học tầm cỡ thế giới như hiện nay?

- Tôi không biết gì về nhân học khi học trung học. Tôi đi du học ở Mỹ năm 1971, nghiêng về khối ngành khoa học xã hội, và biết đến nhân học trong thời gian học đại cương về tất cả những ngành khoa học xã hội. Khi phải chọn một ngành học trong năm thứ hai ở bậc đại học, đứng giữa hai lựa chọn cuối cùng là kinh tế học và nhân học, tôi đã chọn nhân học. 

Tôi thấy hứng thú với cách tiếp cận tổng thể (holistic) của nhân học về hành vi và thể chế của con người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ kinh tế đến môi trường, văn hóa, xã hội, pháp luật, sức khỏe...

Nhân học cũng đòi hỏi phải đi thực địa sâu để thấu hiểu tiếng nói người trong cuộc và nắm vững tình hình cụ thể của địa phương trong tương tác với nhà nước và tiến trình toàn cầu hóa. Đề tài nghiên cứu chính của tôi trong thập niên 2010 ở Việt Nam tập trung vào tác động của những hình thái vốn xã hội khác nhau (cụ thể là quan hệ, mạng lưới và thiết chế xã hội) ở những vùng miền đến con đường phát triển kinh tế nông thôn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ từ năm 2000 đến giữa thập niên 2010.

* Nhưng có vẻ như nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn không đặt lựa chọn ngành khoa học xã hội lên hàng đầu khi chọn ngành nghề. Giáo sư nghĩ gì về điều này?

- Nếu nhìn vào lựa chọn ngành bậc đại học của học sinh lớp 12 tại Việt Nam, tôi thấy một tỉ lệ không nhỏ chọn những ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhất là những ngành ứng dụng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không ai có thể nói là những kiến thức ngoại ngữ, về sự đa dạng văn hóa, về quan hệ chính trị, pháp luật, văn hóa, kinh tế, xã hội, truyền thông xuyên quốc gia là không quan trọng.

Kiến thức về những nền văn hóa khác nhau và về lịch sử rất quan trọng trong ngành du lịch. Những nghiên cứu về lịch sử và dựa một phần vào tư liệu Hán Nôm cũng có thể đóng góp để soi sáng thêm những vấn đề đương đại trong quan hệ quốc tế như vấn đề Biển Đông...

Hình thành ngành nhân học ở TP.HCM, Hà Nội

* 20 năm trước, giáo sư là một trong những người có đóng góp lớn để hình thành ngành nhân học ở TP.HCM và Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển trong đào tạo nhân học ở Việt Nam hiện nay?

- Tại Việt Nam hiện nay, ngành nhân học được giảng dạy từ trình độ đại học đến trình độ tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, tập trung vào phân ngành nhân học văn hóa xã hội (1 trong 4 phân ngành của nhân học). Dù người dân ở Việt Nam chưa hiểu nhiều về nhân học, tôi tin là nhân học có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô.

Giáo sư Lương Văn Hy được bầu làm phó chủ tịch AAS Giáo sư Lương Văn Hy được bầu làm phó chủ tịch AAS

TTO - GS.TS Lương Văn Hy - giáo sư nhân học Trường đại học Toronto (Canada) vừa được bầu làm phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu châu Á - AAS.

TRẦN HUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên