Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Giáo viên Pháp né chủ đề tôn giáo ‘‘nhạy cảm’’ do sợ bị trả thù: Thực hư ra sao ?

Đăng ngày:

Ngày 16/10/2020, tại Pháp, một giáo viên môn sử-địa bị sát hại, vì các bài học liên quan đến đạo Hồi. Hồi giáo cực đoan đang trở thành mối đe dọa lớn đối với nước Pháp. Trong con mắt của một bộ phận công luận, nhà trường đang trở thành đích ngắm của các thế lực cuồng tín. Báo chí nói nhiều đến hiện tượng giáo viên né tránh các chủ đề tôn giáo « nhạy cảm » hay hội chứng « tự kiểm duyệt ».

Người tuần hành ở Paris, ngày 18/10/2020, mang hình thầy Samuel Paty, bị một kẻ cuồng tín Hồi giáo cực đoan sát hại.
Người tuần hành ở Paris, ngày 18/10/2020, mang hình thầy Samuel Paty, bị một kẻ cuồng tín Hồi giáo cực đoan sát hại. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL
Quảng cáo

Nhà trường được coi là một thành trì tinh thần của nền Cộng hòa, của thế chế thế tục. Giáo viên tự kiểm duyệt đồng nghĩa với việc nền tảng của chế độ Cộng hòa bị thách thức. Câu hỏi nhiều người đặt ra là : Hiện tượng tự kiểm duyệt có phổ biến không, và ở mức độ nào ?

Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này. Tạp chí Xã Hội của RFI tuần này cũng chuyển đến thính giả suy nghĩ của một số thầy cô giáo Pháp về thực trạng giảng dạy liên quan đến tôn giáo và thể chế thế tục (Laïcité), và giải pháp cho những khó khăn hiện nay.

Có hay không hội chứng « tự kiểm duyệt » ?

Cách nay gần 6 năm, tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo bị các phần tử Hồi giáo cực đoan thảm sát, vì các biếm họa nhà tiên tri Môhamet. Giờ đến lượt một thầy giáo, nói về tranh biếm họa nhà tiên tri đạo Hồi, bị cắt cổ. Nhiều người nói đến hiện tượng « tự kiểm duyệt » trong giáo viên, do lo sợ bị trả thù. Truyền thông Pháp dẫn lại một nghiên cứu của Ifop, cho biết tính trên toàn quốc, gần 40% giáo viên cho biết từng « tự kiểm duyệt », với mục tiêu là tránh bị rắc rối với học sinh, và tại các vùng ZEP, tức các khu vực có nhiều khó khăn về giáo dục, tỉ lệ này là hơn 50%. Tuy nhiên, thông tin không chỉ rõ là giáo viên « tự kiểm duyệt » về những vấn đề gì.

Một kết quả điều tra khác, cũng của Ifop đầu tháng 9/2020, cho thấy căng thẳng trong nhà trường trong vấn đề liên quan đến tôn giáo, tập trung nhiều vào vấn đề quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm về những vấn đề nhạy cảm, như biếm họa nhà tiên tri đạo Hồi, quyền « nhạo báng » (cho dù đối tượng có là các thần tượng tôn giáo). Thăm dò của Ifop cho thấy đa số tín đồ Hồi giáo (69%) và một bộ phận lớn giới trẻ (47% người dưới 25 tuổi) cho rằng đăng tải các biếm họa về tôn giáo là sai trái. Một phần ba trong số lớp tuổi từ 15 đến 17, theo đạo Hồi, chọn thái độ không lên án vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo.

Tình hình càng đáng lo hơn, theo một số liệu khác của Ifop. Có đến 75% người theo đạo Hồi dưới 25 tuổi đặt Hồi giáo lên trên chế độ Cộng hòa, trong lúc tỉ lệ này chỉ là 25% ở lứa tuổi 35 và cao hơn. Nói một cách khác, kết quả điều tra này cho thấy giới trẻ theo đạo Hồi đang có xu hướng ngả mạnh sang cực đoan, xa rời với thể chế thế tục.

Trong bối cảnh này, theo cựu tổng thanh tra Giáo Dục quốc gia, ông Jean-Pierre Obin, tác giả cuốn « Chúng ta đã để cho Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào nhà trường như thế nào », nhận xét : « tình trạng tự kiểm duyệt đang ở quy mô lớn », với cảnh báo « hiện tượng này có thể gia tăng sau vụ khủng bố nhằm vào người thầy giáo » vừa qua đời.

Quan điểm cho rằng hiện tượng tự kiểm duyệt trong giáo giới tồn tại phổ biến của cựu tổng thanh tra Giáo Dục được nhiều người chia sẻ, nhưng cũng bị một bộ phận giáo giới phản đối dữ dội. Ông Alain Seksig, một thanh tra giáo dục, thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục do bộ Giáo Dục lập ra năm 2018, hoàn toàn không đồng ý. Phát biểu trên Téléramma, vị thanh tra này khẳng định là chắc chắn các giáo viên «  sẽ không chấp nhận tự kiểm duyệt ». Ông Jonathan Renoir, 26 tuổi, giáo viên sử - địa tại một trường trung học ở  tỉnh Val-d’Oise, khẳng định « cần phải tiếp tục nói về những điều có thể gây bực mình trong lớp học, đặc biệt trong môn Giáo dục đạo đức và công dân ».

Cẩn trọng với từ « tự kiểm duyệt »

Bên cạnh hai luồng quan điểm ít nhiều trái ngược nói trên, có một quan điểm thứ ba, cho rằng cần thận trọng khi đánh giá về những gì diễn ra cụ thể tại nhà trường. Thầy Iannis Roder, giảng viên sử - địa, tỉnh Seine-Saint-Denis và thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục của bộ Giáo Dục, dè dặt với chữ « tự kiểm duyệt » được sử dụng một cách dễ dãi (trả lời phỏng vấn trên L’Express, ngày 18/10/2020). Việc giảng dạy liên quan đến tôn giáo và tự do tư tưởng, đòi là « rất phức tạp, tốn công sức, đòi hỏi một năng lượng phi thường ». Tuy nhiên, thầy Iannis Roder cũng nói rõ hơn là, vụ giết hại nhà giáo Samuel Paty ngày 16/10/2020, đặt ra một thách thức lớn. Bởi kể từ đây, mỗi khi giảng dạy về vấn đề tự do ngôn luận, với tư liệu là các bức biếm họa tôn giáo, « tất cả các giáo viên chúng ta sẽ đều nhớ đến cái chết bi thảm của người giáo viên ấy », rõ ràng việc tự kiểm duyệt sẽ có thể xảy ra « một cách ý thức hoặc một cách vô thức ».

« Khuấy động sợ hãi không giúp cải thiện tình hình »

Vấn đề « tự kiểm duyệt » trong giáo giới đã được đặt ra từ nhiều năm nay, giờ đang trở nên nổi bật, sau vụ thầy Paty bị sát hại, gây rất nhiều xúc cảm. Trên các mạng xã hội, đài báo, nhiều nhận định được đưa ra theo hướng bi kịch hóa thực trạng nhà trường, khi lên án Nhà nước nhắm mắt, để mặc học sinh và giáo viên làm mồi cho các thế lực Hồi giáo cực đoan. Theo giáo viên môn triết học, bà Carol Dimant, người đứng đầu Hiệp hội Bình đẳng Cơ hội, thì « khuấy động không khí sợ hãi sẽ chẳng giúp gì cho việc cải thiện tình hình ». Nhà giáo Carol Dimant nhấn mạnh là « cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan là một công việc dài hơi » và từ lâu nhiều người đã lên tiếng, « khắp nơi, ngay tại những nơi khó khăn nhất, cũng có những giáo viên chiến đấu, và được học sinh tin cậy. Đe dọa là lớn, nhưng chúng ta hoàn toàn không phải là bên chiến bại » (Menace islamiste à l’école, la difficile évaluation, La Croix, 21/10/2020).

Để đánh giá đúng thực trạng giảng dạy về tự do ngôn luận, độc lập tư duy, tinh thần phê phán trong nhà trường nói chung, và tinh thần phê phán liên quan đến các tôn giáo nói riêng, cần dựa vào các kết quả điều tra nghiêm túc. Cuộc điều tra của Ifop, mang tên « Thể chế thế tục ở nhà trường, tiếng nói của các giáo viên », được tiến hành năm 2018, được đánh giá cao, thường xuyên được trích dẫn. Theo kết luận điều tra của Ifop, đông đảo các giáo viên cho rằng tình hình nhìn chung có xu hướng trở nên bình ổn hơn tại nhà trường, tuy nhiên tại một số khu vực, rõ ràng có hiện tượng tôn giáo cực đoan xâm nhập, gây áp lực rất mạnh đối với nhiều gia đình, học sinh, và đối với các trường công, cũng như nhân viên nhà trường, đặc biệt liên quan đến nhiều công dân theo đạo Hồi. 

Nhận dạng khó khăn hàng ngày của người giáo viên

Đánh giá đúng thực trạng, nhận dạng rõ những khó khăn của người giáo viên trong công việc hàng ngày là các đầu mối giúp cho việc tìm ra giải pháp. Về chủ đề này, đài France Culture có chương trình « Giảng dạy về tôn giáo với tư cách tồn tại khách quan, nâng cao ý thức về tự do ngôn luận : các thách thức của nhà trường cộng hòa » (France Culture, ngày 20/10/2020).

Tiếng nói của các giáo viên về những khó khăn, các đặc thù trong công việc hàng ngày còn rất ít được lắng nghe là nhận định của nhiều thầy cô tham gia chương trình. Trả lời phỏng vấn đài France Culture, thầy Laurence Bardeau-Almeras, giáo viên sử - địa vùng Toulouse nhấn mạnh đến việc các vấn đề nhạy cảm trên thực tế không phải chỉ liên quan duy nhất đến tôn giáo : « Chúng ta giảng dạy về các xã hội nơi mà tôn giáo có vai trò lớn, nhưng cũng trong chính các xã hội đó, quyền lực chính trị cũng áp đặt các cách nghĩ, cách nhìn, như vậy vấn đề là rộng lớn hơn nhiều. Có rất nhiều chủ đề mang tính căng thẳng khác, đặc biệt trong bộ môn giáo dục đạo đức và ý thức công dân ».

Thể chế thế tục, tự do: thách thức kép 

Về phần mình, thầy David Feutry, giáo viên sử - địa trường Édouard Branly tỉnh Dreux, lưu ý : « Nước Pháp, kể từ năm 1905, đã lựa chọn thể chế thế tục, tách tôn giáo khỏi chính trị. Thể chế này buộc người giáo viên phải có thái độ trung lập với tôn giáo, nhưng đồng thời thể chế này cũng cổ vũ cho tự do tư tưởng. Trong lớp học, người giáo viên phải hóa giải thành công thách thức kép này. Cụ thể là một mặt phải nói về tôn giáo, mà không được phép đưa lập trường riêng của cá nhân của mình vào, mặt khác, phải khuyến khích tự do tư tưởng.

Quyền tự do ngôn luận này chính là trụ cột của tự do tư tưởng, có nghĩa là khả năng cho thấy mỗi người, ai cũng thể có một quan điểm, tuy nhiên mọi quan điểm không phải là đều đúng. Đó là điều khó ! Trong các lớp học, có nhiều vấn đề nhạy cảm có liên hệ với tôn giáo, nhưng cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo. Bởi vì nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh lứa tuổi thiếu niên, nếu như một số người tự đồng nhất mình với tôn giáo, thì có những người khác tự đồng nhất mình với chủ nghĩa dân tộc, hay các vấn đề thời sự nóng bỏng khác. Hơn cả vấn đề tôn giáo, khi đề cập đến vụ thảm sát người Armenia chẳng hạn, đối với một nhà sử học, có trách nhiệm xây dựng phát biểu của mình dựa trên các bằng chứng lịch sử, thật không dễ để chứng minh cho một số học sinh, khi thực tế lịch sử này lại trái ngược với các định kiến của các em. Hay trái ngược với các nhân chứng và những truyền thụ mà các em thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ.

Khi học sinh nói với bạn : không, đấy không phải là sự thật, thì bạn đã bị đặt trong tình thế thật khó xử. Bạn không thể buộc học sinh phải thừa nhận đây là chân lý ! ».  

Cô Dalila Chalabi, một giáo viên sử-địa tại thành Montpellier, miền nam nước Pháp, thì nhấn mạnh đến sự tinh tế trong các giảng dạy về những vấn đề liên quan đến tôn giáo : « Điều đặc biệt cần chú ý là thái độ tôn trọng các sắc thái. Bởi vì, như chúng ta biết, các chủ thuyết cực đoan được nuôi dưỡng bởi mô hình giải thích mang tính nhị nguyên. Một bên là cái Thiện, bên kia là cái Ác. Chú ý đến các sắc thái sẽ giúp học sinh từ từ xây dựng được cho mình một lập trường đúng, cũng như đặt ra được những câu hỏi đúng ».  

Hiểu biết và tôn trọng

Tạp chí Xã Hội về chủ đề « Tranh luận về hiện tượng nhiều giáo viên né tránh các chủ đề tôn giáo ‘‘nhạy cảm’’ trong giảng dạy », xin khép lại với nhận định của nữ giáo sư Isabelle Saint-Martin. Tác giả cuốn « Có nên giảng dạy về tôn giáo trong trường học hay không ? ». Theo tác giả, thách thức lớn hiện nay của giảng dậy về các hiện tượng tôn giáo trong nhà trường thế tục Pháp, là cùng với việc gia tăng hiểu biết nhiều mặt về tôn giáo, như « các tồn tại khách quan », cần xây dựng thái độ tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng đức tin của người khác :

« Nước Pháp đã chấm dứt hoàn toàn, kể từ năm 1882, việc giảng dậy về tôn giáo trong nhà trường, với tư cách là các bài giảng truyền bá đức tin tôn giáo cho các học sinh, được giả định tất cả đều theo Công giáo. Sau đó, người ta đã hiểu rằng không thể loại bỏ hoàn toàn các chủ đề liên quan đến tôn giáo ra khỏi giáo dục công lập. Trong những năm 1980, bằng nhiều con đường khác nhau, nhiểu người nêu vấn đề là cần đưa giảng dậy về tôn giáo trở lại, trong bối cảnh, trong xã hội, nền văn hóa nhân bản nói chung ngày càng mất vị trí. Trong nền văn hóa nhân bản đó, có vai trò của tôn giáo. Trên trường quốc tế, tái xuất hiện nhiều cuộc xung đột mang mầu sắc tôn giáo.

Xuất hiện một thách thức mới. Đó là chúng ta sẽ không thể hiểu được các xã hội trong quá khứ, các di sản, cũng như thế giới đương đại, nếu chúng ta không được trang bị các hiểu biết về điều mà chúng tôi gọi là « các hiện tượng tôn giáo - les faits religieux ».

Tình hình có thêm một diễn biến đáng chú ý. Năm 2001, vụ khủng bố 11 tháng 9. Có nhiều phản đối việc dành một phút để mặc niệm các nạn nhân… Vào thời điểm này, xuất hiện một bình diện ít nhiều mới : đó là nhu cầu giáo dục thái độ tôn trọng lẫn nhau. Cụ thể là, nhiều hiểu biết hơn sẽ giúp giảm bớt nỗi lo sợ do sự vô minh, do các hình ảnh sai lầm của chúng ta về người khác.

Tất cả chúng ta hiện nay, với vụ khủng bố mới, với thảm kịch mới vừa diễn ra, cũng kế thừa chính thách thức lớn này. Vấn đề chính, theo tôi, hiện nay là việc dạy và học cách sống, học cách đặt các niềm tin tôn giáo của các cá nhân trong một xã hội đa nguyên. Học cách đặt  niềm tin, đức tin riêng của cá nhân mình trong một xã hội như vậy, trong sự tôn trọng niềm tin, đức tin của những người khác. Đó chính là cốt lõi của các bài học mà người giáo viên ấy (tức thầy Samuel Paty vừa bị sát hại) đang thực hiện ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.