Gói tài trợ 4.000 tỷ đồng 'giải cứu Vietnam Airlines'

Vietnam Airlines

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hiện đang nợ nần chồng chất, dự kiến sẽ nhận được khoản vay trị giá 4.000 tỷ đồng (174 triệu đôla) từ ba ngân hàng Việt Nam.

SeABank, MSB và SHB đã cam kết các khoản vay sẽ được Ngân hàng nhà nước Việt Nam tái cấp vốn không tính lãi suất, theo Dân Việt.

Vietnam Airline dự kiến sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng để giải ngân các khoản vay vào cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy.

Khoản tiền được đưa ra khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam cảnh báo rằng dự kiến khoản lỗ của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm sẽ lên tới 10.000 tỷ đồng.

Bộ này dự báo rằng lĩnh vực hàng không ít có khả năng sẽ phục hồi cho đến năm 2024.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng).

Vào tháng Sáu, hãng hàng không quốc gia này đã bán 11 chiếc A321CEO lâu đời nhất của mình để huy động tiền mặt cần thiết trong bối cảnh đại dịch và như một phần trong kế hoạch thay thế các máy bay cũ hơn.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, Chính phủ Việt Nam là chủ sở hữu 86% vốn nhà nước của Vietnam Airline.

Nguy cơ hủy niêm yết

Lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 của Vietnam Airlines đã lên đến 14.219 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ (14.183 tỷ đồng) dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn hơn 1.000 tỷ đồng, theo Dân Việt.

Chụp lại video, Đi lại thời Covid-19: Đại dịch làm thay đổi các chuyến bay ra sao?

Trong trường hợp tiếp tục lỗ tiếp hơn 5.000 tỷ đồng trong quý II như dự kiến, Vietnam Airlines có thể âm vốn chủ sở hữu lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Đề xuất hỗ trợ 4% lãi suất, giảm 50% phí dịch vụ bay

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet và Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh kiến nghị miễn, giảm thuế, phí, các hãng hàng không tư nhân đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay.

Áp dụng từ nay tới năm 2023, điều kiện vay tương tự như gói vay của Vietnam Airlines. Trong đó, VietJet Air đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm.

Bamboo Airways đề nghị được vay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, nửa còn lại vay qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%, theo Tiền Phong.

Trước những đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập chương trình hỗ trợ lãi suất cho các hãng hàng không tư nhân từ nay đến năm 2023 để cải thiện khả năng thanh khoản của họ, theo Kinh tế Đô Thị.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Tài chính được cho là cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt giao dịch ký quỹ khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Hàng không thế giới ảm đạm vì Covid-19

Dịch Covid-19 đã gây ra khó khăn to lớn cho nhiều hãng hàng không.

Tại Anh, chủ sở hữu của British Airways, IAG đã báo lỗ 7,4 tỷ euro (6,5 tỷ bảng Anh) trong năm 2020 sau khi đại dịch dừng nhiều chuyến bay của hãng.

Sân bay lớn nhất của Vương quốc Anh, Heathrow, ghi nhận mức giảm 72,7%, từ 80,9 triệu hành khách trong năm 2019 xuống 22,1 triệu vào năm 2020.

Vào tháng Ba, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong đã báo cáo khoản lỗ kỷ lục của năm là 2,8 tỷ đôla (2 tỷ bảng Anh) cho năm 2020.

Hồi tháng Năm, Qantas đã công bố các biện pháp cắt giảm chi phí mới để giúp họ đối phó với tác động của đại dịch.

Hãng vận tải Australia này cho biết họ sẽ báo cáo khoản lỗ trước thuế hàng năm hơn 1,5 tỷ đôla (1,1 tỷ bảng Anh).

Hồi tháng Tư, IATA, cơ quan quản lý ngành hàng không quốc tế, cho hay sau khi lỗ tổng cộng toàn ngành là 126 tỷ đôla vào năm 2020, họ dự kiến mức lỗ năm nay là 48 tỷ đôla.