- Giáo sư (GS) Phan Huy Lê lần đầu tiết lộ một cách chi tiết việc ông phát hiện ra bản thảo viết tay tác phẩm Lục Vân Tiên ở trong thư viện của Pháp 112 năm mà không ai biết.

Tối ngày 20/3, ông Michel Zink, Thư ký trọn đời của Viện Hàn lâm Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đã trao huân chương truyền thống của viện cho GS Phan Huy Lê. Trước đó, ông Michel Zink và ông Phan Huy Lê cũng đã tham dự buổi lễ ra mắt tác phẩm Lục Vân Tiên tại Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội).

{keywords}
GS Phan Huy Lê tại sự kiện trao tặng huân chương của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp tối 20/2. Ảnh: Lê Văn.

Tại sự kiện này, GS Phan Huy Lê cho biết, vào năm 2011, sau khi được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp, ông đã có một chuyến thăm tới viện này.

Ông Michel Zink, khi đó vẫn là Chủ tịch của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đã giới thiệu với GS Lê rằng tại viện có 2 thư viện rất lớn và đề nghị ông tới thăm.

GS Phan Huy Lê đã quyết định tới thăm cả 2 thư viện. "Họ tiếp tôi rất nồng nhiệt" - ông nói.

Tại thư viện của Viện Pháp, bà giám đốc thư viện biết GS Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam nên ngoài việc giới thiệu trực tiếp những cuốn sách được lưu trữ trong thư viện bà đặc biệt bày trên bàn mấy chục cuốn mà bà cho rằng là quý nhất, lạ nhất để ông Lê xem.

"Tôi tới xem thì thấy bản thảo. Trang đầu là chữ viết tay nhưng lật bên trong thì thấy đây chính là bản thảo của truyện thơ Lục Vân Tiên do một sĩ quan người Pháp tên là Eugène Gibert biên soạn khi còn ở Việt Nam rồi mang về Pháp" - GS Phan Huy Lê nhớ lại.

GS Phan Huy Lê cho biết, sỹ quan Eugène Gibert đồng thời cũng là một kỹ sư, ông chỉ sống 2 năm tại Việt Nam, từ 1895-1897 rồi trở về Pháp. Tuy nhiên, do rất yêu thích truyện thơ Lục Vân Tiên, ông đã tổ chức thực hiện bản thảo chép tay truyện thơ nổi tiếng này bằng chữ Nôm lẫn tiếng Pháp.

Bản chữ Nôm Lục Vân Tiên trong bản thảo này là bản của Lăng Vân Đường khắc in vào năm Đồng Khánh thứ nhất, tức là năm 1886.

Giá trị lớn nhất của bản thảo do Eugène Gibert thực hiện chính phần tranh minh họa do một người Việt Nam tên là Lê Đức Trạch thực hiện. "Ở giữa là nội dung truyện Lục Vân Tiên, xung quanh bốn phía là tranh minh họa, diễn tả trung thực về nội dung" - GS Lê cho hay.

{keywords}
Một phiên bản bản thảo truyện thơ Lục Vân Tiên được trưng bày tại sảnh chính tòa nhà hiệu bộ Trường ĐH KHXH-NV. Ảnh: Lê Văn.

Khi trở về Pháp vào năm 1899, ông Gibert đã trao tặng công trình này cho thư viện Viện Pháp và nó được lưu giữ ở đó cho đến ngày nay. Cho tới năm 2011 thì thời gian bản thảo này nằm trong thư viện là 112 năm mà không ai biết tới.

"Tôi đã trao đổi với các đồng nghiệp ở Pháp về giá trị văn học và hội họa của bản thảo này đồng thời hy vọng họ sẽ nghiên cứu và xuất bản bản thảo này" - GS Lê nói.

Tới năm ngoái, bản thảo này đã được xuất bản thành 2 tập với bản gốc là chữ Nôm kèm theo tranh minh họa đồng thời được phiên âm ra tiếng Việt và dịch ra 2 thứ tiếng Anh và Pháp. "Đây là lần đầu tiên tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên được xuất bản bằng 4 thứ tiếng với tranh minh họa".

Nhận xét về giá trị của bộ sách sách, GS Trần Ngọc Vương, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV cho rằng, đây là lần đầu tiên một tác phẩm văn học truyền thống được minh họa như truyện tranh. Số lượng tranh như vậy là cực lớn.

GS Michel Zink cũng cho biết, cuốn sách được ra đời là nhờ sự nỗ lực của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng như sự giúp đỡ nhiệt thành của GS Phan Huy Lê. Ông Michel Zink cũng cho biết, những đóng góp của GS Lê đối với việc xuất bản cuốn sách là một trong những lý do Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp trao tặng huân chương truyền thống cho ông trong dịp này.

Lê Văn