Gs Trần Văn Thọ: 'Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc'

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Giáo sư Trần Văn Thọ nói Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh Nhật có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng.

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo, một thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, cũng nói rằng Việt Nam phải khẩn trương "đặt lại toàn bộ" chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).

BBC: Giáo sư đánh giá gì về việc Bộ quốc phòng Việt Nam nói về thực trạng doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc thông qua người có quốc tịch Việt Nam đứng tên mua và sở hữu nhà đất tại các khu vực có quan ngại về an ninh quốc phòng?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Vấn đề này đã được dân chúng nhận biết từ lâu, bây giờ chính thức có công bố của Bộ Quốc phòng càng thấy tình hình trầm trọng rồi. Một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng đó là do có chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong quá trình đó đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Chụp lại video, Phải chăng Trung Quốc táo bạo hơn vì dịch Covid-19?

Từ 5-6 năm nay thế giới đã cảnh giác Trung Quốc có ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư và đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.

Đối với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, tỉ lệ 1% trở lên là phải xin phép, v.v.. Ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.

Giáo sư Trần Văn Thọ
Chụp lại hình ảnh, Giáo sư Trần Văn Thọ

BBC: Trong bài viết mới đây đăng trên trang The Leader, Giáo sư nói về thực trạng xuất hiện doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam. Nhưng nếu không tận dụng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng khó kêu gọi các nước khác vì các nước phát triển đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế kể từ đại dịch Covid-19?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài rút đi khỏi Trung Quốc thì có phải họ rút hết về nước họ đâu. Chỉ một phần thôi và một phần khác là họ đi tìm những nước thứ ba và Việt Nam là một trong những nước họ muốn chọn lựa. Cho nên những doanh nghiệp như vậy rất nhiều và chúng ta không phải lo là nếu không đón nhận doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có doanh nghiệp nước nào khác đến.

Doanh nghiệp từ các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản ngoài vốn đầu tư thì họ có văn hóa kinh doanh lâu đời, có công nghệ cao, có trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là những doanh nghiệp đa quốc gia tầm cỡ đã xác lập thanh danh trên thị trường thế giới. Trung Quốc là nước mới phát triển gần đây, văn hóa và đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa được xác lập. Dĩ nhiên nhìn chung là như vậy, không kể các trường hợp cá biệt, ngoại lệ.

BBC: Trong bài viết đó, Giáo sư nói rằng trong hơn 30 năm thu hút FDI, chiến lược và chính sách của Việt Nam chưa đạt được "bốn tiêu chí"?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Đôi khi người ta tập trung vào báo cáo "thành quả" của FDI thông qua số dự án đăng ký và tiền vốn đăng ký chứ ít khi đi vào mặt chất lượng. Mà muốn FDI có được chất lượng và hiệu quả thực sự thì chính phủ phải tích cực hành động, phải tiếp thị và đối thoại với các công ty, các nhà đầu tư uy tín trên thế giới về công nghệ, về năng lực cạnh tranh,…và xây dựng các điều kiện về môi trường đầu tư, về nội lực để tiếp đón các nhà đầu tư ấy một cách hiệu quả.

Mục tiêu quốc gia của Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, CSIS

Chụp lại hình ảnh, Mục tiêu quốc gia của Tập Cận Bình

Trong bài viết trên báo The Leader, tôi có nói về bốn tiêu chí là (1) FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, (2) tạo điều kiện để nhiều dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) liên kết giữa FDI với các công ty trong nước và (4) đánh giá FDI xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam. Trong đó, tiêu chí 2 và 3 là liên quan tới nội lực của Việt Nam. Tức là nội lực trong nước phải mạnh thì mới liên kết và phát huy được nhằm có hiệu quả nhất với FDI. Còn tiêu chí thứ nhất rất quan trọng là FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, nghĩa là tùy theo giai đoạn phát triển kinh tế mà nội dung, tính chất của FDI phải khác.

BBC: Luật Đầu tư Nước ngoài của Việt Nam hiện nay có vấn đề gì đáng quan ngại?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Trong thời kỳ mới bắt đầu đổi mới cho đến khi gia nhập WTO thì Việt Nam sợ FDI chi phối nền kinh tế thành ra luật nói chung không thông thoáng và khi áp dụng lại gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài, việc xét duyệt cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian. Việc này làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì lại dễ dãi quá trong đó có phân quyền xuống các địa phương. Các địa phương tranh nhau dự án, xem việc thu hút số lượng dự án FDI là thành quả phát triển của địa phương mình.