Gửi móng chân để phản đối dùng sừng tê

Cập nhật: 14:37 GMT - thứ tư, 24 tháng 10, 2012

Chăm sóc tê giác trong một buổi trình diễn tại Johannesburg đầu năm 2012

Một nghệ sĩ Nam Phi vừa gửi vài mảnh móng chân của chính ông tới tòa đại sứ Trung Quốc ở thủ đô Pretoria để phản đối việc buôn bán sừng tê giác nhằm cung cấp cho các hiệu thuốc Đông Y ở châu Á.

Trong đoạn video phản đối của mình, ông Mark Wilby, vì “kinh hoàng và bất lực”, đã kêu gọi đồng bào ông hãy gửi móng tay, móng chân và tóc của mình tới cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Nam Phi.

Ông Wilby cho biết ông gửi tới đại sứ quán Trung Quốc không phải vì ông đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc hay người Trung Quốc mà vì ông không biết phải kêu ai khi nhìn thấy những bức ảnh tê giác bị chém giết vì sừng của chúng, theo AFP hôm 24/10.

Tiêu thụ nhiều sừng tê

Theo số liệu của chínhh phủ Nam Phi công bố, tính từ đầu năm tới nay, 467 con tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi, nhiều hơn con số của cả năm ngoái là 448.

Đại đa số những con tê giác này bị chết vì săn bắn trộm tại Vườn Quốc gia Kruger và sừng tê được đưa tới Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Việt Nam đã ký Công ước LHQ về đa dạng sinh học nhưng lại là quốc gia được xem là thị trường tiêu thụ chính cho sừng tê giác.

Hồi tháng 9 năm nay chính phủ Việt Nam và Nam Phi đã đồng ý hoàn thiện “Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học và thực thi pháp luật” nhằm phối hợp quản lý nguồn lực, bảo vệ động vật hoang dã và thực thi pháp luật.

Trang web của chính phủ Nam Phi tới tuần qua nói họ vẫn muốn k‎ý với Việt Nam trong lúc báo chí Nam Phi đặt câu hỏi vì sao việc ký kết không được nhanh chóng.

Trước đó, ngày 11/10/2012 Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rằng nước này “đã tiến hành đàm phán và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến tới ký kết trong thời gian sớm nhất”.

Tê giác

Đa số sừng của tê giác bị săn bắn ở Nam Phi xuất hiện tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc

Một nhân viên Sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã từng bị cáo buộc tham gia buôn sừng tê, gây tai tiếng cho giới chức Hà Nội.

"Hợp thức hóa"

Một hình thức “hợp pháp hóa” việc săn bắn lấy sừng tê giác tại Nam Phi đã được nhiều người Việt Nam sử dụng đó là xin giấy phép “săn bắn thể thao”.

Những tay “thợ săn thể thao” Việt Nam đầu tiên đến Nam Phi là vào năm 2003 và tới năm 2007, thợ săn Việt khuynh đảo phần lớn thị trường săn bắn tê giác ở Nam Phi.

Làn sóng bắn tê giác lấy sừng chỉ dừng lại vào đầu năm 2012 sau khi Nam Phi bắt đầu từ chối cấp giấy phép cho các thợ săn Việt Nam trong khi chờ kết quả thanh tra mà Việt Nam hứa sẽ làm.

Tổ chức Traffic chuyên giám sát hoặt động buôn bán động vật hoang dã trên thế giới, ước tính ít nhất 400 con tê giác đã bị bắn trong các vụ “săn trá hình" từ các đối tượng trung gian (cả nam và nữ) là người Việt.

Vườn quốc gia Kruger là nơi có con số thiệt hại lớn nhất: 281 con tê giác, ngoài ra các khu vực bị săn bắn trộm nhiều bao gồm KwaZulu-Natal, Limpopo và khu Tây Bắc, với 152 con bị săn bắn bất hợp pháp kể từ đầu năm nay.

Tổng cộng 208 người đã bị bắt vì dính líu vào các hoạt động liên quan tới tê giác.

Mới đây nhất là vụ việc ở Việt Nam khi một trong các doanh nhân giàu có nhất ở Việt Nam, ông Trầm Bê, bị trộm vào nhà lấy đi sừng tê gắn vào “thú nhồi bông”, theo lời ông nói với báo chí.

Sau đó, truyền thông Việt Nam nói giấy tờ cho thấy người bắn con tê giác này tại Nam Phi và đứng tên trong giấy phép xuất mà CITES cấp là thợ săn Ngô Thành Nhân từ TPHCM.

Ông này đã tặng chiếc sừng tê bắn được cho ông Trầm Bê nhân ngày tân gia.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

BBC © 2014 BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.