Hai năm cuộc chiến Ukraine: những người Việt giữa bão lửa chiến tranh

Ông Vũ Chân gửi hình ảnh những mảnh vỡ của tên lửa Nga bắn vào gần nhà của ông ở Kharkiv

Nguồn hình ảnh, Vũ Chân

Chụp lại hình ảnh, Ông Vũ Chân gửi hình ảnh những mảnh vỡ của tên lửa Nga bắn vào sát nhà ông ở Kharkiv
  • Tác giả, Thương Lê
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Tròn hai năm từ ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, cuộc sống của người Việt tại đất nước này đã bị đảo lộn hoàn toàn, với không ít đau thương, mất mát.

“Hai năm qua có một người Việt đã hi sinh, hai người khác bị thương và một phụ nữ người Ukraine lấy chồng Việt bị mất một chân.”

Lời kể của ông Vũ Chân về những người xung quanh mình tuy ngắn gọn, nhưng đã khái quát phần nào những đau thương mất mát mà cuộc chiến này gây ra. Ông là một người Việt từng sống tại Kharkiv nhiều năm, trong một cộng đồng người Việt từng rất đông đảo và làm ăn yên ổn những ngày hòa bình, trước khi phải chạy nạn vì chiến tranh.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Ukraine trước chiến tranh có gần 7.000 người, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Odessa, Kharkiv, Kyiv...

Sau khi cuộc chiến nổ ra, phần lớn đã di tản sang các nước châu Âu. Một số người chọn về Việt Nam. Số người ở lại được cho là chỉ còn vài trăm.

Từ Kyiv, ông Nguyễn Quang nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/2 rằng trước chiến tranh, cộng đồng Việt Nam ở thủ đô Ukraine có khoảng 700-800 người, nay còn chưa tới 100 người ở lại.

Ông Vũ Chân, người đã định cư tại Kharkiv hơn 40 năm, cho biết thành phố này có đông người Việt nhất, với khoảng hơn 6.000 người trước chiến tranh, nay chỉ còn trên dưới 100 người.

Bản thân ông đã cùng gia đình sang Đức lánh nạn từ tháng 6/2022. Mới đây ông có về thăm nhà và cơ sở kinh doanh tại khu chợ Barabashovo từng một thời sầm uất.

“Khu chợ lớn nhất miền đông Ukraine nay chỉ còn tầm vài ba chục cửa hàng của người Việt là còn hoạt động thôi. Khách ít lắm, chủ yếu bán hàng trên mạng,” ông Chân chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 23/2.

Nhưng dù ra đi hay ở lại, người Việt dường như đã thích nghi với cuộc sống mới.

Người ở lại và những thói quen từ cuộc chiến

Ông Nguyễn Quang, 55 tuổi, qua Ukraine học trường Quân sự Kyiv từ cuối những năm 1980, thời vẫn còn Liên Xô, và đã lập gia đình với người vợ Ukraine.

Ông không muốn đi lánh nạn do tuổi tác không còn trẻ. Vợ con ông cũng không muốn rời Ukraine, vả lại ông không muốn “ăn nhờ ở đậu”.

Dù nói rằng cuộc sống bây giờ so với ngày xưa vất vả hơn và nguy hiểm hơn, nhưng ông cũng như những người dân Kyiv đã dần quen với căng thẳng và cố gắng quay trở lại cuộc sống bình thường, thông qua những thói quen mới.

“Bây giờ mỗi lần nghe tiếng động mạnh trên đường hay nửa đêm đang ngủ mà nghe ầm một cái là giật mình tỉnh dậy và vớ điện thoại xem có phải tên lửa bắn vào không, hay là nổ ở đâu,” ông chia sẻ.

Một thói quen mới nữa của ông là trước khi đi ngủ phải xem tin tức, chẳng hạn máy bay ném bom của Nga đã cất cánh chưa.

“Nếu cất cánh khoảng độ 5-7 chiếc thì sáng sớm 4-5 giờ sẽ có lệnh báo động và có thể là bắn vào trong thành phố,” ông giải thích.

“Dạo trước có thiết bị bay không người lái tự sát của Iran bay từng đợt vào trong thành phố cũng rất nguy hiểm. Thời gian gần đây phòng không của Kyiv tốt hơn nhiều, nên những thiết bị bay thường bị tiêu diệt hết ở vùng ngoại ô. Nhưng thỉnh thoảng có một số vẫn bay được vào trong, và mảnh vỡ rơi xuống khi bị phòng không bắn có thể gây ra hỏa hoạn hoặc chết người.”

Người dân xuống hầm trú ẩn ở Kyiv khi có tiếng còi báo động

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Quang

Chụp lại hình ảnh, Người dân nửa đêm xuống hầm chứa xe để tránh tên lửa và drone của quân Nga bắn vào Kyiv

Cũng theo ông, chỉ có lúc báo động là mọi người nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, còn bình thường thì mọi sinh hoạt như cũ, người lớn đi làm, trẻ con đi học.

"Lâu dần thì quen và cảm thấy bình thường, mình có thể chịu đựng được”, ông tâm sự.

Cũng theo ông, nhờ hệ thống phòng không ở Kyiv đã tốt hơn, nên mùa đông năm nay việc cúp điện, cúp nước là rất ít, và nếu có sự cố thì chỉ nửa ngày là đã được khắc phục.

“Mùa đông năm 2022 căng thẳng hơn, mất điện, rồi mất nước, lò sưởi tắt một-hai ngày. Điện bị cắt liên tục, có khi một ngày bị cắt hai-ba lần, mỗi lần mấy tiếng,” ông so sánh.

Dự trữ nước sinh hoạt mùa đông 2022 ở Kyiv, điện thắp sáng bằng ắc qui, bếp ga du lịch dùng để nấu ăn

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Quang

Chụp lại hình ảnh, Dự trữ nước sinh hoạt mùa đông 2022, điện thắp sáng bằng ắc qui, bếp ga du lịch dùng để nấu ăn

Tuy nhiên, đời sống tinh thần thì không được như trước, cộng đồng người Việt còn rất ít và đón Tết cũng không vui như trước.

“Người Việt không còn tập trung trong Tết Âm lịch mà chủ yếu chỉ làm ở nhà, không bày biện gì cả. Ngay cả Tết Dương lịch thì người dân Ukraine nói chung đón Tết cũng buồn lắm, vì chiến tranh mà. Dù sao thì không thể vui chơi được khi ngoài mặt trận các chiến sĩ đang hi sinh,” ông nói với BBC.

Một góc Kyiv đêm 22/2/24

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Quang

Chụp lại hình ảnh, Một góc Kyiv đêm 22/2/24

Nỗi lòng người ra đi

Ông Vũ Chân đã biết tới nhiều cuộc chiến từ lúc còn ở Việt Nam, "từ chống Mỹ, rồi tới Campuchia, Trung Quốc". Và giờ đây, khi ông sống ở Ukraine, chiến tranh lại xảy ra. Sau nhiều cân nhắc, ông đã lựa chọn rời khỏi Kharkiv sang Đức tị nạn.

"Tản cư", "sơ tán", "chạy giặc", "chạy loạn", "di tản" là những gì ông bà, cha mẹ ngày xưa đã trải qua, rồi chính ông cũng phải đưa ra quyết định vào tháng 6/2022.

Ông kết hôn với người vợ Việt Nam và có bốn người con, trong đó cháu bé nhất chỉ mới sáu tuổi, do đó ông đã bỏ lại tất cả để chạy khỏi vùng chiến tranh.

“Vì không còn nguồn sống và nguy hiểm cho các cháu bé nên bắt buộc phải lên đường sang các nước EU tị nạn. Chiến tranh làm tiêu tan hết nhà cửa, tiền bạc, bất động sản, hàng hóa, tài sản của mình bị phá nát hết,” ông nói với BBC từ Đức.

“Chợ Barabashovo đã bị quân Nga bắn tan nát hết rồi. Đạn pháo và rocket của Nga bắn trúng nhà hàng xóm của mình, còn nhà mình may chỉ bị vỡ kính và đèn thôi,” ông mô tả cảnh tượng mà ông đã chứng kiến khi về thăm nhà ở Kharkiv vài tuần trước.

Ông Chân là quản trị viên của nhóm ‘Tương trợ người Việt Ukraina’ có hơn 12.000 thành viên trên Facebook. Ông cho biết cuộc chiến này đã gây ra thương vong và mất mát cả vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng người Việt tại Ukraine.

Ông kể rằng trong hai năm chiến tranh, nhóm mà ông biết đã có một người Việt hi sinh, hai người khác bị thương và một phụ nữ người Ukraine lấy chồng Việt bị mất một chân.

“Còn chợ Barabashovo nơi rất đông bà con người Việt kiếm kế sinh nhai coi như là mất hết tiền bạc, hàng hóa, cửa hàng, bất động sản mà ngày xưa phải bỏ rất nhiều tiền để mua, bây giờ coi như là mất hết.

“Gia đình mình cũng mất hết. Nhà cửa xuống giá, bỏ không chứ không sử dụng hay cho thuê được,” ông chia sẻ.

Chợ Barabashovo bị bắn phá hoang tàn vào tháng 9/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chợ Barabashovo bị bắn phá hoang tàn vào tháng 9/2023

Kharkiv là thành phố đông dân của Ukraine và nằm sát biên giới Nga. Khi cuộc chiến nổ ra, thành phố này đã bị tấn công từ ba hướng.

Quân đội Ukraine đã tái chiếm thành phố, nhưng số người Việt ở lại đây hiện không nhiều.

“Một số người từ Ba Lan hoặc Đức quay về để giải quyết hàng hóa tồn đọng. Một số người làm hàng khô hoặc mở tiệm may, tiệm ăn thì vẫn làm ăn được. Nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay,” ông Chân cho hay.

Cũng theo ông, cuộc sống ở Kharkiv không đến nỗi khó khăn lắm, vì các khoản thuế hiện không phải đóng, đi lại bằng các phương tiện công cộng được miễn phí, cũng có nhiều điểm phát đồ ăn từ thiện nên các gia đình vẫn bám trụ được.

Bản đồ Ukraine

‘Đứng được một chân tại Đức’

Nói về cuộc sống hiện tại ở Đức, nơi đã nhận hàng ngàn người Việt tị nạn từ Ukraine, ông Chân cho biết chính sách tị nạn của Đức rất tốt và bài bản.

“Người Ukraine sang đây được đón tiếp rất tốt, cho vào ăn ở trong các trại tị nạn. Chỉ trong hai ngày là gia đình mình được đăng ký là người tị nạn chiến tranh Ukraine luôn.

"Người tị nạn chiến tranh của Ukraine được luật của Đức bảo vệ, được phân chỗ ở, có tiền trợ cấp và các cháu được đi học.”

“Làm giấy tờ cũng rất nhanh, trong vòng 14 ngày là vợ mình đã đi làm và có quyền lao động, có quyền học hành rồi, và có bảo hiểm y tế luôn… Tức là những thứ tối thiểu cho quyền con người ở nước Đức đã được đảm bảo rồi,” ông nói thêm.

Ông cho biết tiền trợ cấp của Đức rất cao, tính tất cả bảo hiểm, tiền nhà, sinh hoạt phí, trẻ em đi học, cha mẹ đi học tiếng thì tầm 800 euro/người/tháng.

“Gia đình mình qua đây và đi làm ngay, không nhận hết số tiền đó nhưng mà cho đến tận bây giờ vẫn được trợ cấp tiền nhà. Cho đến nay các cháu đi học hết và hai vợ chồng đã có thể tự lo và tự đứng một chân trên đất Đức được rồi,” ông nói với BBC.

Tuy vậy, ông cho biết trong nhóm Facebook cộng đồng, có nhiều người chia sẻ về việc chọn về Việt Nam rồi phải quay lại vì việc học hành của con cái không được suôn sẻ.

"Hầu hết là người ta sang Ba Lan, Đức, Tiệp, một số về Việt Nam nhưng con cái không thích nghi được nên lại đưa các cháu sang, hầu hết sang Đức vì bên đó có chính sách tốt cho người lánh nạn."

Đức là nước thứ ba viện trợ nhiều nhất cho Ukraine
Chụp lại hình ảnh, Đức là nước thứ ba viện trợ nhiều nhất cho Ukraine

Có trở lại Ukraine?

Phần lớn cộng đồng người Việt tại Ukraine đã có trên dưới 30 năm sinh sống tại đây và cũng đã coi Ukraine là quê hương thứ hai.

Ông Chân cho biết nếu chiến tranh kết thúc, gia đình ông chắc chắn sẽ quay về vì cơ ngơi sự nghiệp cả đời ở đó, còn ở Đức thì dù tốt nhưng ông nói vẫn chỉ là người tị nạn, sống nhờ trợ cấp và tình thương yêu giúp đỡ của nước Đức.

Tuy nhiên, ông cho rằng không tới một nửa người Việt sẽ quay lại Kharkiv nếu cuộc chiến kết thúc.

“Ban đầu tôi nghĩ cuộc chiến chỉ kéo dài 3-5 tháng, Nga đánh đe dọa thế thôi. Sau đó thì thấy chiến tranh chuyển biến, tôi nghĩ trong vòng khoảng độ hai năm gì đó. Nhưng bây giờ thì thấy rằng cuộc chiến này còn kéo dài lắm, không biết đến bao giờ mới kết thúc được.”

“Tôi nghĩ nếu chiến tranh kết thúc thì cũng có người Việt trở về Ukraine, nhưng sẽ không nhiều. Giả sử cuộc chiến kéo dài năm năm đi, bà con bên Đức có công ăn việc làm ổn định, con cái học hành ổn định thì họ sẽ muốn ở lại để con gái tiếp tục học hành. Và điều kiện sống ở bên Đức thì cũng không đến nỗi tồi, nên đa số bà con muốn ở lại.”

Ông Nguyễn Quang dự đoán số người quay lại Kyiv nếu chiến tranh kết thúc còn ít hơn, nhiều nhất chỉ khoảng 30%.

Theo ông, những người đã rời khỏi Kyiv nhưng lớn tuổi và có nhà cửa, vẫn có nơi để về thì chắc sẽ quay lại. Còn thanh niên và các cháu nhỏ đang ở trong độ tuổi phát triển, vẫn còn sức khỏe thì sẽ ở lại nước ngoài.

“Khi hòa bình trở lại chắc Ukraine cũng không phát triển nhanh được. Sau chiến tranh điều kiện sẽ khó khăn nên phần lớn họ sẽ chọn ở lại, đấy là người Việt Nam mình, còn người Ukraine sẽ quay về nhiều,” ông nhận định.