Hai sinh viên Hội Marxist ở Nam Kinh 'bị kẻ lạ đánh'

Sinh viên TQ

Nguồn hình ảnh, YUE XIN

Chụp lại hình ảnh, Các sinh viên thuộc Hội Marxist 'Bắc Đại' xuống Thâm Quyến để giúp giới cần lao để lập công hội, và làm lại cuộc cách mạng XHCN

Hai sinh viên một Hội Marxist ở 'bị người lạ mặt đánh và lôi đi' vì phản đối trường này cấm hoạt động của họ, theo Reuters.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Năm 01/10, không lâu sau khi Đại học Cornell ở Hoa Kỳ tuyên bố ngưng chương trình hợp tác với Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh.

Lý do trường Cornell nêu ra là họ không chấp nhận việc một đại học hàng đầu của Trung Quốc cản trở tự do học thuật.

Hôm thứ Ba tuần này, trường School of Industrial and Labour Relations (ILR) thuộc ĐH Cornell ra thông báo nói họ tạm ngưng chương trình trao đổi giáo dục có từ 2014 "vì lo ngại rằng sinh viên ở trường của Trung Quốc bị trừng phạt do muốn lên tiếng bảo vệ quyền công nhân".

Theo Reuters, Dương Khai và Chu Thuận Khanh, hai thành viên của Hội Marxist ĐH Nam Kinh đã bị tấn công khi dẫn đầu một nhóm biểu tình trong trường.

Con số người tham gia có khoảng 100, theo những gì một đoạn video đăng tải trên mạng.

Nhưng Dương Khai đã bị một nhóm đàn ông lạ mặt đánh và quật ngã xuống đất.

Sau đó họ đưa sinh viên năm thứ tư ngành công nghệ thông tin đi và bắt giam chừng 4 tiếng.

Còn Chu Thuận Khanh thì bị công an Trung Quốc mặt thường phục đánh tại trường hôm thứ Năm, theo Reuters.

Sang hôm thứ Sáu 02/10, sinh viên này bị tấn công tiếp rồi bị lôi đi khỏi trường trong lúc thầy cô giáo và bạn bè chỉ đứng nhìn.

Nhưng việc sinh viên chủ động nghiên cứu chủ nghĩa Marx, một ý thức hệ hợp pháp, lại không đơn thuần là vấn đề học thuật cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx của các sinh viên Trung Quốc đã bị chính quyền và các phòng giáo vụ ở mấy đại học lớn ra lệnh cấm.

Các giảng viên được yêu cầu không nhận giảng dạy cho các sinh viên là thành viên của Hội.

Nhà chức trách cũng ngăn cản họ đến Thâm Quyết để 'đi thực tế' và biểu tình ủng hộ công nhân Trung Quốc lập nghiệp đoàn độc lập.

Dù chủ nghĩa Marx là ý thức hệ lãnh đạo, Đảng Cộng sản TQ chống lại mọi hoạt động tự tổ chức thành hội đoàn mà họ không kiểm soát được.

Cùng lúc, có vẻ như một phong trào lập Hội Marxist đang bùng lên ở các đại học Trung Quốc.

Hồi tháng 8, chừng 50 sinh viên từ nhiều trường trên cả nước, gồm một số từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh và Đại học Nam Kinh đã đến Thâm Quyến để phản đối chính quyền và ủng hộ công nhân trong một nhà máy.

Marxism nào mới là 'nguyên bản'?

Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, Xinhua

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Quảng Châu trong tháng 10/2018

Sang tháng 9, Hội Marxist ở Bắc Kinh công bố trên mạng xã hội thông báo họ muốn được đăng ký để trở thành một câu lạc bộ nghiên cứu tư tưởng Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Một thành viên hàng đầu của Hội, cô Nhạc Hân (Yue Xin) còn nổi tiếng với phong trào #MeToo, phản đối lạm dụng tình dục phụ nữ.

Theo Nhạc Hân, cô và các các thành viên muốn đọc về chủ nghĩa Marx từ sách nguyên bản, không phải qua giáo trình nhà nước phát hành.

Nhiều tổ chức cánh tả ở nước ngoài đang tung ra khẩu hiệu và hashtag (#ReinstatetheMarxistStudentSociety!) yêu cầu chính quyền TQ cho phép Hội Marxist hoạt động.

Họ cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp mới, chống lại chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc là vấn đề rất thời sự.

Tại châu Âu, giới trẻ đôi khi vẫn mang theo cờ đỏ khi biểu tình chống chủ nghĩa tư bản nhưng cách hiểu về chủ nghĩa Marx ở Phương Tây rất khác ở Trung Quốc.

Phái tả quốc tế tin rằng lý tưởng của Marx về quyền lập nghiệp đoàn, chống chủ tư bản bóc lột, về tình ái hữu trí thức - công nhân, rất cần cho Trung Quốc hiện nay.

Cùng lúc cũng có các tên tuổi trong phong trào cánh tả của giới trí thức Trung Quốc (Tân Tả) được chính quyền dung túng nhưng hạn chế hoạt động.

Các đại diện quan trọng của phái này như Vương Hối, Thôi Chi Nguyên...được in ấn, phát hành một số bài viết trong giới nghiên cứu.

Về cơ bản, họ coi chủ nghĩa Marx là đúng, và tham nhũng là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản trong hoàn cảnh Trung Quốc.

Có đánh giá rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp nhận nghị trình chống tham nhũng của phe Tân Tả này.

Nhóm này cũng cho rằng xã hội Trung Quốc chỉ có thể chấn chỉnh các "tệ nạn cố hữu" mà kinh tế tư bản gây ra, bằng hoạt động của chính quyền.

Nhưng những thanh niên tân Marxist bác bỏ luận điểm này.

Họ cho chính quyền Trung Quốc hoàn toàn đứng về phía chủ tư bản, hy sinh quyền lợi công nhân.

Các sinh viên cũng muốn thực sự đi vào giới cần lao để lập công hội, và làm lại cuộc cách mạng cộng sản.

Điều này bị chính quyền của ông Tập Cận Bình kiên quyết ngăn chặn.

Giới trẻ Pháp biểu tình đòi việc làm

Nguồn hình ảnh, NICOLAS TUCAT

Chụp lại hình ảnh, Thanh thiếu niên Pháp biểu tình ở Bordeaux tháng 3/2016 phản đối cuộc cải tổ thị trường lao động mang theo cờ đỏ nhưng cách hiểu về chủ nghĩa Marx ở châu Âu khác ở Trung Quốc

Xem thêm về hội đoàn: