Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Henri Cernuschi : Từ đam mê đến bảo tồn nghệ thuật châu Á tại Pháp

Đăng ngày:

Paris có đến hai bảo tàng lớn nhất nước Pháp dành riêng cho nghệ thuật châu Á : bảo tàng quốc gia Guimet và bảo tàng Cernuschi. Nằm ở quận 8, bảo tàng Cernuschi, trực thuộc thành phố, còn là bảo tàng lớn thứ năm dành cho nghệ thuật Trung Quốc tại châu Âu. Quá trình hình thành bảo tàng được tái hiện qua triển lãm Retour d’Asie. Henri Cernuschi, un collectionneur au temps du japonisme (Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản) từ ngày 06/10/2023 đến 04/02/2024.

Ông Eric Eric Lefebvre, giám đốc Bảo tàng Cernuschi giới thiệu với RFI Tiếng Việt về triển lãm Retour d’Asie. Henri Cernuschi, un collectionneur au temps du japonisme (Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản) từ ngày 06/10/2023 đến 04/02/2024, Paris, Pháp.
Ông Eric Eric Lefebvre, giám đốc Bảo tàng Cernuschi giới thiệu với RFI Tiếng Việt về triển lãm Retour d’Asie. Henri Cernuschi, un collectionneur au temps du japonisme (Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản) từ ngày 06/10/2023 đến 04/02/2024, Paris, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Từ khi mở cửa đón công chúng năm 1898, bảo tàng Cernuschi, mang tên nhà sưu tập, vị mạnh thường quân người Pháp gốc Ý, hiện có gần 15.000 đồ vật liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Henri Cernuschi (1821-1896) là ai ? Tại sao lại là “giai đoạn trào lưu Nhật Bản” ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc bảo tàng Eric Lefebvre, tại lễ khai trương triển lãm ngày 05/10/2023.

“Henri Cernuschi là người có cuộc sống muôn mặt, một cuộc đời đầy phiêu lưu và sự kiện. Ông sống ở Milan (Ý) thời trẻ và trải qua một giai đoạn vô cùng quan trọng : Năm 1848, ông tham gia phong trào cách mạng để lập nền Cộng Hòa ở Milan và tham gia nhóm lãnh đạo phong trào phản đối quân đội Áo. Sau đó, Cernuschi cũng rất năng động trong thời kỳ Cộng Hòa ngắn ngủi ở Roma.

Phong trào cách mạng thất bại, ông đến Pháp bắt đầu một cuộc đời mới. Ông là nhà thầu trong rất nhiều lĩnh vực và cuối cùng giầu lên nhờ lĩnh vực tài chính. Dù vậy, ông vẫn luôn đam mê với tư tưởng chính trị, đến mức vào cuối Đế Chế 2 và khi nền Đệ Tam Cộng Hòa ra đời ở Pháp, ông nhập quốc tịch Pháp, dù sau đó, ông bị ám ảnh về những sự kiện bi thương giai đoạn Công Xã Paris. Sau Công Xã, lúc 50 tuổi, Cernuschi bắt đầu hành trình đến châu Á.

Tại sao lại vượt Đại Tây Dương, băng qua Mỹ và Thái Bình Dương để đến châu Á ? Cần sống lại bối cảnh thời đó. Cả một bầu không khí mới mẻ, thịnh hành lúc đó, mà người ta gọi là “trào lưu Nhật Bản”. Ai cũng biết là giới nghệ sĩ, trí thức Pháp trong nửa sau thế kỷ 19 bị ảnh hưởng bởi xu hướng này. Qua đồ gốm sứ, các nghệ sĩ Pháp phát hiện ra tranh vẽ Nhật Bản nổi tiếng. Loại hình nghệ thuật này ảnh hưởng rất lớn đến các nghệ sĩ theo trường phái Ấn Tượng. Ở nửa sau thế kỷ 19, rất nhiều nhà trí thức và nghệ sĩ bắt đầu chu du đến châu Á. Cernuschi cũng vậy. Ông đến Nhật Bản trước tiên, sau đó đến Trung Quốc, Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ.

Lối vào bảo tàng Cernuschi và quảng cáo Triển lãm Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản.
Lối vào bảo tàng Cernuschi và quảng cáo Triển lãm Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản. © RFI / Geng

Cernuschi : Doanh nhân Pháp mang tâm hồn châu Á

Ở tuổi 50, Henri Cernuschi chu du thế giới với nhà báo Théodore Duret, cũng là một người Cộng Hòa. Chuyến đi kéo dài 16 tháng, từ tháng 07/1871 đến tháng 01/1873, đưa họ đi từ Liverpool (Anh) vượt Đại Tây Dương đến New York, đi xuyên Hoa Kỳ sang bờ Tây để từ San Francisco vượt Thái Bình Dương và đến Yokohama, Nhật Bản vào tháng 10/1871. Sau gần ba tháng ở Nhật Bản (Tokyo, Kobe, Osaka, Kyoto và Nara), họ đến Hoa lục (Bắc Kinh, Nội Mông, Hàng Châu, Thiên Tân, Nam Kinh), Hồng Kông, đảo Java (Jakarta, Bandung và Yogyakarta), Sri Lanka, đến Ấn Độ (Madurai, Calcutta, Agra, Rajastan, Ellora) và từ Mumbay về Liverpool (Anh).

Hành trình của Cernuschi được thể hiện một cách sinh động, kết hợp âm thanh, hình ảnh, đồ vật trưng bày, cùng với lời bình của một hướng dẫn viên trong vòng một tiếng rưỡi để khách tham quan không bị nhàm chán. Giám đốc Eric Lefebvre cho biết tiếp :

“Chúng tôi kỉ niệm một sự kiện quan trọng. Tròn 150 năm Henri Cernuschi kết thúc chuyến chu du châu Á, cho nên đây là dịp để tái hiện lại chuyến đi và để hiểu thêm về bộ sưu tập đặc biệt. Chỉ trong tầm16 tháng, ông sưu tập khoảng 5.000 đồ vật, sau đó chia sẻ với công chúng Pháp trên đại lộ Champs-Elysée vào năm sau và cuối cùng là xây tòa nhà này chỉ để dành trưng bày bộ sưu tập. Đó là điều rất đặc biệt mà chúng tôi kỉ niệm ở bảo tàng.

Nhật Bản được Henri Cernuschi chọn làm điểm khởi đầu chuyến chu du bởi quần đảo mở cửa giao thương với thế giới ngay từ năm 1854, xã hội chuyển mình mạnh mẽ nhờ những biện pháp cải cách dưới thời Minh Trị (Meiji). Henri Cernuschi còn đi trước thời đại khi ông sưu tập đồ đồng sau khi khám phá ra quy mô và trình độ đúc đồng của các nghệ nhân Nhật Bản trong khi giới nghệ sĩ châu Âu vẫn đang say sưa với sơn mài và gốm sứ.

Trong bộ sưu tập của ông có bức tượng Phật Amida cao lớn, sau này trở thành một trong những vật chủ đạo hình thành bảo tàng và hiện được trưng bày ở tầng hai. Bức tượng phản ánh kĩ năng điêu luyện của các nhà đúc đồng Nhật Bản, cũng như sự quan tâm của Cernuschi đến nghệ thuật Phật giáo. Rất nhiều đồ vật, tranh, sách liên quan đến Phật giáo được ông bổ sung trong bộ sưu tập sau này.

Khi đến Bắc Kinh, tiếp xúc với những người buôn đồ cổ ở phố Lưu Li Xưởng (Liulichang), Cernuschi quan tâm đến quá trình phát triển nghệ thuật đúc đồng của Trung Quốc. Không có đủ hiện vật để bắt đầu từ nguồn cội, dù ông có một đồ vật có từ thế kỷ II-TCN, nhà sưu tập Pháp nhấn mạnh đến cách sưu tập của người Trung Quốc, những ký tự được khắc trên đồ đồng hoặc tài liệu liên quan đến đồ đồng cổ dù ông không hiểu chữ Hoa.

Một bức tượng đồng Nhật Bản được Henri Cernuschi mang về từ chuyến chu du châu Á năm 1871, được trưng bày tại Triển lãm Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản, Bảo tàng Cernuschi, Paris, Pháp.
Một bức tượng đồng Nhật Bản được Henri Cernuschi mang về từ chuyến chu du châu Á năm 1871, được trưng bày tại Triển lãm Từ châu Á trở về. Henri Cernuschi, nhà sưu tập thời trào lưu Nhật Bản, Bảo tàng Cernuschi, Paris, Pháp. © RFI / Thu Hằng

1.800 đồ vật trong Bộ sưu tập Việt Nam

Bốn gian phòng triển lãm mới chỉ trưng bày được một phần rất nhỏ hiện vật được lưu trong kho của bảo tàng. Henri Cernuschi không đến Việt Nam nhưng bộ sưu tập Việt Nam trong bảo tàng có đến 1.800 đồ vật, chiếm 10% số đồ vật của bảo tàng, trải dài 2500 năm, từ thế kỷ V-TCN. Theo giám đốc Eric Lefebvre, bộ sưu tập Việt Nam không ngừng được mở rộng.

“Henri Cernuschi không thăm được hết các nước châu Á. Bộ sưu tập của ông chủ yếu liên quan đến Nhật Bản và Trung Quốc. Sau khi ông qua đời, bảo tàng tiếp tục hoạt động và mở rộng các bộ sưu tập. Đặc biệt là trong những năm 1920-1930, bộ sưu tập Việt Nam được hình thành, chủ yếu liên quan đến Việt Nam cổ đại nhờ những công trình khảo cổ được tiến hành ở Việt Nam trong giai đoạn đó.

Trước hết là những tác phẩm có từ thời văn minh Đông Sơn, cho thấy sự xuất hiện thời kỳ đồ đồng ở Việt Nam và những tác phẩm giai đoạn này. Tiếp theo chúng tôi cũng có những tác phẩm thời Giao Chỉ. Cuối cùng, công việc trong những năm gần đây của chúng tôi là kết nối giữa cổ đạivới hiện đại. Chúng tôi thắt chặt quan hệ với đồng nghiệp Việt Nam, các bảo tàng ở Việt Nam cũng như các nghệ sĩ Việt.

Theo trang web của bảo tàng, khoảng 100 đồ vật đầu tiên bằng đá, đồng và gốm liên quan đến Việt Nam được mua ngay năm 1927 từ doanh nhân Victor Demange ở Hà Nội và đam mê khảo cổ. Đến năm 1933, bảo tàng nhận được khoảng 50 đồ vật có niên đại thế kỷ X đến thể kỷ XV từ bộ sưu tập của doanh nhân Bỉ Clément Huet. Đến năm 1955, một chiếc vạc ba chân trong bộ sưu tập của Albert Pouyanne, thanh tra công chính Đông Dương trong thập niên 1920, được đưa vào bảo tàng.

Jarre à couvercle Vietnam dynastie Tran, XIIe-XIVe siècle, Musée cernuschi
Vại gốm thời Trần, thế kỷ XII-XIV, quà tặng từ mạnh thường quân ẩn danh cho Bảo tàng Cernuschi năm 2017, Paris, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Sau đó, bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi được bổ sung từ ba chương trình khảo cổ trong những năm 1934-1939 của nhà khảo cổ Thụy Điển Olov Janse (1892-1985) kết hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Hai chương trình đầu tiên (từ tháng 10/1934 - 05/1935 và từ tháng 10/1936 - 01/1938) do Hiệp hội Các Bảo tàng của thành phố Paris, các bảo tàng quốc gia và bộ Giáo Dục Pháp đồng tài trợ. Đồ vật tìm được được chia chủ yếu cho các Bảo tàng Cernuschi và Bảo tàng Guimet ở Pháp, Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Đồ đồng và gốm sứ là hai lĩnh vực chủ đạo trong bộ sưu tập Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, bảo tàng Cernuschi hướng đến nhiều lĩnh vực khác, theo giải thích của giám đốc Eric Lefebvre :

“Hiện giờ chúng tôi quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Dĩ nhiên chúng tôi vẫn quan tâm đến nghệ thuật cổ của Việt Nam nhưng tập trung nhiều hơn vào nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là đến những nghệ sĩ đã sống giữa Việt Nam và Pháp.

Chúng tôi cũng được trao tặng rất nhiều. Món quà đặc biệt gần đây nhất là từ gia đình họa sĩ Mai Thứ, đã giúp mảng hội họa hiện đại của bảo tàng phong phú hơn. Đó là những tác phẩm được vẽ trên lụa, những bản thảo trên giấy mới được tặng lại cho bảo tàng.

Để giới thiệu những bộ sưu tập này tới công chúng, chúng tôi thường tổ chức các buổi treo tranh bởi vì những tác phẩm này thường rất dễ hỏng nếu liên tục trưng bày. Ví dụ vào tháng 12/2023, chúng tôi sẽ triển lãm về phụ nữ Việt Nam trong nghệ thuật hiện đại. Sẽ có rất nhiều tranh của Nguyễn Phan Chánh, vì nghệ sĩ là gương mặt chính của đợt treo tranh kéo dài từ cuối năm 2023 đến những tuần đầu năm 2024.

Năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức một triển lãm lớn dành riêng cho ba họa sĩ Việt Nam là Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm”.

Bộ sưu tập hội họa Việt Nam được tặng cho bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris, tháng 07/2018.
Bộ sưu tập hội họa Việt Nam được tặng cho bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris, tháng 07/2018. RFI / Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.