Hirokazu Kore-eda: "Cuộc đời & phim không đơn giản như vậy"

Lê Hồng Lâm

Món quà lớn nhất mà Liên hoa phim Quốc tế TPHCM (HIFF – Ho Chi Minh City International Film Festival) mang lại, với tôi, là sự xuất hiện của đạo diễn kiệt xuất người Nhật Bản: Hirokazu Kore-eda. Sự xuất hiện và những chia sẻ sâu sắc của ông về nghề, về điện ảnh thực sự có giá trị để lấn át những bực bội khó chịu về mặt tổ chức còn nhiều lọng ngọng của Liên hoa phim (không thể tránh khỏi khi mới lần đầu mà lại còn làm quá hoành tráng).

Ba buổi gặp mặt và nghe Kore-eda nói về điện ảnh thực sự với tôi còn quý giá hơn bất cứ khóa học master-class nào, vì tôi có cơ hội được lắng nghe về quan điểm nghệ thuật và những câu chuyện hậu trường của những bộ phim mà tôi đã xem và thuộc nằm lòng.

Điều tôi thích nữa ở ông là sự chừng mực, điềm tĩnh và nói chính xác nhất có thể suy nghĩ của mình – tránh được hoàn toàn những tác động của cảm xúc mang lại, nhất là cử tọa toàn là bọn fan cuồng của ông.

Vì vậy, để đáp lại, tôi sẽ note lại những chia sẻ rất quý báu của ông kèm bình luận cá nhân, dành tặng các bạn.

VỀ BỘ PHIM ĐẦU TAY (Best First Feature):

Maborosi, bộ phim truyện đầu tay ra mắt năm 1995 của Kore-eda thực sự là một may mắn và nhân duyên của ông khi bước vào thế giới điện ảnh. Bộ phim "mở hàng" đó nay đã trở thành kinh điển rồi (một trong năm phim của ông mà tôi thích nhất), nhưng để làm được nó ông cũng phải "trầy vi tróc vảy" bởi bao lời can ngăn và những cảnh báo rằng không ai xem nó cả. Nhưng Kore-eda vẫn làm với niềm tin và quan điểm nghệ thuật của mình và đúng là… không ai xem thật (ở Nhật Bản), nhưng may mắn khi ông gửi bộ phim đến Liên hoa phim Venice, phim được tranh giải Sư tử vàng và đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất (phim có nhiều cảnh khiến tôi nín thở vì chiều sâu và sự mạnh mẽ của nó khi kể về một câu chuyện mang màu sắc thiền định). Nhờ được Liên hoa phim hàng đầu của Ý ghi nhận (như trường hợp của Akiro Kurosawa với Roshomon năm 1950 vậy), Kore-eda có tiền làm phim tiếp.

Phim thứ hai của Kore-eda, nhưng ông gọi là phim đầu tiên, bởi đây mới là bộ phim ông viết kịch bản (Maborosi là do biên kịch khác chuyển thể từ tiểu thuyết) là After Life, ra đời sau đó ba năm. Dĩ nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn vì tiếp tục nghe cảnh báo "không ai xem", nhưng ông may mắn nhận được 40 triệu yen từ ngân sách không hoàn lại của Liên hoa phim Tokyo, ông đã có thể làm bộ phim về cái chết và kiếp sau của con người. Bộ phim này tiếp tục chứng tỏ sự "lên tay" của ông khi giành được nhiều giải thưởng của các Liên hoa phim Âu, Mỹ, dù ở quê nhà, nó vẫn "ế".

Sau khi kể một câu chuyện đầy cảm hứng về cá nhân, ông chốt lại một câu để "cảnh báo" các young filmmakers đang trong cơn phấn khích của cảm xúc rằng: "Phim ảnh là may mắn, là nhân duyên, không tham chiếu được".

Nghĩa là sự thành công của ông nó mang màu sắc cá nhân. Và mỗi cá nhân chắc chắn phải chọn một con đường riêng khi đến với điện ảnh. Đi lại con đường của người khác đã đi, bạn không thành công được.

VỀ MISE-EN-SCÈNE (CÔNG TÁC ĐẠO DIỄN):

Với diễn viên:

Kore-eda đã chia sẻ rất hay trong buổi giao lưu thứ hai mà tôi là người điều phối và đặt câu hỏi về chuyện làm việc với diễn viên trẻ em (child actors) để đóng những nhân vật trẻ con nhiều tổn thương xuyên suốt trong các bộ phim của ông rồi, nhưng trong buổi workshop hôm qua ông bổ sung thêm vài điều nữa rất quý giá.

Khi một nhà làm phim trẻ hỏi ông rằng: "Ông nói rằng ông không ‘giao bài tập’ cho diễn viên trẻ em khi về nhà, vậy thì với diễn viên người lớn, diễn viên chuyên nghiệp, ông có giao bài tập không?", Kore-eda đáp lại rằng, với diễn viên chuyên nghiệp, ông có ‘giao bài tập’, nhưng hôm sau lên trường quay, ông cứ để họ diễn trước đã. Nếu họ diễn chính xác điều ông muốn chỉ đạo, thậm chí tốt hơn và cá nhân hơn, ông sẽ ‘đầu hàng’ trước họ và coi đó là sự thất bại dễ chịu của mình. Cứ nghĩ đến nhân vật bà mẹ (do diễn viên kỳ cựu Kirin Kiri đóng) trong Still WalkingAfter the Storm, tôi nghĩ ông ‘đầu hàng’ cũng đúng rồi.

Chớ tôi xem phim mà cứ tưởng bà mẹ đó hiện hữu bằng xương bằng thịt.

Với diễn viên trẻ em, trong những bộ phim nặng nề và nhạy cảm về tâm lý như phim Monster mới đây, ông phải mời chuyên gia tâm lý, giới và cả một "điều phối viên về mối quan hệ thân mật" (theo phiên dịch của anh người Nhật yêu tiếng Việt) để hỗ trợ các em trong suốt quá trình quay, thậm chí ngay cả khi về nhà vì ông nhận được thông báo, một trong hai diễn viên nhí đang bị ảnh hưởng tâm lý của nhân vật.

VỀ SCREENPLAY (KỊCH BẢN)

– Về chủ đề cái chết xuyên suốt trong ba bộ phim đầu của ông (như một trilogy về cái chết vậy) là Maborosi, After LifeDistance (2001), trả lời cho câu hỏi ông quan niệm như thế nào về cái chết được nghiên cứu như một mỹ học trong văn hóa truyền thống Nhật Bản được áp dụng vào các bộ phim (tôi diễn dịch ý bạn một chút cho rõ ý hơn), ông nói với các nước phương Tây, sống đến trước rồi mới đến chết, nhưng trong văn hóa Nhật Bản (và cả phim ông) sự sống và cái chết tồn tại song song. Thậm chí khi một người chết đi rồi, sự hiện diện của họ còn lớn hơn.

After LifeStill Walking (2008) đã thể hiện rất tuyệt điều này.

Khi một nhà làm phim nữ trẻ tuổi khác, tự đặt câu hỏi cho Kore-eda bằng tiếng Nhật rồi tự dịch lai bằng tiếng Việt và tiếng Anh (giúp hai anh phiên dịch được nghỉ mệt) rằng cô đang viết kịch bản đầu tay với một đồng nghiệp, cô chọn cái kết bi kịch tăm tối trong khi đồng nghiệp nói rằng phải có cái nhìn tươi sáng và cô hỏi ông rằng, ông có rơi vào trường hợp đó không và ông chọn cái nào.

Kore-eda đáp lại rằng, tôi không thích cái kết có hậu hay bi kịch – bởi đời không đơn giản như thế và phim cũng không đơn giản như thế. Ông dẫn trường hợp Nobody Knows (bộ phim mà ông viết kịch bản từ trước cả phim đầu tay Maborosi), nhưng phải đợi đủ nhân duyên mới làm được. Nobody Knows kết thúc với cái kết bi kịch, rõ rồi, nhưng sự sống vẫn tiếp diễn, những đứa trẻ còn lại vẫn phải sống. Và ông tạo cho tôi một cảm giác rằng cuộc đời vẫn phải cứ tiếp diễn sau khi Nobody Knows và nhiều bộ phim khác của ông đã kết thúc trên màn hình.

Đó cũng là một ý của ông khi trả lời một bạn nhà báo (trong phiên đầu tiên) rằng "Ông quan niệm như thế nào về một bộ phim hay?”. Kore-eda suy nghĩ một lúc rồi chọn cách biểu đạt giản dị: Một bộ phim hay là một bộ phim mà khi nó kết thúc trên màn hình, nó vẫn tiếp diễn trong đầu và trong cảm xúc của ta. Và với tôi thì ông có ít nhất chục bộ phim như thế.

 

clip_image002

Ảnh: Bốn diễn viên nhí trong Nobody Knows (2004) và 14 năm sau, tái ngộ với vị đạo diễn đáng kính.

Comments are closed.