Hồ Chí Minh ở Quảng Tây và những gắn bó Trung Quốc

Hồ Chí Minh ngồi cạnh Chu Ân Lai trong một buổi tiệc được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 26/6/1955

Nguồn hình ảnh, Keystone-France

Chụp lại hình ảnh, Hồ Chí Minh ngồi cạnh Chu Ân Lai trong một buổi tiệc được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 26/6/1955

Quảng Tây là nơi Hồ Chí Minh có nhiều gắn bó. Từ năm 1938 cho đến trước ngày Việt Nam độc lập, hoạt động của ông chủ yếu là tại đây.

Các bạn đọc lại bài tư liệu về 12 năm Hồ Chí Minh ở Trung Quốc qua lời Giáo sư Hoàng Tranh, nhà Hồ Chí Minh học ở Quảng Tây, trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh, BBC Tiếng Việt hồi năm 2008.

Năm 1942, trong vòng một năm, Hồ Chí Minh rơi vào tay Quốc Dân Đảng và bị giải qua nhiều nhà tù của Quảng Tây.

Khi ở Pháp năm 1922, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên làm quen với những người cộng sản Trung Quốc, trong đó có người sau này trở thành thủ tướng, Chu Ân Lai.

Năm 1925, tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh biến tổ chức Tâm Tâm Xã thành Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

GS Hoàng Tranh nói:

"Ở Trung Quốc, Bác đã đào tạo nhiều chiến sĩ cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Bác cũng làm rất nhiều để chuẩn bị cho cách mạng Trung Quốc. Hoạt động cách mạng hai nước hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau."

"Bác Hồ dành cả đời để gầy dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung," vị giáo sư này nhấn mạnh.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn xem Hồ Chí Minh là biểu tượng cho mối quan hệ "chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ" trong cuộc đấu tranh ý thức hệ vài chục năm trước.

Ảnh chụp Hồ Chí Minh khoảng năm 1940

Nguồn hình ảnh, Keystone/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp Hồ Chí Minh khoảng năm 1940

Thời kỳ Hồ Chí Minh dường như là hồi quang phản chiếu giai đoạn đồng cam cộng khổ của những người cộng sản, có mâu thuẫn nhưng vẫn thực thà hơn quan hệ chính trị thực dụng hiện đại.

Lý giải điều này, có người nói: "Thời Bác Hồ là quan hệ anh em cùng ‎tư tưởng, còn bây giờ là thời đại toàn cầu hóa, mỗi nước đều có thêm những đối tác khác," Giáo sư Hoàng Tranh cho biết.

Những tháng cuối cùng của năm 1969, túc trực bên giường bệnh của ông Hồ là đoàn bác sĩ Trung Quốc, cùng bác sĩ Việt Nam.

Theo sách của Hoàng Tranh, một buổi chiều cuối tháng Tám, khi tỉnh lại, Hồ Chí Minh nói với các bác sĩ Trung Quốc:

"Mong nghe ai hát một bài ca Trung Quốc." Một y tá của bệnh viện Bắc Kinh hát, Hồ Chủ tịch nghe xong, mỉm cười, và "đấy là nụ cười chót" của ông trước khi hôn mê mãi cho đến lúc qua đời.

Một vấn đề khác được nhiều độc giả Việt Nam quan tâm, là việc các trang mạng của người Việt hải ngoại dịch và đăng lại bài báo của ông Hoàng Tranh năm 2001, cung cấp bằng chứng về việc Hồ Chí Minh kết hôn với bà Tăng Tuyết Minh năm 1926 ở Quảng Châu.

Khi được hỏi về tình tiết này, đang hào hứng ông bỗng rụt lại và cho rằng ông đã "hơi vội vã" khi cho đăng bài viết trên tạp chí Đông Nam Á Tung hoành, khiến phía Việt Nam sau đó phản ứng rất mạnh.

"Dù sao thì cũng chưa đến lúc," ông kết luận.

Sự ngại ngần này có thể được hiểu và thông cảm trong bối cảnh môi trường học thuật và nhiều trí thức Việt Nam như ông vẫn phải chịu sự chi phối của chính trị.

Tuy vậy, tại Trung Quốc, người ta nói thoải mái về chuyện này - có ít nhất hai bài báo khác đăng trên báo chí phổ thông ở đại lục cùng nói về bà Tăng Tuyết Minh.

Cuộc phỏng vấn với GS Hoàng Tranh thực hiện ở Quảng Tây năm 2008 đã đăng trên giao diện cũ của BBC hôm 20/08 cùng năm.