Họ mặc gì khi chuyện ấy xảy ra?

Nguyễn Phương Mai

18-5-2023

Khi đối mặt với một vụ quấy rối tình dục, câu hỏi thường xuất hiện là: “Họ mặc gì khi chuyện đó xảy ra?”

Với Thanh Nhã và đội tuyển Việt Nam, khi chuyện ấy xảy ra, họ không “ăn mặc hở hang”, mà đang khoác trên mình chiếc áo thi đấu còn đẫm mồ hôi và cát bụi sân cỏ.

Họ không “ngu ngốc đi lại một mình đêm hôm khuya khoắt trên những căn phố vắng người”, mà đang xuất hiện trên truyền hình trực tiếp với hàng triệu người xem trên thế giới.

Họ không đang “buông lời ỡm ờ” hay “nói chuyện kiểu thả thính” khiến kẻ khác lầm tưởng, mà đang la hét trong vui mừng và sẽ hát vang bài quốc ca của đất nước.

Họ cũng không phải “loại đàn bà bị coi là hư hỏng”, mà là những nhà vô địch đã đem vinh quang về cho bản thân và Tổ Quốc.

Nói cách khác, họ không hề giống với những lý do vốn hay được đưa ra để giải thích cho việc tại sao đó là “lỗi của họ” khi bị quấy rối tình dục.

***

VẬY CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI HỌ?

Một trang thể thao và vài cá nhân đã đăng ảnh của những nhà vô địch cùng lời mơ ước được trực-tiếp ngay-lập-tức hôn lên logo lá cờ in trên ngực áo thi đấu của Thanh Nhã và đội tuyển.

Với 40k tương tác, dưới comment là hàng nghìn lời hưởng ứng của những người đàn ông xa lạ, nhiều người đã có vợ/bạn gái, nhiều người là trí thức, nhiều người có con chắc cũng bằng tuổi các cô, nhiều người vẫn dùng ảnh đại diện là chính con gái bé bỏng ở nhà.

Họ khoái chí với câu đùa hay ho, khôn lỏi, nhưng đáng để học tập. Họ cũng đòi “được hôn như vậy”. Vì Thanh Nhã đã “dùng đôi chân để làm rung động trái tim người hâm mộ, nên tôi muốn dùng đôi tay để chạm đến trái tim Thanh Nhã”. Họ đòi “sờ vào trái tim để cảm nhận nhịp đập của nó khi cô là anh hùng của đất nước”. Họ đòi “chuyển logo xuống quần”, đòi mang quần áo của Thanh Nhã “về ngâm rượu”, đòi cô phải “cởi áo ăn mừng”, đòi đội tuyển “đổi áo” sau khi trận đấu kết thúc…cùng vô số những lời đòi hỏi mang tính giường chiếu khác.

Chưa hết, lời bình phẩm của về bóng đá thì ít mà bình phẩm về hình thể của các nhà vô địch thì nhiều. Vòng 1 của họ bị mang ra cợt nhả, bị coi là “động lực để anh em xem bóng đá”, được mô tả là “to đẹp, rõ ràng”, “áo rộng vậy mà cũng nhô lên được”, cùng những lời bình phẩm không khác gì mô tả phim sex.

***

HỌ “MẶC GÌ”, HAY “TA LÀ KẺ THẾ NÀO”?

Quấy rối, xâm hại phụ nữ là một phần hệ quả của tư tưởng phụ hệ, vô thức coi phụ nữ như những thực thể nhục dục. Vấn đề không hẳn ở quần áo hay phẩm giá của họ, mà là ở trong cái đầu của kẻ quấy rối.

Rất nhiều triển lãm giáo dục về xâm hại tình dục trưng bày những bộ quần áo nạn nhân đang mặc khi lâm nạn. Chúng bao gồm cả những bộ đồ bảo hộ công nhân, quân phục lính, đồng phục học sinh và cả tã bỉm trẻ con.

Trong câu chuyện của chúng ta, kể cả khi những người phụ nữ xuất hiện mạnh mẽ, rực rỡ và vinh quang như những chiến binh bất khả chiến bại, mang vinh quang về cho đất nước, họ vẫn có thể bị quấy rối công khai. Dù họ có là nhà vô địch trong một môn thể thao cần sức vóc, sự lăn lộn và tài năng đến đâu, những lời đánh giá họ sẽ không bao giờ thiếu tiêu chuẩn “nhan sắc”.

***

ÁP DỤNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Ở chiều ngược lại, không chỉ phụ nữ mới bị vật hóa và dục hóa trong không gian công cộng như vậy.

Điển hình là vụ việc cầu thủ Mbappe bị chụp ảnh lúc quần thi đấu của anh có hằn lên bộ phận cơ thể phía trước. Bức ảnh ấy được kéo đi lê la khắp cõi mạng để cả thiên hạ quấy rối và đòi rụng trứng. Hay như cách đây không lâu, trong Hành Lý Tình Yêu, nữ host của chương trình sau khi nếm bát phở một người chơi mang đến đã sờ nắn bắp tay của chàng trai, khen “bắp ngon”, rồi sờ luôn… cả vào ngực anh mà không hề xin phép.

Quấy rối đàn ông vẫn bị bình thường hóa và coi nhẹ. Đó là khi sự riêng tư về cơ thể của nam giới bị bỏ qua từ khi còn nhỏ. Nhiều người che đậy cho cơ thể bé gái nhưng để bé trai tồng ngồng. Bộ phận sinh dục của bé trai đôi khi bị/ được đem ra chụp ảnh, cười đùa, trêu chọc, sờ mó, thậm chí nhiều bé bị búng chim như một cách thể hiện sự yêu thương.

Lớn lên, đó là khi xã hội mặc định đàn ông “thực ra thích được như thế”, “da thịt đàn ông thì có sao”, “không muốn chắc là bị gay”. Vì sự sai lầm cho rằng đàn ông lúc nào cũng “muốn”, nên họ không cần có khái niệm “đồng thuận”. Trong các vụ quấy rối và xâm hại tình dục đàn ông mà kẻ thủ ác là phụ nữ, nạn nhân bị từ chối trở thành nạn nhân.

Để đàn ông dị tính (ngôn ngữ bình dân gọi là “trai thẳng”) hiểu chính mình cũng có thể là nạn nhân, đôi khi phải cần đến một thủ thuật là lời nhắc nhở khéo rằng, nam giới cũng có thể xâm hại và quấy rối lẫn nhau. Một chuyên gia giới tính đã từng yêu cầu các quý ông thử tưởng tượng những đòi hỏi hôn hít sờ mó, những bình luận về cơ thể, những hành động của quá trình hiếp dâm… bị áp dụng với chính bản thân mình, và chúng đến từ đàn ông. Cảm giác ấy sẽ ra sao? Đó là cảm giác của một “nạn nhân” hay cảm giác của kẻ “thích bỏ xừ lại còn giả vờ”?

Một phần lớn các vụ việc mà nam giới là nạn nhân của xâm hại tình dục diễn ra trong môi trường nhà tù, quân đội, chiến tranh và xung đột. Sự xâm hại ấy không mấy liên quan đến xu hướng tính dục tự nhiên mà là một công cụ để khẳng định quyền lực và làm nhục kẻ khác.

Nó thành công và khiến nạn nhận kiệt quệ một cách tối đa. Đơn giản vì nó dựa trên nguyên tắc xã hội mặc định rằng nam giới là “phái mạnh”, là kẻ bảo vệ và không thể bị xâm hại. Vậy nên việc họ cuối cùng cũng bị xâm hại là cách để họ hiểu rằng họ đã bị giáng xuống làm “phái yếu”.

***

NGUYÊN TẮC ĐỒNG THUẬN

Việc nhìn ai đó với con mắt dục tính là điều rất tự nhiên, không có gì sai trái hoặc đáng xấu hổ. Với bản chất của con người, nhục dục là điều rất bình thường. Tuy nhiên, hai điều sau cần được lưu ý, liên quan đến nguyên tắc ĐỒNG THUẬN:

– Thứ nhất, họ có muốn ta bộc lộ bày tỏ suy nghĩ đó VỚI HỌ không? Họ có muốn nghe, muốn biết không? —> Nếu bạn không biết câu trả lời thì hãy giữ suy nghĩ ấy trong đầu. Đừng nói. Đừng post. Đừng comment.

– Thứ hai, họ có muốn ta bộc lộ bày tỏ suy nghĩ đó ra NGOÀI KHÔNG GIAN RIÊNG TƯ, như trên facebook hay trước mặt kẻ khác hay không? —> Nếu bạn không biết câu trả lời thì hãy giữ suy nghĩ ấy trong đầu. Đừng nói. Đừng post. Đừng comment.

Khi trong ta khởi phát một ý nghĩ nhục dục với kẻ khác, đó là điều rất bình thường. Nó chỉ trở nên bất bình thường khi ta biến nó thành lời nói và hành động mà không hề có sự đồng thuận của kẻ đó. Chắc gì họ đã muốn nghe? Kể cả khi muốn nghe chắc gì họ đã muốn cả thiên hạ cùng nghe? “Bây giờ” họ muốn nghe nhưng chắc gì “sau này” họ lại muốn nghe nữa?

Nguyên tắc đồng thuận áp dụng cả với hành vi tình dục. Muốn ân ái là chuyện bình thường. Nhưng đòi hỏi khi người ta không muốn là quấy rối. “Con gái nói có là không” chỉ là một bài hát. Nguyên tắc giúp bạn không phải vào tù là “Có là có”, mà “Không là không”. Kể cả “im lặng” cũng không có nghĩa là “đồng ý”.

Sự đồng thuận là một bản hợp đồng không bị ràng buộc bởi thời gian và điều kiện. “Hôn” không có nghĩa là tiến tới “sex”. “Hôm nay” tiến tới sex không có nghĩa là “hôm sau” sự đồng thuận ấy vẫn còn giá trị. Thậm chí đang giữa cơn mây mưa, bạn tình yêu cầu dừng lại thì có nghĩa là sự đồng thuận ấy đến thời điểm này là phải chấm dứt.

***

HÃY TÔN TRỌNG THANH NHÃ VÀ NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH

Hôm qua, khi page #hoandoigioitinh đăng bài phê phán về sự việc này, báo Dân Trí cũng lên bài tiếp lời. Chủ tài khoản cá nhân cũng đã rất văn minh khi xin lỗi, rút kinh nghiệm và xóa post.

Tuy nhiên, trang facebook với 40k tương tác thì vẫn chưa có động thái. Lý tưởng nhất là post này bị xóa và admin có lời xin lỗi. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, chúng ta có thể hy vọng rằng vài năm nữa, hàng nghìn comment trong cái post 40k tương tác ấy sẽ tồn tại trên cõi mạng này như một phòng triển lãm của một quá khứ ngốc nghếch và thiển cận. Những người đàn ông comment rồi đến một ngày có thể đọc lại và phát hiện ra tại sao mình lại từng ấu trĩ và kém duyên đến thế.

Lúc ấy, biết đâu họ sẽ len lén xóa đi, vì sợ đám cháu chắt hay con dế lương tâm trong mình bất ngờ đọc được?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây