Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Đứng đúng chỗ của mình

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện) 06/03/2020 09:10

Đỗ Phấn là trường hợp thú vị khi thành danh với hội họa rồi ngoặt rẽ vào văn chương và để lại dấu ấn với gần 30 đầu sách xoáy sâu vào đề tài Hà Nội. Nhưng trò chuyện với Đỗ Phấn còn nhận ra một điều, ông không ngại đề cập đến những câu chuyện của đời sống xã hội mà lâu nay, nhiều văn nghệ sĩ có ý né, tránh.

Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Đứng đúng chỗ của mình

Điểm yếu chết người của các nhà văn

Phóng viên: Hôm 17/2 vừa rồi, nhân kỷ niệm 41 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, thấy ông có đưa một tấm ảnh với dòng chữ ngắn ngủi “40 năm rồi…”. Trong những năm tháng đó, ông là lính của sư đoàn nào? Ông có thể kể về những năm tháng đó?

Họa sĩ-nhà văn Đỗ Phấn: Một người lính nghĩa vụ ngắn hạn chắc không có nhiều chuyện để kể. Tôi nhập ngũ một năm sau lệnh tổng động viên 1979. Lứa chúng tôi lúc ấy đã lớn tuổi, phần lớn đã tốt nghiệp đại học, đang công tác ở nhiều cơ quan Hà Nội. Tôi và 5 anh bạn dạy cùng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhập ngũ đợt này.

Ban đầu chúng tôi được giao cho tiểu đoàn huấn luyện nằm mãi trong khe núi đá xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Đó là Tiểu đoàn 28, Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10-Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Gọi là huấn luyện nhưng phần lớn thời gian được cử vào rừng chặt nứa. Chẳng hiểu sao lúc ấy bộ đội lại cần nhiều nứa đến như vậy.

Sau này tôi được điều chuyển lên Quân đoàn bộ, đóng ở huyện Phú Bình-Thái Nguyên, sung vào quân số Phòng truyền thống của quân đoàn. Phòng này có hai nhiệm vụ. Một là viết nốt cuốn sử Binh đoàn Tây Nguyên do các ông Trần Hồng, Đinh Văn Ngãi, Khuất Quang Thụy… đang viết dở dang. Hai là thiết kế xây dựng Nhà truyền thống Quân đoàn 3. Tôi ở đây cho đến ngày ra quân. Tất nhiên lúc ấy công trình Nhà truyền thống mới bắt đầu bước vào công tác chuẩn bị mặt bằng. Tôi cũng chưa một lần nào được quay lại để xem hình thù công trình của mình nó ra sao. Giống như rất nhiều những người lính khác không được nhìn thấy kết quả của trận đánh hay công việc của mình trong quân ngũ.

Như vậy là ông cũng đã được làm nghề ngay trong những ngày trong quân ngũ. Với Đỗ Phấn, chiến trường khi đó có phải là “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”?

- Thực ra gọi là đóng quân ở rừng núi phía Bắc nhưng đơn vị chúng tôi nằm ở tuyến 2. Đó là đơn vị chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng. Khi mà đã phải dùng đến đơn vị tôi cho chiến trường thì chắc hẳn sẽ là rất ác liệt. Trong các mũi tấn công vào Sài Gòn hay Phnompenh luôn có mặt bộ đội Quân đoàn 3. Ở tuyến 2 nhưng phải xác định tư tưởng bất cứ lúc nào cũng có thể ra trận. Cho nên hành trang lúc nào cũng sẵn sàng. Có lệnh là lập tức lên đường. Không một ai có ý nghĩ thoái lui.

Hơn bốn thập niên đã trôi qua, đến nay, nhiều người lính trong những năm tháng đó đã trở thành nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ. Bạn viết của ông nhiều người đã viết sách, viết truyện về cuộc chiến này. Những trang viết đó, theo ông, đã phản ánh được bao nhiêu phần của cuộc chiến? Ông ấn tượng với cuốn nào?

- Không thể đọc hết nhưng phần lớn sách của bạn bè tôi đều đọc qua. Tất nhiên bây giờ mà nói ấn tượng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì có vẻ đã hơi cũ. Và cũng hơi thừa. Nhưng sự thật là như vậy. Cũng tất nhiên những bài thơ của Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy… đều đã gây cho thế hệ chúng tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh tàn khốc và chiến thắng vẻ vang ấy nếu chỉ nhìn từ một phía những người thắng cuộc là chưa đủ. Tôi vẫn muốn các nhà văn có cái nhìn bao quát hơn. Về số phận của một dân tộc chẳng hạn. Đó hình như là cách lí giải đầy đủ nhất cho mọi xung đột trên đời. Và tôi tin những thế hệ tiếp sau sẽ làm được việc này.

Gần đây cũng có thêm nhiều tác giả viết, và những cuốn như “Xác phàm” (Nguyễn Đình Tú), “Chuyện lính Tây Nam” (Trung Sỹ), “Mùa linh cảm”, “Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn)… góp thêm những góc nhìn mới mẻ. Việc đi sâu và có ý nhìn lại ấy, theo ông, liệu có trở thành một một xu hướng đáng khích lệ của văn chương?

- Không. Ít nhất là với tôi. Có thể kể thêm “Lính Hà” của Nguyễn Ngọc Tiến. Đây là cuốn sách tôi đã đọc kĩ từ khi còn là bản thảo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đưa cho. Đó gần như là những ghi chép trung thực của người trong cuộc trừ cuốn “Xác phàm”. Ghi chép là việc cần thiết đối với mọi nhà văn nhưng lại là yếu điểm chết người. Tôi vẫn không coi “phi hư cấu” là văn học. Có thể quan niệm của tôi khá cứng nhắc nhưng sự thực là người viết ở ta đã có quá nhiều năm lặn lội trong thể loại này. Cũng chính các ông từng lên tiếng đòi hỏi một môi trường viết tự do sáng tạo hơn. Nhưng hơi buồn cười là ở chỗ khi được tự do sáng tạo thì các ông lại quay về với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũ rích. Nếu như cách tư duy ngay từ ban đầu về những giai đoạn lịch sử như hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam khác đi thì chúng ta đã có những tác phẩm đặc sắc. Thí dụ như “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Xu hướng kể lể những việc từng trải hình như đóng góp thêm cho văn học chỉ duy nhất về phần tư liệu mà thôi.

Ngay cả Nobel cũng chưa hẳn là gương mặt văn chương đương đại

Ông vừa nhắc đến cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh mới công bố một vài chương trong cuốn tiểu thuyết mới có tên tạm đặt là “Đường về” trên chuyên đề “Viết & đọc”, hẳn ông đã đọc và có nhận xét gì về sự trở lại này?

- Vâng, tất nhiên tôi có đọc. Và cũng hiểu vì sao bạn mình vật lộn khốn khổ với cuốn sách này gần 30 năm rồi. Đó sẽ là cuốn sách nhìn về cuộc chiến tranh một cách khác thường và tôi hi vọng nó sẽ cho chúng ta có cái nhìn chu đáo hơn về cuộc chiến. Đây không phải là cuộc trở lại của Bảo Ninh mà chính là những bước tiếp theo của “Nỗi buồn chiến tranh”. Tất nhiên những bước tiếp theo này gian nan hơn rất nhiều nhưng tôi tin là anh sẽ làm được.

Dưới góc nhìn của họa sĩ Đỗ Phấn, thì con người Bảo Ninh có một phác họa thế nào?

- Tôi chỉ mới quen Bảo Ninh từ khi anh cho in cuốn “Thân phận của tình yêu” vào năm 1990. Trước đấy vào năm 1967-1968 cả hai cùng học trường phổ thông Yên Hòa mà không hề biết nhau. Lần đầu tiên được làm quen với nhà văn nổi tiếng thật kì lạ. Lão xuề xòa đến mức hơi luộm thuộm ở tuổi mới ngoài 30. Nhưng như thế đâm ra dễ gần. Một hôm tôi đánh bạo rủ lão ấy đi massage. Lão cũng gật gù tán thưởng. Hai thằng lóc cóc đạp xe từ dưới phố lên khách sạn La Thành. Lúc ấy đó là điểm massage duy nhất trong thành phố. Khỏi phải nói anh lính Bảo Ninh ngượng ngùng bẽn lẽn như thế nào khi lần đầu tiên trong đời có người đấm bóp cho mình toàn thân như thế. Thậm chí lão ta thỉnh thoảng còn nhích người ra xa khỏi cô nhân viên. Thoắt cái đã 30 năm trôi qua.

Văn chương Việt vừa rồi có vẻ được mùa, bằng chứng là nhiều cuốn được trao giải cao nhất trong các cuộc thi, các kỳ xét chọn. Hỏi thật, ông có còn tin vào các tác phẩm được trao giải thưởng văn chương?

- Tôi thì lại thấy văn chương mấy năm vừa rồi hình như mất mùa. Những cuốn sách được trao giải không còn làm tôi hứng thú tìm đọc nữa. Nó chỉ như là một tổng kết năm sơ sài mà hội đoàn nào cũng phải làm khi năm hết. Bản chất của giải thưởng thường niên ở tất các chuyên ngành văn học nghệ thuật là thế. Trong một năm hoạt động sẽ rất khó để chọn ra những tác phẩm hoàn chỉnh.

Ngay cả giải Nobel văn học?

- Giải Nobel cũng vậy thôi. Thay vì trao nó ở Hội Nhà văn Việt Nam thì trao ở Viện Hàn lâm Stockholm cũng thế. Giải thưởng thường niên nào thì cũng chỉ là thiên kiến của một hội đồng trong năm mà thôi. Nó chẳng bao giờ là gương mặt của văn nghệ đương đại. Thế cho nên mới có một anh nhà thơ Việt Nam vui tính đã gửi các tác phẩm của mình sang Stockholm tham dự giải. Ai chẳng có quyền hi vọng. Tôi cũng hi vọng ai đó Việt Nam một ngày nào đó sẽ đoạt giải Nobel.

Sự mất thiêng của những giải thưởng văn chương là do đâu, thưa ông?

- Ở cả hai phía. Người sáng tạo và Hội đồng thẩm định. Người sáng tác biết rõ nhất đứa con đẻ của mình ở tầm mức nào mới là người cầm bút lương thiện. Người sáng tác còn quá chăm chút đến chuyện giải thưởng thì không thể tránh đưa ngòi bút của mình theo các trào lưu đã từng đoạt giải. Đấy là còn chưa kể đến việc nhiều người cầm bút còn chăm sóc tác phẩm của mình ở cả bên ngoài hành lang Hội đồng thẩm định.

Hội đồng thẩm định còn nhiều chuyện phức tạp hơn thế. Từ khả năng chuyên môn cho đến cập nhật đời sống văn học đương đại. Từ tư cách chính trực cho đến tình cảm riêng tây dành cho các tác giả mà mình tâm đắc. Lại còn phải vừa phát hiện ra những yếu tố đặc sắc của từng tác phẩm cùng lúc gắn nó với tiêu chí chung. Và hơn hết, các hội đồng ấy cũng hoạt động theo nhiệm kì cho nên tính nhất quán trong đánh giá là không liền mạch.

Tuy nhiên, giải thưởng là cần thiết. Động viên kịp thời là vận hành tất yếu của mọi hoạt động xã hội chứ không riêng gì văn học nghệ thuật. Nhưng đôi khi cũng tai hại cho chính tác giả. Người thì không vượt ra nổi khỏi cái bóng giải thưởng của mình. Người lại tự đắc nhân bản chính mình thành ra chuỗi tác phẩm chỉ có ý nghĩa về mặt số đếm.

Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Đứng đúng chỗ của mình - 1

Phố Đồng Xuân (sơn dầu, 2019) của họa sĩ Đỗ Phấn.

Phê bình - đọc nhiều nhưng hiểu ít

Đỗ Phấn được coi là một trường hợp thú vị, khi ông thành danh ở hội họa rồi mới ngoặt vào văn chương. Chính ông, trong những cuộc chuyện trò bên bàn nhậu hay công nhiên giữa giới truyền thông, vẫn tự nhận là người “tay ngang”, là người “không được học hành cẩn thận”, thậm chí “vô sư vô sách”. Ông có vẻ đề cao chuyện nhà văn cũng phải được học hành?

- Đúng thế. Bây giờ tôi vẫn luôn đề cao những người học hành chẳng cứ gì nghề viết. Rõ ràng được học hành là bớt đi được khá nhiều thời gian mày mò tự học. Có khi người thày chỉ nói với mình một câu thôi thì giá trị của nó bằng cả một năm đọc sách. Chính vì tay ngang tự học cho nên đến năm 50 tuổi tôi mới in cuốn sách đầu tiên. Và đầy mặc cảm bất thành. Nhưng tôi cũng có cái may mắn là được sinh ra trong một gia đình nhiều đời chữ nghĩa nên việc tiếp cận với văn chương không có khó khăn gì lớn lắm. Hơn thế, bạn của bố tôi là những bác Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tô Hoài, Trần Lê Văn… thỉnh thoảng qua nhà chơi nên tôi cũng nghe lỏm được khối chuyện.

Sách vở bây giờ ra nhiều, nhưng hình như những tiếng nói phê bình nghiêm cẩn thì cực kỳ ít. Theo ông, điều này có phải do ngày càng ít người theo học ngành phê bình, hay ở cái xứ mình, người ta ngại va chạm?

- Tôi thiên về ý kiến cho rằng học hành chưa đủ. Kể cả số ít người học chuyên về phê bình cũng là chưa đủ.

Tôi không nghĩ các nhà phê bình xứ ta ngại va chạm. Chẳng qua là chỉ tìm không ra lí do để va chạm mà thôi. Đó là hệ quả tất yếu của việc đọc nhiều nhưng hiểu ít. Tất nhiên không loại trừ nguyên nhân nể nang thân thích.

Tức là, trong văn chương nghệ thuật cũng đang có những “lợi ích nhóm”?

- Nói thế có thể hơi phũ phàng nhưng sự thực là như vậy. Chẳng cứ văn chương mà mọi thứ trên đời đều có màu sắc của lợi ích nhóm. Nhẹ nhất thì là vỗ về ru ngủ nhau cho đẹp mâm thù tạc. Nặng hơn là chia chác thành quả.

Không thừa nhận tác phẩm của nhau có khi còn tốt hơn là thừa nhận vì một lợi ích hay danh vọng nào đó

Khi họa sĩ Đỗ Phấn bước vào văn chương, ông được “đón tiếp” thế nào? Có chút khó khăn nào không để khẳng định một chỗ đứng cho riêng mình? Tôi cũng tò mò muốn biết thái độ của nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn như thế nào trước giới phê bình về tác phẩm của mình trước đây, và sự gần như là im lặng bây giờ?

- Tôi viết văn với mục đích rất đơn giản. Thư giãn. Tôi đoán rằng độc giả cũng đón tiếp tôi với thái độ thư giãn như vậy. Vì thế cho nên tôi còn chẳng có khái niệm về một chỗ đứng trong văn đàn. Có nhất thiết phải có chỗ đứng trong văn đàn hay không? Tôi cho rằng không cần thiết. Mình vui nhất là khi đứng đúng chỗ của mình. Tôi còn không phải là hội viên của bất cứ hội văn học nào cả.

Giới phê bình gần đây hình như không hẳn là im lặng. Tuy nhiên, việc phê bình cụ thể vào tác phẩm thì hơi ít. Có thể sự ưu ái quan tâm của xã hội với họ là chưa đủ. Nhưng quan trọng nhất là nhiệt huyết có phần suy giảm. Và không thể không nhắc tới việc kiến thức về đời sống của họ còn thiếu hụt khá nhiều. Tôi nhớ gần chục năm trước có nhà phê bình tên tuổi hẳn hoi viết bài về cuốn tiểu thuyết “Chảy qua bóng tối” của tôi. Có những đoạn anh nhận xét khá tinh tế đáng kính trọng. Nhưng có những chi tiết đại khái như anh khẳng định Hà Nội những năm đầu thập niên 60 làm gì có chuyện buôn ma túy thì lại là một thiếu hụt rất lớn về vốn sống. Dĩ nhiên tôi chẳng tranh biện với anh làm gì. Nhưng đã có những người khác phản biện lại ý kiến của anh. Và anh im lặng. Tôi không nghĩ chỉ mình anh im lặng. Hiện trạng phê bình văn học ở ta bây giờ có thể nói là im ắng một cách đáng ngờ. Phê bình hàn lâm tuyệt đối không thấy những công trình đào sâu vào từng tác phẩm. Chỉ thấy những bài có tính chất thống kê giai đoạn. Phê bình thù tạc thì trên facebook ngày nào cũng có. Nhưng ai cũng biết đó là những bài phê bình kém tin cậy nhất.

Chúng ta vừa nhắc tới lợi ích nhóm, nhóm lợi ích kể cả trong đời sống văn nghệ. Trong góc nhìn của ông, điều đó ảnh hưởng như thế nào tới nền văn học, mĩ thuật ?

- Thực ra thì điều đó không có ảnh hưởng gì nhiều đến văn học. Danh và lợi là hai thứ hiếm hoi trong lĩnh vực văn chương. Nếu vì nó mà một nhóm có lợi thì cái ấy cũng là rất nhỏ. Chỉ so sánh riêng với giới mĩ thuật thôi chẳng hạn. Anh mày mò cả năm trời viết ra một cuốn tiểu thuyết. Nếu in 2.000 bản thì mới được nhuận bút vào khoảng hơn hai chục triệu. Đó là số tiền mà họa sĩ thu được khi chỉ bán một bức tranh nhỏ vẽ trong vòng một ngày mà thôi. Và cái danh mà anh thu được cũng chẳng lớn lao gì. Tất nhiên trừ những trường hợp đặc biệt như nhà văn Bảo Ninh.

Vậy theo ông, có hay không sự tác động của những nhóm lợi ích đó đối với sự ứng xử của giới văn nghệ với nhau? Khiến người ta ít thừa nhận tài năng của người khác, ít thừa nhận tác phẩm của người khác?

- Chuyện này thì có. Nhưng không thừa nhận tác phẩm của nhau có khi còn tốt hơn là thừa nhận vì một lợi ích hay danh vọng nào đó. Tôi còn nhớ cách đây chưa lâu có một nhà thơ đứng ra tổ chức hẳn một hội thảo về tập thơ của mình. Hẳn là bạn ấy phải được những người có trách nhiệm ủng hộ nhiệt tình mới có được cuộc hội thảo đó. Thế nhưng kết quả lại không giống như mong muốn. Bình thường ra người ta chỉ biết là anh ấy không làm thơ thôi. Sau hội thảo thì ai cũng biết anh là một thằng làm thơ rất vớ vẩn.

Chuyện khác ở bên ngành mĩ thuật của tôi. Cũng đã có không ít những người có trách nhiệm xuất hiện ở một vài sàn đấu giá hay triển lãm tranh tượng. Bình thường ra thì là tình đồng nghiệp với nhau. Thế nhưng chẳng cần tinh ý lắm thì ai cũng biết sự có mặt của họ như một bảo chứng ngầm cho các tác phẩm ở đấy. Và trong số ấy cũng không thiếu những tác phẩm giả mạo. Tất nhiên những “nhà sưu tập” mua tranh bằng tai thì cũng rất xứng đáng sở hữu những tác phẩm giả mạo.

Ở Việt Nam không có họa sĩ hạng hai

Khi đã song hành cả hội họa với văn chương, thật lòng mà nói, ông thấy cách ứng xử của giới mĩ thuật và giới văn chương có điểm gì tương đồng lẫn khác biệt trước một tài năng, một tác phẩm tốt?

- Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều với giới văn chương. Chỉ là cảm giác thôi thì thấy rằng dân mĩ thuật có vẻ kính trọng nhau hơn dù thứ bậc trong nghề không phải là quá khó để phân định. Rất khó để một ông nhà văn hạng nhất giao du với những ông hạng lèm nhèm. Đám họa sĩ bình đẳng hơn. Tôi đã có lần được một bạn nước ngoài hỏi rằng “Mĩ thuật Việt Nam thì ai là hạng nhất”. Tôi trả lời rằng “Ở Việt Nam không có họa sĩ hạng hai”. Giới văn chương thì khó lòng ứng xử với nhau như thế được.

Thế nhưng điểm tuyệt đối giống nhau của văn nghệ nói chung là xuề xòa, dễ dãi. Khen chê nhau theo kiểu “Tranh của anh đủ để thích mà cũng đủ để chán” là một biểu hiện đỉnh cao của thái độ này.

Còn cái mệt nhất là…?

- Cái mệt nhất của văn chương đương nhiên là chuyện áo cơm của số đông. Vài người được coi là hiện tượng bestseller cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống mà thôi. Mức độ tiêu pha năng lượng của nhà văn có thể nhỏ hơn họa sĩ nhưng trí lực bỏ ra có khi gấp nhiều lần.

Ông bình luận thế nào trước hiện tượng gần đây nhiều nhà văn, nhà thơ thì vẽ, còn họa sĩ thì viết?

- Thực ra cùng là văn học nghệ thuật thì khoảng cách giữa các lối sáng tạo là không nhiều. Nhà văn vẽ hay họa sĩ viết hoàn toàn theo sở thích của họ là điều rất đáng mừng. Chỉ hơi băn khoăn một chút là tính mục đích của những công việc tay trái ấy mà thôi. Chính trực hay vụ lợi cũng là.

Thế còn quan niệm của ông về văn chương và hội họa? Về một tác phẩm hay, ở cả hai lĩnh vực này?

- Với riêng tôi thì cả văn chương và hội họa đều quan trọng và bổ sung cho nhau rất nhiều. Người ta thường nói hội họa bắt đầu khi ngôn ngữ kết thúc. Với tôi có vẻ như đang có tiến trình ngược lại. Hội họa nhiều khi là nguyên cớ để tôi cầm bút viết. Tôi bắt đầu cái viết của mình bằng hình ảnh là như thế.

Bây giờ có vẻ ông dành thời gian cho hội họa ít hơn?Ông thường vẽ khi nào? Có khi nào ông vẽ để chiều theo thị hiếu không?

- Không hề. Thời gian biểu của tôi vẫn dành những khoảng lớn cho việc vẽ. Đó là lúc ánh sáng ban ngày tốt nhất. Nhưng vẽ thì tiêu hao năng lượng nên cũng không thể làm suốt ngày được. Những lúc nghỉ ngơi thì tôi ngồi vào bàn phím. Thói quen này thực ra tôi mới rèn luyện được hơn chục năm nay. Thấy nó cũng phù hợp với sức khỏe và chẳng tốn kém gì nên có thể duy trì được lâu.

Chẳng cứ tôi mà bất kì ai theo nghiệp vẽ cũng đều có lúc phải chiều theo ý người khác. Ít nhất thì vài người nhờ vẽ chân dung thân nhân họ hoặc chính họ theo thẩm mĩ của họ. Nhiều hơn có thể là đặt hàng vẽ theo ảnh. Nếu rảnh rỗi khỏe khoắn thì tôi cũng không từ chối. Nhưng phần lớn là từ chối bởi vì dù đã chiều theo ý thích của họ rồi thì cái lối vẽ của tôi vẫn là xô lệch khoét sâu vào những đặc điểm mà họ không mong muốn.

Trân trọng cảm ơn nhà văn Đỗ Phấn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Đứng đúng chỗ của mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO