Nông Thôn Ngày Nay
14-7-09

 

HOÀI THANH- MỘT TÂM HỒN ĐẦY KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI

CHÂN-THIỆN-MỸ

 

Phỏng vấn nhà văn Từ Sơn

 

-   Theo nghiệp cầm bút, ông học tập được ở cha mình điều gì?

Trước lúc đi xa không bao lâu, cha tôi thường nói với các con: “Cha không có của cải vật chất gì dáng kể để lại cho các con. Điều cha để lại cho các con là lòng trung thực. Trung thực trong lối sống, trong công việc, trong ứng xử với cuộc đời và với mọi người. Phải trung thực với chính mình lúc thấy mình đúng và cả lúc nhận ra mình chưa đúng. Đừng bao giờ vờ đúng hoặc vờ nhận mình là chưa đúng hoặc là sai. Đấy là bài học lớn nhất tôi tíếp nhận được từ cha tôi. Cả cuộc đời của ông, ông luôn luôn thành thực: thành thực từ lối sống và hết sức thành thực trên những trang viết là điều ai cũng nhận thấy rất rõ ở ông. Ông thường tự hào:” tâm hồn của cha trong như ánh sáng, như pha lê, trong suốt, không có chỗ cho bất kỳ sự giả dối nào dù là nhỏ nhất”..

      Bài học thứ hai mà tôi tíếp nhận được ở cách sống và cách làm việc của ông là:  say mê với công việc, lao động cật lực, có trách nhiệm  và luôn sáng tạo trong công việc nhất là trong lao động viết văn.Từ 4 tuổi, cha tôi đã phải lao động trên vườn ruộng của gia đình. Từ bậc tiểu học cho đến hết trung học cha tôi vừa đi học, vừa làm gia sư để có tiền đi học và phụ giúp nuôi gia đình. Trong một lá thư viết cho tôi, ông có cho biết:”Có thể nói cuộc đời cha là một cỗ máy làm việc không ngừng nghỉ. Cha ngủ ít, ăn ít, làm việc cật lực, ít khi được nghỉ ngơi...” Thật vậy, cứ thử nhìn lại trong hơn 1 năm, từ 4-1935 đến tháng 6-1936 ông vừa làm thợ chữa mo-rat ở Huế, vừa giữ 2 mục thường xuyên trên báo “Tràng An”( ra 2 kỳ/tuần)cùng với 2 mục trên tờ “La Gazette de Hué” và thường xuyên viết các bài chuyên luận bằng tíếng Việt,  tiếng Pháp cho 2 tờ báo ấy quả là phải có sức làm việc ghê gớm mới làm được. Và ông đã làm rất tốt. Cho đến nay, hơn 70 năm đã trôi qua mà những bài viết của ông thời ấy vẫn nóng hổi những vấn đề về nhân sinh và xã hội  ai đọc cũng phải ngạc nhiên về bút lực của ông thời ông mới 26, 27 tuổi.

       Bài học thứ ba mà chúng tôi học được ở cha chúng tôi là đạo đức trong sáng, nếp sống giản dị, giàu lòng nhân ái với mọi người và nìềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống thể hiện trong nghị lực phi thường của ông để vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để đem sức lực và trí tuệ đóng góp có ích cho đời, cho cuộc sống mà ông luôn khát khao: phải cố gắng vươn tới Chân, Thiện Mỹ.

-        Trong gia đình, ông có điều kiện gần gũi và chắc rằng sẽ hiểu cha mình hơn cả. Xin ông chia sẻ một chút về đời sống thường ngày của cụ những năm tháng ấy: sinh hoạt, viết lách, công tác, những thú vui nhỏ bé, niềm vui dành cho gia đình v.v?

        Cha tôi sống rất giản dị: ăn uống thế nào cũng được, ở thế nào cũng xong không bao giờ đòi hỏi gì nhiều. Thú vui lớn nhất của ông là đi tìm cái hay, cái đẹp của văn chương - đặc biệt là thơ. Thơ của bất kỳ ai từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây. Ông yêu nhất là tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Niềm say mê “Thơ mới” đã kết tinh lại trong tác phẩm để đời của ông: “Thi nhân Việt Nam”(với sự hợp tác về tư liệu và tổ chức xuất bản, phát hành của chú tôi là Hoài Chân). Ông rất thích hút thuốc lào, thích ăn những món ăn dân dã như cà muối, bánh cuốn, bánh đúc v.v. Ông chỉ bỏ được thuốc lào sau khi mẹ tôi mất (1964). Ông bỏ thuốc là cố làm theo nguyện vọng của mẹ tôi. Mẹ tôi lo cho sức khoẻ của ông. Ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho vợ và các con qua sự chăm sóc, qua những lúc ông tạm thời rảnh rỗi với công việc viết lách và dạy học. Dạy các con, ông thường rất kiệm lời, không bao giờ “thuyết giáo” mà chỉ dùng lối sống có tính mẫu mực để làm gương cho các con.

-        Những niềm vui lớn nhất của cụ Hoài Thanh như ông được biết?

Ông thường bày tỏ với các con và với mọi người: công việc yêu thích nhất của ông là dạy học và bình tho. Bình thơ hay . Cố nhiên. Ông có niềm đam mê bất tận với vẻ đẹp tâm hồn con người thể hiện qua các vần thơ, qua các câu ca dao, qua các bài hát, bản nhạc đậm đà, ý vị và  thấm đẫm tình nguời.

-        Có những nỗi khổ tâm, những day dứt hay trăn trở nào của cụ Hoài Thanh trong những năm tháng sau này mà ông cảm nhận được?

Như bạn đã biết, ông không vui khi người ta “nói oan và nói ác” cho ông là “Vị nghệ thuật một nửa đời i- Nửa đời còn lại, vị người cấp trên”. Tuy buồn vì bị vu oan nhưng ông không nản. Ông vẫn tiếp tục bình thơ hay của bất kỳ ai dù họ ở cuơng vị xã hội nào. Mục tiêu bình thơ, nói chuyện thơ của ông không bao giờ nhằm vào việc “tâng bốc” hoặc đề cao nhà thơ này nọ để vụ lợi. Thực tế hoạt động văn học của ông đã sáng tỏ mục tiêu ông mong muốn là: đem lại cho người nghe, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp, cái hay trong tâm hồn con người bộc lộ qua những bài, những câu thơ hay từ xa xưa cho tới thời ông sống. Theo ông nếu cảm nhận được cái đẹp, cái hay của thơ văn, con ngưới sẽ được nâng cao tâm hồn, nâng cao đời sống tinh thần, giúp con người vươn tới cuộc sống thật hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Ngoài ra, không có mục đích nào khác.

-        Có lúc nhà phê bình Hoài Thanh tự phê phán khá gay gắt thời kỳ “Thi nhân Việt Nam” của mình. Nhưng thời gian càng chứng minh rằng ông luôn dành cho tác phẩm đó, giai đoạn đó những tình cảm và mục đích hết sức trong sáng. Cũng như đây mới là tác phẩm quan trọng nhất của Hoài Thanh (và Hoài Chân). Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã nói rõ điều này trong “Lời cuối sách” tôi viết nhân dịp năm 1988- lúc Đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới- khi cho in lại nguyên văn tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”.Trong dịp kỷ niệm 90 năm sinh (1999) và vừa rồi Hội nhà văn đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh Hoài Thanh đã có nhiều bài viết, nhiều bản tham luận của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu có uy tín đã nói đầy đủ về cách nhìn bị giới hạn của Hoài Thanh và nhiều văn nghệ sĩ khác do những rào cản của thời đại lúc bấy giờ nên  không chỉ Hoài Thanh mà còn nhiều nhà văn nhà thơ đã tự phê phán quá nghiêm khắc, có cả cách nhìn cực đoan về những đứa con tinh thần khôi ngô tuấn tú của mình. Lịch sử rất công bằng: hôm nay mọi giá trị đích thực của văn học nghệ thuật thời trước Cách mạng tháng Tám đã được trả lại vẹn nguyên giá trị và chỗ đứng xứng với tầm vóc cao sang của nó trong kho tàng văn học dân tộc thế kỷ thứ hai muơi.

-        Thời gian đang lùi dần để có thêm những cái nhìn mới và chân xác hơn về cuộc tranh luận văn chương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Với tư cách một nhà văn, ông có suy nghĩ gì về những quan điểm này, cũng như ý kiến riêng của ông?

     Có lẽ tôi không phải nói gì nhiều về vấn đề này. Các bạn  và người đọc có thể tìm đọc các tư liệu và các công trình nghiên cứu mới đây về vụ việc này sẽ hiểu rõ hơn  rằng: Hoài Thanh là một người trong đời hoạt động văn học, báo chí của mình luôn gắn liền Văn với Đời; bằng ngòi bút của mình, Hoài Thanh  luôn vì CON NGƯỜI , vì khát vọng hướng mọi người  vươn tới  Chân-Thiện-Mỹ. Đó là sự thật có đầy đủ tư liệu để minh chứng sự thật đó. Cuốn “Hoài Thanh trên báo Tràng An- Huế 1935-1936” do tôi sưu tầm, khảo luận  tập họp hơn 100 bài viết của Hoài Thanh thời tranh luận”nghệ thuật vị..” đã chứng minh đầy thuyết phục rằng Hoài Thanh luôn “vị nhân sinh” bằng ngòi bút, bằng hành động chứ không bằng một mớ lý thuyết khô khan nhặt từ trong sách vở nào đó ở nước ngoài  xa lạ với đời sống tinh thần của người Việt Nam  đương thời. Nhiều tác giả hôm nay đã “minh oan” cho ông, xác nhận ông là “nguời mở đầu cho lý luận văn học Việt Nam hiện đại” (xem bài tham luận của gs Trần Đình Sử, của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên v.v..), là người nắm đúng bản chất của văn học nghệ thuật, là người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi với những thế lực chà đạp lên giá trị và nhân phẩm của con người, nhất là đối với những “con người nhỏ bé’ trong xã hội hồi 1935-1936 v.v...

-  Ông có thể kẻ lại một trong những kỷ niệm cuối cùng với người cha - nhà phê bình văn học Hoài Thanh?

Sau mấy tháng nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện Việt-Xô dù thể trạng rất yếu nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời. Khi tổ chức định mời ông về trụ sở Hội LHVHNT để nhận Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng, ông một mực chối từ. Tưởng ông không đủ sức khoẻ đi nhận, đại diện cơ quan nói sẽ tổ chức lễ trao tặng ngay tại giường bệnh cho ông. Ông cười vui và hóm hỉnh nói:”Tôi không muốn nhận Huân chương là vì thấy nhiều người xứng đáng hơn tôi chưa được nhận. Vả lại nếu tôi nhận thì vô tình tôi tự cho rằng mình sắp chết trong kkhi tôi nghĩ rằng mình chưa thể chết vì cuộc đời này quá đẹp, Chết bây giờ thì uổng lắm”.

     Vậy mà vài tuần sau đó ông dã vĩnh viễn ra đi theo quy luật của muôn đời. Ra đi một cách nhẹ nhàng và thanh thản sau khi nheo đôi mắt hóm hỉnh giã biệt các con thân yêu của mình.

Như thế đó: Hoài Thanh.

Xin cảm ơn nhà văn Từ Sơn!

 

Nguyễn Quang Hưng thực hiện