Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X: Chưa viết đã sợ bị… duyệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đặt câu hỏi “Vì sao chúng ta viết” làm khẩu hiệu xuyên suốt hai ngày hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) những mong đợi những câu trả lời về lương tri. Đổi lại những ý kiến phần nhiều vẫn chàng màng ở những vỉa ngoài của câu trả lời.

Nỗi lòng người trẻ

Cuộc hội ngộ của hơn 100 đại biểu viết văn trẻ khép lại bằng hai hội thảo chuyên môn của thơ và văn xuôi sáng 19/6. Ban chấp hành HNVVN chia đôi đại biểu theo chuyên ngành để họ dễ bề bày tỏ tâm tư, xoáy sâu hơn vào con đường viết văn nhọc nhằn. Không trình bày tham luận dài dòng, ban chủ tọa hai bên trao quyền phát biểu hoặc đặt câu hỏi cho các đại biểu trẻ.

Phát Dương (Cần Thơ) băn khoăn liệu có được tự do, dám viết những gì chúng ta muốn không hay còn sự ngần ngại trước những rào cản như giám khảo, truyền thông... Mạc Yên (Cần Thơ) mở đầu cuộc đối thoại trong phiên khai mạc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (sáng 18/6) bằng câu hỏi thẳng thắn về đổi mới phương pháp dạy và học văn, về đổi mới tư tưởng; nêu vấn đề có “cái biên” giữa các thể loại trong đó viễn tưởng, trinh thám, kỳ ảo với mong muốn bỏ “cái biên” để các thể loại ấy sớm được “tự do bay lên”.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X: Chưa viết đã sợ bị… duyệt ảnh 1

Nhiều cây viết trẻ chưa thoát khỏi nỗi lo quẩn quanh. Ảnh: KỲ SƠN

Xới lên vấn đề văn học mạng, Lê Ngọc (Ninh Bình) nêu thực tế văn học mạng không phải bây giờ mới nổi lên, từ chục năm trước đã đầy rẫy những tác phẩm kém chất lượng.

“Tôi dự khá nhiều hội thảo, nhưng dường như chúng ta chỉ quan tâm tác phẩm trên giấy, còn tác phẩm mạng thì buông trôi, thả nổi dẫn tới những lỗi sai về kiến thức, logic… Ngay cả phong trào cổ vũ văn hóa đọc, cũng chỉ phát triển đọc sách giấy. Bạn trẻ ngày nay đọc trên mạng rất nhiều. Trong tương lai, chúng ta nên quan tâm thế nào đến văn học mạng”, Lê Ngọc đặt vấn đề.

So với hội thảo văn xuôi, không khí bên hội thảo thơ vui và nhẹ nhõm hơn. Trước câu hỏi về vốn sống với người viết thơ, tác giả Lữ Hồng (Gia Lai), tác giả Lê Tuyết Lan (Bình Dương) đánh giá cao vai trò hiện thực cuộc sống hơn là cảm xúc. Tuyết Lan không ngại trải nghiệm nhiều công việc, nhiều cung bậc cảm từ dạy học, làm công nhân trong nhà máy để làm chất liệu cho trang viết.

Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích, vốn sống có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Bàn về vốn sống vẫn chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong đời sống văn chương. Trải nghiệm cuộc sống hằng ngày với những điều tưởng là bình thường nhưng nhìn ra được sự khác lạ cũng là thực tế. Vốn sống kiến thức nâng tầm văn hóa. Vốn sống thực tế để quyết định cá tính sáng tạo.

Cách nêu vấn đề của một số bạn trẻ khác về trại sáng tác, chương trình đào tạo viết văn, hỗ trợ chính sách đối với người viết văn hay làm thế nào để có trải nghiệm thực tế phục vụ cho sáng tạo… cho thấy dường như họ chưa thực sự muốn hay biết trả lời câu hỏi quan trọng nhất của người cầm bút-làm sao có được tác phẩm chất lượng.

Văn chương là hành trình cô độc, sự chỉ dạy uốn nắn nếu có của người đi trước cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Nói như nhà văn Kiều Bích Hậu, chị từng được nhiều nhà văn lớn chỉ bảo nhưng học thì hay lắm, đến khi viết thì quên sạch những lí thuyết ấy.

Nhà văn Khuất Quang Thụy được ban chủ tọa mời chia sẻ để các bạn trẻ vững tâm hơn. Ông tái khẳng định viết là hành trình tư tưởng. Thời cầm bút của thế hệ trước chưa biết xác định tư tưởng gì, đại diện phát ngôn gì và cho ai mà chỉ viết để ghi lại đời sống.

“Các bạn trẻ ngày nay có xuất phát điểm cao hơn chúng tôi, bởi còn trẻ nhưng đã đặt câu hỏi lớn. Chúng ta được tự do viết, nhưng phải nhớ tự do của mình không ảnh hưởng tới tự do của xã hội. Các bạn đừng tự kiểm duyệt mình, nếu ngồi trước trang viết mà hình dung thấy một ông biên tập hay một nhà chính trị thì không thể viết được đâu”, Khuất Quang Thụy nói.

Cứ viết thật hay đi

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X: Chưa viết đã sợ bị… duyệt ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên hai tác giả đặc biệt của hội nghị: Tác giả trẻ nhất Trần Phú Minh Anh và Vũ Nguyên - vượt lên trên cơ thể khiếm khuyết. Ảnh: KỲ SƠN

Đối thoại liền mạch suốt hơn ba giờ đồng hồ, nhưng ban chủ tọa văn xuôi chưa nhận được những câu hỏi và những câu trả lời đắt giá. Cuộc bàn thảo chuyên ngành lại thành một dịp để nghe những người thành danh vỗ về, khích lệ lớp kế cận. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa nghe các nhà thơ trẻ nói thì Nguyễn Bình Phương đóng vai trò lắng nghe ở bên văn xuôi. Anh đồng quan điểm với Khuất Quang Thụy, nghĩa là tự do viết đi đã, viết hết mình và viết thật hay.

“Những cuốn sách gai góc, tác giả gai góc đã xuất hiện. Việc công bố sách hiện nay không khó, gai góc như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… cũng đều in sách được nên chúng ta cứ viết, không có rào cản nào cả. Con đường văn học mênh mông, chúng ta cứ viết thật hay đi đã”, Phó Chủ tịch HNVVN nói.

Ngồi ghế chủ tọa ở hội thảo văn xuôi, Nguyễn Ngọc Tư nhận nhiều câu hỏi thậm chí có cả sự “đá xoáy” về sự thay đổi phong cách viết ở tiểu thuyết mới nhất Biên sử nước. Tránh chiếm diễn đàn quá nhiều, Ngọc Tư gắng kiệm lời nhất có thể. Về nỗi lo “chảy máu chất xám” khi có người in sách ở nước ngoài thay vì trong nước, chị bày tỏ nên mừng thay vì lo, bởi nghĩ rộng hơn đó là sự quảng bá văn học Việt Nam.

“Cuốn sách của mình khi xuất bản sẽ lang thang đến mọi nơi. Mình không quan tâm mọi người nói gì, kể cả chuyển thể kịch, điện ảnh, tôi cũng không đọc kịch bản. Việc của mình là viết thôi”, Nguyễn Ngọc Tư bộc bạch. Chị mong người cầm bút trẻ không nên ngại ngần hay quá để ý trước những phán xét của giám khảo các cuộc thi hoặc các thế hệ đi trước.

Đồng chủ tọa với Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Lê Vũ Trường Giang khuyên tác giả trẻ đừng tự đội vòng kim cô cho mình. Anh phân tích khi viết phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Với người trẻ, tư tưởng là quan trọng, điều đó không có nghĩa bắt buộc người viết phải đọc hết mọi luồng tư tưởng, không phải trở thành nô lệ của những lý thuyết.

“Người trẻ chưa có thời gian để trải nghiệm nhiều. Chúng ta hãy sống thật sâu, lắng nghe những bi kịch, những câu chuyện quanh ta. Văn học phải hòa trộn giữa hư cấu và phi hư cấu. Người viết nên thường xuyên trao đổi, quan sát, nuôi dưỡng cảm xúc chân thành bằng việc sống thực với đời sống này. Từ đó ta cảm nhận được vẻ đẹp của đời sống tâm hồn. Chúng ta đừng mặc chiếc áo quá rộng so với chính mình”.

Không định phát biểu nhưng Lê Quang Trạng được nhiều người khích lệ đã cất tiếng nói. Nhà văn trẻ được đánh giá là một trong những người viết trẻ nổi bật thẳng thắn: “Các bạn trẻ nói nhiều về rào cản, lớn nhất chính lại là rào cản tự mình đặt ra. Nếu không động chạm đến vấn đề làm mai một giá trị đời sống, tác phẩm của mình không đến nỗi bị kiểm duyệt ghê gớm đâu. Có những tác phẩm đến thời điểm nào đó thì sẽ được ra đời thôi. Vấn đề là chất lượng tác phẩm chứ không phải viết thế nào để được in. Sức viết, chất lượng tác phẩm không chết theo thời gian, mà điều khiến tác phẩm chết do mình tự kiểm duyệt”, anh nói.

Trao đổi ngoài lề với Tiền Phong, Lê Quang Trạng nhìn nhận có hiện tượng “tự ái của người viết”. Một số người viết trẻ chưa in được tác phẩm có thể vì chất lượng bản thảo hoặc vì một số lí do nào khác nhưng họ lại lí giải bằng cách gọi tên rào cản của kiểm duyệt.

Chủ tịch HNVVN Nguyễn Quang Thiều hơn một lần nhắn nhủ những người trẻ rằng họ là chủ nhân của nền văn học Việt Nam trong tương lai, mong chờ sự sáng tạo nghiêm cẩn.

“Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc”, ông Thiều nhấn mạnh.

Bên cạnh phiên khai mạc và cuộc đối thoại sáng 18/6 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hơn 100 tác giả trẻ có chuyến trải nghiệm thực tế ở cảng Chu Lai, tham quan khu công nghiệp của tập đoàn Thaco (Quảng Nam), thăm thầy trò ngôi trường Hy vọng ở Đà Nẵng (nuôi dạy các em mồ côi) để bồi đắp thêm chất liệu đời sống.

Điểm danh những cây viết trẻ dưới 35 tuổi

Nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành HNVVN nhìn lại lực lượng viết trẻ có tuổi đời từ 35 trở xuống, tác giả độ tuổi từ 20-30 chiếm đa số và đang viết đều, viết khỏe: Vũ Đức Anh, 28 tuổi đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú, 25 tuổi xuất bản 9 đầu sách; Phạm Minh Quân 28 tuổi, có 5 đầu sách dịch; Trác Diễm, 33 tuổi, đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang, 35 tuổi, đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút… Đặc biệt Nguyễn Bình, 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; Trang Nguyễn 21 tuổi viết tác phẩm Chang hoang dã-gấu được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Việt nhắc đến những cây bút trẻ tiêu biểu từng tham gia và trưởng thành từ những Hội nghị Viết văn trẻ lần trước nay trở thành hội viên của HNVVN. Tuổi đời dưới 35 nhưng họ có sức viết tốt, được khẳng định qua một số giải thưởng: Đinh Phương, 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đạt giải thưởng Tác giả trẻ HNVVN 2021, Lý Hữu Lương, 4 tập sách gồm thơ, trường ca, bút ký, đạt Giải thưởng Tác giả trẻ HNVVN 2021; Văn Thành Lê, 13 đầu sách; Lữ Thị Mai 33 tuổi, 10 đầu sách; Phan Đức Lộc, 26 tuổi, 6 đầu sách và đạt nhiều giải thưởng văn chương; Lê Quang Trạng, 25 tuổi, hội viên trẻ nhất của HNVVN, 4 tập thơ và truyện ngắn, đạt nhiều giải thưởng văn chương.

BẢO HÂN

MỚI - NÓNG