Hội nghị TƯ14: 'Nhất trí rất cao' về nhân sự Bộ Chính trị, chưa bàn 'trường hợp đặc biệt'

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 13

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 13

Sáng 18/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương đã họp phiên bế mạc. Vấn đề nhân sự cấp cao cho khóa 13 được dư luận quan tâm đặc biệt và cũng là nội dung hội nghị lần này.

Đảng Cộng sản thông báo Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn hai ngày so dự kiến".

Theo TTXVN, tại Hội nghị, Trung ương đã thảo luận "dân chủ, kỹ lưỡng", bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia hai cơ quan lãnh đạo này.

'Nhất trí cao'

Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định tại hội nghị Trung ương 15 sắp tới, TTXVN cho biết.

Trong khi đó, cũng trong thời điểm này, trên mạng chia sẻ một danh sách được cho là tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ tới. Theo danh sách này, ông Lê Minh Hưng, sinh năm 1970 - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, dẫn đầu danh sách với 150 phiếu ủng hộ, chiếm 87%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chỉ nhận được 96 phiếu, chiếm 56%.

BBC được cho biết danh sách này lộ ra này là khả tín, nó chỉ bao gồm các trường hợp ủy viên trung ương đảng được giới thiệu mới lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hội nghị 14 bỏ phiếu thăm dò.

Ngoài ra, Hội nghị 14 đã bỏ phiếu ra sao về các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm cũng như các thành viên Ban Bí thư hiện nay, thì chưa rõ cụ thể.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự "theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới".

Vào đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII gồm 19 ủy viên, đến nay còn 17 ủy viên. Trong đó, ông Trần Đại Quang đã qua đời khi còn là Chủ tịch nước (tháng 9/2018); ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 5/2017), hiện đang ở tù. Trong số 17 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, riêng ông Đinh Thế Huynh đã thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, nghỉ chữa bệnh (từ tháng 3/2018) và trên thực tế đã không còn hoạt động chính trị nữa.

Ngoài vấn đề nhân sự, vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng được đặc biệt coi trọng.

Phát biểu tại hội nghị 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: "Tình trạng tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và có thuyên giảm".

Ông cũng nêu rõ, "nhiều vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, nhiệm kỳ này đã đạt kết quả quan trọng".

Cũng tại hội nghị 14, Ban Chấp hành trung ương đã xem xét tờ trình của Bộ Chính trị và nhất trí cao quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 "do đã mắc phải những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng". Ngày 11.12 vừa qua, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Chung 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Hội nghị 14 'vẫn chưa bàn trường hợp đặc biệt'

BBC được biết rằng tại Hội nghị 14, rốt cuộc Trung ương Đảng vẫn chưa bàn về 'trường hợp đặc biệt' mà phải đợi sang hội nghị tiếp theo.

Hồi tháng 10, ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, cho báo chí biết tại hội nghị 13, có 119 người được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa tới, trong số này cũng có những người quá tuổi, nhưng Ban Chấp hành trung ương chưa xem xét, kết luận. Việc xem xét các trường hợp đặc biệt sẽ tiến hành ở Hội nghị T.Ư 14 và các hội nghị T.Ư tiếp theo.

Theo kết luận của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, độ tuổi tái cử ủy viên Ban Chấp hành T.Ư chính thức tới thời điểm Đại hội XIII năm 2021 là không quá 60 tuổi với ủy viên T.Ư và không quá 65 tuổi với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Độ tuổi tham gia T.Ư lần đầu là không quá 55.

Trước đó, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC, ông được biết trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận và các ý kiến về các phương án nhân sự cấp cao khác nhau. Do đó, ông cho rằng thông tin từ Hội nghị Trung ương này sẽ giúp "giải tỏa" thêm phần nào các câu hỏi đặt ra từ đó, đặc biệt liên quan các "trường hợp đặc biệt."

"Hiện còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong suốt thời gian vừa qua mà tôi được biết và rõ ràng nhất chúng ta biết là bây giờ sẽ có trường hợp đặc biệt. Nhưng theo tôi hiểu sẽ vẫn có nhiều phương án khác nhau và bây giờ câu hỏi quan trọng là xác định trước tiến có bao nhiêu trường hợp đặc biệt".

"Theo và về nguyên tắc, đáng lẽ ra trường hợp đặc biệt chỉ dành cho vị trí Tổng Bí thư như chúng ta đã thấy, như trong nhiệm kỳ Đại hội 12 vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng được xác định là trường hợp đặc biệt và không có trường hợp đặc biệt nào khác ngoài ông Trọng.

"Tuy nhiên, ở kỳ lần này lại có nhiều ý kiến khác nhau tại vì vị trí Tổng Bí thư được cho là dành cho ông Trần Quốc Vượng, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng có thể có những ứng cử viên khác mà có thể có sự cạnh tranh cho vị trí này.

Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được coi là trường hợp đặc biệt thứ ba (ảnh minh họa)

"Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay mới 66 tuổi và cũng mới nắm vị trí Thủ tướng một nhiệm kỳ, do đó ông cũng đủ điều kiện để xem xét là trường hợp đặc biệt, bởi vì ông vẫn còn sung sức và ông đã thể hiện khá tốt vừa rồi trong cương vị Thủ tướng ở nhiệm kỳ hiện nay.

"Bởi vì nếu nhiều trường hợp đặc biệt quá, bản thân trường hợp ấy sẽ không còn được gọi là "đặc biệt" nữa, do đó mà vẫn còn những tranh luận, những đề xuất khác nhau và chúng ta cũng cần xem xét xem kết quả cuối cùng như thế nào, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận.

Hiện nay, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhân sự cấp cao như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… đều đã quá tuổi tái cử vào Bộ Chính trị. Con đường duy nhất để những người này duy trì vị trí ở nhóm quyền lực cao nhất của đảng là cơ chế "trường hợp đặc biệt".