Hơn 40% trẻ em vùng khó khăn chưa được tới trường

(PLO)- Chất lượng giáo dục mầm non hiện chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là trẻ em tại vùng ĐBSCL, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Hội thảo phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030 và Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2011 - 2020, Giáo dục mầm non (GDMN) được xã hội đặc biệt quan tâm.

Giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế, khó khăn

Ngoài những kết quả đã đạt được, hiện nay GDMN vẫn còn nhiều hạn chế như: Mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ đến lớp, đặc biệt là những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu đô thị đông dân cư.

Tỉ lệ trẻ nhà trẻ đi học còn thấp (28,2%), mẫu giáo đạt 92,4%. Cả nước còn 8% trẻ em mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục. Nhiều trẻ em tiếp cận với GDMN muộn so với độ tuổi, nhất là trẻ em ở các vùng khó khăn.

Đối với vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn 81% trẻ nhà trẻ, 13,4% trẻ mẫu giáo chưa được tiếp cận GDMN.

Tỉ lệ trẻ em nhà trẻ tới trường vùng khó khăn mới đạt 19% (kém bình quân chung cả nước 9,2%), mẫu giáo huy động đạt 86,6% (kém bình quân chung cả nước 5,8%).

Như vậy, trẻ em vùng khó khăn còn 40,9% chưa được tới trường để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình GDMN. Tỉ lệ huy động trẻ em người dân tộc thiểu số vùng khó khăn đạt 57,4%...

Theo Bộ GD&ĐT, nhiều trẻ em tiếp cận với GDMN muộn so với độ tuổi, nhất là đối với trẻ em ở các vùng khó khăn. Ảnh: PHI HÙNG

Theo Bộ GD&ĐT, nhiều trẻ em tiếp cận với GDMN muộn so với độ tuổi, nhất là đối với trẻ em ở các vùng khó khăn. Ảnh: PHI HÙNG

Riêng đối với các cơ sở GDMN vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Chất lượng GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là trẻ em tại vùng ĐBSCL, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Những địa phương trên còn thiếu nhiều điều kiện đảm bảo để chăm sóc, giáo dục trẻ. Các điều kiện cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 chưa đáp ứng với yêu cầu mục tiêu đặt ra…

Ngoài ra, chính sách cho trẻ vùng khó khăn còn thiếu hụt: Chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho đối tượng trẻ nhà trẻ, nhiều em người dân tộc thiểu số nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên không có hỗ trợ ăn trưa, gây khó khăn trong duy trì cũng như bảo đảm tỉ lệ chuyên cần, học 2 buổi/ngày… Trẻ lang thang cơ nhỡ cũng chưa được chú ý.

Đội ngũ giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều so với định mức quy định, chính sách còn hạn chế.

Thời gian làm việc của giáo viên cũng nhiều hơn so với quy định của luật lao động, áp lực công việc cao, lương thấp, chế độ làm việc và đặc thù công việc chưa tương xứng với tiền lương, chưa công bằng so với cấp học khác.

Cấp thiết xây dựng 2 đề án

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho hay việc ban hành hai đề án Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 và Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030 là rất cần thiết để củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục.

Thực hiện tốt việc này cũng tạo nền tảng vững chắc cho việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Đặc biệt là tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ... bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một.

Trong bối cảnh kế thừa kết quả GDMN giai đoạn trước, việc ban hành và thực hiện 2 đề án nhằm củng cố vững chắc chất lượng GDMN, từng bước nâng cao và giảm thiểu khoảng cách giữa vùng thuận lợi và khó khăn, đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Trước đó, hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/2021/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1983/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức, cá nhân thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án. Hiện 2 đề án đang được tổ chức xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm