Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - QUYỀN TỰ DO

Hồng Kông : 9 nhà hoạt động dân chủ bị kết tội gây rối

Một tòa án Hồng Kông ngày 09/04/2019 đã xác định rằng 9 nhân vật kỳ cựu của phong trào dân chủ “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” năm 2014 đã phạm tội « gây rối nơi công cộng » khi đứng lên lãnh đạo các cuộc biểu tình rầm rộ vào lúc bấy giờ. Với tội danh này, các nhà hoạt động dân chủ nói trên có thể bị kết án tù.

Ba sáng lập viên phong trào Occupy Central Hồng Kông, ảnh từ trái sang phải : Chu Diệu Minh, Trần Kiện Dân và Đới Diệu Bình. Ảnh ngày 09/04/2019.
Ba sáng lập viên phong trào Occupy Central Hồng Kông, ảnh từ trái sang phải : Chu Diệu Minh, Trần Kiện Dân và Đới Diệu Bình. Ảnh ngày 09/04/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Phiên tòa xét xử được xem là một tiếng chuông cảnh báo về việc quyền tự do ở Hồng Kông ngày càng bị Trung Quốc siết chặt.

Trong số các gương mặt kỳ cựu này, có ba người đã bị xét là đã phạm vào ít nhất 9 tội danh do tham gia phong trào còn gọi là « cách mạng dù » vào mùa thu 2014, đòi cải cách chính trị và bầu cử ở Hồng Kông.

Đó là các ông Trần Kiện Dân (Chan Kin Man), 60 tuổi, giáo sư xã hội học, Đới Diệu Đình (Benny Tai), 54 tuổi, giáo sư luật và Chi Diệu Minh (Chu Yiu Minh), 75 tuổi, mục sư. Họ đã sáng lập phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn - Occupy Central vào năm 2013.

Theo tòa án, các bị cáo đã phạm tội âm mưu phá hoại trật tự công cộng, hai ông Đới và Trần còn bị khép vào tội xúi giục phá rối trật tự an ninh. Mỗi người có thể bị đến 7 năm tù, nhưng trước mắt chưa biết lúc nào tòa sẽ tuyên án.

Mục tiêu của phong trào Occupy Central năm 2014 là phong tỏa khu tài chính Hồng Kông để đòi quyền được chọn lãnh đạo Hồng Kông qua thể thức phổ thông đầu phiếu chứ không do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định như cho đến nay.

Phong trào đã bùng lên với sự tham gia nhiệt tình của thanh niên sinh viên, những cuộc biểu tình ngày càng rầm rộ hơn vào mùa thu 2014. Cảnh sát đã can thiệp, bắn lựu đạn cay để giải tán, người biểu tình bật ô lên để che chắn. Trong suốt hai tháng một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đã bị tê liệt.

Từ sau cuộc đấu tranh này đến nay nhiều thanh niên đi đầu trong phong trào đã bị truy tố, một số bị giam, một số bị cấm hoạt động chính trị, ứng cử vào các hội đồng đại biểu…

Trong phán quyết của mình, thẩm phán Trần Trọng Hành (Johnny Chan) cho rằng những cuộc biểu tình rầm rộ năm 2014 không nằm trong phạm vi quyền tự do ngôn luận của Hồng Kông, vì đã vi phạm quyền tự do của người khác, gây nên thiệt hại quá lớn để được luật về quyền tự do ngôn luận bảo vệ.

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đi đầu là Amnesty International và Human Rights Watch, vụ xét xử mang tính chính trị và có nguy cơ là sẽ có thêm nhiều người bị truy tố vì đấu tranh ôn hòa. Giới bảo vệ nhân quyền cho rằng chính quyền Hồng Kông muốn bóp nghẹt tất cả tranh luận trên những chủ đề nhạy cảm như dân chủ, quyền tự trị ở Hồng Kông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.