Bà Carrie Lam lên án người biểu tình Hong Kong 'phá hoại cực đoan'

Hàng ngàn người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Hong Kong, để lại các thông điệp bằng sơn đen trên tường và các banner trong tòa nhà hôm 2/7/2019

Nguồn hình ảnh, NurPhoto/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hàng ngàn người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Hong Kong, để lại các thông điệp bằng sơn đen trên tường và các banner trong tòa nhà hôm 2/7/2019

Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay để giải tán những người biểu tình tràn vào Viện Lập pháp.

Các nhà hoạt động đã chiếm tòa nhà Viện Lập pháp (LegCo) trong nhiều giờ sau khi tách ra khỏi cuộc biểu tình ôn hòa nhân kỷ niệm ngày Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc.

Sau nửa đêm (16:00 GMT), hàng trăm cảnh sát tới bảo vệ tòa nhà và đưa ra lời cảnh báo đối với người biểu tình.

Chụp lại video, Biểu tình Hong Kong: Hội đồng Lập pháp tan hoang

Vụ chiếm đóng tòa nhà quốc hội diễn ra sau nhiều tuần bất ổn tại Hong Kong liên quan đến dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Hàng trăm ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa trước đó nhằm phản đối dự luật dẫn độ vốn khiến giới chỉ trích lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để dẫn độ các nhà bất đồng chính trị sang Trung Quốc đại lục.

Những người biểu tình cũng đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát trong cuộc biểu tình trước đó vào ngày 12/6.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 04:00 giờ địa phương, trong đó bà lên án việc "sử dụng bạo lực cực đoan" của những người đột nhập vào cơ quan lập pháp.

Vụ việc xảy ra như thế nào?

Người biểu tình phá vỡ tường và cửa kính của tòa nhà Quốc hội tại Hong Kong hôm 1/7/2019

Nguồn hình ảnh, Anthony Kwan/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người biểu tình phá vỡ tường và cửa kính của tòa nhà Quốc hội tại Hong Kong hôm 1/7/2019

Các cuộc biểu tình ôn hòa đã được lên kế hoạch vào thứ Hai 1/7, nhân kỷ niệm 22 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.

Một cuộc tuần hành quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm ngàn người diễn ra trong ôn hòa.

Các quan chức chính phủ đã nâng ly sâm banh trong một buổi lễ chính thức kỷ niệm ngày bàn giao.

Nhưng vào khoảng giờ ăn trưa, người biểu tình đã tìm cách tràn vào tòa nhà Quốc hội LegCo. Họ bao vây tòa nhà trong khi một đám đông vài trăm người theo dõi từ xa, trước khi đập phá mặt tiền bằng kính của tòa nhà.

Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ có mặt tại hiện trường đã cố gắng can ngăn người biểu tình tràn vào tòa nhà LegCo, cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự nghiêm trọng.

Một trong những nhà lập pháp, Leung Yiu-chung, 66 tuổi, nói rằng những lời đề nghị của họ đã bị phớt lờ, nhiều người nói với ông rằng họ đã chuẩn bị để đối mặt với hậu quả.

Cảnh sát cảnh báo đám đông rằng sẽ sử dụng vũ lực và bắt giữ, nhưng sau đó chỉ đứng lại sau cổng trước khi rời khỏi tòa nhà. Ngay sau khi cảnh sát rời đi, hàng trăm người biểu tình đã tràn vào tòa nhà.

Bên trong tòa nhà Quốc hội, người biểu tình bôi bẩn biểu tượng của Hong Kong trên tường của phòng họp chính, giương cao lá cờ thuộc địa cũ của Anh, họ cũng xịt sơn lên tường các thông điệp và đâp phá đồ đạc.

Sau đó vào khoảng nửa đêm bên ngoài tòa nhà, những người biểu tình đội mũ bảo hiểm nhựa và cầm ô rút lui khi cảnh sát chống bạo động vượt qua các chướng ngại vật tự tạo và tấn công bằng dùi cui.

Bên trong, những người biểu tình cực đoan bị những đồng đội buộc phải kéo ra ngoài trong nỗ lực giải tỏa hoàn toàn tòa nhà.

Các nhà lập pháp dân chủ Ted Hui và Roy Kwong đứng trước cảnh sát yêu cầu để cho người biểu tình có thời gian rời khỏi khu vực này, South China Morning Post đưa tin.

Trong vòng một giờ, đường phố xung quanh tòa nhà đã vắng bóng người biểu tình, trừ giới truyền thông và cảnh sát. Cảnh sát đó bắt đầu tìm kiếm các phòng trong tòa nhà LegCo xem có người biểu tình nào còn trụ lại. Không có vụ bắt giữ nào được ghi nhận.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam trong sáng 2/7/2019

Nguồn hình ảnh, ANTHONY WALLACE/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam trong cuộc họp báo sáng 2/7/2019

Tại sao người biểu tình không trụ lại?

Một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ nói với BBC rằng các thanh niên trong đoàn biểu tình ban đầu nói họ sẽ ở lại cả đêm.

"Họ nói họ sẽ đánh bại cảnh sát bằng số lượng áp đảo, và điều đó nghe có vẻ rất đáng sợ đối với tôi", Claudia Mo nói.

"Tôi là một nhà báo và tôi đã đưa tin về biển máu Thiên An Môn 30 năm trước, và đó chính xác là những gì những sinh viên đó đã nói hồi đó ở thủ đô Trung Quốc."

Đồng nghiệp của bà, nhà lập pháp Fernando Cheung, đã ở bên trong cùng với những người chiếm giữ tòa nhà, và nói rằng ông rất mừng vì tất cả họ đã rời đi an toàn mà không gặp cảnh sát.

Chụp lại video, Người biểu tình tràn vào Hội đồng Lập pháp

"Nếu họ chống cự, tôi sợ sẽ có đổ máu, tôi nghĩ cảnh sát sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để giải tán họ", ông nói.

Ông cũng ca ngợi những người đã quay lại và kéo theo những người không chịu rời đi. "Họ đã trở lại và họ kéo họ ra. Và chúng tôi thực sự vui mừng", ông nói.

Carrie Lam đã nói gì?

Đầu giờ sáng thứ Ba, bà Lam đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó bà lên án "việc sử dụng bạo lực và phá hoại cực đoan" của những người biểu tình.

Được ủng hộ bởi bộ trưởng an ninh John Lee Ka-chiu và các quan chức khác, bà Lam nói rằng vụ tấn công "thực sự làm nhiều nhiều người buồn lòng và choáng váng".

Bà so sánh vụ hỗn loạn vào thứ Hai với cuộc tuần hành ôn hòa hàng năm vào ngày 1/7, và nhấn mạnh "các giá trị cốt lõi gắn liền với hòa bình và trật tự" ở Hong Kong.

Chụp lại video, Bà Carrie Lam lên án "việc sử dụng bạo lực và phá hoại cực đoan" của những người biểu tình đã chiếm LegCo.

Cuộc họp báo, được tổ chức bên ngoài trụ sở cảnh sát Hong Kong, đã diễn ra hết sức hỗn loạn, với một dàn các phóng viên hét câu hỏi tới bà Lam.

Bà Lam bình tĩnh trả lời, thể hiện chút cảm xúc khi bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp ở Hong Kong.

Bà nói với các phóng viên: "Tôi hy vọng cộng đồng nói chung sẽ đồng ý với chúng tôi rằng việc lên ánh những hành động bạo lưc này là đúng đắn và hy vọng xã hội sẽ trở lại bình thường sớm nhất có thể".

Bà Lam cho biết chính quyền Hong Kong sẽ "xử lý bất kỳ hành vi phạm pháp nào" do người biểu tình thực hiện.

Tại sao có tình trạng bất ổn?

Hong Kong được hưởng thỏa thuận "một quốc gia, hai hệ thống" đảm bảo một mức độ tự chủ và các quyền không có ở Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, Hong Kong không thực sự có dân chủ, và các sự kiện ủng hộ dân chủ được tổ chức hàng năm vào thời điểm kỷ niệm ngày trao trả cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm nay, sự kiện thường niên diễn ra sau nhiều tuần biểu tình với hàng triệu người xuống đường phản đối dự luật dẫn độ.

Vào ngày 12/6, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán một cuộc biểu tình bên ngoài LegCo nơi quốc hội dự kiến thảo luận về dự luật dẫn độ - nhưng giới chỉ trích cho rằng họ đã sử dụng vũ lực quá mức.

Police fire tear gas at Hong Kong protesters

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát xịt hơi cay vào người biểu tình gần trụ sở chính phủ ở Hong Kong vào ngày 02/07

Sau các cuộc biểu tình trong tháng Sáu, chính phủ đã xin lỗi và đình chỉ luật dẫn độ.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối cho biết họ sẽ không lùi bước cho đến khi dự luật hoàn toàn bị hủy bỏ.

Cũng có những cuộc biểu tình nhỏ hơn bởi phong trào ủng hộ Bắc Kinh.

Vào Chủ nhật, hhàng ngàn người ủng hộ Bắc Kinh đã biểu tình ủng hộ cảnh sát Hong Kong.