Quốc phòng Việt - Mỹ chậm mà chắc?

Tàu hải quân Mỹ cập cảng ở Đà Nẵng tháng Tư 2012
Chụp lại hình ảnh, Tàu hải quân Mỹ cập cảng ở Đà Nẵng tháng Tư 2012

Một loạt diễn biến đáng chú ‎ ý vừa diễn ra trong tháng 10, cho thấy tiến triển trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước cựu thù, Việt Nam và Mỹ.

Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 6 đã diễn ra ngày 1/10 tại Washington, DC.

Ngày 20/10, một đoàn liên ngành của Việt Nam được đưa ra thăm tàu sân bay USS George Washington, khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam.

Và trong hai ngày cuối tháng 10, Việt Nam và Hoa Kỳ có đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần 4 tại Washington DC từ 28 đến 29/10.

Đối thoại

Cuộc họp hôm 1/10 có sự tham dự của đại diện nhiều lĩnh vực.

Phái đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu, gồm các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Phía Mỹ có đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, và do quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề chính trị quân sự Tom Kelly dẫn đầu.

Tuyên bố chung cho biết hai bên “hài lòng với tiến bộ đạt được trong mấy năm vừa qua”.

Cuộc họp bàn về một loạt chủ đề hợp tác, như chống khủng bố, chống buôn lậu ma tuý, buôn người, các tội phạm an ninh mạng và thực thi pháp luật.

Hai phía đồng ý sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về tăng cường khả năng ứng phó thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn.

Các vấn đề di sản chiến tranh, như tù nhân chiến tranh (POW) và vấn đề người mất tích trong chiến tranh, chất độc dioxin da cam và các bom mìn chưa nổ, cũng được cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Leon Panetta năm 2012
Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Leon Panetta năm 2012

Tương tự, tại đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng trong hai ngày 28-29/10, phía Mỹ tuyên bố Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như đối tác mới ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Cuộc họp lần thứ tư này có sự tham gia của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đối thoại với Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Vikram Singh.

Theo truyền thông Việt Nam, phía Mỹ cam kết tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề tẩy độc dioxin, xử lý bom mìn cùng vật liệt nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đáng chú ý là việc Mỹ nói sẽ cung cấp thông tin cho phía Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh.

Theo chuyên gia kỳ cựu về quốc phòng-chính trị Việt Nam, Carl Thayer, hai cuộc đối thoại nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ chính thức năm 2011 và Tuyên bố chung Việt – Mỹ vừa ra hôm 25/7/2013.

Biên bản ghi nhớ năm 2011 đề ra năm lĩnh vực hợp tác: thiết lập đối thoại cấp cao đều đặn giữa hai bộ Quốc phòng, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai.

Giáo sư Carl Thayer, trong một bài bình luận hôm 6/11, nói biên bản ghi nhớ này là biện pháp minh bạch nhằm giảm phần nào nỗi sợ từ Trung Quốc rằng Việt Nam và Mỹ thông đồng chống Trung Quốc.

Tiến triển từ từ

Kể từ năm 2011, hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ đã tiến triển theo hướng “thận trọng và chậm rãi”, theo ông Carl Thayer.

Nó phản ánh mong muốn của Việt Nam muốn giữ cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer nói Việt Nam chỉ cho hải quân Mỹ cập cảng một lần mỗi năm và vẫn cấm tàu chiến Mỹ được vào Vịnh Cam Ranh.

Tháng Sáu 2012, khi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đề nghị cho phép lập Văn phòng Hợp tác Quốc phòng tại Sứ quán Mỹ - nhưng Hà Nội vẫn chưa thông qua.

Lãnh đạo hai nước hồi tháng Bảy xác lập quan hệ Đối tác toàn diện
Chụp lại hình ảnh, Lãnh đạo hai nước hồi tháng Bảy xác lập quan hệ Đối tác toàn diện

Mỹ cũng chưa gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì lý do nhân quyền.

Một đột phá trong quan hệ là chuyến thăm Mỹ hồi tháng Bảy của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, gặp Tổng thống Obama ở Tòa Bạch Ốc.

Qua chuyến thăm, hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, trong đó có đề cập hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh.

Đến tháng Tám, bên lề một hội nghị ở Brunei, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhận lời sẽ thăm Việt Nam vào năm 2014.

Theo giáo sư Carl Thayer, từ năm 2003, Mỹ và Việt Nam đồng ý lần lượt để bộ trưởng quốc phòng đi thăm lẫn nhau ba năm một lần.

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã thăm Washington năm 2003 và 2009, trong khi người tương nhiệm của Mỹ thăm Hà Nội năm 2006 và 2012.

Giáo sư Carl Thayer dự đoán chuyến thăm năm sau của ông Chuck Hagel có thể cho thấy khoảng cách ba năm được chấm dứt, mở đầu cho những lần gặp nhau thường xuyên hơn giữa hai bộ trưởng quốc phòng.