Đường dẫn truy cập

Kelly Marie Trần, công chúa gốc Việt


Kelly Marie Tran tại buổi chiếu ra mắt "Star Wars: The Rise of Skywalker," London.
Kelly Marie Tran tại buổi chiếu ra mắt "Star Wars: The Rise of Skywalker," London.

Đinh Yên Thảo


Disney vừa công chiếu bộ phim hoạt hình "Raya and the Last Dragon" với sự xuất hiện một công chúa gốc Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử phim Disney: nữ tài tử Kelly Marie Trần, có tên Việt là Loan Trần, thủ diễn vai chính, là người lồng giọng cho công chúa Raya. Không những vậy, nhà biên kịch phim cũng là một người gốc Việt là Quí Nguyễn, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan cho thế hệ trẻ gốc Việt tiến vào Hollywood trong tương lai.

Khi bộ phim Disney "Raya and the Last Dragon" ra mắt, Kelly Marie Trần xuất hiện trước công chúng và trên các hệ thống truyền thông có vẻ đầy tự tin, quả quyết và tin vào một thế hệ tài tử gốc Á hơn ba năm trước, điều cô đã hầu như bị đánh mất sau khi xuất hiện trong một bộ phim rềnh rang và kinh điển của điện ảnh Hoa Kỳ là Star Wars.

Sinh ra trong một gia đình tị nạn gốc Việt tại California, Kelly Trần là một trong vô số con cái những người di dân tại Hoa Kỳ đã đạt đến giấc mơ mà ngay cả những người Mỹ chính gốc cũng khó đạt đến khi trở thành người phụ nữ Châu Á đầu tiên thủ diễn một trong những vai chính của bộ phim The Last Jedi trong loạt phim Star Wars nổi tiếng hồi 2015.

Có cha mẹ là những người tị nạn đến Mỹ vào thập niên 80s, Kelly sinh ra tại San Diego, California vào năm 1989. Như nhiều người tị nạn khác, cha mẹ cô đã làm những công việc tay chân vất vả để nuôi chị em cô ăn học, tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.

Tốt nghiệp ngành truyền thông tại đại học UCLA, Kelly bắt đầu bước vào lãnh vực phim ảnh với những vai nhỏ trong các video và truyền hình. Năm 2015, ở tuổi 26, Kelly may mắn được chọn vào bộ phim đầu tiên và nổi tiếng Star Wars mà cô chưa từng xem trước kia. Cạnh tranh cùng hàng trăm ứng viên khác, Kelly đã được đạo diễn Rian Johnson chọn sau quá trình tuyển chọn và thử vai kéo dài trong năm tháng trời để trở thành một phụ nữ gốc Á đầu tiên lọt vào vai diễn chính trong loạt phim này, bên cạnh sự xuất hiện ngắn ngủi của tài tử Ngô Thanh Vân trong phim.

Nhập vai thợ máy Rose Tico của lực lượng kháng chiến quân trong phim The Last Jedi, Kelly được giới phê bình cùng người hâm mộ khen ngợi và có những phản hồi tích cực cho vai diễn đầu tiên và quan trọng của cô. Nhưng đồng thời, cô lại bị tấn công trên mạng xã hội với các lời lẽ kỳ thị, gièm pha khi cho rằng vai diễn không thích hợp với người Á Đông cho đến các nhận xét không mấy thiện cảm về ngoại hình, vóc dáng của Kelly.

Trong khi đạo diễn cùng các tài tử đồng diễn cho đến người hâm mộ binh vực cho Kelly thì cô đã không chịu nổi áp lực tâm lý trước sự tấn công, buộc cô phải đóng luôn tài khoản Instagram, twitter và các trang mạng xã hội của mình. Viết trên tờ New York Times, Kelly thú nhận rằng, "Không phải vì những lời nói của họ mà vì tôi đã bắt đầu tin là vậy. Những điều họ nói chỉ tái xác nhận những gì đã dạy tôi khi lớn lên là một phu nữ và người da màu: tôi thuộc về bên lề và chỉ có giá trị như một nhân vật phụ trong đời sống và những câu chuyện của họ".

Nhưng trong bài báo của mình, Kelly cũng đã tiếp tục rằng cô mong muốn được sống trong một xã hội mà những đứa trẻ lớn lên không ước mình là người da trắng, là phụ nữ mắt xanh tóc vàng để được chấp nhận. Mà họ được chấp nhận bất kể màu da, sắc dáng, tôn giáo, sắc tộc nào trong tư cách chỉ là con người với nhau. Và cô sẽ không bỏ cuộc với những gì thuộc về chính con người cô.

Kelly đã không bỏ cuộc và cô đã quay lại thành công, tự tin hơn trong vai diễn công chúa Raya trong bộ phim Disney nói trên. "Raya and the Last Dragon" kể về vùng đất Kumandra mà con người và rồng từng chung sống thanh bình, những con rồng chiến đấu để bảo vệ họ trước sự xuất hiện của những quái vật ác độc Druun. Năm trăm năm sau, những con quái vật này lại xuất hiện và nàng công chúa Raya, người chịu trách nhiệm cứu Kumandra là đi tìm con rồng cuối cùng để chống lại Druun. Nhưng thử thách cho Raya không chỉ tìm được rồng mà là những chia rẽ, nghi kỵ giữa những bộ lạc, giữa con người với nhau. Điều Raya đi tìm là niềm tin và sự hàn gắn, hợp đoàn giữa con người để chống lại quái vật, sự dữ.

Bộ phim đã quy tụ đông đảo nam nữ tài tử gốc Châu Á thủ diễn, tức lồng giọng cho các nhân vật trong phim. Việc lồng giọng không đơn giản như chỉ đọc theo kịch bản phim mà đòi hỏi các tài tử phải bộc tả vai trò, chân dung nhân vật, cũng như thể hiện ý định và thông điệp của đạo diễn lẫn những nhà làm phim. Kelly Trần cho biết cô đã tìm đọc lại lịch sử cùng hoàn cảnh gia đình mình khi làm phim. Kelly thú nhận cô đã mất ngủ, đã cảm thấy trách nhiệm đè nặng khi nhập vai chính cho bộ phim này.

Bộ phim đã được Adele Lim, một nhà biên kịch gốc Malaysia từng tham gia viết phim Crazy Rich Asians rất thành công viết chung với nhà viết kịch bản phim gốc Việt là Quí Nguyễn. Sinh năm 1976 tại Arkansas, Quí Nguyễn là một nhà biên kịch đã có nhiều kịch bản trên sân khấu kịch nghệ, truyền hình và trong điện ảnh, hiện viết kịch bản phim cho Disney. Trong một cuộc phỏng vấn, Quí Nguyễn bảo rằng anh không muốn đưa những câu sáo ngữ vào trong phim bởi sự hàn gắn với đối thủ là điều khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng.

Các nhà biên kịch cho biết rằng, là những nhà viết phim và dàn tài tử gốc Á, những tiểu tiết trong văn hóa, ứng xử Á Đông đã được lồng vào trong phim. Nó không dễ nhận biết cho các sắc dân khác nhưng khá quen thuộc với người Á Đông, nhằm tạo sự thông hiểu và cầu nối giữa những nền văn hóa.

Bộ phim ra đời trùng hợp vào thời điểm mà nước Mỹ dường như cũng đang đối diện với vấn đề này. Hoặc đó cũng có thể là thông điệp mà Disney muốn gởi qua bộ phim: nước Mỹ hay thế giới nói chung cần sự tin cậy và đoàn kết với nhau để chống lại đại dịch đang sát hại hàng triệu người trên khắp địa cầu.

Bộ phim cũng tái khẳng định và cổ vũ cho vai trò nữ giới trong xã hội tân thời khi sự lãnh đạo của phụ nữ được ghi nhận đang gia tăng tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, khi làn sóng tấn công vào người gốc Á đang tăng cao, bộ phim cũng cổ vũ cho sự thông hiểu và chấp nhận những khác biệt, nhìn nhận người khác bằng chính con người họ thay vì bất cứ điều gì khác.
Con đường để Kelly Marie Trần trở thành một "công chúa" Disney không phải là con đường bằng phẳng. Nó tựa như những câu chuyện khác nhau của thế hệ gốc Á tiếp nối mà một số người chỉ nhìn thấy những thành công bề ngoài nhưng không trải qua hay thấu cảm những thử thách nội tại, sự tranh đấu để đi tìm bản thể trong hành trình của các thế hệ sau mình phải đối diện thế nào.

Nhưng bất kể những sự loại trừ hay chối bỏ vẫn hiện diện đó đây, một lớp tài tử gốc Á hay Việt Nam nói riêng đang từng bước tự tin đi vào Hollywood. Tựa như những thế hệ trẻ gốc Á hay gốc Việt nói riêng vẫn tiến bước, gióng lên tiếng nói tự tin và mạnh mẽ của mình.

XS
SM
MD
LG