7.11.19

Khoa học xã hội không còn đóng vai trò quyền lực đối trọng của nó nữa

KHOA HỌC XÃ HỘI KHÔNG CÒN ĐÓNG VAI TRÒ QUYỀN LỰC ĐỐI TRỌNG CỦA NÓ NỮA
Dominique Boullier, giáo sư xã hội học và nhà nghiên cứu tại Medialab (Phòng nghiên cứu về media) ở trường Sciences Po Paris, là một chuyên gia về kỹ thuật số. Từ năm 2012, ông là giám đốc điều hành của chương trình quốc tế Forccast nhắm tới việc tạo điều kiện tốt cho sự thành hình của những dự án sáng tạo trong lãnh vực kỹ thuật số. Ông sẽ tham gia bàn tròn về chủ đề “Civilisation numérique: quels contre-pouvoirs?” (“Nền văn minh kỹ thuật số: đâu là những quyền lực đối trọng)”, được tổ chức trong khuôn khổ của Hội diễn của tờ Le Monde và do Laura Belot chủ trì.
Laure Belot phỏng vấn
Nếu là một quốc gia, Facebook, với 1,4 tỷ thành viên sẽ đông dân hơn Trung Quốc. Công ty đã thông báo không chỉ muốn “nối kết” cả hành tinh mà còn muốn “hiểu được thế giới”. Vậy phải chăng nhà nghiên cứu phải đến với Facebok để nghiên cứu về xã hội?
Để phân tích những dữ liệu mà họ thu thập được, những nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook hay Linkedln tuyển dụng đại trà những người được đào tạo trong những ngành khác nhau (truyền thông, kinh tế, chính trị học và ngay cả nhân học). Chúng ta đang chứng kiến một sự thu hút các bộ não, có rất nhiều người trẻ mơ ước được đến với những tập đoàn này. Tuy nhiên họ không phải phân tích xã hội và dư luận mà chỉ phân tích những dấu vết kỹ thuật số mà những cá nhân để lại trong tài khoản của họ: tweet, “like (ưa thích)”, bình luận …. Sau đó họ tìm kiếm những tương quan. Không cần phải có những giả thuyết lý thuyết để khởi động các máy tính. Rồi sau đó họ bán những phân tích này hay những hình thức làm tăng giá trị của nó, bằng cách gợi ý cho khách hàng nên bố trí một quảng cáo ở chỗ này hơn là ở chỗ khác.
Như vậy thì các khoa học xã hội đã bị kỹ thuật số tràn ngập?
Chúng ta đang ở trong một xã hội của “tần số cao”, tức là của tốc lực. Tôi gắn sự tiến hóa này với trọng lượng mà tài chánh đã giành được trong kinh tế, rồi sau đó trong tất cả các tổ chức. Tài chánh đã trở thành một bộ máy để sản xuất cái rất ngắn hạn. Sẽ không có được nhịp độ này, được áp đặt cho toàn bộ những quyết định, nếu không có kỹ thuật số vốn tạo điều kiện cho sự nối kết đại trà tất cả các tác nhân với một tốc độ phi thường.
Đứng trước sự tăng tốc này, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có vẻ như bị giam cầm trong một tháp ngà. Mọi chuyện xảy ra như thể họ không tìm cách nắm bắt những dữ liệu mới này về xã hội, làm như họ xem những hiện tượng này như là không thiết yếu. Chúng ta đang chứng kiến các khoa học xã hội rút lui, và do đó cũng không còn đóng vai trò quyền lực chống đối nữa. Đó cũng chính là lý do vì sao có nhiều người trẻ đã chạy trốn xã hội học.
Chuyện đã từng xảy ra đối với những nhà ngôn ngữ học và địa lý đang xảy ra đối với các nhà xã hội học. Những thập niên vừa rồi, những nhà tin học đã giành quyền lãnh đạo trong việc xử lý tự động ngôn ngữ, rồi sau đó trong ngành xử lý dữ liệu địa lý (géomatique) [toàn bộ các công cụ và các phương pháp để xử lý các dữ liệu địa lý]. Từ này, các nhà thống kê học, các nhà tin học và các nhà toán học là những người xử lý và tra cứu các dữ liệu được thu thập trên Internet.
Làm sao giải thích sự rút lui này?
Dữ liệu lớn gồm viêc thu thập, lưu trữ và xử lý hàng khối những dữ liệu này, đề xuất những phương thức làm việc mới dựa trên khối lượng, sự đa dạng và sự nhanh nhẹn. Thách thức đối với các khoa học xã hội là xử lý tốc độ này vốn cho đến ngày nay không thể đạt được. Điều này làm biến đổi viễn cảnh về thời gian của các khoa học xã hội.
Max Weber (1864-1920)
Émile Durkheim (1858-1917)
Những nghiên cứu xã hội học đầu tiên, được các nhà nước tài trợ vào cuối thế kỷ XIX, đều dựa trên kỳ hạn dài. Chúng đã cho phép nghiên cứu sự tiến hóa của những cấu trúc gia đình, những mô hình văn hóa lớn như các tôn giáo, các truyền thống, hay những hiện tượng như tự tử. Những công cụ thống kế mới và sự đăng quang, vào năm 1887, của máy tính toán của Hollerith (ở cội nguồn của sự thành hình của IBM) đã sản xuất ra một cái nhìn định lượng về xã hội; nó đã trở thành điểm quy chiếu, đặc biệt nhờ sự tinh luyện các cuộc tổng điều tra. Những phương pháp này đã được phát triển và đóng góp vào sự hun đúc tư tưởng của Émile Durkheim (1858-1917) và Max Weber (1864-1920) [được coi như là hai nhà sáng lập xã hội hoc]. Các khoa học xã hội học tiếp tục phân tích dài hạn, đặc biệt nhờ vào sự giúp đỡ của kỷ thuật số và những dữ liệu.
George Gallup (1901-1984)
Một loại nghiên cứu thứ hai đã xuất hiện vào năm 1936 với nhà thống kê học George Gallup (1901-1984) ở Mỹ, để nghiên cứu những sự biến động dư luận ở trung hạn, bốn đến năm năm. Tần số này tương ứng với các cuộc bầu cử hay thời gian tồn tại của các sản phẩm trên thị trường: vấn đề là hiểu được các phiếu bầu và tất cả những gì gắn liền với sức mua, những thị hiếu và cách ứng xử của người tiêu dùng. Những nghiên cứu này, do các hãng và các phương tiện truyền thống tài trợ, đã có thể có được nhờ vào hai công cụ công nghệ đang phát triển mạnh: điện thoại, được sử dụng để thăm dò, và rađiô tạo điều kiện cho sự phổ biện rộng rải các chương trình quảng cáo hay bầu cử.
Những hệ quả của sự tăng tốc của thời gian này trên sự quan sát xã hội là như thế nào?
Một cách sơ lược, với cuộc cách mạng kỹ thuật số này, xã hội có thể được phân tích dưới lăng kính của ba tần số: dài, trung và rất ngắn hạn. Cách phân tích cuối, mà các diễn đàn Internet cho phép thực hiện, được ngành quảng cáo tài trợ. Từ nay, các thương hiệu bị ám ảnh bởi sự tiếp thu xã hội, sự nghe ngóng ngay tức thì những dấu vết do người tiêu dùng để lại. Chúng muốn quản lý hình ảnh của mình từng giây từng phút.
Nay thì không còn cần đến sự tiếp cận dài hạn nữa: có những tương quan xuất hiện và các thương hiệu phản ứng ngay lập tức. Các nền tảng như Facebook hay Google đã trở thành những thao tác viên cho tất cả những tương quan này. Thật vậy, công nghệ này chứa đựng một tư tưởng về xã hội, điều mà các khoa học xã hội khó có thể chấp nhận.
Vậy ông có cái nhìn thế nào về những kết quả thống kế đã đạt được?
Ta phải thận trọng: những dữ liệu này được các nền tảng sản xuất cho chính họ. Như vậy thì chúng phần nào mang tính quy chiếu nội bộ, nhưng không chỉ có thế mà thôi. Sự thành công của hashtag “tôi là Charlie” chắc hẳn là âm vang của một điều gì đó, và ta cũng không thể nói rằng cái tiếng đồn ồn ào (buzz) ngay trên mạng không có nghĩa gì hết và không phải là một vật liệu nghiên cứu hay (thú vị).
Vấn đề là ở hiệu ứng khuếch đại. Nay thì những hiện tượng này chiếm toàn bộ không gian. Chúng có tham vọng nói lên nhiều điều về xã hội, tạo ra những tác động trên dư luận. Trong khi chúng chỉ nói đến một thế giới rất hạn chế, cho dù là có ý nghĩa đối với thời đại của chúng ta.
Cái mảng của “tần số cao” này không thể trở thành quy chiếu duy nhất để hiểu được chúng ta là ai. Thật là nguy hiểm khi mà, sau một loạt tweet, sự phân tích thống trị là sự phân tích của một số tương quan do các máy móc thiết lập, nhờ vào sức mạnh của những nền tảng này. Cũng phần nào giống như, sau Durkheim, Nhà Nước đã tuyển mộ tất cả các nhà xã hội học để sản xuất những thống kê về một chủ đề lớn như việc làm, mà không đếm xỉa đến những lý thuyết và những cuộc tranh cãi khoa học.
Vậy thì ông khuyên nên làm gì?
Rất ít nhà nghiên cứu khoa học xã hội có vẻ nhận thức rằng đã có những tác nhân khác có những phân tích về tình trạng của xã hội thông qua những tương quan này. Họ vẫn tập trung vào những yêu cầu của Nhà Nước, vào những điều được xác định là mang tính xã hội trong cái khung này. Tôi lấy làm tiếc là xu hướng của họ chỉ tập trung vào cái dài hạn. Trong khi phải dành một chỗ cho sự nghiên cứu những “dao động”, những hiện tượng của sự lan truyền xã hội, và những công nghệ tạo ra lợi thế cho các hiện tượng này.
Gabriel Tarde (1843-1904)

Tôi biện hộ cho những khoa học xã hội thế hệ thứ ba nắm bắt những hiện tượng mới này để tái xác định chúng: cần phải sáng tạo ra những khái niệm, những công cụ và thời hạn có hiệu lực của những dữ liệu mới này, những dấu vết mà trước đây chúng ta không thể tiếp cận. Những gì mà ta đang sống đã được Tarde nghĩ đến vào năm 1890. Trong cuốn Les Lois de l’imitation (Những quy luật của sự bắt chước), nhà luật học, xã hội học và triết gia này đã lý thuyết hóa sự lan truyền của các tư tưởng bởi vô số những sự truyền nhỏ. Ông đã đề nghị sáng tạo ra cái “thước đo lường sự danh tiếng (gloriometre)”, cái tương đương với sự đo lường tiếng đồn ồn ào. Nhưng ở thời điểm đó thì không có công cụ để đo lường hiện tượng đó. Nay thì chúng ta đã có.
Vậy, cụ thể, ông nghĩ đến dự án nào?
Tôi đang cổ vũ cho sự thành lập một ngành mới, khoa học về các dữ liệu xã hội, với một văn bằng do trường Sciences Po cấp. Ngành này khác với các khoa học nhân văn được số hóa (digital humanities), một sự tiếp cận mong muốn trang bị tất cả các khoa học xã hội với kỹ thuật số. Việc cần phải làm là đào tạo những nhà nghiên cứu lai tạp: những người giỏi nhất về thống kê học, về thuật toán và về khoa học xã hội. Một điều hoàn toàn khác với cách tiếp cận tin học, thống kê học hay toán học mà hoàn toàn không có nền tảng nào về xã hội học.
Alain Desrosières (1940-2013)

Nhà xã hội học, thống kê học và sử học Alain Desrosières [1940-2013] đã từng giải thích rằng phải tư duy cách mà các quá trình lượng hóa đã thay đổi chính xã hội. Văn hóa của sự lượng hóa là hoàn toàn khác với lịch sử của thống kê học.
Có thể tham khảo
Sociologie du numérique, de Dominique Boullier (Armand Colin, 288 p., 32 €). Sẽ xuất bản năm 2016.
Phạm Như Hồ dịch
Print Friendly and PDF