Không kỷ luật thành viên Chính phủ vì Vinashin

Tàu của Vinashin

Nguồn hình ảnh, AFP

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản VN đã quyết định không xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân thành viên Chính phủ liên quan tới sai phạm ở Vinashin.

Thông tin trên được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng loan báo cho các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI tại Hà Nội hôm thứ Hai 21/03.

Ông phó thủ tướng đã đọc báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội trong nước, trong đó ông có đề cập đến việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Tập đoàn Vinashin những năm vừa qua làm ăn thua lỗ dẫn tới phải tái cơ cấu. Hiện tập đoàn này ước tính còn nợ 4,4 tỷ đôla.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nói sáng 21/03: "Thủ tướng, Phó thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu với Vinashin".

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khi xem xét trách nhiệm trong vụ này, theo ông Hùng, đã kết luận rằng "Chính phủ, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót, khuyết điểm" về quản lý nhà nước với Vinashin.

Tuy nhiên, ủy ban này cũng nhận định rằng "Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong quản lý nhà nước và thực hiện quyền sở hữu với các tập đoàn kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế".

Dựa trên kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã "thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân liên quan".

Ông phó thủ tướng thông báo: "Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân (Chính phủ)".

Trách nhiệm cá nhân

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, "Bộ Chính trị đã yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, và không để các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự".

Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra các cá nhân là lãnh đạo và cán bộ ở Vinashin "để củng cố các chứng cứ, xử lý nghiêm minh, khách quan".

Vụ Vinashin sụp đổ đã gây mất tín nhiệm nặng nề cho Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội trước
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn về Vinashin tại Quốc hội

Nhiều đại biểu Quốc hội từng bày tỏ quan ngại về "bài học Vinashin", mà theo họ, đang gây tác hại lâu dài cả trong nước và nước ngoài.

Họ cũng đặt vấn đề "điều tra trách nhiệm chính trị" của những người điều hành Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chịu trách nhiệm trong vụ này.

Ông Dũng là người bổ nhiệm cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình, người đã bị đình chỉ trong tháng 7/2010 và sau đó bị bắt vì các khoản nợ của tập đoàn.

Tuy nhiên, thông báo mới nhất tại Quốc hội cho thấy khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục lãnh đạo Chính phủ thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa là rất lớn, tuy kết quả chính thức phải chờ tới sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/05 tới.

Chủ đề Vinashin lâu nay ít được truyền thông trong nước nhắc tới. Các nhà quan sát nói một trong các lý do là vì nó liên quan trực tiếp tới uy tín lãnh đạo của ông thủ tướng.

Mới đây nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định cho Vinashin vay không lãi để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm và trợ cấp.

Vinashin cũng được Bộ Tài chính cho hoãn thuế tới cuối năm sau để có tiền trả nợ.