Kiều hối trong bối cảnh đại dịch

Xuân Lộc - 11:10, 13/11/2020

TheLEADERCho đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ giảm vài điểm phần trăm nhưng có khả năng sẽ giảm thêm, tương đương mức trung bình toàn cầu khi Bắc bán cầu bước vào mùa thu và các nước đưa ra những hạn chế mới về di chuyển.

Kiều hối trong bối cảnh đại dịch
Tiến sĩ John Walsh

Do tác động của dịch Covid-19 lên người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nên không chỉ làm giảm lượng kiều hối mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, người thân của họ ở quê nhà. 

Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao chương trình thạc sĩ kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, cho biết, mỗi năm có khoảng 150.000 người Việt đi xuất khẩu lao động, góp vào hơn nửa triệu người Việt đang làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. 

Khoản tiền nhóm người lao động này gửi về thường bằng gấp 10 lần thu nhập của cả gia đình ở quê hương, đây là nguồn tài chính không thể thiếu để trang trải cuộc sống, giáo dục và y tế cho người thân. 

Những chia sẻ của ông John Walsh sẽ phác thảo những nét cơ bản cho bức tranh chung về kiều hối trong thời đại dịch.

Ông cho biết về điểm đến của người Việt khi đi xuất khẩu lao động là những nước nào và mức lương trung bình họ nhận được khoảng bao nhiêu?

Tiến sĩ John Walsh: Các nền kinh tế ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan là những điểm đến phổ biến nhất của lao động người Việt. Các quốc gia Trung Đông như Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Qatar hay Saudi Arabia cũng đang trở thành những thị trường xuất khẩu lao động đầy hứa hẹn.

Họ làm nhiều công việc khác nhau. Phần lớn nam giới làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng hoặc trong các nhà máy. Phụ nữ thì thường giúp việc nhà trong các hộ gia đình hoặc làm việc trong các nhà máy hay khu vực dịch vụ.

Theo số liệu của Bộ Lao động thương binh và xã hội, thu nhập bình quân của lao động nhập cư người Việt ở Trung Đông từ 400 - 600USD (tương đương từ 9 - 14 triệu đồng), ở Đài Loan là từ 700 - 800USD (tương đương từ 16 - 18,5 triệu đồng), ở Hàn Quốc và Nhật Bản là từ 1.000 - 1.200USD (tương đương từ 23 - 27,8 triệu đồng).

Tại sao lượng kiều hối về Việt Nam giảm đến mức trung bình toàn cầu khi Bắc bán cầu bước vào mùa thu, mức trung bình là bao nhiêu, thưa ông?

Tiến sĩ John Walsh: Theo Ngân hàng Thế giới, do dịch Covid-19 nên năm nay lượng kiều hối (bao gồm cả từ người lao động ở nước ngoài và thường trú nhân) trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm khoảng 20%. Con số này tại mỗi quốc gia sẽ khác nhau do mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định hạn chế đi lại tại nơi đó.

Cho đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ giảm vài điểm phần trăm nhưng có khả năng sẽ giảm thêm, tương đương mức trung bình toàn cầu khi Bắc bán cầu bước vào mùa thu và các nước đưa ra những hạn chế mới về di chuyển.

Nguyên nhân là do lao động người Việt đi lại khó khăn hơn vì bị hạn chế nhập cảnh vào nhiều nước và cũng do nhu cầu lao động giảm vì suy thoái kinh tế toàn cầu. Các chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn tại thời điểm này thay vì hỗ trợ cho người lao động nhập cư.

Nền kinh tế có lẽ sẽ không thể hồi phục cho đến khi cả nơi sản xuất (ví dụ như Việt Nam và Trung Quốc) và nơi tiêu thụ (Bắc Mỹ và Liên minh Châu Âu) hồi phục lại. 

Do dịch bệnh dường như chưa được kiểm soát ở nhiều quốc gia tiêu thụ, nên khó có thể thấy sự phục hồi ở đó sớm nhất là vào cuối năm sau. 

Một số công ty ở những nơi sản xuất sẽ tiếp tục sản xuất, tích trữ nguyên liệu và hàng hóa, nhưng họ sẽ không cho nhà máy chạy hết công suất. Vì sẽ có nguồn hàng dự trữ để bán trước, nên chỉ khi các nơi tiêu thụ phục hồi hoàn toàn thì các nơi sản xuất mới phục hồi hoàn toàn theo.

Kiều hối giảm mạnh có ảnh hưởng đến đời sống người dân ở nông thôn?

Tiến sĩ John Walsh: Các hộ gia đình dựa vào kiều hối từ xuất khẩu lao động sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn khó khăn này. 

Việc khó tránh khỏi là một số gia đình sẽ phải vay tiền để trang trải cho sinh hoạt, đó lại chính là động lực khiến họ phải đi xuất khẩu lao động và cố gắng kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai.

Thông thường, người đi xuất khẩu lao động nếu mất việc thì sẽ hồi hương, trừ khi có người môi giới hoặc mạng lưới giúp đỡ họ tìm kiếm công việc khác. Tuy nhiên, việc đi lại rất khó khăn và nhiều người lao động bị mắc kẹt ở nước ngoài mà không có thu nhập.

Nếu người xuất khẩu lao động bị ở lại, họ phải đối phó với các bên môi giới thế nào và có thể bị ngược đãi bởi nhóm này ra sao?

Tiến sĩ John Walsh: Người lao động không có việc làm phải đối mặt với các công ty môi giới, những người có thể đối xử không công bằng với họ, cũng như các quy định của chính phủ ở một số quốc gia mà họ không thể tuân thủ. 

Khi lao động nhập cư làm việc không chính thức, họ trở thành đối tượng bị quấy rối và cuộc sống của họ có thể sẽ căng thẳng cũng như gặp nhiều nguy hiểm tại nơi làm việc. 

Các công ty môi giới hoặc người sử dụng lao động thường giữ hộ chiếu của người lao động và các giấy tờ khác để họ không thể tự mình rời khỏi đất nước và không có giấy tờ tùy thân nếu họ muốn tìm sự giúp đỡ từ cảnh sát hoặc các cơ quan khác. 

Nếu người lao động không thể hoàn thành hợp đồng của họ vì hiện tại công ty đã ngừng kinh doanh, bên môi giới có thể đòi người lao động trả lại số tiền mà bên môi giới lẽ ra đã kiếm được hoặc buộc người lao động làm một loại công việc mà họ không cảm thấy thoải mái. Điều này không đúng luật nhưng lại diễn ra khá phổ biến. 

Điều mà chính phủ các nước sở tại có thể làm là động viên người sử dụng lao động dàn xếp với người lao động và hỗ trợ họ hồi hương khi tình thế yêu cầu.

Chính phủ dàn xếp và hỗ trợ thế nào, ông có thể nói rõ hơn về ý kiến này không?

Tiến sĩ John Walsh: Giải quyết ổn thỏa có nghĩa là người sử dụng lao động thỏa thuận công bằng với người lao động khi hợp đồng lao động không thể hoàn thành do ảnh hưởng của môi trường kinh doanh. Một giải pháp tốt là thanh toán một phần hợp đồng cho người lao động và hỗ trợ họ tìm một công việc khác hoặc giúp họ trở về nhà.

Chính phủ Việt Nam khó có thể can thiệp được nhiều trong trường hợp này, nhưng có thể hỗ trợ thông tin liên lạc với gia đình người lao động ở quê nhà giúp họ nắm bắt được tình hình hiện tại. 

Dần dần, Việt Nam có thể đưa người lao động về nước nhưng việc này rất tốn kém và đòi hỏi phải sắp xếp các cơ sở cách ly một cách phù hợp.

Các chính phủ có thể lưu giữ hồ sơ có hệ thống về lao động nước mình đang làm việc ở đâu, trong bao lâu, và khi hợp đồng kết thúc, nếu cần thiết, có thể đảm bảo phương tiện di chuyển ra sân bay và hỗ trợ đặt vé máy bay. 

Người lao động sẽ phải hoàn trả các chi phí sau đó (nếu không hộ chiếu của họ có thể bị thu giữ hoặc phải thực hiện một số biện pháp khác). 

Khi chiến tranh ở Libya nổ ra, chính phủ Trung Quốc đã thuê một con tàu lớn tới đó để đưa tất cả công nhân Trung Quốc về nước. Mỗi chính phủ sẽ có cách hỗ trợ công dân của họ ở nước ngoài nhiều hay ít tùy trường hợp.

Xin cảm ơn ông!