7.12.23

Kinh tế, Đài Loan, siêu cường: Sự hoà hoãn hão huyền giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

KINH TẾ, ĐÀI LOAN, SIÊU CƯỜNG: SỰ HÒA HOÃN HÃO HUYỀN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

Pierre-Antoine Donnet[*]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 15/11 tại San Francisco. (Nguồn: Politico)

Hội nghị thượng đỉnh mới đây giữa Tập Cận Bình và Joe Biden đã đưa ra tín hiệu về sự giảm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng sự giảm căng thẳng này chỉ là tạm thời. Nếu chủ tịch Trung Quốc buộc phải trì hoãn, ông ấy vẫn không từ bỏ các mục tiêu quyền lực của mình, kể cả và trên hết là việc chinh phục Đài Loan, một trong những nỗi ám ảnh chính của ông.

Mọi thứ cho thấy rằng, bất chấp hội nghị thượng đỉnh ngày 15 tháng 11 tại San Francisco, Đài Loan sẽ vẫn là chủ đề căng thẳng trung tâm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ít nhất là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vào tháng 11 năm 2024.

Lại Thanh Đức (1959-)
Tiêu Mỹ Cầm (1971-)

Điều này còn đúng hơn nữa vì ứng cử viên dành ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13 tháng 1, Lại Thanh Đức (賴清德), ​​​​con gà nòi của Tổng thống sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn, có khả năng chiến thắng. Phe đối lập đã không thành công trong việc giới thiệu một ứng cử viên chung. Quách Đài Minh (郭台銘), tỷ phú và người sáng lập tập đoàn khổng lồ điện tử Đài Loan Foxconn, đã ra cuộc tranh cử nhưng đã rút lui vào thứ Sáu, ngày 24 tháng 11 do ông không thể tập hợp các đảng đối lập xung quanh sự ứng cử của ông. Về phần Kha Văn Triết (柯文哲), ứng cử viên của Đảng Dân chủ tiến bộ (Đài Loan)/Taiwan People’s Party, ông cũng từ bỏ việc thành lập liên minh với ứng cử viên của Quốc Dân Đảng/Guomindang Hầu Hữu Nghi (侯友宜). Lí do là những bất đồng dai dẳng của họ về cách thức phân bố các phiếu bầu.

Con đường hiện đang rộng mở cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP), người dường như có nhiều khả năng đắc cử. Ông ấy đã thông báo rằng trong trường hợp chiến thắng, phó tổng thống sẽ là Tiêu Mỹ Cầm (蕭美琴), đại diện của Đài Loan (đại sứ không chính thức) tại Washington, với vốn tiếng Anh hoàn hảo và những quan hệ rất rộng rãi của bà ở Hoa Kỳ. Được bầu vào năm 2016 sau đó được bầu lại vào năm 2020 dưới nhãn hiệu của DPP, tổng thống sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn không thể tái tranh cử vào năm 2024, việc sửa đổi hiến pháp năm 2005 đã duy trì sự hạn chế ở mức tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống.

RÚT LUI CHIẾN LƯỢC

Thường rất ít cười nhưng lần này chủ tịch Trung Quốc đã không tiếc đưa ra những nụ cười khi gặp đối thủ lớn của mình trong bốn giờ đồng hồ tại một lâu đài ở phía nam San Francisco, cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ sau một năm. Theo quan điểm gần như nhất trí của “những người theo dõi tình hình Trung Quốc” (“China watchers”), thái độ làm lành này thật ra là do tình trạng đáng báo động của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu cấp thiết của nước này là khôi phục niềm tin của các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài, mà hàng nghìn người đang xếp va li để rời bỏ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà phân tích và quan sát Trung Quốc, lập trường và mục tiêu của nhà độc tài Trung Quốc, về thực chất, không hề thay đổi một chút nào. Ưu tiên của ông: giữ vững quyền lực và thứ hai là duy trì cho Trung Quốc mục tiêu chinh phục Đài Loan, vượt qua Mỹ và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Là một chiến lược gia khôn khéo và nhà chiến thuật giỏi, Tập Cận Bình chỉ đơn giản trì hoãn, biết rằng kỳ hạn mang tính quyết định tiếp theo đối với ông sẽ là trong một năm nữa cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử mà ông và nhiều nhà độc tài khác hy vọng sẽ dẫn đến việc Donald Trump tái đắc cử.

Tham vọng bí mật của Tập Cận Bình: nắm quyền suốt đời,” tiêu đề của một bài báo mang chữ ký của Katsuji Nakazawa, cựu phóng viên và sau đó là trưởng văn phòng tờ báo ở Bắc Kinh trong 7 năm, được nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản đăng hôm thứ Năm. Để trấn an người đồng cấp Mỹ, ông chủ hiện tại của Trung Quốc cộng sản đã đi xa đến mức phủ nhận trước mặt Joe Biden mọi ý tưởng dùng vũ lực để buộc Đài Loan phải chấp nhận sự sáp nhập với lục địa Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Mỹ dẫn lời Tập Cận Bình nói với Biden: “Tôi nghe tất cả thông tin này ở Hoa Kỳ về việc chúng tôi đang chuẩn bị cho hành động quân sự [chống lại Đài Loan] vào năm 2027 hoặc 2035. Không có kế hoạch nào như vậy, không ai nói với tôi về những kế hoạch như vậy.”

Tuy nhiên, năm 2027 và 2035 này không được chọn một cách ngẫu nhiên. Chúng có ý nghĩa đặc biệt đối với Tập. Năm 2027 sẽ đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân do ông lãnh đạo và sẽ là năm diễn ra Đại hội Đảng sắp tới mà ông hy vọng sẽ được tái bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ tư. Về năm 2035, Tập Cận Bình không giấu giếm rằng đó là thời điểm được ấn định để Trung Quốc bắt kịp Hoa Kỳ và thậm chí vượt qua Hoa Kỳ về kinh tế và quân sự. Từ đây đến đó, Đại hội Đảng lần thứ 22 sẽ được tổ chức vào năm 2032 với mục tiêu là nhiệm kỳ thứ năm.

Năm 2035, ông Tập Cận Bình sẽ tròn 83 tuổi, hơn tuổi hiện nay của ông Joe Biden hai tuổi. 83 tuổi cũng là độ tuổi mà Mao Trạch Đông qua đời. Nếu Tập Cận Bình vẫn nắm quyền cho đến lúc đó, ông hy vọng sẽ thực hiện được ước mơ chưa bao giờ được tuyên bố của mình là trở thành người tương đương với “Người cầm lái vĩ đại”, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân. “Tập Cận Bình có ý định nắm giữ [quyền lực] trong thời gian dài và ông ấy đã chọn truyền tải thông điệp này tới Biden”, một nguồn tin khác được Nikkei Asia trích dẫn cho biết. Theo một số nhà phân tích quen thuộc với Trung Quốc, trong bài phát biểu của mình với tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cố tình chọn cách gửi một thông điệp ngầm tới những người đồng cấp mà ông truyền đạt niềm tự tin vào bản thân mình và do đó cho thấy ý muốn kiên quyết của ông không bao giờ nhượng lại quyền lực.

Thôi Thiên Khải (1952-)

Nếu một số người trong giới kinh doanh và thậm chí trong số các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ có xu hướng xem sự đảm bảo của Tập Cận Bình như là những điều đáng tin thì các nhà quan sát quen thuộc với Trung Quốc đã không bị lừa dối. Đối với họ, không có gì thay đổi trong mục tiêu của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Theo một nguồn tin được Nikkei Asia trích dẫn, nhận xét này của Tập Cận Bình là một phần trong chiến lược “được xây dựng cẩn thận và trong dài hạn”, nhằm cơ bản định hướng cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ sắp bước vào chiến dịch bầu cử. Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh San Francisco, cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã - sự trùng hợp không hẳn là không có - nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn do tờ South China Morning Post đăng tải rằng quan hệ Trung-Mỹ “quá phức tạp” để có thể được thiết lập lại trong một cuộc họp duy nhất.

Thôi Thiên Khải khẳng định vấn đề Đài Loan là ưu tiên hàng đầu và thể hiện “một vấn đề sinh tử” đối với Trung Quốc. Do đó, chính quyền Mỹ phải xem xét tầm quan trọng của vấn đề này trước khi có thể đạt được tiến bộ giữa Bắc Kinh và Washington, nhà ngoại giao lão luyện của Trung Quốc giải thích. Ông thường ôn hòa trong các nhận xét của mình và rất được chính quyền Trung Quốc tôn trọng vì cách tiếp cận hợp lý của ông đối với tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Bất chấp những đảm bảo của Tập Cận Bình ở San Francisco, thực tế ở Đài Loan lại rất khác, tờ Wall Street Journal nhấn mạnh trong một bài xã luận vào thứ Sáu, ngày 24 tháng 11. “Trung Quốc đang triển khai các chiến dịch tuyên truyền và các biện pháp đe dọa quân sự để đẩy người Đài Loan vào vòng tay của Quốc Dân Đảng/Guomindang, một đảng có quan điểm thân thiện hơn với Bắc Kinh. Bắc Kinh đang nỗ lực thâm nhập vào xã hội dân sự Đài Loan. Một trong những chủ đề yêu thích của Trung Quốc là khơi dậy sự nghi ngờ về Hoa Kỳ và ý định của nước này, [trong khi] Đảng Cộng sản Trung Quốc gia tăng sự quấy rối quân sự.” Tờ báo nhắc lại: PLA/Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đã thực hiện 137 phi vụ vào năm 2022 gần Đài Loan, so với 20 phi vụ vào năm 2019, khi lần đầu tiên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan, ngăn cách hòn đảo này với lục địa.

Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử riêng của mình vào năm tới và ông Tập có thể coi đây là cơ hội để tấn công vào thời điểm người Mỹ đang vật lộn với sự chia rẽ nội bộ. Chủ tịch Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội của mình sẵn sàng chiến đấu vì Đài Loan từ đây cho đến năm 2027, nhưng nền kinh tế của nước này đang gặp khó khăn và các nước láng giềng như Nhật Bản đang tăng cường khả năng phòng thủ của chính họ. Trung Quốc có thể hiểu rằng cánh cửa cơ hội của mình đang đóng lại”, tờ Wall Street Journal cho biết thêm.

Nhưng những lực lượng quân sự có mặt tại khu vực Đài Loan hầu như không thuận lợi đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Đến mức nếu PLA cố gắng xâm chiếm hòn đảo này, kết quả có thể xảy ra sẽ là một thất bại cay đắng đối với Bắc Kinh. Quả thực, nếu PLA đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây trên biển và trên không, lực lượng này sẽ gặp phải sự kháng cự từ các lực lượng vũ trang Đài Loan cũng như của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mà quân đội Đài Loan đã chuẩn bị từ lâu cho kịch bản như vậy. Theo ý kiến ​​của các chuyên gia, quân đội Đài Loan có thể có khả năng kháng cự trong hai hoặc ba tuần, tạo thời gian cho quân đội Mỹ được triển khai trong khu vực.

Tổng thống Mỹ đã bốn lần tuyên bố rằng trong trường hợp có sự xâm lược vũ trang từ Bắc Kinh, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan tuy chưa bao giờ nêu rõ các biện pháp. Về phần mình, Nhật Bản đã nhiều lần chỉ ra rằng hành vi gây hấn như vậy sẽ đe dọa “các lợi ích sống còn” của người dân Nhật Bản và cho thấy Tokyo cũng sẽ can thiệp.

Ngoài ra, tại Đài Loan, cảm giác ngờ vực đối với Trung Quốc cộng sản không ngừng gia tăng. Theo một cuộc khảo sát do Academia Sinica công bố ngày 20/11 và được thực hiện từ ngày 14 đến 19/9 đối với 1.211 người Đài Loan trong độ tuổi bầu cử, chưa đến 10% cư dân Đài Loan từ 20 tuổi trở lên tin tưởng vào Trung Quốc đại lục, trong khi 65% hiện tin vào sự cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ cựu Formosa, một tỷ lệ tăng mạnh so với các cuộc thăm dò mới nhất về chủ đề này.

Vấn đề này là trọng tâm của cuộc bỏ phiếu tháng Giêng. Trong khi ứng cử viên DPP thể hiện sự kiên quyết cao độ đối với Bắc Kinh, thì các ứng cử viên phe đối lập, bao gồm cả Quốc Dân đảng, vẫn cởi mở hơn với ý tưởng đàm phán với chế độ cộng sản Trung Quốc.

“THẾ KỈ 21 SẼ KHÔNG NHẤT THIẾT LÀ THẾ KỈ CỦA TRUNG QUỐC”

Nicolas Baverez phân tích trên tờ Le Figaro: “Về cơ bản, không có gì thay đổi. Sự tranh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là toàn diện và là một phần của cuộc đấu tranh sinh tử do các đế quốc độc tài phát động chống lại các nền dân chủ, và không dành chỗ nào cho hòa bình ổn định và lâu dài. Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số, chủ nghĩa đế quốc, cũng như ý muốn thay thế Hoa Kỳ vào năm 2049, cũng như tham vọng xây dựng một trật tự hậu phương Tây. Hoa Kỳ đang tiếp tục chiến lược ngăn chặn Bắc Kinh về kinh tế, công nghệ và quân sự, vốn là điểm đồng thuận duy nhất giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc rút lui chiến thuật trước sự thất bại của chiến lược đối đầu trực diện và tìm cách thuyết phục lãnh đạo các công ty lớn của Mỹ tái đầu tư vào Trung Quốc. Diễn biến này phản ánh sự chuyển dịch có lợi cho Mỹ trong cán cân quyền lực giữa hai gã khổng lồ thống trị lịch sử thế kỷ 21.”

Nhà sử học và viết xã luận của báo Le PointFigaro tiếp tục: “Cuộc họp ở San Francisco là một đoạn đường khiêm tốn trong cuộc xung đột rộng lớn giữa các nền văn minh. Nhưng nó mang lại cho chúng ta những bài học quý giá. Thế k 21 không nhất thiết phải là của Trung Quốc. Các đế chế độc tài mà Trung Quốc là hình mẫu không phải là không thể sai lầm hay là bất khả chiến bại. Các nền dân chủ giành được lợi thế ngay khi họ xác định và áp dụng các chiến lược dài hạn cũng như thể hiện tính nhất quán và sự kiên nhẫn. Do đó, sự suy tàn của họ là không thể không tránh được và điều này chỉ phụ thuộc vào ý chí của người dân và sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu.”

Amanda Hsia, được Financial Times trích dẫn ngày 17/11, tin rằng hội nghị thượng đỉnh San Francisco “đã tạo ra một môi trường thuận lợi hơn để hai bên cùng nhau giải quyết một số vấn đề toàn cầu”. Một sự kiện dường như chứng thực ý muốn thực sự của Bắc Kinh nhằm tìm lại sự ổn định nhất định trong quan hệ với Washington, đó là các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều đưa ra phản ứng phần lớn tích cực đối với cuộc gặp này, bỏ qua việc Joe Biden mô tả vị khách của mình là một “nhà độc tài” trước mặt các nhà báo. Ngược lại, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan của ĐCSTQ, lại nhấn mạnh vào mối quan hệ cá nhân được tạo dựng giữa hai vị tổng thống.

Trong con mắt của Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, đương kim đại sứ tại Washington và chuyên gia giỏi về Trung Quốc, việc Bắc Kinh mong muốn ổn định quan hệ với Washington một phần xuất phát từ những khó khăn kinh tế của nước này. Nó nhằm mục đích “trấn an các nhà đầu tư quốc tế và nhà đầu tư ở Trung Quốc về những rủi ro địa chính trị” do căng thẳng Trung-Mỹ.

Đối với Matt Turpin, chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Viện Hoover, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cố gắng lợi dụng sự chia rẽ trong chính quyền Mỹ giữa những người ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và những người ưu tiên cách tiếp cận cứng rắn hơn như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. “Chúng ta đang chính xác ở vị trí như cách đây một năm ở Bali,” ông giải thích. “Đồng ý đối thoại là điều tốt, nhưng liệu điều đó có dẫn chúng ta đến việc chấm dứt sự tranh đua thù địch không?”

Các nhà phân tích Trung Quốc cũng có nhận định tương tự. Giống như Wang Yiwei, chuyên gia địa chính trị của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cũng được nhật báo Anh dẫn lời: “Có thể có nhiều bất ổn [giữa Bắc Kinh và Washington] bất chấp hy vọng của Trung Quốc ổn định quan hệ với Mỹ để có thể tập trung vào kinh tế”. Mong muốn xoa dịu được bày tỏ ở San Francisco khó có thể thay đổi tình hình trong ngắn hạn, Zou Zhibo, chuyên gia cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phát biểu: “Tôi lo lắng về phía Mỹ. Năm tới [người Mỹ] sẽ có một chiến dịch bầu cử [và] họ có thể lợi dụng vấn đề Đài Loan.”

Đối với Jennifer Welch, cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Trung Quốc và Đài Loan, hiện là nhà phân tích về địa chính trị và kinh tế của tập đoàn Bloomberg, vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có giữ đúng cam kết đã được tán thành tại San Francisco hay không. Năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Washington, Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Để rồi thực sự làm điều ngược lại.

DI SẢN CỦA CÁC KỲ THI THỜI ĐẾ CHẾ

Tạp chí Foreign Policy nhấn mạnh: “Mối quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua khoảnh khắc tươi sáng sau nhiều năm giông bão. Đây không phải là tuần trăng mật mà là sự chấm dứt tạm thời các hành động thù địch. Cấu trúc quan hệ giữa hai cường quốc trên thế giới vẫn được giữ nguyên, cũng như niềm tin của nhiều quan chức Trung Quốc và Mỹ rằng đối thủ không phải là kẻ cạnh tranh mà là kẻ thù. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc vẫn là thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc chiếm ưu thế trên thế giới bằng cách làm suy yếu Washington và củng cố sức mạnh của chính họ”. Tạp chí Mỹ cho biết thêm rằng sai lầm sẽ là đánh giá quá cao khả năng của quốc gia này đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay mang tính cấu trúc, trong khi Tập Cận Bình phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng trong bộ máy chính trị Trung Quốc.

Foreign Policy cho biết thêm, không giống như những người tiền nhiệm, Tập Cận Bình “kém năng lực hơn, độc tài hơn và lo lắng hơn” về tương lai của mình. Nếu tư thế hiện tại của ông hòa hoãn hơn thì “đó là vì ông đã bị đánh bại phần nào” do những quyết định hóa ra là tồi tệ. Nhưng xét cho cùng, “một ban lãnh đạo Trung Quốc tin rằng việc họ có thể vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế và chính trị sẽ tốt hơn cho một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn là một ban lãnh đạo tin rằng họ có thể cần phải tấn công trước vì Washington đang tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. […] Sẽ tốt hơn cho mọi người nếu Bắc Kinh tập trung vào các vấn đề trong nước thay vì thiết lập những chiến tuyến.”

Hoàng Á Sinh (1960-)

Trong số mới nhất, The Economist khẳng định: “Tập Cận Bình lặp lại sai lầm của đế chế Trung Hoa.” Để biện minh cho lập luận của mình, tuần báo trích dẫn các đoạn trong cuốn sách vừa xuất bản của Giáo sư Hoàng Á Sinh (Huang Yasheng): Sự trỗi dậy và sụp đổ của phương Đông: Các kỳ thi, chế độ chuyên quyền, sự ổn định và công nghệ đã mang lại thành công cho Trung Quốc như thế nào và tại sao chúng có thể dẫn đến sự suy tàn của nước này. Giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý MIT Sloan này đưa ra sự so sánh giữa học thuyết Nho giáo rốt cuộc đã thống trị các kỳ thi thời đế chế trong hơn 1.300 năm đến mức loại bỏ mọi thứ khác và do đó giết chết sự đổi mới, và Tập Cận Bình, người bãi bỏ mọi sự luân phiên ở đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc vào năm 2018 để tiếp tục nắm quyền cho đến khi qua đời.

Nhưng, mặc dù hệ thống này đã bị bãi bỏ vào năm 1905 nhưng di sản của các kỳ thi thời đế chế vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay dưới triều đại của vị “hoàng đế đỏ mới” Tập Cận Bình. Hoàng Á Sinh nhận xét: “Trung Quốc của ông ta ngày càng chuyên quyền, tĩnh tại và khép kín. Người nước ngoài thắc mắc làm thế nào người Trung Quốc bình thường có thể chịu đựng được thời đại kiểm soát ngày càng tăng. Một câu trả lời là, đối với ít nhất một số người trong số họ, sự bình đẳng và thời cơ quan trọng hơn việc theo đuổi những ước mơ đa dạng và cá nhân.”

Nhưng về lâu về dài, nếu người Trung Quốc có thể chịu đựng được nỗi đau khổ thì đó không phải là trường hợp của các bất bình đẳng. “Những bài phát biểu đầy tham vọng về một Trung Quốc thịnh vượng với công nghệ cao dành cho tất cả mọi người thể còn phải chờ đợi vì nền kinh tế đang chậm lại. Nhưng trong những thời điểm khó khăn này, việc đảm bảo số phận đàng hoàng cho những người xứng đáng được hưởng điều đó là một lời hứa mà những người nắm quyền lực không thể hủy bỏ,” giáo sư nổi tiếng gốc Trung Quốc, một chuyên gia nổi tiếng và diễn giả quốc tế về sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ nói thêm. Đây là trường hợp Trung Quốc của Tập Cận Bình, đang trôi dạt theo chủ nghĩa chuyên chế đã phá vỡ sự tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng có lợi cho hệ tư tưởng và cũng đe dọa giết chết sự đổi mới. Với nguy cơ lao về phía trước để thoái thác trách nhiệm của nhà lãnh đạo tối cao của mình với những hậu quả tai hại có thể xảy ra, cho cả đất nước của ông ta và phần còn lại của thế giới.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Économie, Taïwan, superpuissance: l’illusoire détente entre Chine et États-Unis, The Conversation, 25.11.2023.




Chú thích:

[*] Cựu phóng viên AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản “Sự lãnh đạo toàn cầu đang bị nghi ngờ, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB l'Aube. Ông cũng là tác giả của cuốn “Tibet chết hay sống/Tibet mort ou vif”, được NXB Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và bổ sung. Sau “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/ Chine, le grand prédateur”, xuất bản năm 2021 bởi NXB L'Aube, ông đã chỉ đạo tác phẩm tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier chinois” (NXB Cherche Midi) vào cuối năm 2022, rồi đầu năm 2023 cuốn “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste” (NXB L’Aube).

Print Friendly and PDF