Kỷ Niệm Buồn:  Công Tác Nội Tuyến Của Tôi

Hồi Ký

NGUYỄN MINH ĐÀO

 

Chánh quyền hai mặt

Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1947, năm 1954 tập kết Cà Mau hơn một tháng nhận lệnh ở lại miền Nam. Trở về quê nhà xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tôi tạo vỏ bọc sống hợp pháp trong lòng chế độ Sài Gòn hoạt động bí mật do chi bộ xã lãnh đạo. Những năm đầu sau 1954, Ngô Đình Diệm củng cố, xây dựng lại bộ máy chánh quyền xã, ấp của Pháp để lại, nhân dịp nầy chi bộ xã chọn quần chúng tốt cày cắm vào Hội đồng hương chính xã (ta gọi tề xã) như chú ruột tôi Nguyễn Văn Thôn làm xã trưởng, anh rể bà con chú bác Nguyễn Văn Nhi làm uỷ viên tài chính, bác vợ Nguyễn Văn Chức làm trưởng ấp, uỷ viên cảnh sát Đặng Văn Lũy được ta giáo dục vận động có cảm tình ủng hộ cách mạng… Bộ máy chánh quyền Sài Gòn cơ sở khi ấy ở quê tôi thực chất là chánh quyền hai mặt, mầm móng công tác binh vận quê tôi xuất hiện từ đó. Nhờ vậy, các tổ chức và hoạt động cách mạng quê tôi tồn tại và phát triển khá thuận lợi.

Năm 1961, để đối phó phong trào cách mạng đang dâng cao, ở quê tôi chánh quyền Sài Gòn thanh lọc loại những người ta cày cắm, họ cho là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, đưa vào thay thế những tên chống cộng ác ôn, trong đó có tên Dương Văn Vuông người cùng quê là đảng viên trong kháng chiến chống Pháp, tập kết Cà Mau được lệnh ở lại miền Nam như tôi, ta cày vào dân vệ xã Nhơn Hưng làm nội tuyến, vài năm đầu còn giữ liên lạc với chi bộ, đóng đảng phí… dần dần ra mặt phản bội cách mạng, bắn giết bắt bớ một số cán bộ, đảng viên; trong đó có cậu tôi Đặng Văn Ngưng làm Bí thư chi bộ B xã và anh rể bà con chú bác Nguyễn Văn Hồng làm Xã đội trưởng du kích, bị tên Vuông dẫn dân vệ ruồng bắt giết hại dã man!

Công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn

Tháng 12 năm 1957 tôi trúng tuyển chế độ quân dịch chính quyền Sài Gòn, Ban cán sự Đảng huyện Tịnh Biên (về sau là Huyện ủy) chỉ đạo chi bộ xã kết nạp tôi vào Đảng và công bố quyết định cử làm công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn, Bí thư Ban cán sự Lê Hồng Châu (Năm Mạo) trực tiếp giao nhiệm vụ và tập huấn nội dung, phương thức công tác nội tuyến và quyết định phong tôi cấp trung đội trưởng (chuẩn uý). Tôi nhớ mãi hình ảnh đồng chí Bí thư Ban cán sự Năm Mạo tôi gọi bằng cậu, ông nói chuyện chậm rãi, từ tốn căn dặn tôi phải ghi nhớ truyền thống cách mạng của gia đình, giử gìn phẫm chất, đạo đức người Cộng sản, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, khi có điều kiện thì “chui sâu trèo cao” phục vụ cách mạng lâu dài… Được kết nạp vào Đảng là vinh dự lớn trong cuộc đời tôi, trước nhiệm vụ công tác nội tuyến Đảng giao, tôi không có lựa chọn nào khác phải chấp hành, nhưng trong lòng không vui! Ba Má tôi không muốn tôi thi hành nhiệm vụ này, Ông Bà nói: “Từ xưa đến nay cả nhà mình một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ nay con làm nhiệm vụ này, mặc dù do Đảng giao nhưng người ngoài đâu có biết, cho rằng con phản động, làm điếm nhục họ hàng, tổ tông!”

Sau hai tháng thụ huấn quân trường Quang Trung và một tháng dự khoá huấn luyện kế toán binh đoàn ở Liên trường võ khoa Thủ Đức, họ đưa tôi làm việc ở Sở quân nhu quản trị số 6 đóng tại thành Hanh Thông Tây - Gò Vấp (Sài Gòn), đến tháng 12 năm 1958 tròn một năm nhận quyết định giải ngũ.

Trở về gia đình tôi đang sống ở xóm đường Củi Giữa, kinh Tám Ngàn, xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Một tháng sau cậu tôi - ông Đặng Chí Kiên đến truyền đạt quyết định của Huyện uỷ Tịnh Biên giao nhiệm vụ tôi tiếp tục công tác nội tuyến trong lực lượng Bảo An tỉnh An Giang (về sau là địa phương quân). Sau hai tháng thụ huấn Trung tâm huấn luyện Bảo An tỉnh (địa điểm Báo An Giang ngày nay), họ thuyên chuyển tôi về đồn Vàm Cống làm thơ ký đồn, về Đại đội huấn luyện bổ túc ở Trung tâm huấn luyện Thất Sơn làm thơ ký đại đội, làm nhân viên Phòng chiến tranh tâm lý và Phòng kế hoạch thuộc Tỉnh đoàn Bảo An An Giang. Sau cùng, họ chuyển tôi về Khu 1 bảo an Nam phần, là cơ quan chỉ huy lực lượng Bảo An sáu tỉnh miền Tây Nam Bộ, do viên trung tá làm chỉ huy trưởng trú đóng gần sân bay Sóc Trăng, sau dời về Cái Răng – Cần Thơ, họ giao tôi làm thơ ký văn phòng, làm việc như công chức. Tôi về báo cáo tổ chức, các đồng chí cho rằng đây là cơ hội tôi có thể “chui sâu trèo cao”, động viên tôi phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian làm việc ở đây khoảng 6 - 7 tháng. Khi ấy, cách mạng miền Nam chuyển giai đoạn đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chánh trị và binh vận, tôi nôn nóng muốn ra ngoài chiến đấu, một hôm em tôi – Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) được tổ chức giao nhiệm vụ liên lạc với tôi đến thăm, tôi nói: “Em về báo cáo các anh, cho anh ra ngoài chiến đấu, ở đây anh không làm được việc gì có ích đâu!”. Một tuần sau, không chờ ý kiến tổ chức, nhân chủ nhật nghỉ làm việc tôi cuốn gói đào ngủ khỏi quân đội Sài Gòn và cũng là đào ngủ bỏ nhiệm vụ công tác nội tuyến Đảng giao vào đầu tháng 1 năm 1961.

Tôi mất ngần ấy thời gian công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn, vận động được một số ít anh em binh sĩ có cảm tình cách mạng, hình thành vài nhóm bạn tâm giao và lợi dụng công việc mình làm ở văn phòng đánh cấp một số bản sao tài liệu mật chuyển ra ngoài cho tổ chức như một tình báo viên thực thụ.

Về gia đình tôi vẫn sinh sống ở kinh Tám Ngàn, khi ấy là vùng giải phóng, lực lượng kháng chiến địa phương thấy tôi lạ mặt nghi ngờ làm dọ thám định “làm thịt”tôi, may sao các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện biết được can ngăn, về sau tôi mới biết chuyện nầy, hú hồn! Hơn một tháng, Huyện uỷ Tịnh Biên gọi tôi về văn phòng đang trú đóng núi Dài xã Ba Chúc, Bí thư huyện uỷ Năm Mạo triệu tập cuộc họp kiểm thảo tôi, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và kéo dài thời kỳ đảng viên dự bị mà không nói bao lâu, về khuyết điểm vi phạm tổ chức kỷ luật Đảng, tự ý bỏ nhiệm vụ công tác nội tuyến Đảng giao. Được ra ngoài công tác, chiến đấu đúng ý nguyện của mình, tôi vui vẻ chấp hành án kỷ luật.

Sau đó Huyện uỷ phân công tôi làm Trưởng tổ Quân báo huyện, Trưởng Văn phòng huyện đội và Trưởng Văn phòng huyện uỷ Tịnh Biên.

Sĩ quan quân đội Sài Gòn – Anh là ai?

Những năm làm công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm, tôi có dịp tiếp cận một số binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan được biết nhiều người đi lính từ thời Pháp thuộc, được đào tạo chính qui, trừ số ít người có tư tưởng chống cộng, còn lại là những người có nhân cách, có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ít nhiều có cảm tình với cách mạng, đi lính vì “chén cơm manh áo” và xem đó là con đường tiến thân trong xã hội họ gọi là “binh nghiệp”.  Hồi tôi làm ở Sở quân nhu quản trị số 6, cùng phòng có anh binh nhất hơn tôi mấy tuổi, anh chân chất, thật thà đi lính từ thời Pháp làm công việc văn phòng gần mười năm vẫn là binh nhất, tôi hỏi anh vì sao? anh cười hiền trả lời: “Không biết nữa!” - Tôi hỏi sao anh không nghỉ ở nhà làm ăn, anh nói: “Nghỉ làm lính biết làm gì sống, quê tôi nghèo lắm, nhà không cục đất chọi chim…!”. Khi làm việc ở phòng chiến tranh tâm lý thuộc tỉnh đoàn Bảo An An Giang do thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Sáu làm trưởng phòng, suốt thời gian làm việc dưới quyền anh, là trưởng phòng chiến tranh tâm lý nhưng tôi chưa nghe anh nói câu chống cộng nào. Sau năm 1975 anh mang lon đại uý, đi “học tập cải tạo” về tình cờ tôi biết anh ở cùng phường đến thăm, anh rất vui cùng tôi nhắc kỷ niệm xưa, anh năm nay hơn tám mươi tuổi, đau yếu luôn, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh.

Còn một người nữa tôi muốn nhắc tới, đó là thiếu uý Nguyễn Văn Lý, làm đại đội trưởng bảo an huấn luyện bổ túc ở trung tâm huấn luyện Thất Sơn (về sau là quân trường Chi Lăng), nhà anh gần nhà thờ Châu Đốc, có lần tôi theo anh về nhà cùng ăn cơm, ngủ đêm. Anh cử tôi làm thơ ký đại đội, ăn ở cùng lều dã chiến với anh, hàng đêm thấy anh mở radio nghe đài Hà Nội, anh nói đài Hà Nội nghe hay, đài Sài Gòn nghe chán! Tôi thăm dò thái độ chánh trị nghe anh nói tốt về miền Bắc, ca ngợi Cụ Hồ là người yêu nước tài đức, khen Đại tướng Võ Nguyên Giáp văn võ song toàn…! Năm 1975 anh Lý là thiếu tá đi “học tập cải tạo” 6, 7 năm trở về, nhà ở Châu Đốc bị tịch thu, còn một căn nhà khác ở Biên Hoà khi anh làm việc ở đây cũng bị tịch thu. Trở về gia đình không nhà ở phải ăn nhờ ở đậu nhà ai đó sau nhà thờ Châu Đốc, khi ấy tôi làm bí thư thị uỷ Châu Đốc tìm thăm anh, anh làm đơn xin lại nhà, tôi chuyển đơn lên tỉnh kèm ý kiến xác nhận thái độ chánh trị của anh nhưng không được giải quyết. Sau đó anh cùng gia đình xuất cảnh định cư ở Mỹ theo diện HO, năm rồi anh về thăm quê và làm đơn xin ở lại Việt Nam đến khi qua đời … !

Những gì tôi nói trên, không phải tự dưng muốn tô vẽ sĩ quan quân đội Sài Gòn, mà đó là sự thật những con người bằng xương bằng thịt tôi biết được, có thể tiêu biểu cho bản chất đông đảo sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn, họ cũng là con người Việt Nam chung dòng máu đỏ, biết yêu nước thương nòi như những người cộng sản, vì hoàn cảnh lịch sử hay nguyên cớ nào đó họ đứng bên kia chiến tuyến, nhưng không phải kẻ thù sinh tử với ta. Khi còn kháng chiến, Đảng đánh giá đúng bản chất thành phần sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn, đề ra chánh sách binh vận đầy tính nhân văn, chính nghĩa, nhân đạo, hợp lòng người và là một trong “ba mũi giáp công” chiến lược, phát huy vai trò, tác dụng tích cực góp phần vào thắng lợi vẽ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Nhưng, rất đáng tiếc sau khi “đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào” nắm chính quyền, ta đưa hàng vạn sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ Sài Gòn “học tập cải tạo” lâu dài, thực chất là cầm tù đày ải họ, hòng triệt tiêu “mầm móng chống đối”. Hồi ấy tôi rất  không tán thành cách hành xử quá nặng tay không cần thiết nầy, nếu không nói là ác độc, thắc mắc hỏi các đồng chí lãnh đạo giải thích rằng, để bảo đãm an ninh cho đất nước cần phải làm như vậy, so với Liên Xô, Trung Quốc sau khi giành chánh quyền, những người nầy bị lưu đày không ngày về; thậm chí bị thủ tiêu, ta làm như vậy “nhân đạo” hơn nhiều!!

 Sự việc nầy nói ra thêm đau lòng và hối tiếc chuyện qua rồi làm sao chuộc lại, nhưng tôi thấy cần nói thẳng, nói  thật “mổ xẻ” tận cùng sự việc, rút ra bài học lịch sử dù cay đắng cho hôm nay và mai sau. Tôi cho rằng chuyện nầy ta thua Mỹ 1 – 0, vì trong hàng vạn sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ Sài Gòn ta bắt tù đày đâu phải tất cả đều chống cộng, ta đã đánh giá đúng bản chất họ khi còn kháng chiến kia mà! Vã lại, họ là người “bên thua cuộc” còn gì nữa ta phải sợ, nếu muốn đề phòng sự phản loạn của họ trong điều kiện ta có chánh quyền, chằng lẽ chẳng còn biện pháp nào khác sao?! Ta hành xử như vậy gây đau thương, oán hận trong lòng họ và gia đình họ đâu dễ xoá nhoà, vô hình trung xô đẩy họ và gia đình họ không muốn chống cộng cũng chống cộng. Trong khi Mỹ gây sức ép ta trả tự do cho họ như một trong những điều kiện bình thường hoá quan hệ và khi ta đã trả tự do cho họ, Mỹ giang tay chào đón họ và gia đình họ về định cư trong lòng nước Mỹ. Vậy, cách hành xử của ta và Mỹ ai được lòng người hơn ai?! Lại nữa, chính vì ta xem họ là kẻ thù nguy hiểm không như trong chiến tranh và việc làm nầy ta đã xổ toẹt chánh sách hoà giải, hoà hợp dân tộc do chính ta đề xướng khi còn đánh nhau, dư luận trong nước và quốc tế chê trách ta lời nói và việc làm không nhất quán!

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước chống Pháp và Mỹ, Đảng phất cao cờ chính nghĩa thu phục lòng người, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phát huy sức mạnh tổng họp đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Tại sao khi hoà bình lập lại, Đảng không tiếp tục giử vững ngọn cờ chính nghĩa hoà giải hoà hợp dân tộc thu phục lòng người cùng Đảng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lại phạm những sai lầm nghiêm trọng, có hệ thống khiến lòng người phân ly, hàng triệu người bỏ nước ra đi… làm chồng chất thêm khó khăn của người dân sau chiến tranh…!!

                                                    Long Xuyên, ngày 12 tháng 9 năm 2021

                                                                  Mùa đại dịch Covid-19

                                                                      Nguyễn Minh Đào

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 11-9-21