758 – Lạm bàn về chữ tâm, chữ tài trong nghề làm phim

IMG_1170

Chẳng cứ nghề làm phim, làm bất cứ công việc gì mà chả cần sự khéo tay hay mắt. Cao hơn là có cả tâm lẫn tài thì kết qủa mới viên thành được.

Haniff 2 (Hanoi International Film Festival 2 – Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2) đã khép lại. Dù không được xem phim, nhưng tôi cũng theo dõi khá sát những sự kiện của Haniff suốt mấy ngày qua.

Cảnh trong phim Shackled (Bị còng tay) của Philippines - Phim truyện xuất sắc nhất Haniff 2

Cảnh trong phim Shackled (Bị còng tay) của Philippines – Phim truyện xuất sắc nhất Haniff 2

Trong hội thảo, các nhà làm phim Việt thì sa đà nhiều vào những vấn đề, vốn gây mất thì giờ và vô bổ suốt mấy năm nay: phim tư nhân – phim nhà nước; phim thị trường – phim nghệ thuật, phim khán giả – phim giải thưởng. Để rồi trở thành đối lập giữa một phe “tư nhân, thị trường” và phe kia “nhà nước, nghệ thuật”. Không bên nào chịu bên nào.

Những tranh cãi ấu trĩ đó, lẽ ra không nên có ở một sự kiện mang tầm quốc tế trọng đại như Haniff 2. Bởi suy cho cùng, mẫu số chung của tác phẩm của mọi nền điện ảnh là làm sao làm phim cho hay để vừa kéo được đông đảo khán giả tới rạp. Lại lọt được vào mắt xanh của nhiều liên hoan phim lớn danh tiếng trên thế giới.

Cliff Curtis, diễn viên, nhà làm phim độc lập Hollywood

Cliff Curtis, diễn viên, nhà làm phim độc lập Hollywood

Trong tất cả những ý kiến của khách mời, có 2 ý kiến tôi cho là rất chí lý. Đó là lời của nam diễn viên gốc Ả Rập, người đã rất thành công tại Hollywood trong thời gian qua ở cả các vai diễn lẫn vai trò nhà làm phim độc lập. Curtis đã trải lòng mình với các đồng nghiệp VN như sau: “Muốn bán được phim ra nước ngoài, các bạn phải làm phim về những câu chuyện của chính mình, về văn hóa, cuộc sống riêng ở nước bạn. Hãy kể chúng theo cách mà người nước khác có thể hiểu được. Học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn là cần thiết, nhưng các bạn đừng rập khuôn theo Hollywood, đơn giản là các bạn sẽ không làm được như họ”.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh

Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh

Tương tự như vậy, đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh còn cụ thể hơn bằng những lời thẳng thắn: “Tôi rất ngưỡng mộ điện ảnh Iran. Họ biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường của họ một cách hay, hấp dẫn và lạ. Trong khi điện ảnh thế giới đang hướng tới những nét đặc trưng, riêng biệt, độc đáo của văn hóa bản địa, dân tộc bản địa, điện ảnh chúng ta lại thích bắt chước, thích được gọi là hội nhập, thích vươn tới quốc tế bằng những chiêu trò, bằng những câu chuyện nửa Tây nửa Ta với biệt thự, siêu xe, chân dài… Hãy bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, giản dị nhất. Ngoài kia, bao nhiêu người nông dân đang mất đất. Ngoài kia, còn bao cảnh đời “không biệt thự”, “không siêu xe”. Bộ phim hay không thể đến từ đồng tiền, bộ phim hay phải được làm ra từ chữ tâm, chữ tài của đạo diễn”. (*)

Qủa đúng như nhị vị đã nói, nếu cứ mải đua đòi cách làm rập khuôn theo Hollywood, cứ chạy theo những biệt thự, siêu xethì hàng trăm năm nữa điện ảnh Việt sẽ cứ lẹt đẹt mãi, chẳng thể mở mày mở mặt được.

Không cần nói đâu xa, như nền điện ảnh của Iran đấy! Một nền sản xuất điện ảnh nghèo nàn, thiếu thốn kinh phí làm phim, cùng bao giới luật khắt khe của tôn giáo. Lại luôn gây bất ngờ tại các lễ trao giải, luôn mang đến cho người xem những tác phẩm đầy ý nghĩa nhân văn: Phim Taste of Cherry (Hương vị anh đào) đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1997. Phim Le Cercle đoạt giải Sư tử vàng năm 2000 tại LHP Venice. Năm 2006, phim Offside (Việt vị) đoạt giải Gấu bạc… Với nhiều đạo diễn, diễn viên tài danh khác của nền điện ảnh Iran đã từng được vinh danh trên trường quốc tế. Lần lượt những bộ phim của Iran đã khiến thế giới phải sửng sốt.

Pleas đạo diễn bộ phim A Separation giành Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

Pleas – đạo diễn Iran – phim A Separation giành Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

Đặc biệt phim A Separation (Ly thân) giành giải Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Đây là lần đầu tiên điện ảnh Iran được vinh danh tại một giải thưởng điện ảnh uy tín nhất hành tinh, vượt mặt tất cả những ông lớn khác trong làng điện ảnh thế giới. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 69, phim cũng giành chiến thắng ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, tại LHP Berlin lần thứ 61, A Separation cũng đoạt giải Gấu Vàng.

Bộ phim “A Seperation” kể về câu chuyện xoay quanh những nảy sinh, rạn nứt của hai gia đình thuộc hai tầng lớp ở Iran, với những điều quen thuộc trong đời thường: sự bất đồng của một cặp vợ chồng trung lưu trong tổ chức cuộc sống; thất nghiệp, sự căng thẳng mưu sinh của một cặp khác thuộc tầng lớp khó nhọc hơn. Họ được đưa đẩy đến với nhau trong mối quan hệ giữa người chủ và giúp việc. Hiểu lầm, mâu thuẫn nổ ra dẫn tới việc phải đưa nhau ra công đường, nhờ pháp lý can thiệp… Nhưng tính nhân văn của phim thể hiện ở chỗ mọi nhân vật dù mâu thuẫn đẩy tình huống gay cấn đến đâu thì trước đức tin và nhân tính bản thiện, họ đều biết cách trở về với chân giá trị, với sự thật. Như lời thề đạo giáo, như lời hứa của người cha trước cái nhìn đẫm nước mắt của cô con gái…

Với trang phục truyền thống kín đáo, thành viên BGK Haniff 2: Diễn viên người Irab - Taraneh Alidoosti (sinh 1984) dường như trở nên “nổi tiếng” hơn và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời, các tình nguyện viên và đặc biệt giới báo chí.

Với trang phục truyền thống kín đáo, thành viên BGK Haniff 2: Nữ diễn viên Iran – Taraneh Alidoosti (sinh 1984) dường như trở nên “nổi tiếng” hơn và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời, các tình nguyện viên và đặc biệt giới báo chí.

Một câu chuyện nhỏ nhưng sức lay động lớn, tất cả được chạy trên nền bối cảnh văn hóa truyền thống của dân tộc Iran. Một câu chuyện kể mộc mạc bằng điện ảnh chứ không cần qúa nhiều lời thoại rườm rà của các nhân vật.

Những bộ phim như thế có cần quá nhiều tiền không?

Trở lại với ý kiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh: Hãy bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, giản dị nhất. Ngoài kia, bao nhiêu người nông dân đang mất đất…

Họ có phải là nhân vật xứng đáng được điện ảnh Việt để mắt tới hay không?

Bà con Văn Giang đang thuật lại cảnh bị cướp đất với khách tới thăm...

Bà con Văn Giang đang thuật lại cảnh bị cướp đất với khách tới thăm…

Vậy mà hôm 18/11/2012 vừa rồi, những người nông dân Văn Giang “yêu đất“ trịnh trọng mời các đại biểu QH về mục sở thị cảnh “mất đất“ vô lý của bà con. Song các đại biểu chưa thực sự là đại diện cho dân nên lảng hết. Không biết có nhà biên kịch nhà đạo diễn ĐAVN nào “xé rào“ (như người mẫu Hồng Quế “xé rào“ vào Haniff 2, hôm khai mạc) về với bà con? Đọc bài Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (**) của cựu phóng viên báo Nhân dân Nguyễn Đình Ấm mà mắt tôi nhoà lệ. Chắc chị Ngát (nhà biên kịch – nhà Film Hồng Ngát), chôn nhau cắt rốn tại “dòng sông Văn“ (***)- Văn Giang còn thương xót những bà con yêu đất nhiều hơn tôi? Vậy còn đợi gì mà không mần một kịch bản cho ra trò về những mảnh đời bất hạnh sống chết với mảnh đất của tổ tiên?

Cảnh cưỡng chế đất ở Văn Giang ngày 24/4/2012

Cảnh cưỡng chế đất ở Văn Giang ngày 24/4/2012

Đảm bảo những bộ phim chẳng cần biạ tạc hay hư cấu như ở Văn Giang hôm 24/4. Hoặc trước đó, “trận đánh hay có thể viết thành sách“ ở Đầm Vươn, Tiên Lãng hôm 5/1/2012 ấy! Chắc chắn phim sẽ đậm nét văn hóa, cuộc sống riêng của xứ sở Việt mà không nơi nào trên thế giới sánh được!

Vậy đừng mất thì giờ nhiều để tranh cãi về phim “tư nhân ” hay phim “nhà nước”; phim “nghệ thuật” hay phim “thị trường” mà làm gì. Xin các nghệ sỹ có tâm có tài của ĐAVN hãy bắt tay ngay vào làm phim kể về những người nông dân yêu đất gần gũi, giản dị của quê Việt ta theo cách mà người nước khác có thể hiểu được như lời khuyên chân thành của các bậc tiền bối về nghề đi. Dứt khoát những đề tài mang hơi thở của cuộc sống đương thời đó sẽ độc đáo, mới lạ và rất nhân bản. Chỉ tới khi “chúng ta đi đến tận cùng nước mắt, nụ cười của dân tộc mình chúng ta sẽ gặp nhân loại.” Như lời nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm vừa phát trong hội thảo.

Trong lúc đang thiếu vốn như hiện nay, thiết nghĩ bài học qúi báu của xứ sở nổi tiếng về chuyện kể ngàn một đêm lẻ nhưng công nghệ điện ảnh còn khá khiêm nhường. Nền điện ảnh Iran chính là tấm gương sáng giúp ĐAVN của chúng ta học hỏi và sớm khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả Việt và thế giới!

Gocomay

(*) Những chuyện ghi lại từ phía sau thảm đỏ – http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-chuyen-ghi-lai-tu-phia-sau-tham-do-668411.htm

(**) Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” –  http://anhbasam.wordpress.com/2012/11/28/1420-van-giang-nhung-dieu-trong-thay-ma-dau-don-long/

(***) 732 – Thương “dòng sông Văn“ quê hương chị Ngát !https://gocomay.wordpress.com/2012/05/04/732-thuong-dong-song-van-que-huong-chi-ngat/

3 bình luận

  1. Trong bối cảnh hiện nay, khó mà đòi hỏi phim giải trí nhằm mua vui phải phê phán, cảnh báo tệ nạn xã hội, lên án những lối sống lệch lạc, tha hóa, thậm chí tiêu cực, tham nhũng; nhất là ca ngợi, cổ vũ những điều tốt đẹp trong cuộc sống và đặc biệt là đặt ra những vấn đề mang tính nhân loại… Nhưng vì thế, phim giải trí thuần túy sẽ thật khó có giá trị, sức sống lâu dài cũng như vị trí nghệ thuật trong nước chứ chưa nói đến thi thố, làm nên chuyện ở các sân chơi điện ảnh nước ngoài.

    • Bởi vậy đừng có bắt điện ảnh nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung phải là “đinh ốc, bánh xe” (lời Lê Văn Nin) trong cỗ xe cách mạng (tuyên truyền, phục vụ chính trị) nữa…

    • Tại sao không làm được ? đừng đổ lỗi cho cơ cấu nhà nước. Cái chính là ” Con người” , cái chính là tác giả và đổi mới tư duy làm phim trong cách nghĩ, cách hành động, cách đưa vấn đề đời thường vào phim một cách rất nghệ thuật và rất Điện ảnh thì chỉ có con người mới làm được. Hãy xem lại những bộ phim ” Câm” của Chalie Chaflin sẽ thấy vẫn rất thú vị đấy chứ. Ngày xưa các nhà làm phim đâu có đầy đủ kỹ thuật hiện đại như bây giờ mà vẫn có phim hay .
      Còn các nước bạn nữa, IRAN, Trung Quốc, Ấn độ và hàng vô khối nước khác đều có phim giật giải quốc tế, còn chúng ta cứ ngồi đổ lỗi cho cơ cấu, và tại vì cái nọ, tại vì cái kia. Con người chúng ta không tự nhận là đang dậm chân tại chỗ và đang lòng vòng sỹ diện với những cái mình đã có, không muốn xóa bỏ nó đi, và luôn nghĩ mình đã tuyệt vời trong quá khư, vậy là mình vĩnh viễn tuyệt vời. Các bạn làm phim ơi, hãy bắt tay vào thực tế. hãy làm khác đi và đừng copy của thiên hạ, nếu cứ đi ” Ăn cắp” ý tưởng thì cả đời chỉ có đi “ăn cắp” mà chúng ta chả có cái gì của riêng chúng ta cả. Trong phim của chúng ta, nhặt nhạnh củ điện ảnh mỗi nước một chút, người xem nhận ra ngay, và nó như một món ăn hổ lốn, chứ đâu còn chất liệu nghệ thuật trong phim nữa ? Đừng đổ lỗi cho ai cả, lỗi của người làm phim mà thôi. Đừng làm phim để chỉ đóng cửa trao giải cho nhau ở trong nước, phải biết vượt ra khỏi lũy tre làng đi các bạn làm phim ạ….

      Mạnh Cường
      Kỹ Sư âm thanh cho phim và Vô Tuyến truyền hình tại CHLB Đức
      Kỹ Sư thẩm định chất Lượng hình ảnh và âm thanh công nghệ Digital

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ