Làm thế nào để ngăn chặn cuộc chiến Đài Loan

Project – Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

8-4-2024

Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình.

Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và là tàn dư của cuộc nội chiến Trung Quốc trong thập niên 1940. Mặc dù mối quan hệ Mỹ-Trung đã được bình thường hóa vào thập niên 1970, Đài Loan vẫn là một điểm gây tranh cãi. Tuy nhiên, một công thức ngoại giao trên giấy tờ để giải quyết các bất đồng đã được tìm thấy: Người Hoa ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đồng ý rằng, chỉ có “một Trung Quốc”. Đối với người Mỹ, việc từ chối công nhận bất kỳ lời tuyên bố độc lập nào về mặt pháp lý của Đài Loan sẽ bảo đảm rằng, mối quan hệ của hòn đảo với lục địa sẽ được giải quyết bằng đàm phán, không phải bằng vũ lực. Tuy nhiên, Trung Quốc không bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực.

Trong nhiều năm, chính sách của Mỹ được gọi là “sự mơ hồ chiến lược”, nhưng nó có thể được mô tả tốt hơn là “răn đe kép”. Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc trong việc sử dụng vũ lực, nhưng cũng ngăn chặn Đài Loan khiêu khích Bắc Kinh bằng cách tuyên bố tình trạng độc lập chính thức. Điều đó có nghĩa là, [Mỹ] cung cấp cho Đài Loan các vũ khí để tự vệ, nhưng không đưa ra lời bảo đảm chính thức về an ninh, vì điều đó có thể cám dỗ cho Đài Bắc tuyên bố độc lập.

Do đó, khi tôi đến thăm Bắc Kinh vào năm 1995 với tư cách là một quan chức trong chính quyền Clinton và được hỏi, liệu Hoa Kỳ có thực sự mạo hiểm chiến tranh để bảo vệ Đài Loan không, tôi đã trả lời rằng điều đó có thể, mặc dù không ai có thể chắc chắn. Tôi chỉ ra rằng, vào năm 1950, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson đã tuyên bố Triều Tiên nằm ngoài vành đai quốc phòng của chúng tôi. Tuy nhiên, trong vòng một năm, Trung Quốc và Mỹ đã giết hại lẫn nhau trên bán đảo Triều Tiên. Bài học lịch sử là, Trung Quốc không nên gây mạo hiểm.

Năm sau, sau khi tôi rời chính phủ, tôi được yêu cầu tham gia một nhóm cựu quan chức lưỡng đảng đến thăm Đài Loan. Chúng tôi đã gặp Tổng thống Trần Thuỷ Biển, là người có chuyến thăm “không chính thức” trước đây tới Mỹ, đã gây ra một cuộc khủng hoảng, trong đó Trung Quốc bắn tên lửa ra biển và Mỹ triển khai các tàu sân bay ra ngoài khơi của Đài Loan. Chúng tôi đã cảnh báo ông Trần rằng, nếu ông tuyên bố độc lập, ông không thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ. Đó là “sự mơ hồ chiến lược”.

Trong nửa thế kỷ, bất chấp sự khác biệt về cách giải thích, công thức “một Trung Quốc” và học thuyết mơ hồ chiến lược của Mỹ đã gìn giữ hòa bình. Nhưng hiện nay, một số nhà phân tích đang kêu gọi sự rõ ràng hơn về chiến lược trong việc bảo vệ Đài Loan. Họ lưu ý rằng, Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 1971 hoặc năm 1995 và nước này đang phản đối mạnh mẽ hơn đối với các giai đoạn như chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện khi đó là Nancy Pelosi vào năm 2022.

Thêm vào tiềm năng cho tình hình bất ổn, hai tổng thống gần đây nhất của Đài Loan thuộc đảng Dân Tiến, mà họ chính thức ủng hộ tình trạng độc lập, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng, hầu hết người Đài Loan không tự coi mình là người Trung Quốc. Liệu việc răn đe kép vẫn còn tác dụng không?

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra bốn lời tuyên bố, cho thấy, ông sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực. Nhưng mỗi lần [ông Biden tuyên bố], Nhà Trắng đều “làm rõ” rằng Mỹ không thay đổi chính sách của mình.

Do đó, chính quyền đã cố gắng tăng cường khả năng răn đe quân sự để chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc, trong khi không kích động cho Trung Quốc đi vào một hành vi rủi ro hơn, bằng cách đặt vấn đề về chính sách “một Trung Quốc”. Mục tiêu là kéo dài hiện trạng vô thời hạn. Liệu việc này sẽ hữu hiệu? Theo Henry Kissinger, người làm trung gian trong việc bình thường hóa hồi thập niên 1970, Mao Trạch Đông đã nói với Richard Nixon rằng, Trung Quốc có thể đợi một thế kỷ cho việc thu hồi Đài Loan.

Nhưng Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, có vẻ như thiếu kiên nhẫn hơn nhiều. Mối quan tâm chính của ông ta là kiểm soát đảng Cộng sản Trung Quốc và bảo đảm đảng CSTQ tiếp tục kiểm soát Trung Quốc. Mặc dù một cuộc xâm lược Đài Loan thất bại có thể gây nguy hiểm cho cả hai phe, một lời tuyên bố độc lập của Đài Loan cũng có thể khiến ông [Tập] cảm thấy bị đe dọa ở trong nước và sẵn sàng chấp nhận các rủi ro lớn hơn. Lời nói của các quan chức nhà nước có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tinh tế này.

Nhưng trong ngành ngoại giao, các hành động có ý nghĩa lớn nhất và có một số hành động mà Mỹ có thể thực hiện để tăng cường việc răn đe. Vì một hòn đảo có 24 triệu dân không bao giờ có thể đánh bại một quốc gia với hơn một tỷ dân về mặt quân sự, Đài Loan phải có khả năng kháng cự đủ mạnh để làm thay đổi sự tính toán của Tập Cận Bình. Người ta phải làm cho Tập hiểu rằng, ông ta không thể thực hiện một sự đã rồi nhanh chóng.

Để đạt được điều đó, Đài Loan không chỉ cần máy bay và tàu ngầm tiên tiến, mà còn cần các tên lửa có thể được giấu trong hang động để tồn tại lâu dài hơn trong cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc. Nó phải trở thành một con nhím mà không sức mạnh nào có thể nuốt chửng nhanh gọn được. Là một hòn đảo cách bờ biển Trung Quốc 100 dặm (161 km), Đài Loan được hưởng lợi từ một con hào rộng lớn khiến cho một cuộc xâm lược trở nên khó khăn. Nhưng vùng biển này cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể thực thi một cuộc phong tỏa hải quân để buộc Đài Loan phải khuất phục.

Do đó, Đài Loan cần tăng cường dự trữ lương thực và nhiên liệu, Mỹ và các đồng minh phải nói rõ rằng, họ sẽ không tôn trọng việc phong tỏa của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, bố trí các hệ thống quân sự của Mỹ ở Nhật, Úc và Philippines có thể vươn tới Đài Loan trong vòng một tuần. Điều này sẽ làm giảm sự mơ hồ trong khả năng răn đe của Mỹ. Đồng thời, Mỹ không nên từ bỏ các đặc điểm cơ bản của việc răn đe kép.

Ngăn chặn một cuộc chiến đòi hỏi phải cho Trung Quốc thấy rằng, Mỹ và các đồng minh có khả năng bảo vệ Đài Loan, và nhắc nhở các nhà lãnh đạo của hòn đảo rằng, việc tuyên bố độc lập về mặt pháp lý sẽ là sự khiêu khích và không thể chấp nhận được.

Đã có nhiều thay đổi kể từ khi Nixon và Mao phát minh ra công thức “một Trung Quốc”. Nhưng công thức đó, nếu kết hợp với các biện pháp khác được nêu ở trên, vẫn có thể giúp ngăn chặn cuộc chiến Đài Loan.

_______

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr., là giáo sư hồi hưu của trường Harvard Kennedy và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông còn là tác giả của cuốn sách: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2020) và “A Life in the American Century” (do NXB Polity Press ấn hành năm 2024).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hễ có chuyện gì bất ổn ở nội bộ (đe dọa ngôi vua) thì thủ lĩnh CS TQ lại dọa thôn tính Đài Loan để hướng dư luận (bất lợi cho mình) sang chuyện Đài Loan muốn độc lập.

  2. Muốn ngăn chận cuộc chiến ĐL.thì điều kiện tiên quyết là 2 đối thủ phải tôn trọng
    luật chơi để có “fair play” nhưng khổ nỗi Trung Cộng không được nhu vậy mà là họ
    quyết chơi theo luật của họ. Vì thế, tôi thiết nghĩ khó ngăn chận cuộc chiến đó ?
    Có thể ví cuộc chiến Đài Loan như một con ĐÊ mà một bên là phương Tây đứng
    đầu là Mỹ bảo vê còn bên kia ngược lại phá hoại, họ đang lăm le chọc thủng một
    đoạn trước khi làm chủ mục tiêu. Bên nào kiên nhẫn hơn và đủ sức kéo dài cuộc
    chiến thì bên đó sẽ thắng ?
    Có lẽ nên thực tế để nhìn nhận Mỹ trong mấy chuc năm gần đây chưa thành công
    ở đâu cả và chổ nào Mỹ “nhúng” vào thì cuối cùng cũng…bỏ chạy ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây