21.1.24

Làm thế nào để tự định hướng trong vùng “cao nguyên tân tự do”? Cuộc trò chuyện với Thomas Piketty, Felicia Wong và Gary Gestle

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỰ ĐỊNH HƯỚNG TRONG “VÙNG CAO NGUYÊN TÂN TỰ DO”? CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI THOMAS PIKETTY, FELICIA WONG VÀ GARY GERSTLE

“The World at Work”, trang đầu của một cuốn sách giáo khoa kinh tế học (1934)

Đây có phải là sự kết thúc của chủ nghĩa tân tự do? Đối với một số người, “đỉnh cao” đã qua; đối với những người khác, chúng ta đang chuyển vào trong một vùng “cao nguyên”: làm thế nào để tìm đường đi và làm thế nào để hình dung chuyện gì sẽ xảy ra sau này?

Trong tập mới của loạt bài “chủ nghĩa tư bản chính trị trong chiến tranh/Capitalismes politiques en guerre” của chúng tôi, một nhà kinh tế học, một nhà sử học và một nhà khoa học chính trị đề xuất mở ra những bước đột phá.

Thomas Piketty[1], Noam Maggor[2], Gary Gerstle[3] Felicia Wong[4]

NOAM MAGGOR

Noam Maggor

Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tự do đang bắt đầu?[*] Hay ngược lại, chúng ta đang tiến tới một phương thức cai quản trao cho chính phủ vai trò tích cực hơn không? Làm thế nào để suy nghĩ lại về vai trò của Nhà nước trong kỷ nguyên toàn cầu mới?

Chính quyền Biden đã đưa ra một số sáng kiến ​​​​táo bạo, không thể hình dung được dưới các chính quyền trước đây. Đáng kể nhất là Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm, đã đầu tư 1,2 nghìn tỷ đô la vào giao thông, truy cập băng thông rộng, nhà máy lọc nước và mạng lưới điện. Sau đó, Đạo luật Khoa học và Chip có kế hoạch dành 280 tỷ đô la cho việc phát triển và sản xuất chất bán dẫn trên lãnh thổ quốc gia. Cuối cùng, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) dự kiến khoản tài trợ 400 tỷ đô la cho các công nghệ sạch.

Chính quyền Biden đã chấp nhận logic và luận điệu của một chính sách công nghiệp mang tính can thiệp cao mà cách đây không lâu là điều hoàn toàn cấm kỵ - một chính sách thậm chí không cần phải nêu tên.

Những biện pháp này đã gây tiếng vang khắp thế giới, ở châu Á, nơi chúng được coi là nỗ lực nhằm kìm hãm sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, và ở châu Âu, nơi các chính sách tương tự đang được xem xét. Phải chăng chúng ta đang đi đầu trong một cái gì đó mới? Chúng ta có đang áp dụng một cách tiếp cận cai quản mới giao lại vai trò tích cực hơn cho chính phủ không?

GARY GERSTLE

 Gary Gerstle

Chúng ta đang sống trong một thời điểm chuyển hướng ở Hoa Kỳ và, do đó ở những nơi khác trên thế giới. Trật tự tân tự do đã bị phá vỡ và mở ra những khả năng chính trị không có trước đây.

Trong cuốn sách của tôi, Sự trỗi dậy và sụp đổ của trật tự tự do mới/The Rise and Fall of the Neoliberal Order, tôi bàn về chủ nghĩa tân tự do không chỉ với như là một ý thức hệ mà còn là một trật tự chính trị. Ở đây, tôi muốn nói đến một hệ thống chính trị bao gồm các đảng phái, khu vực bầu cử, tổ chức nghiên cứu, mạng lưới chính trị, nền tảng truyền thông, ảnh hưởng của án lệ trong tòa án và cuối cùng và nhất là, nhưng không kém phần quan trọng, tầm nhìn về cuộc sống tốt đẹp lan tỏa khắp xã hội.

Chúng ta đang sống trong một thời điểm chuyển hướng ở Hoa Kỳ và, do đó, ở những nơi khác trên thế giới. Trật tự tân tự do đã bị phá vỡ và mở ra những khả năng chính trị không có trước đây.

GARY GERSTLE

Tại Hoa Kỳ, một trật tự tồn tại sau các chu kỳ bầu cử 2, 4 và 6 năm chi phối phần lớn các cuộc thảo luận về chính trị Mỹ. Một trật tự có thể thống trị trong 30 hoặc 40 năm. Sự thử nghiệm tột cùng về ảnh hưởng của một trật tự chính trị là liệu nó có thể khuất phục một đảng chính trị chống lại nó một cách công khai hay không.

Tôi cho rằng đó là những gì Đảng Cộng hòa đã làm đối với Đảng Dân chủ trong những năm 1990: Bill Clinton là công cụ để Đảng Dân chủ tán đồng các chính sách cơ bản của cuộc cách mạng Reagan. Theo một cách nào đó, Clinton đã làm nhiều hơn chính Reagan để thúc đẩy việc bãi bỏ các quy định trên các thị trường tài chính, trong lĩnh vực công nghệ và điện, cũng như trong lĩnh vực thương mại tự do toàn cầu và bán cầu.

Vấn đề không phải là biến Clinton thành một kẻ xấu mà chỉ để hiểu làm thế nào những ý tưởng trung tâm của một trật tự chính trị, khi chúng chiếm ưu thế, có thể lan rộng ra toàn bộ tầng lớp chính trị và xa hơn thế nữa. Ngay cả những người nghĩ rằng họ có thể chống lại chủ nghĩa tân tự do cũng đã bị mắc vào chiếc bẫy của nó.

Joseph Stiglitz (1943-)

Joseph Stiglitz là một ví dụ nổi bật. Ông đã phục vụ trong chính quyền Clinton và ông có lẽ là người cuối cùng mà ta có thể coi là một người theo chủ nghĩa tân tự do. Tuy nhiên, để hiểu được vai trò của ông trong chính quyền Clinton, ông trích dẫn trong cuốn sách Những năm 90 ầm ĩ/The Roaring Nineties câu nói của John F. Kennedy có từ đầu những năm 1960: “Bây giờ tất cả chúng ta đều là người dân Berlin”. Hồi tưởng lại những năm 1990, Stiglitz viết rằng ông không thực sự hiểu tại sao mình lại bị cuốn vào cái tật bãi bỏ quy định. Ý của ông là tất cả mọi người đều đã mắc phải loại virus này: mọi người đã trở thành người bãi bỏ quy định theo cách này hay cách khác, từ bỏ cam kết đối với một sự điều tiết công cộng đối với các thị trường tư nhân vốn đã, từ lâu, thúc đẩy các chính sách tiến bộ và dân chủ.

Vấn đề không phải là biến Clinton thành một kẻ xấu mà chỉ để hiểu làm thế nào mà những ý tưởng trung tâm của một trật tự chính trị, khi chúng chiếm ưu thế, có thể lan rộng ra toàn bộ tầng lớp chính trị và xa hơn thế nữa.

GARY GERSTLE

Ở quy mô lớn hơn, hiệu quả của một trật tự chính trị đòi hỏi nó thành công trong việc đè bẹp hoặc loại bỏ bất kỳ hình thức bất đồng quan trọng nào. Đây chính là điều mà trật tự tân tự do đã làm. Theo một cách nào đó, trật tự tân tự do đã nắm quyền kiểm soát Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, và ngay cả Obama cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của nó.

Bernie Sanders (1941-)

Nhìn lại, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008/2009 đã làm lung lay uy tín và quyền bá chủ của chủ nghĩa tân tự do. Mặc dù phải mất một thời gian để cuộc kháng cự mới biểu hiện, đến giữa những năm 2010, hướng đi đã rõ ràng. Cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tân tự do đến từ cánh hữu và cánh tả. Ở phía cánh hữu, nó bắt đầu với phong trào Tiệc trà/Tea Party vào năm 2010 và tăng tốc đáng kể vào năm 2016 với việc Trump lên làm tổng thống. Cuộc nổi dậy của cánh tả bắt đầu với phong trào Chiếm Phố Wall/Occupy Wall Street vào năm 2011, phát triển rộng với phong trào Black Lives Matter vào năm 2014 và tăng tốc với sự nổi lên của Bernie Sanders ở Hoa Kỳ vào năm 2016.

Quyền bá chủ của trật tự tân tự do rạn nứt, và trong khoảng thời gian được xem hiện nay như là một thập kỷ rạn nứt, đã có rất nhiều các loại ý tưởng từng được chính thức coi là không chính thống, không khả thi, thậm chí nguy hiểm, đã trở thành xu hướng thảo luận chính trị ở Hoa Kỳ.

Chúng ta hãy tập trung vào những ý tưởng của cánh tả. Phong trào tư tưởng này thể hiện ở việc xem xét lại mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Ý tưởng trung tâm của những người tân tự do là giải phóng chủ nghĩa tư bản và các thị trường mà nó đòi hỏi phải thoát khỏi mọi ràng buộc. Trong hệ tư tưởng lấy thị trường làm trung tâm này, vai trò của Nhà nước là thiết lập luật pháp và thể chế nhằm đảm bảo thị trường tự do vận hành một cách hài hòa và hiệu quả. Quinn Slobodian gọi đây là “dự án giam hãm (encasernement)”.

Trang đầu sách “Problens and Tactics in Control”

Walter Lippman (1889-1974)

Walter Lippmann đã đưa ra quan điểm này gần 100 năm trước đây trong một tác phẩm cơ bản, ngày nay phần lớn bị quên đi: Xã hội tốt đẹp/The Good Society. Lippmann khẳng định, thị trường chưa bao giờ và sẽ không bao giờ sinh ra từ tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, phải do bàn tay con người xây dựng và được quản lý bằng pháp luật, bản thân pháp luật phải được xây dựng, sửa đổi và duy trì thông qua các thể chế hướng đến thị trường. Chính phủ được coi là tổ chức hỗ trợ thị trường, chứ không phải là tổ chức kiểm soát hoặc điều tiết thị trường để theo đuổi một lợi ích công cộng rộng lớn hơn.

Niềm tin cơ bản này, đã thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do, đi kèm với nhiều hệ luận. Một niềm tin phổ biến là tất cả các cá nhân sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống kinh tế toàn cầu trong đó tính hoàn hảo của thị trường sẽ đạt tới và được duy trì. Người ta nói rằng đó là một thủy triều nâng tất cả các con thuyền lên – ngày nay, không còn ai tin vào điều đó nữa.

Niềm tin phổ biến thứ hai là tự do thị trường sẽ thúc đẩy tự do chính trị. Chính giả định này đã tạo cơ sở cho quyết định kết nạp Trung Quốc vào WTO. Khi các quá trình trao đổi trên thị trường tăng tốc, nhu cầu về nền dân chủ tự do tăng lên, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và sự thay thế nó bằng một hình thức dân chủ của chủ nghĩa xã hội, và thậm chí có thể là dân chủ tự do. Điều này đã không xảy ra và không còn ai tin là nó sẽ xảy ra.

Nói tóm lại, niềm tin vào các nguyên tắc tân tự do và những hệ luận của chúng đã bị dập tắt. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, một phong trào chính trị tiến bộ đã hình thành trong thập kỷ qua, tăng tốc một cách ấn tượng trước tiên là trong hai lần tranh cử của Bernie Sanders để được Đảng Dân chủ đề cử, sau đó là trong chính quyền Biden. Mặc dù Biden không phải là người cánh tả và, trong lịch sử, thậm chí chưa bao giờ là người cấp tiến, nhưng ở một thời điểm nào đó, trong mùa bầu cử Hoa Kỳ 2019/2020 dài dằng dặc, Biden đã hiểu rằng Hoa Kỳ đã đạt đến điểm phải chuyển hướng. Các chính sách tân tự do không còn hiệu quả và cần được thay đổi, nếu không muốn nói là phải bị từ bỏ. Cần phải gạt bỏ di sản của Clinton và của cả Obama.

Niềm tin vào các nguyên tắc tân tự do và những hệ luận của chúng đã bị dập tắt.

GARY GERSTLE

Vào mùa hè năm 2020, ngay sau khi trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Joe Biden đã bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc với phe Bernie Sanders của Đảng Dân chủ. Sáu nhóm làm việc đã được thành lập để tìm kiếm một sự thỏa thuận. Đây là cuộc đối thoại nghiêm túc nhất giữa cánh tả và phái giữa của Đảng Dân chủ trong gần 100 năm qua. Nó dẫn đến các sáng kiến ​​lập pháp mới quan trọng: dự luật cơ sở hạ tầng xã hội khổng lồ trị giá 5 nghìn tỷ đô la; dự luật lớn trị giá 2 nghìn tỷ đô la (Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ/American Rescue Plan); và một dự luật lớn về cơ sở hạ tầng vật chất lớn trị giá 2 nghìn tỷ đô la. Dự luật cơ sở hạ tầng xã hội sâu rộng này bao gồm chương trình năng lượng xanh đầy tham vọng nhất từng được Đảng Dân chủ đề xuất.

Ngoại trừ kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ, những kế hoạch đầy tham vọng này đã bị cắt thẳng thừng trong cái cơ quan đồ tể là Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kết quả của các khóa họp lập pháp này rất quan trọng: một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ đô la; một dự luật khác để khôi phục sản xuất chip máy tính; và một dự luật về năng lượng xanh trị giá 400 tỷ đô la. Ở ngay trung tâm của những điều luật này là niềm tin rằng mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường cần phải được xem xét lại, và phải được xem xét lại một cách cơ bản.

Ở nhiều nơi, các nhà tư tưởng, chính trị gia và các phong trào xã hội đang kêu gọi chính phủ can thiệp vào các quá trình tư bản chủ nghĩa về đầu tư, sản xuất và lao động. Một số ủng hộ việc đặt toàn bộ hệ thống phục vụ lợi ích công cộng. Niềm tin cốt lõi về Chính sách kinh tế xã hội mới/New Deal của Roosevelt đã xuất hiện trở lại, kể cả trong tâm trí của Biden.

Jake Sullivan (1976-)

Điều này được phản ánh qua sự hiện diện trong chính quyền Biden của một nhóm quan trọng gồm những người cấp tiến, thậm chí cả những người cánh cực tả, những người đã được giao phó các chức vụ quan trọng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong bài phát biểu năm 2023 của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, trong đó ông chỉ ra con đường dẫn đến một sự đồng thuận mới ở Washington, hoàn toàn khác với sự đồng thuận cũ của Washington và Henry Kissinger.

Cuối cùng, sự thay đổi này thể hiện rõ qua quyết định của nhiều tổ chức tiến bộ đóng góp hàng trăm triệu đô la để hỗ trợ các nhà tư tưởng, trường đại học và viện nghiên cứu chính sách sẽ phát triển nền tảng của nền kinh tế hậu tân tự do. Những ý tưởng này trải rộng trên nhiều lĩnh vực: chính sách công nghiệp, năng lượng xanh, phúc lợi xã hội, chăm sóc trẻ em, công bằng chủng tộc và các sáng kiến ​​chống độc quyền đặc biệt là nhằm phá vỡ hoặc quản lý chặt chẽ các công ty truyền thông xã hội khổng lồ.

Các viện và tổ chức này đều có cùng một mô hình trong đầu: công việc được thực hiện bởi các nhóm chuyên gia tư vấn và các tổ chức tân tự do được thành lập vào những năm 1970 vốn đã thúc đẩy sự trỗi dậy của trật tự tân tự do - Viện Cato, Quỹ Heritage, Viện Manhattan, Quỹ Bradley. Đó là công việc cần thiết và thậm chí là thiết yếu. Các nhà tư tưởng tân tự do đã trải qua 30 năm trong vùng sa mạc về mặt ý thức hệ trước khi họ bắt đầu trở thành sức kéo về mặt chính trị. Họ không bao giờ mất hy vọng hay niềm tin. Họ đã chuẩn bị cho cuộc trường chinh.

Các viện và quỹ tiến bộ này đều có cùng một mô hình trong đầu: công việc được thực hiện bởi các nhóm chuyên gia cố vấn và các tổ chức theo chủ nghĩa tân tự do được thành lập vào những năm 1970 vốn đã thúc đẩy sự trỗi dậy của trật tự tân tự do—Viện Cato, Quỹ Heritage, Viện Manhattan, Quỹ Bradley.

GARY GERSTLE

Nhưng tự bản thân các ý tưởng không bao giờ là đủ. Chúng nên được coi là để đề cập đến các vấn đề vật chất, vấn đề kinh tế mà các bộ công cụ ý tưởng khác đã không thể giải quyết thỏa đáng. Các ý tưởng của các nhóm tư vấn tân tự do trong những năm 1970 có ý nghĩa quan trọng bởi vì chúng được coi là giải quyết các vấn đề về lạm phát đình trệ, về suy thoái kinh tế và tăng trưởng chậm mà học thuyết Keynes đã không đề cập. Ý tưởng của các nhóm tư vấn tiến bộ mới nên được coi là để đề cập đến các vấn đề trong thế giới thực theo cách mà chủ nghĩa tân tự do đã không làm được.

Cơ hội để làm điều này không nảy sinh chỉ vì người ta nhận ra hộp công cụ tân tự do đã không đạt yêu cầu như thế nào trong hơn 30 năm qua. Cơ hội cũng nảy sinh do hai nhân tố mà chúng ta có thể coi là ngoại sinh đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng giờ lại là nội sinh: đại dịch và chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

COVID đã bao phủ lên thế giới một mối đe dọa về sự tồn tại to lớn đến nỗi tất cả mọi người ở khắp mọi nơi sẵn sàng trao cho các Nhà nước của họ những quyền lực bất thường, bao gồm cả quyền đóng cửa toàn bộ nền kinh tế hoặc ít nhất là một số khu vực, đóng cửa các trường học, làm gián đoạn việc đi lại, giam hãm mọi người trong nhà hoặc khu phố của họ. Khoảnh khắc này chứa đựng rất nhiều khả năng. Một lời cảnh báo đi kèm với những nhận xét của tôi về những vấn đề. Chúng ta vẫn chưa biết trong chừng mực nào cuộc thử nghiệm về Nhà nước trong cuộc khủng hoảng COVID sẽ trở thành một trạng thái ngoại lệ tạm thời.

Ngược lại, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kéo dài hơn trong việc tái cơ cấu mối quan hệ giữa các quốc gia và thị trường. Một trong những nguyên lý chính của kỷ nguyên tân tự do là tìm nguồn nguyên liệu thô và hàng hóa được chế biến càng rẻ càng tốt, ở những nơi mà chi phí khai thác và sản xuất thấp nhất. Những xích mích giữa các quốc gia không được coi là mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu hoặc đối với khả năng chuyên chở vật liệu qua các biên giới quốc gia và các đường thủy được chia sẻ. Do đó, một trong những đặc điểm nổi bật của kỷ nguyên tân tự do là chuỗi cung ứng có thể trải dài vô tận trên khắp thế giới.

COVID là sự phơi bày đầu tiên với tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga là cuộc phơi bày thứ hai, buộc châu Âu phải ý thức về sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ và khí đốt từ một quốc gia từ nay là mối đe doạ cho sự tồn tại của châu Âu. Đồng thời, Nga áp đặt lệnh cấm vận đối với ngũ cốc của Ukraine, nguồn lương thực quan trọng của nhiều quốc gia ở Phương Nam.

Giữa cuộc khủng hoảng này, các chính phủ đã bắt đầu phải đặt câu hỏi xã hội chúng ta không thể thiếu những nguyên liệu thô và hàng hóa được chế biến nào. Câu trả lời ngay lập tức là: ngũ cốc, dầu, vi mạch, khoáng chất quý hiếm như những thứ cần thiết để sản xuất ô tô điện và đồ bảo hộ cho nhân viên bệnh viện.

Sau đó, các chính phủ đặt ra câu hỏi thứ hai: làm thế nào để đảm bảo khả năng có được những hàng hóa này? Dưới chủ nghĩa tân tự do, giá cả là chủ yếu. Trong trường hợp này, thật dễ dàng để nói: hãy để thị trường quyết định. Khi khả năng để có được là chủ yếu, ta không còn có thể nói rằng hãy để thị trường quyết định. Ngược lại, các Nhà nước có trách nhiệm phải can thiệp vào thị trường.

Kịch bản ác mộng đối với nhiều quốc gia không chỉ là mối đe dọa của Nga đối với Ukraine, mà còn là mối đe dọa của Trung Quốc đối với chính Ukraine của họ, mà chúng ta gọi là Đài Loan. Trên thực tế, quốc gia này sản xuất một phần lớn chip máy tính của thế giới. Nếu dòng chảy của những con chip này bị gián đoạn, phần lớn nền kinh tế toàn cầu sẽ ngừng hoạt động.

Đối mặt với nỗi sợ hãi do những kịch bản như vậy tạo ra, chính phủ của nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét việc can thiệp vào nền kinh tế để đảm bảo dòng chảy của các vật liệu và hàng hóa thiết yếu. Nói cách khác, một tính cấp bách mới đã được thổi vào dự án suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Đối với những người cấp tiến Mỹ, dự án này vừa là cơ hội vừa là nguy cơ. Cơ hội nằm ở việc mở rộng nền tảng hỗ trợ chính trị cho một Nhà nước theo chủ nghĩa can thiệp mạnh mẽ vượt ra ngoài hàng ngũ của những người cấp tiến hoặc Đảng Dân chủ. Mối nguy cơ đến từ việc các tập đoàn và quân đội có thể chiếm lĩnh chính sách công nghiệp, dẫn đến một chính sách không những xa cách mạnh mẽ với quá khứ tân tự do của chúng ta, mà còn cả với một tương lai dân chủ xã hội có thể xảy ra. Thật vậy, tại Hoa Kỳ, việc khôi phục ồ ạt sản xuất chip được thực hiện vì lý do an ninh quốc gia và lợi nhuận.

Ngày hôm nay, có những mối nguy hiểm khác. Đầu tiên, Đảng Dân chủ vẫn chưa chứng minh được rằng họ có khả năng giành được bất cứ thứ gì khác ngoài việc chiếm một đa số mong manh trong Quốc hội. Thật khó để tiến lên với một chính sách cải cách mà không có sự hỗ trợ mạnh mẽ. Hơn nữa, các đợt bầu cử ở Hoa Kỳ khiến một đảng có rất ít thời gian để thực hiện các ý tưởng của mình trước cuộc bầu cử kế tiếp. Nguy cơ thứ hai là tại Hoa Kỳ, đội tiên phong trong chính sách công nghiệp của chính quyền Biden phải đối mặt với một Nhà nước bị rút ruột do sự quản lý yếu kém trong nhiều năm của Đảng Cộng hòa hoặc một Nhà nước bị áp đảo bởi những người vận động hành lang, những người bảo vệ các lợi ích riêng tư.

FELICIA WONG

Felicia Wong

Viện Roosevelt đã đi tiền phong trong nhiều thay đổi hiện đang tạo nên nền kinh tế toàn cầu hậu tự do, đặc biệt với sự củng cố của lực lượng lao động, một chính sách thuế và một chế độ thuế khóa mạnh mẽ hơn nhiều.

Hôm nay tôi muốn thảo luận về những thay đổi chính trong tầm nhìn về Nhà nước mà chúng ta đã quan sát bằng cách đối chiếu những ý tưởng này với việc sử dụng thực tế năng lực Nhà nước như chúng ta thấy ngày nay ở Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, chúng ta cần thảo luận về sự căng thẳng rõ ràng gắn với việc chúng ta cố gắng thúc đẩy một chính sách hậu tân tự do thông qua một bộ máy Nhà nước tân tự do về cơ bản.

Tôi muốn bắt đầu bằng một đoạn trích giới thiệu của Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden: “Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, đang theo đuổi chiến lược công nghiệp và đổi mới, trên phạm vi quốc gia và cả với các đối tác trên toàn thế giới; một chiến lược đầu tư vào các nguồn sức mạnh kinh tế và công nghệ của chính chúng ta, thúc đẩy các chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng và bền vững, đặt ra các tiêu chuẩn cao cho mọi thứ liên quan đến lao động và môi trường, các công nghệ đáng tin cậy và sự cai quản tốt, đồng thời triển khai vốn để cung cấp các tài sản công như sức khỏe.”

Mặc dù những điều trên có vẻ như là lẽ thường, việc một cố vấn an ninh quốc gia đọc một bài phát biểu như vậy là một sự thay đổi triệt để. Chính phủ Hoa Kỳ hiện đã sẵn sàng sử dụng các công cụ của Nhà nước mà trước đây hoàn toàn bị loại trừ khỏi các mô hình cũ của Reagan, Clinton và Obama - các công cụ như sự chống độc quyền, sự điều tiết các tác nhân độc quyền và một chính sách thuế khóa được thiết kế để hỗ trợ thị trường lao động.

Chính sách về thị trường lao động của chính quyền Biden rất tích cực: trợ cấp thất nghiệp của liên bang và các biện pháp phục hồi khác là lý do chính khiến việc làm của người Mỹ đã quay trở lại nhanh chóng sau đại dịch Covid. Thật vậy, chúng ta hiện có tỷ lệ thất nghiệp là 4%, thấp đáng kể so với cuộc Đại suy thoái 10 năm trước. Chính quyền cũng đang đầu tư hàng trăm tỷ đô la, có thể hơn một nghìn tỷ đô la tiền công quỹ, vào ngành công nghiệp xanh, về cơ bản là trợ cấp cho một chuỗi cung ứng công nghệ sạch hoàn toàn mới.

Tất cả những điều này dường như không thể tưởng được hai năm trước.

Đúng là một trong những lý do chính cho sự thay đổi này là ý tưởng. Nhưng điều này cũng liên quan đến sự kiện là có những người xuất sắc đã nắm giữ các vị trí quyền lực – không chỉ các người được người dân bầu ra mà cả các vị trí quan trọng khác về mặt chính trị. Trong nhiều thập kỷ, những người cấp tiến đã nhắm đến những vị trí này nhưng không giành được chúng. Ngày nay, những ý tưởng tiến bộ đã vào đến Nhà Trắng.

Lina M. Khan (1989-)

Hiện nay, vấn đề thực sự là liệu sự thay đổi trong tư duy và nhân sự này cuối cùng có chuyển thành sự thay đổi kinh tế có ý nghĩa hay không. Điều này ít rõ ràng hơn. Bốn ví dụ cho có những sự căng thẳng phải đi đến thoả hiệp.

Đầu tiên là trường hợp các luật chống trust hoặc chống độc quyền. Lina Khan là chủ tịch của FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang). Bà nói rằng bà muốn đặt quy chế cho trí tuệ nhân tạo và cấm các điều khoản không cạnh tranh đối với nhân viên, ngăn cản những người lao động lương thấp chuyển từ chủ nhân này sang một trong những đối thủ cạnh tranh của họ. Bà đưa ra một số câu hỏi rất quan trọng. Câu hỏi liệu bà thực sự có thể làm như vậy hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện tại, tất cả những gì chúng ta biết là nhiều quỹ tư nhân và những người vận động hành lang đang vận động chống lại bà.

Ngày nay, những ý tưởng tiến bộ đã vào đến Nhà Trắng.

FELICIA WONG

Ví dụ thứ hai liên quan đến Nhà nước phúc lợi và bảo hiểm xã hội. Nó bắt nguồn từ kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la được thông qua ngay sau khi Joe Biden nhậm chức. Kế hoạch này đã được thông qua ngay sau Đạo luật CARES, một đạo luật từng được thông qua với tỷ lệ tương tự dưới thời chính quyền Trump.

Kế hoạch giải cứu Mỹ của Joe Biden là một chính sách tích cực hỗ trợ các gia đình và người lao động Mỹ. Quan trọng hơn, nó bao gồm một khoản tín dụng thuế cho trẻ em được mở rộng giúp giảm một nửa tình trạng nghèo của trẻ em ở Hoa Kỳ. Khi làm như vậy, chúng ta đã chứng minh rằng ở Hoa Kỳ, chúng ta biết cách giảm nghèo: cung cấp tiền cho mọi người là một việc làm mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau một cuộc chiến chính trị khốc liệt, tín dụng thuế cho trẻ em mở rộng đã hết hạn.

Ví dụ thứ ba là khí hậu. Đạo luật giảm lạm phát là một bộ luật nổi bật. Theo ước tính ban đầu, 400 tỷ đô la tiền công quỹ dưới hình thức tín dụng thuế sẽ được dành cho các ngành công nghiệp xanh. Ngày nay, ước tính gần với 1.200 tỷ đô la hơn, vì nhiều khoản tín dụng thuế này không có mức trần. Đây là một sự thay đổi đáng kể - từ cây gậy sang củ cà rốt - khi chúng ta chuyển từ việc đánh thuế carbon sang mô hình trợ cấp, với các biện pháp động viên của chính phủ thưởng cho những người và công ty đầu tư vào quá trình khử carbon.

Tuy nhiên, hầu hết những đối tượng hưởng được khoản tiền này dành cho việc khử cacbon rốt cuộc sẽ là các công ty rất tập trung, được điều hành bởi và cho các nhà quản lý tài sản, bởi vì các công ty lớn biết cách tận dụng các khoản tín dụng thuế rất phức tạp. Chúng có các nguồn lực để làm điều đó. Do đó, có một nguy cơ rất lớn là tài sản của nền kinh tế xanh mới nổi không thuộc sở hữu của công chúng hoặc không được xây dựng vì lợi ích của công chúng.

Chúng ta đã chứng minh rằng ở Hoa Kỳ, chúng ta biết cách giảm nghèo: cung cấp tiền cho mọi người là một việc làm mang lại hiệu quả!

FELICIA WONG

Ví dụ thứ tư liên quan đến tiến trình tài chính hóa và quyền lực của các ngân hàng lớn. Chúng ta đã học được cách đây 15 năm rằng việc tài chính hóa cực kỳ có hại. Tuy nhiên, trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây chứng kiến ​​sự phá sản của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic, các ngân hàng lớn lại một lần nữa là cứu tinh của hệ thống. Nếu Hoa Kỳ chạm đến trần nợ mà không đạt được thỏa thuận lập pháp và nếu Bộ Tài chính phải tiếp tục thanh toán các hóa đơn của Mỹ bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt, điều tương tự sẽ xảy ra (các ngân hàng như JP Morgan Chase, Wells Fargo, Bank of America và Citigroup cũng sẽ hưởng lợi từ công quỹ - ND). Thật vậy, chúng sẽ là những tổ chức duy nhất có thể mua những trái phiếu này trên quy mô lớn.

Đây chính là sự căng thẳng. Vâng, chúng ta đang sống trong thời kỳ bản lề về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Ý tưởng đã thay đổi ở cánh tả và ở cánh hữu. Không còn những người tân tự do thực sự đáng tin cậy nào có thể nói rằng các chính sách của họ thực sự giúp tạo ra sự thịnh vượng được chia sẻ cho mọi người. Nhưng chủ nghĩa tân tự do vẫn tồn tại về mặt chính trị. Và chúng ta cố gắng làm việc với một hệ thống không được cấu trúc cho các loại ý tưởng mà chúng ta theo đuổi.

THOMAS PIKETTY

Thomas Piketty (1971-)

Chúng ta có lẽ đã bắt đầu thoát khỏi sự hưng phấn tân tự do. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta từ bỏ chủ nghĩa tân tự do. Trên thực tế, tôi nghĩ chúng ta đang ở một dạng cao nguyên tân tự do. Chỉ báo tập trung của cải xác nhận điều này, bởi vì nó hoàn toàn không bắt đầu giảm. Thật vậy, kể từ những năm 1970, tỷ lệ tài sản quốc gia thuộc về 1% người giàu nhất đã tăng lên bằng mức của những năm 1920. Mặc dù tôi không muốn tóm tắt mọi thứ bằng chỉ báo này, nhưng nó vẫn quan trọng bởi vì nó không chỉ là về số tiền, mà trước hết là về sự tập trung quyền lực.

Còn về những tỷ phú hàng đầu, 10 năm trước, thời điểm khủng hoảng tài chính 2008, mỗi tỷ phú có 30-40 tỷ USD. Vào thời điểm đó, họ dường như cực kỳ giàu có. Ngày nay, cũng chính những người đó sẽ trông rất nghèo nàn. Elon Musk ở Hoa Kỳ và Bernard Arnault ở Châu Âu sở hữu hơn 200 tỷ đô la. Đây là một sự khác biệt rất lớn. Khi ta có 200 tỷ đô la, ta có thể mua một thứ gì đó trị giá 40 tỷ đô la một cách rất dễ dàng mà hầu như không ý thức về việc này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trên một loại cao nguyên tân tự do.

THOMAS PIKETTY

Do việc cao nguyên tân tự do này rất cao, chúng ta phải giữ bình tĩnh trong phân tích của mình. Nhiều khả năng vẫn tồn tại. Chúng ta có thể đang bước vào thời điểm tân dân tộc chủ nghĩa, hoặc một loại New Deal mới được sáng tạo lại. Thật không may, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn cách xa điều thứ hai. Còn nhiều việc phải làm về vận động chính trị, tổ chức và nền tảng trí thức – các nhà trí thức cũng có một vai trò.

Đúng là công việc của chính quyền Biden về chính sách công nghiệp là quan trọng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh hai vấn đề.

Trước hết, còn quá sớm để nói về số tiền được huy động. Hiện tại, có rất nhiều thông tin sáng tạo liên quan đến số tiền. Cứ vài tháng, chúng ta lại nói về hàng trăm triệu và hàng tỷ đô la. Điều này hoạt động rất tốt về mặt truyền thông. Tuy nhiên, khi ta tìm hiểu sâu hơn một chút, ta sẽ nhận ra rằng những con số đó không cao như ta tưởng. Ví dụ, theo Đạo luật Giảm lạm phát, Hoa Kỳ chi 400 tỷ USD. 2% GDP của Mỹ này được chi tiêu trong năm hoặc mười năm. Nó là vô cùng ít. Trên thực tế, nó không là gì so với chi tiêu được thực hiện trong chính sách New Deal.

Thứ hai - và tôi tin rằng điểm này thậm chí còn nghiêm trọng hơn - những gì đang xảy ra hiện nay có thể chỉ là sự tiếp tục của logic cạnh tranh thuế bằng các phương tiện khác và theo một cách cực đoan hơn. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự cạnh tranh về thuế đã gia tăng hơn nữa. Trong một thời gian dài, thuế suất doanh nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn duy trì ở mức 35% ở cấp liên bang và 45% ở cấp tiểu bang. Ngược lại, ở châu Âu, các nước từ lâu đã giảm thuế suất về 0%. Nhưng khi Trump lên nắm quyền, ông đã cắt giảm thuế suất doanh nghiệp của Mỹ xuống còn 15%. Đây là một sự kiện lịch sử lớn, vì nó có nghĩa là Hoa Kỳ đang theo sát Châu Âu trong cuộc đua xuống đáy về mặt cạnh tranh thuế doanh nghiệp.

Hình thức cạnh tranh về thuế này để thu hút các nhà đầu tư vẫn chưa dừng lại. Thuế suất doanh nghiệp có xu hướng về 0, bất kể khuyến nghị của OECD về mức thuế suất tối thiểu là 15%. Hơn nữa, ngay cả khi đạt được tỷ lệ bằng 0, điều này không đánh dấu sự kết thúc của sự cạnh tranh thuế. Thật vậy, đây là lúc các khoản trợ cấp, chẳng hạn như thuế âm, sẽ vào cuộc. Tổng thống Biden tạo ra nhiều khoản trợ cấp cho sự tích lũy vốn tư nhân.

Một lý do chung thứ hai để thận trọng là nếu chúng ta thực sự muốn thoát khỏi trật tự tân tự do và giảm các bất bình đẳng ở Mỹ và trên toàn thế giới, thì chúng ta cần thực hiện một sự trở về một chính sách thuế khóa lũy tiến mạnh mẽ. Sanders và Warren (Elizabeth Warren từng là giáo sư ở đại học Harvard và ứng cử viên tổng thống ở cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, là một thượng nghị sĩ chống đối chính quyền Trump mạnh mẽ nhất - ND) ủng hộ sự thay đổi này trong cuộc bầu cử năm 2016 và 2020. Họ kêu gọi ấn định mức thuế thu nhập đối với các thu nhập cao và thuế suất thừa kế đến 75% - giống như những mức được thực hiện dưới thời Roosevelt: trung bình, từ năm 1930 đến năm 1980, mức thuế suất về các thu nhập cao ở Hoa Kỳ là 81% ở cấp liên bang. Vào thời kì đó, nó không tiêu diệt được chủ nghĩa tư bản Mỹ. Ngược lại, đó là thời kỳ thịnh vượng nhất ở Hoa Kỳ.

Trang đầu của “The Individual and the Economic Order”

Điều này được giải thích như thế nào? Đơn giản vì sự thịnh vượng đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Vào thời kì đó, Hoa Kỳ rất tiên tiến so với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt trong những năm 1950, giáo dục đã có một bước tiến đáng kể: 85% thanh niên đi học trung học ở Hoa Kỳ, so với 25% ở Pháp, Tây Đức và Nhật Bản. Sau này Nhật Bản đã chỉ bắt kịp vào những năm 1980 và 1990. Sự tiến bộ này trong giáo dục đã đi kèm với sự gia tăng năng suất.

Elizabeth Warren (1949-)

Hơn nữa, Sanders và Warren cũng ủng hộ mức thuế suất hàng năm đối với khối tài sản có thể lên tới 7% mỗi năm. Đây là một điều hoàn toàn mới. Đề xuất của họ là một dấu hiệu của sự thay đổi. Vào năm 2014, trong một cuộc thảo luận công khai giữa Warren và tôi, khi tôi biện hộ cho một mức thuế tối đa từ 5 đến 10% mỗi năm, bà ấy đã trả lời rằng điều đó là không thể. Vào năm 2020, đã có một cuộc cạnh tranh giữa Sanders và Warren để đi theo hướng này.

Chúng ta có thể đang ở ngưỡng cửa của một điều gì đó, nhưng chúng ta vẫn chưa ở đó. Để đạt được điều đó sẽ cần một cuộc chiến hiến pháp lớn về thuế lũy tiến, đặc biệt là đối với sự giàu có. Và nó phải được đi kèm với sự hỗ trợ to lớn của quần chúng để giành chiến thắng trước sức mạnh của các số tiền tư nhân đổ vào chính trị, các viện nghiên cứu và các đại học.

Nhưng cho phép tôi nhấn mạnh một lần nữa tại sao việc áp dụng lại thuế lũy tiến lại quan trọng đến vậy.

Trước hết, sự tài trợ là cần thiết để thực hiện các khoản đầu tư thực sự. Có rất nhiều tiền phải được rút ra. Chúng ta phải bắt đầu lấy các nguồn thuế ở đỉnh (của các thu nhập), trước khi đòi hỏi sự đóng góp của các tầng lớp trung lưu.

Tiếp đến, chính sách đánh thuế lũy tiến là cách duy nhất để giảm triệt để tình trạng bất bình đẳng ở phần thượng đỉnh của bậc thang. Khi thuế suất rất cao ở đỉnh, lịch sử cho thấy tác động chính nằm ở mức độ bất bình đẳng trước thuế: khi thuế suất cao nhất là 90%, các công ty sẽ không trả thêm 10 triệu đô la cho các nhà lãnh đạo của chúng. Việc trả những khoản lương khổng lồ không còn đáng làm nữa, bởi vì lợi ích của cổ đông là rất nhỏ so với chi phí khổng lồ mà công ty sẽ phải trả - 90% sẽ được chuyển trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước. Ít nhất đó là những gì đã xảy ra trong những năm 1930, 1940 và 1950.

Tính lũy tiến của thuế cũng rất quan trọng đối với một chính sách điều tiết hiệu quả. Khi những người được coi là có khả năng nhất được trả gấp 100 lần mức lương trung bình, thì không thể cạnh tranh với mức đó trong một cơ quan quản lý công cộng địa phương. Đây là lý do tại sao chúng ta cần thực hiện một chính sách siết chặt tiền lương, đặc biệt là ở cấp cao nhất. Vấn đề ở Hoa Kỳ là những người này đã quen với mức lương cao của họ. Họ coi mức độ bất bình đẳng đáng kinh ngạc này là bình thường.

FELICIA WONG

Tôi xin đưa ra hai nhận xét ngắn gọn.

Trước hết, việc đánh thuế tài sản chưa bao giờ nằm ​​trong chương trình của ứng cử viên Biden, trái ngược với những gì Elizabeth Warren và Bernie Sanders tuyên bố. Khi Biden nhậm chức, trọng tâm chính của ông là mở rộng chính sách tài khóa, đặc biệt là nhằm giúp đỡ các nạn nhân đại dịch. Sau đó, ông bắt đầu làm việc về khí hậu và việc làm với Đạo luật Giảm lạm phát. Việc tài trợ cho việc giảm lạm phát sẽ phong phú hơn nhiều nếu chúng ta có thể tài trợ cho nó thông qua thuế lũy tiến. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng phần quan trọng nhất và chưa hoàn thành của chương trình nghị sự này - nền tảng của nó - là thuế.

Thứ hai, anh đã kêu gọi huy động mạnh mẽ, nhưng tiếc là Hoa Kỳ có một cơ bắp khá yếu trong lĩnh vực tham gia của công dân và huy động dân chủ. Phong trào công đoàn có thể là một ngoại lệ đối với quy tắc này, mặc dù nó cũng đã bị suy yếu. Dù sao đi nữa, có một điều chắc chắn: để kiểm soát quyền lực của các tập đoàn và tiền bạc, mọi người phải xuống đường.

GARY GERSTLE

Tôi có thể đã nói trong cuốn sách của mình rằng chính sách New Deal xuất hiện một cách tự nhiên từ cuộc Đại suy thoái, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Chính sách New Deal dựa trên những thông tin bắt đầu được thu thập vào những năm 1890. Quá trình này tiếp tục cho đến khi nó được triển khai vào những năm 1930. Đây là một quan điểm quan trọng về mặt thời gian. Nó chỉ ra rằng việc thực hiện một trật tự chính trị tiến bộ mới cần có thời gian. Những thành tựu của chính sách New Deal là thành quả của 30 hoặc 40 năm đấu tranh.

Ngày nay, chúng ta đang ở đâu trong quá trình này liên quan đến chủ nghĩa tân tự do? Nó bắt đầu khi nào? Nếu nó bắt đầu vào năm 2010, chúng ta có thể phải đợi đến năm 2040 để thấy được sự thành công của những ý tưởng của chúng ta.

Suy nghĩ thứ hai của tôi liên quan đến sự huy động xã hội. Cả ba chúng ta đều tin rằng sự huy động quần chúng là điều cần thiết để đạt được những thành công này - điều đó đã xảy ra trong quá khứ và sẽ xảy ra trong tương lai. Phong trào nghiệp đoàn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh trước đó. Mặc dù hiện tại ở Hoa Kỳ đang có sự thức tỉnh của các nghiệp đoàn, nhưng chúng ta không biết liệu phong trào lao động trong tương lai có thể đóng vai trò vận động quần chúng mà nó đã từng đóng trong quá khứ hay không. Nếu không, ai sẽ thay thế nó?

Cuộc bầu cử năm 2020 là một thời điểm huy động dân chủ phi thường ở Hoa Kỳ và việc đánh bại Trump là một thành tựu phi thường.

GARY GERSTLE

Yếu tố mấu chốt khác là cuộc vận động bầu cử. Không thể có đa số mong manh hơn đa số mà Joe Biden có trong Quốc hội. Có thể thực hiện được điều gì với một đa số mong manh như vậy? Tôi nghĩ Biden đã làm rất tốt. Nếu người ta còn nhớ là Roosevelt, khi những đạo luật mạnh mẽ nhất được thông qua, Roosevelt có một đa số khoảng 70% trong cả hai viện của Quốc hội.

Để Đảng Dân chủ thành công, đảng này phải tìm cách tạo ra, nếu không phải là những đa số ở quy mô này, thì ít nhất là điều gì đó khác với sự phân cực giữa các đảng hiện tại đang làm tê liệt nền chính trị Mỹ, với mỗi đảng giành chiến thắng với tỷ số cách biệt nhỏ nhất. Nếu tình trạng trì trệ này trong nền chính trị Mỹ vẫn tiếp diễn trong 15 năm tới, chúng ta khó có thể đạt được nhiều tiến bộ vượt qua thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc bầu cử năm 2020 là một thời điểm huy động dân chủ phi thường ở Hoa Kỳ và việc đánh bại Trump là một thành tựu phi thường. Điều này mang lại hy vọng rằng có thể tìm ra các chiến lược vận động chính trị.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Comme s’orienter sur le « plateau néolibéral »? une conversation avec Thomas Piketty,Felicia Wong et Gary Gerstle, Le Grand Continent, 22.6.2023.

----

Bài có liên quan

Một lịch sử các học thuyết tân tự do




Chú thích:

[1] Thomas Piketty là Giám đốc nghiên cứu ti Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Cao Cấp/l'Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, giáo sư ở Trường Kinh Tế Học Paris/Ecole d'économie de Paris, Đồng Giám Đốc của Phòng Thí Nghiệm về các bất bình đẳng trên thế giới & Trung Tâm Dữ liệu về các bất bình đẳng trên thế giới/World Inequality Lab & World Inequality Database.

[2] Noam Maggor là giảng viên về lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Queen Mary ở London từ năm 2017 và là nhà nghiên cứu được mời tại Viện Nghiên Cứu Chuyên Sâu ở Paris/Institut d'Etudes Avancées de Paris từ năm 2022 đến năm 2023. Nghiên cứu của ông tập trung vào lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Nhà nước, các tập đoàn, chủ nghĩa dân túy và kinh tế chính trị so sánh trong thế kỷ 19 “dài”.

[3] Gerstle Gary Gerstle là Giáo sư Lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Cambridge từ năm 2014, nơi ông cũng là nhà nghiên cứu của Trường Sidney Sussex. Ông chuyên về thế kỷ 20 và nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề nhập cư, dân tộc và quốc tịch. Là tác giả của nhiều cuốn sách, vào năm 2022, ông đã xuất bản Sự trỗi dậy và sụp đổ của trật tự tân tự do: Nước Mỹ và thế giới trong kỷ nguyên thị trường tự do/The Rise and Fall of the Neoliberal Order: America and the World in the Free Market Era.

[4] Felicia Wong là Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Viện Roosevelt từ năm 2012. Bà đại diện cho Hoa Kỳ trong nhóm về Khả năng phục hồi Kinh tế trong hội nghị G7 vào năm 2021. Nghiên cứu của bà tập trung vào tư duy hậu tân tự do và sự giao thoa giữa kinh tế và phân tầng xã hội.



[*] Cuộc phỏng vấn này là sự ghi lại một bàn tròn được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Paris trong khuôn khổ của hội thảo chuyên đề “Nhà nước theo thuyết Phát triển của Hoa Kỳ: Nguồn gốc của Chủ nghĩa Tư bản Hoa Kỳ trong một Quan điểm So sánh” với sự tham gia của Gary Gerstle, Felicia Wong, Thomas Piketty và Noam Maggor, Đại học Queen Mary ở London, và nhà nghiên cứu nội trú 2022-2023 tại Paris IAS.

Print Friendly and PDF