Lê Huỳnh Lâm, người đi tìm tự do

Nguyễn Đức Tùng

Nhà thơ không chỉ là người có một điều gì muốn nói, mà còn là, và quan trọng hơn là, người đi tìm một quá trình. Quá trình tiếp diễn ấy mang lại sự vật mới, và đôi khi thế giới mới, mà chính tác giả cũng chưa từng nghĩ đến. Nhà thơ không phải là người nhặt ra các chữ từ trong túi áo mình, dù điều ấy xem ra có vẻ dễ dàng đến đâu, mà thực sự tham gia vào một hoạt động, dan díu tới biết bao kinh nghiệm trong đời, hạnh phúc, chấn thương, những cuốn phim đã xem, bài thơ đã đọc, những chùa chiền đã đến, những hồi chuông đã nghe, và những quan hệ riêng tư. Mối quan hệ giữa đời sống và sáng tác của một nhà thơ nhiều khi không rõ ràng, nhưng ở Lê Huỳnh Lâm, mối quan hệ ấy mật thiết.

Bây giờ mi mập hay ốm như thời sinh viên

Tau vẫn mong mi ốm mà không yếu gầy

Tau nhớ những ngày đói hai thằng đi ăn ké cơm nguội

Chị tau cũng cực như những người giáo viên giữa thập niên tám mươi

Nhớ những ngày tụi bạn đời trúng mánh rủ tau đi nhà hàng

tau kéo mi theo

Những lúc đó mi nhìn tau mà toàn thân lạnh nổi da gà

Tau nhớ những hôm ngồi trong nhà ăn cư xá

Mấy thằng mặt tái xanh nhường nhau từng muỗng cơm nguội lạnh

Bây giờ

Có thể trong đám sinh viên ngày trước

Có đứa ngồi cao không nhìn xuống

Có đứa bưa cuộc đời đi tu

Có đứa vẫn đói rách như mười lăm năm về trước

Thời đại tuyệt vọng cần đến một thứ thơ ca tuyệt vọng.

Nhưng trong thơ Lê Huỳnh Lâm có nhiều cửa sổ mở vào ra. Thơ ấy giúp chúng ta suy nghĩ và mơ mộng. Giọng anh hài hước, nhưng thành thật, là lời ca ngợi đối với đời sống. Những sự vật nhỏ nhặt được chú ý, gốc cây, ngọn cỏ, súc vật, vầng trăng, tất cả đều có thể trở thành nghi lễ trong thơ anh. Tôi được biết Lê Huỳnh Lâm là một người có nhiều sinh hoạt tâm linh và tôn giáo. Nếu thế thì đời sống đối với anh là sự chiêm ngưỡng cái đẹp, thực hành các điển lễ. Tiệc trà là một điển lễ, chăm sóc gác Trịnh là một. Sự ca ngợi đời sống của Lê Huỳnh Lâm là sự ca ngợi đương đại, phi cổ điển, chứa đầy nỗi buồn, cái mất mát. Nỗi buồn chỉ trở nên xấu xa vì bạn từ chối nó.

nhiều khi anh nhớ cái lần đầu tiên ấy

bên chiếc cầu nhỏ

anh đã hôn em vụng về

nhiều khi anh nhớ nụ cười em đẹp lạ thường trên gương mặt nhân hậu

và những vòng tay ấm cuộc tình

những câu chuyện của ngày

của đêm

của trí nhớ

anh ngỡ rằng mình không còn bơ vơ giữa cuộc đời

như hạt mưa sáng nay

gieo vào anh một cơn đau

xa xa tiếng người con gái gọi

Thơ Lê Huỳnh Lâm còn là tình trạng hưng phấn, sự thèm khát được yêu thương, ý thức sống tận cùng các giây phút. Tất cả những yếu tố trong một bài thơ hay đều hướng tới mục đích cuối cùng là tạo ra cảm xúc mà chính tác giả trải nghiệm và muốn người đọc cũng trải nghiệm như mình, mặc dù không thể hoàn toàn giống và lớn lao như vậy. Những bài thơ của Lê Huỳnh Lâm bắt đầu với một sự kiện giản dị, với chữ sự kiện, tôi muốn nói là một điều gì đã xảy ra, chứ không phải các sự kiện báo chí. Một khoảnh khắc có thể khởi động biết bao xúc cảm, cho phép bạn sống nhiều hơn một cuộc đời, ở đó, như thể có một hiện hữu được nén chặt, vượt khỏi giới hạn kiếp người.

Giữa buổi chiều mùa hạ

Người đi tìm tự do trói mình bằng nụ hôn dài

Nhiều bài trong tập Mùa Tro của Lê Huỳnh Lâm, và những tập khác, là cơn buồn, sự châm biếm, sự phê phán, nhưng từ giữa chúng lóe lên ánh sáng của lòng tin vào con người. Những bài thơ khá dài trong tập Mùa Tro tạo nên dòng chảy như là các đoản khúc của trường ca. Đây là ưu điểm và nhược điểm của thơ Lê Huỳnh Lâm: toàn bộ tập thơ là một sức mạnh, nhưng một số bài thơ lẻ cần phải nương tựa vào nhau. Có một sự phẫn nộ hay thương xót trong những câu thơ mượt mà của anh, đôi khi với quá nhiều cảm xúc không kiểm soát. Thơ Lê Huỳnh Lâm là loại thơ nhân chứng, không những vì nội dung mà còn vì hình thức, gần với tự sự và với trường ca.

Người đi tìm tự do

Hôn phối mặt trời

Mặt trời tan thành tro bụi

Người đi tìm tự do

Hôn phối vầng trăng

Một ánh mắt buồn nhìn trần gian câm lặng

Người đi tìm tự do

Hôn phối mặt đất

Sản sinh hàng triệu triệu giấc mơ người

Người đi tìm tự do

Hôn phối cùng nỗi chết

Cho loài người được phục sinh

Thơ ngày càng đánh mất khả năng tự sự, và trong khi thơ trữ tình trở thành thể loại chính thì các nhà thơ như Lê Huỳnh Lâm, một số ít người, không phải tất cả, tìm cách trở lại với một trong những chức năng quan trọng của thơ, kể chuyện. Thơ Việt hiện nay hướng tới sự chú ý mang tính hàng ngày, một đời sống tầm thường, nhàm chán, trong một xã hội tan rã, trong thể thơ tự do ngày càng gần văn xuôi. Thơ xa rời âm nhạc, sự sử dụng các ẩn dụ, tính hài hước, sự tưởng tượng phóng túng. Cũng có một số nhà thơ viết về đến các đối tượng bên ngoài cá nhân, thăm dò tâm lý, tôn giáo, triết học. Một số ít hơn nữa quan tâm đến lịch sử và chính trị. Trong bối cảnh ấy, thơ Lê Huỳnh Lâm bộc lộ phong cách riêng; trong những bài thơ thành công của anh, người ta nghe được tiếng nói của người nghệ sĩ sống giữa người khác, lo âu, mơ ước như người khác.

xấp giấy trắng vẫn trắng

thân phận ngòi bút đắng cay

vẽ vòng lửa treo ngược gió

con đò neo đậu bến không

những cánh hồng tỏa mùi văn minh khắp phố

treo cổ mẫu tự cổ xưa

cơn mưa chữ lềnh bềnh sông trí tưởng

những ngã đường không tên

mặt đất không biên giới

viên đạn đồng bắn vỡ trái thời gian

Các nhà thơ hôm nay chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại, và phần nào chủ nghĩa hậu hiện đại; nhưng ảnh hưởng của trường phái ngôn ngữ không lớn. Trong thơ Lê Huỳnh Lâm còn có yếu tố ngôn ngữ và siêu thực. Con người càng có nhiều phương tiện liên lạc thì họ càng trở nên xa lạ với nhau. Thơ đánh mất công chúng không những vì tài năng của các nhà thơ mà còn vì kích thước của độc giả. Vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu vắng quyền tự do biểu hiện, các nhà thơ ngày càng ít tiếp xúc với công chúng. Các cuộc đọc thơ trên quảng trường biến mất. Tất nhiên một nhà thơ không cần đọc thơ trước quảng trường vẫn có thể làm thơ hướng về công chúng, nhưng xét cả nền thơ, khả năng ấy ít đi. Thơ Lê Huỳnh Lâm là cố gắng đi ngược dòng, trước hết vì những quan tâm đặc biệt của anh đối với đất nước, đối với Huế như một vùng đất tâm linh đặc biệt, đối với các vấn đề dân tộc.

xa xa những giáo viên rao bán tri thức

xa xa những người chữa bệnh rao bán sự sống

xa xa những tu sĩ rao bán đức tin

xa xa mấy thằng văn nghệ nửa mùa rao bán chút nhân cách dối trá còn sót lại

xa xa một người đàn bà rao bán chút nhụy hoa cuối cùng trong im lặng

anh thắp ba cây hương trong tâm tưởng

tiễn đưa tất cả về nghĩa địa phố

Làm thơ không phải là một hành động hoàn toàn ý thức, nhưng cũng không phải vô thức. Có sự kết hợp của chúng trong tư duy thơ ở Lê Huỳnh Lâm, ở sự nối kết giữa tình yêu bí mật và khả năng tiếp nhận. Đọc tác phẩm của các nhà thơ thế hệ anh, và trẻ hơn, tôi tin rằng họ thoát ra khỏi cái bóng ma của cuộc chiến tranh, khỏi các định kiến, nhưng trong họ đầy những lo âu hiện tại, những kinh nghiệm cá nhân riêng lẻ, nỗi tuyệt vọng cộng đồng; vì đời sống hôm nay là một chấn thương trong khi các hệ thống nâng đỡ bị bẻ gãy. Lê Huỳnh Lâm từ chối thứ nghệ thuật tuyên truyền, ở mức độ tinh vi nhất của chúng. Ngay cả những suy tưởng có vị thiền của anh cũng là suy tưởng xã hội.

Khi tiếng khóc chào đời của vũ trụ

Được bà đỡ làm phép rửa bằng nước mắt

Là dấu hiệu của thời hạ ngươn

Sản sinh ra đứa trẻ tội đồ

Phủ nhận mẹ cha bằng quyển sách màu đỏ

Bắt đầu thời kỳ những chỉ dấu bị đánh tráo

Và những tiếng nổ đi vào trong thành phố

Đi vào trong nỗi chết

Đi vào con đường tối

Đi vào trong tâm tưởng

Đi vào trong im lặng

Bằng lời xưng tội trống rỗng

Và nỗi sợ tái xanh trên con chữ buồn

Alusiona

Amen

Tịnh độ

Thơ tự làm mới bằng cách đề kháng đối với hoàn cảnh phi nhân tính. Các nhà thơ tài năng, nếu chúng ta có một thế hệ các nhà thơ như vậy, chắc chắn phải mang một đặc điểm quan trọng, đó là sự nghi ngờ đối với hệ thống các giá trị được rao giảng. Các nhà thơ lưu vong trên chính đất nước mình: khi con người nhìn thấy sự hoang tưởng về chân lý, họ bắt đầu nhận ra những hoang tưởng khác, đối với tập thể và cá nhân. Lê Huỳnh Lâm ở giữa những nhà thơ đang có sức viết, làm nên một lớp người mới. Một cách riêng rẽ, thơ họ tạo ra chủ nghĩa tự do, đứng về phía những người lên tiếng về các vấn nạn xã hội. Thế hệ văn chương trước đó không làm được như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là loại thơ dễ hiểu, viết cho quần chúng. Thơ trữ tình thường ngắn gọn và cô đọng, vì vậy đối với một số chủ đề, một nhà thơ thường trở đi trở lại nhiều lần. Do đó, các bài thơ có liên hệ với nhau, như một dòng chảy ý thức. Các bài thơ ngắn có thể sắp xếp bên nhau để tạo ra một chuỗi. Điều khó khăn là chúng liên kết với nhau nhưng không được giống nhau, vẫn phải là những bài thơ độc lập. Nếu giảm tính độc lập, chúng sẽ trở thành các phần của một bài thơ dài hay một trường ca.

chiều Tam Giang

gió bạt ngàn rưng hanh giọt nắng

chuyến đò tròng trành giữa hai bờ tử sinh

anh gom mây vẽ hình hài đất nước

đặt cược cuộc đời vào giấc mơ

chiều Tam Giang

bơ vơ một cõi người

những con đười ươi biết cười khóc

gió biển đông thơm mùi hải sản

bờ cát cong mềm dòng tóc em

chiều Tam Giang

dát vàng khảm vàng da vàng mắt

vết nhăn hằn giục dặt đời áo cơm

em thèm nghe lời yêu thương đầm phá

cánh rừng già rụng ánh tà dương

chiều Tam Giang

em thì thầm bài ca gọi gió

anh ước mơ con đò mọc cánh bay

tan giữa hoàng hôn tràn đầy cám dỗ

Có một áp lực sâu xa khi tôi đọc thơ anh, đứng ở giữa sự cô độc cá nhân và cảm giác trách nhiệm. Thơ có yếu tố triết học, với những câu hỏi không trả lời. Đó không phải là những kết luận mà là những cuộc điều tra mang tính văn hóa đối với điều kiện sống. Bài thơ mang đến cho người đọc những tác động khác nhau về hình thức và nội dung; những nguyên nhân của nội dung nằm ngoài bài thơ tạo ra văn cảnh hay ngữ cảnh của bài thơ ấy. Sự hiểu biết đối với ngữ cảnh đôi khi dễ dàng, đôi khi khó khăn. Ngữ cảnh của những bài thơ đặc sắc của Lê Huỳnh Lâm phản ánh đời sống của một nghệ sĩ ở Huế và những địa phương anh sống, hoàn cảnh xã hội, chiều sâu lịch sử, những xung đột đương đại.

những chiếc ghế không có người ngồi

những con đường không có người đi

chỉ còn sự trống vắng

trên những tờ báo không có chữ

trong một đất nước không còn trí thức

Tuy nhiên một số bài thơ quá dài và nhiều thông tin của Lê Huỳnh Lâm không mang lại tác động ấy, chúng có thể gây ra sự lẫn lộn ở người đọc giữa những xung đột và ngữ cảnh. Những bài thơ thành công xuất hiện khi tác giả có khả năng vừa mở rộng phổ quan tâm (scope) vừa mài sắc sự chuyên chú (focus). Trong thơ Lê Huỳnh Lâm có một tình trạng thăng hoa. Từ những mô tả hiện thực, những phê phán có tính triết học, nhà thơ tìm cách vượt qua, chuyển hóa, đi tìm ánh sáng trong bóng tối, đi tìm hy vọng giữa những đổ vỡ. Những cố gắng như thế của anh mang lại cảm giác thăng hoa cho người đọc. Có những nguyên mẫu văn hóa trong truyền thống dân tộc gợi đến quá trình thăng hoa, cũng tựa như ngôn ngữ và bối cảnh, với những chuyển tiếp đột biến. Có một sự tương đồng giữa trí tưởng tượng và thiên nhiên. Trong thơ Lê Huỳnh Lâm, thiên nhiên hiện ra khá rõ, phóng khoáng, đẹp đẽ, nhưng có khi cũng đầy cảm giác bức bối, chật hẹp, ẩm thấp, của đời sống vô vọng. Thơ anh mang người đọc đến gần mặt đất, góc phố, con sông. Thơ anh cho chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của ngõ hẻm vào buổi sáng, góc tối quạnh hiu lúc chiều tà, tan rã. Thiên nhiên trở thành gương mặt của chúng ta. Khác với khuynh hướng lãng mạn và khuynh hướng hiện đại, ở đó thiên nhiên là sự nâng đỡ, là bà mẹ sinh ra ta, trong thơ hôm nay như thơ Lê Huỳnh Lâm, thiên nhiên còn là kẻ chịu nạn.

Và người đàn ông giang tay ôm mặt đất
nghe tiếng lá reo trong phiên khúc của gió
con còng hoa bò ngang cánh cửa nhà thờ
vểnh càng chào thi sĩ
có bàn tay gầy tiễn còng vào hang cỏ

Xa xa những con đò trong ký ức của dòng sông
chờ đợi tiếng gọi vọng về trong khuya khoắt
ông già Bến Ngự
có vẻ mặt trầm tư của nước
và nhịp mưa rơi
như tiếng dương cầm rung lên trong ngôi nhà màu trắng
tôi gửi ánh trăng soi trước cổng nhà em

Con đường sáng tác của nhà thơ bắt đầu với niềm vui lắng nghe các chữ vang lên, đập vào nhau, khi hối hả, khi ngập ngừng, mở ra các cấu trúc ngôn ngữ mới, gọi tên những ý nghĩa mới, chưa từng có. Thơ anh là bản hướng dẫn đối với một vùng đất, một mùa, một thiên nhiên. Anh kêu gọi sự trở về, giữ lại, liên tục, trong khi cũng hướng tới cởi mở, vượt thoát, và đó là sự giao hòa giữa khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại. Mặc dù có những hạn chế về lối viết, như sự dàn trải cảm xúc, các ẩn dụ chưa tập trung, một số bài thơ không đứng độc lập một mình, cách dùng chữ chưa hoàn toàn chọn lọc, thơ anh càng về sau càng đậm chất suy tư, với một ngôn ngữ vừa thơ mộng vừa cường tráng. Tôi nghe được tiếng nói của anh vang lên giữa các hàng chữ, tôi nhìn thấy được sự tưởng tượng của anh trong các hình ảnh và ẩn dụ, một số khá mới mẻ.Tôi nghĩ rằng anh cần phải làm mới ngôn ngữ hơn nữa, sử dụng hình ảnh đẹp hơn nữa, nhưng những suy tưởng của anh, sự đam mê trước cái đẹp và sự thật, vẫn còn tiếp tục ở Lê Huỳnh Lâm, không có gì thay đổi.

không có ái tình và sân hận

không có cả sự không có

và điều quan trọng là không có em

nên anh bước vào phía thời gian

để đón nhận sự hữu hạn cuộc đời

bên cạnh người con gái có đôi mắt núi rừng

có trái tim phát ra những lời nguyện cầu

có gương mặt chịu đựng những nỗi đau

có tình yêu thánh thiện

và có câu chuyện của ngày

của đêm

của nụ hôn trong buổi chiều mưa bay mùa hạ

Thi sĩ nào chọn lựa cách viết tách rời khỏi các chiều kích xã hội và chính trị sẽ không thể nằm ở trung tâm của các cuộc vận động lớn về văn học hiện nay. Thơ cần liên can nhiều đến những lãnh vực khác, trong văn học và ngoài văn học, sáng tác và lý luận, các tâm thức cộng đồng và các rối loạn tâm lý cá nhân. Thơ trữ tình không đại diện cho ai cả, nhưng bằng cách sống và viết ở một vùng đất, sống thật trên quê hương mình, đầy xúc cảm và suy tưởng, bằng thái độ sống nghệ sĩ và thiền sư, Lê Huỳnh Lâm đi gần đến tiếng nói chung của dân tộc. Nhà thơ càng viết, câu thơ càng mềm lại, sự ngắt dòng bớt gay gắt, nhưng có lẽ vì thế mà tiến độ (tempo) tăng lên.

Tôi trở về trước sự câm lặng của bờ môi

Có vị sư già tịnh khẩu từng bước gió

Và khước từ từng hơi thở ra vào

Trả tự do cho buồng phổi nhỏ

Khước từ cả nhịp đập lặng lẽ của trái tim

Cho dòng máu yên nghĩ nơi ngôi đền vĩnh cửu

Và khước từ luôn từng niệm tưởng khởi lên

Cho mặt tâm không còn xao động

Tôi trở về ngằm nhìn dòng sông

Làm lễ rước cho em bằng thuyền hoa hàm tiếu

Giữa buổi chiều gió chướng

Và lá dập dìu như cánh bướm

Thơ hôm nay là thơ của những người không thể im lặng. Lê Huỳnh Lâm là một người như vậy, anh chọn tiếng nói để kể lại, mô tả đời sống tâm hồn khốn khổ và hạnh phúc của người Việt. Đó là một tiếng nói riêng tư, nhưng phổ quát, vừa trần trụi vừa thơ mộng. Không phải bài thơ nào của Lê Huỳnh Lâm cũng xuất sắc, thực ra nhiều bài anh có thể viết sắc bén hơn, nhưng trong những bài thành công tôi tìm thấy ở đó các động lực. Bóng tối trong thơ, tiếng khóc, sự phẫn nộ, làm nên sự suy nghĩ và chiêm nghiệm về đời sống, trong đó có nhiều phong vị thiền, cách nhìn của một họa sĩ, cách nhìn mỹ thuật làm cho thơ là một thứ trữ tình bi phẫn (elegy). Một bài thơ làm lay động người đọc phải tạo ra những gợi ý, những ý tưởng bên ngoài lời, làm cho người đọc can hệ nhiều hơn vào những xung đột bên trong bài thơ:

họ nghĩ ông đã chết

không bao giờ, họ đã nhầm tưởng

một trái tim khát khao sống vì một chân lý

đã dám thách đố cả một quyền lực tội ác

làm sao ngừng đập dễ như thế

nhưng có ai tránh được tiếng gọi trở về của tạo hóa

ở tuổi tám mươi chín là quá đủ với một đời người

huống hồ ông là một nhà văn

ngay thời khắc ông chết cũng là giây phút ông hồi sinh

“chết chưa phải là kết thúc”

câu nói đầy ẩn dụ cho các thế hệ sau suy nghĩ

có nghĩa là chúng ta phải sống như thế nào?

để sự dối trá bị lột mặt nạ

và bạo lực không còn chốn dung thân

A. Solzhenitsyn

Thơ Lê Huỳnh Lâm là một cam kết đối với tự do cá nhân và đối với các giá trị phổ quát.

Thơ không phải là một phép lạ, một công thức bí mật để giải quyết các bài toán, nhưng những bài thơ thành công đến từ nguồn suối tâm linh sâu thẳm, chúng ta nghe được đúng vào lúc tiếng nói của nó khởi đầu. Khi trái tim của bạn mở ra, con người quên mất chính mình và thế giới tràn vào, trong thế giới ấy mọi thứ đều tồn tại bên nhau, mọi thứ đều có tiếng nói, chúng tương tác, chuyển hóa, sinh nở, cái này sinh ra cái kia. Một bài thơ hay là một bài thơ nối kết được một người đọc với những người đọc khác, với thế giới của người ấy. Bài thơ trữ tình có khả năng làm bạn dừng lại một giây lát, làm cho giây lát ấy trở thành lâu dài. Thực ra không phải là các sự kiện mà là sự xúc động về sự kiện ấy mới là quan trọng trong thơ. Không phải sự mô tả mà tầm suy nghĩ đằng sau sự mô tả ấy quyết định giá trị một bài thơ. Các sự kiện trong thơ Lê Huỳnh Lâm, bao gồm những sự kiện tập thể và cá nhân, và việc anh có khả năng kết hợp chúng, chứng tỏ cái nhìn của nhà thơ dung chứa các tư tưởng xã hội mạnh mẽ. Lê Huỳnh Lâm không những làm thơ, anh còn viết văn, viết phê bình, vẽ tranh và tham gia vào các sự kiện văn hóa. Anh là một phần của văn hóa Huế, của văn hóa và đời sống đương đại. Tôi muốn nói là thơ anh có tính công chúng. Đó là một loại thơ hướng về độc giả, đôi khi độc giả là một đám đông, đôi khi chỉ là một người. Có một điểm giao hòa giữa thơ và văn hóa, giữa nghệ thuật và chính trị, giữa những xúc cảm và thiên nhiên, nơi ấy hiện thực được tăng cường. Nhiều bài thơ của Lê Huỳnh Lâm đến gần điểm giao hòa ấy.

Comments are closed.