LHQ kêu gọi Việt Nam ‘ngừng ngược đãi các nhà hoạt động nhân quyền’, quan ngại trường hợp ông Đặng Đình Bách

Bốn nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù vì tội trốn thuế. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.
Chụp lại hình ảnh, Bốn nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù vì tội trốn thuế. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc hôm 14/2 đã gửi báo cáo kêu gọi Chính phủ Việt Nam ngừng nhắm mục tiêu, kết án và ngược đãi những người bảo vệ nhân quyền sau khi ông Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực lần thứ ba để phản đối điều kiện giam giữ.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại về sự an toàn và phúc lợi của luật sư, người bảo vệ nhân quyền môi trường, luật sư Đặng Đình Bách. Ngoài tình trạng phân biệt đối xử trong giam giữ, còn có thông tin cho rằng ông Bách bị hành hung, đánh đập trong tù,” các chuyên gia cho biết.

Ông Đặng Đình Bách từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD).

Ông bị bắt vào ngày 24/6/2021 và bị kết án năm năm tù về tội “trốn thuế theo điều 200 Bộ luật Hình sự”.

“Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tác động đáng sợ mà việc ngược đãi và tước đoạt tự do đối với ông Bách gây ra đối với các quyền tự do cơ bản về hội họp và biểu đạt ôn hòa ở Việt Nam, những quyền rất quan trọng để người dân được tham gia vào các vấn đề chung, kể cả liên quan đến biến đổi khí hậu,” các chuyên gia nêu rõ.

Trong Bản Ý kiến số 22/2023, Tổ Công tác về Giam giữ Tùy tiện của LHQ đã kết luận việc tước quyền tự do của ông Đặng Đình Bách là tùy tiện.

Ông Bách bị biệt giam trong thời gian bị giam giữ trước khi xét xử và sau khi tuyên án, bị truy tố trong một phiên tòa kín và không được phép tiếp xúc đầy đủ với luật sư của mình.

Ông Đặng Đình Bách hiện đang bị giam tại Nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An, trong khu dành riêng cho tù nhân chính trị. Ông Bách phụ thuộc vào thực phẩm gia đình gửi vào để có thể theo chế độ ăn chay của mình. Ông không có bất kỳ nguồn cung cấp nào khác, bao gồm sách hay vật dụng vệ sinh. Ông cũng không được cấp nước nóng và các loại thuốc cổ truyền. Gia đình và luật sư chỉ được thăm gặp ông rất hạn chế.

"Ông Bách lẽ ra không cần phải tuyệt thực để yêu cầu pháp luật phải được thực thi đúng đắn và điều kiện nhà tù phải được cải thiện," các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nêu rõ và khẳng định việc tước đoạt tự do và ngược đãi trong tù không nên được chính phủ Việt Nam sử dụng như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và thành viên các tổ chức xã hội dân sự đang làm việc liên quan đến các vấn đề nhạy cảm.

“Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam ngừng ngược đãi ông Bách trong trại giam và đảm bảo các điều kiện cũng như việc tiếp cận của ông phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam”.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã liên hệ với Chính phủ Việt Nam về Nghị định số 80/2020, hạn chế tiếp cận viện trợ nước ngoài, về việc bắt giữ tùy tiện và tước đoạt tự do của 18 người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động, giam giữ dài hạn và bị cáo buộc giam giữ tùy tiện 43 người bảo vệ nhân quyền và tiếp tục giam giữ ông Đặng Đình Bách.

‘Phản đối bản án bất công’

Ông Đặng Đình Bách tuyên bố thông qua gia đình về việc tuyệt thực hồi giữa năm 2023 nhằm “phản đối bản án bất công” và “yêu cầu được trả tự do ngay lập tức”.

Trả lời BBC hồi tháng 5/2023, bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, nói rằng ông đã tuyệt thực từ hồi tháng Ba và rằng ông nói ‘sẽ tuyệt thực đến chết’ để đòi công lý phải được thực thi.

Trước đó, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu truy thu số tiền cáo buộc trốn thuế 1,381 tỷ đồng, nhưng ông Bách nói: "Tôi không đồng ý với bản án sơ thẩm và phúc thẩm."

Ông Đặng Đình Bách là thạc sĩ luật về hành chính và quản lý nhà nước.

Ông từng làm việc tại Bộ Nội vụ, sau đó làm việc tại Thời báo Kinh tế trực thuộc Bộ Công thương, là trưởng ban Trị sự Tạp chí Pháp luật và Phát triển thuộc Hội Luật gia Việt Nam.

Ông Bách đồng thời là điều phối viên quốc gia của mạng lưới Pháp luật Mekong nhằm bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực lên môi trường của các tập đoàn quốc tế.

Ông Bách, cùng ông Mai Phan Lợi, là thành viên của Dự án Chính phủ Mở, một mạng lưới không chính thức dành riêng cho xã hội dân sự, dân chủ hóa, minh bạch... cùng một số mạng lưới khác.

Trong số đó, một diễn biến quan trọng được coi là có thể liên quan đến việc ông Bách bị bắt giữ là việc ông đang vận động để tham gia vào Nhóm Tư vấn trong nước (DAG) nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho các tiêu chuẩn lao động và bền vững mà họ đặt ra trong hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU).