Lính Đại Hàn, thảm sát 1968 và nỗi đau Cuộc chiến VN

  • Hạnh Ly
  • BBC Thế Giới Vụ
Illustration of a soldier and a girl

Người đàn ông đó tới mua xì dầu. Trần Thị Ngải là bà đỡ, y tá, nhưng sáng hôm đó bà trông coi cửa hàng trong lúc cha mẹ đi làm ruộng.

Những trái lựu đạn treo lủng lẳng trên khắp người ông ta, còn nơi thắt lưng giắt hai cây súng.

Đó là mùa hè năm 1967, và Cuộc chiến Việt Nam, nơi cuộc giao tranh giữa các lực lượng của Việt Nam Cộng Hoà, Hoa Kỳ và đồng minh chống lại Cộng sản Bắc Việt đang ngày càng leo thang.

Khi tới quầy, người đàn ông chìa tiền ra. Lúc Ngải với tay lấy tiền, ông ta tóm lấy cánh tay, rồi tóc bà, và lôi bà vào căn phòng phía sau cửa hàng. Ông ta đã hãm hiếp bà tại đó.

"Cảm giác đời tôi như vậy là hết rồi," bà Ngải kể lại. Tất cả những gì bà có thể làm hồi đó là chỉ biết dồn sức vào công việc.

Tran Thi Ngai today

Khi thấy bụng phồng lên, Ngải nghĩ rằng mình tăng cân. Rồi một ngày, bà cảm thấy có cái gì đó đạp đạp bên trong, và nhận ra mình có bầu.

Cha mẹ kinh hoàng về chuyện bà hoang thai, một điều cấm kỵ ghê gớm. Ở đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo, trinh tiết được coi là tấm vé để bước vào con đường hôn nhân.

"Cha mẹ gọi tôi là đồ chửa hoang, ổng bà đánh tôi bầm dập."

"Ý nghĩ đầu tiên chỉ là chết đi. Còn gì để mà sống nữa."

Bà nhiều lần tự vẫn, nhưng không thành - "dường như cái thai nó giúp sao đó, uống thuốc ngủ không được."

Cha mẹ bà chỉ thôi đánh đập khi bà sinh con, vào tháng 2/1968.

Bà hạnh phúc ngắm đứa con gái xinh đẹp mới sinh, nhưng sớm trở nên lo sợ.

"Tôi lo lắng là không biết con sẽ lớn lên thế nào, lo chuyện tiền bạc, lo làm sao nhanh chóng đi làm trở lại để kiếm sống."

Bà đặt tên con là Oanh. Nhưng bà cũng muốn bằng cách nào đó ghi dấu mối liên hệ với người cha của con mình. Tên đệm hẳn sẽ là Kim - tên họ của người lính.

Người hãm hiếp bà không phải là người Việt, cũng không phải người Mỹ. Đó là một lính Đại Hàn.

Bốn năm trước đó, đất nước ông ta quyết định tham chiến cùng quân đội Mỹ để chống lại lực lượng Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam.

Không lâu sau khi sinh con, vào một đêm, Ngải thức giấc và thấy Kim xuất hiện, tìm kiếm bà.

"Ông ấy không nói một lời, đứng đó một hai phút ngó đứa con rồi đi," bà kể lại.

Vài hôm sau, một người lính Đại Hàn khác tới. Anh ta được Kim cử đến để đưa Ngải và con gái về nơi ông ta đóng quân - địa điểm của Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã của Nam Hàn - vùng miền núi heo hút, phía nam thị trấn quê nhà bà.

Tủi nhục và bị ghẻ lạnh, cảm thấy bị đưa vào bước đường cùng, bà bước vào trong chiếc xe, và sống hai năm tiếp theo cùng kẻ đã hãm hiếp mình. Suốt thời gian đó, bà cảm thấy kinh hoàng sợ hãi, lo lắng cho sự sống của mình và của đứa con.

"Hoàn toàn là ép buộc, hiếp dâm, không có yêu thương gì đâu," bà nói.

Ngải có thêm một bà con gái nữa với Kim để rồi bị bỏ rơi, sau khi ông ta chuyển đến một căn cứ mới.

Bà quay về với cha mẹ ở Phú Hiệp, lao đầu vào làm lụng nuôi con, cho tới khi Kim lại cử một thuộc cấp tới nhà bà.

Nhưng lần này, người lính đó, mà bà nhớ tên là Park, có vẻ như đến để giúp những đứa trẻ.

South Korean soldiers during the Vietnam War

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Ông ấy bế chúng trên tay, cho chúng ăn, chăm sóc chúng khi tôi đi làm."

Nhưng rồi Park cũng hãm hiếp bà. Ngải có thai, lần này một đứa con trai.

Gia đình bà chịu tai tiếng khắp vùng.

"Ra đường là người ta chỉ mặt người ta chửi. Dân làng chửi tôi, bảo là có chồng Đại Hàn," bà kể lại.

Bà cùng cha mẹ bỏ chạy tới một nơi khác trong tỉnh, nhưng tai tiếng vẫn đeo bám.

"Nếu nói 'tui tên Ngải', người ta sẽ nói 'Trời, bà Ngải. Bả đẹp ghê, mà ông Kim ổng hiếp dâm. Sao bả là y tá bả biết có con mà không phá."

Bà nói bà là bà đỡ, cho nên không thể làm vậy.

"Tôi đi giúp người ta sanh con, tôi bồng, ẵm, tôi tắm rửa, cắt rốn cho chúng. Làm sao tôi phá con tôi được? Không thể phá được" bà Ngải nói, giọng đứt đoạn.

Cuộc đời vụn nát

Trong cùng tháng mà bà Ngải sinh đứa con đầu lòng, cuộc đời của bé gái 11 tuổi Nguyễn Thị Thanh cũng vĩnh viễn thay đổi.

Sáng 25/2/1968, Thanh nghe tiếng gào khóc từ phía bên kia ngôi làng Hà My, cách không xa Hội An, địa điểm du lịch nổi tiếng hiện nay của Việt Nam, và thấy khói bốc lên trời.

Cô bé Thanh chạy xuống ngõ và thấy nhiều toán lính Hàn đã tràn vào làng. Lính Đại Hàn chĩa súng vào Thanh.

Cô bé chạy ngược về nhà nói với mẹ rằng ngôi làng đã bị bao vây.

Illustration of a girl watching a soldier in her village

"Vừa nói dứt lời thì hắn ùa tới."

Các tường thuật sau đó nói rằng nhóm lính đó thuộc Sư đoàn Rồng Xanh khét tiếng, thuộc lực lượng Thuỷ quân Lục chiến của Nam Hàn.

Chúng ra lệnh cho toàn bộ những người trong gia đình bà, cùng với một phụ nữ trong làng có con nhỏ, và một đứa bé, bạn của em trai bà, tất cả dồn vào cái hầm trú ẩn ở sân trước.

Rồi chúng ném lựu đạn vào trong. Quả đầu tiên khiến người thím của Thanh cùng đứa em họ còn ẵm ngửa của bà chết ngay tại chỗ.

Bà kể lại là mẹ bà đã tìm cách che cho hai chị em bà. "Trời ơi, chết rồi con ơi," mẹ bà kêu lên.

"Cả người tôi thấy bỏng rát, rồi thấy tê đi... Tôi thấy máu mọi người dính khắp lên người tôi," bà Thanh kể.

Illustration of a soldier booting down a door

Đứa em trai tám tuổi của Thanh bị thương mất một bên chân rồi qua đời trong bệnh viện do mất máu. Chỉ có Thanh và một người em họ, cả hai đều bị thương nặng, là sống sót, bò sang nhà hàng xóm nằm chờ người tới cứu.

Bà kể rằng nhóm lính sau đó phóng hoả đốt trụi nhà bà.

"Tôi nghe tiếng tre bén lửa, nổ lép bép. Tôi nghe mùi khói lên, mùi cháy."

Hơn 135 người tại Hà My bị giết chết trong ngày hôm đó, chỉ còn độ chục dân làng sống sót, bà nói.

Bà nói rằng tuy lính Đại Hàn trước đó vẫn thường đến làng để lùng bắt Việt Cộng, nhưng bà không rõ vì sao ngày 25/2/1968 lại khác hẳn mọi ngày.

"Không biết sao mà hôm đó hắn dữ dằn dễ sợ. Hắn tới mà giết những đứa ba bốn tháng tuổi, chúng nó có tội tình chi đâu, chúng nó như một tờ giấy trắng mà cũng đem ra bắn giết."

Điều mà bây giờ chúng ta biết, năm 1968 là giai đoạn bước ngoặt của Cuộc chiến Việt Nam.

Nguyen Thi Thanh today
Chụp lại hình ảnh, Bà Nguyễn Thị Thanh hiện nay

Vào cuối tháng Giêng năm đó, quân Bắc Việt và Mặt trận miền Nam tổ chức cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, một chiến dịch quân sự đẫm máu chống lại quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và quân đồng minh.

Mỹ và quân đồng minh cũng trả đũa khốc liệt, trong đó khét tiếng nhất là vụ Mỹ Lai, với hãm hiếp tập thể và thảm sát dân thường do quân Hoa kỳ gây ra vào tháng 3/1968.

Thanh không chứng kiến tận mắt những hậu quả trực tiếp sau vụ giết hại tại Hà My - bà được đưa tới bệnh viện ở Đà Nẵng. Nhưng anh trai bà sau này kể lại đã chứng kiến việc binh lính ngày hôm sau cày ủi, san phẳng nơi từng là làng Hà My và không còn bất kỳ thi thể nào được tìm thấy.

Người Mỹ đã gây ra nhiều vụ hành quân, bắn giết tàn bạo trong suốt 20 năm Cuộc chiến Việt Nam, nhưng dù họ chưa có lời xin lỗi thì cũng có sự thừa nhận dưới hình thức trợ giúp khắc phục hậu quả chiến tranh và mở phiên toà xử tội phạm chiến tranh.

Nhưng chính phủ Hàn Quốc, nay đã có quan hệ kinh tế mật thiết với Việt Nam, thì có vẻ như không sẵn sàng xem xét lại vai trò của mình trong cuộc chiến.

Seoul đã đưa khoảng 320.000 quân tới Việt Nam, trong bước cờ mà các nhà phân tích nói do lo sợ "hiệu ứng domino" của chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi thư hồi âm cho bà Thanh và 102 nạn nhân sống sót trong vụ các vụ thảm sát, nói rằng họ không có hồ sơ lưu trữ về các vụ lính Đại Hàn giết dân thường ở Việt Nam, và để xác lập được có xảy ra những vụ việc đó hay không thì cần có điều tra chung giữa chính phủ hai nước, mà hiện nay chưa thể thực hiện được.

Đi tìm lời đáp

Một người phụ nữ dành cả cuộc đời tìm hiểu những gì đã thực sự diễn ra là nhà nghiên cứu người Nam Hàn, Ku Su-jeong.

Hồi thập niên 1990, trong khi làm đề tài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, bà được một viên chức tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội trao cho một tài liệu mô tả tội ác mà người Nam Hàn đã gây ra tại Việt Nam.

Illustration of a girl and a pagoda

Bà cuối cùng đã trả tiền để lấy được một bản sao không được phép công bố từ viên chức người Việt, và dành 20 năm qua tới các ngôi làng Việt Nam, nói chuyện với các nạn nhân sống sót.

Bà tin rằng có khoảng hơn 9.000 dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bị giết hại trong khoảng 80 vụ thảm sát do lính Đại Hàn thực hiện, tuy nhiên không có cách nào kiểm chứng độc lập được nội dung nghiên cứu của bà.

Tiến sỹ Ku tin rằng vẫn còn có nhiều nạn nhân thảm sát chưa được tính đến, và bà thường nhận được những cuộc điện thoại từ người dân Việt Nam mong muốn bà tới điều tra về các vụ giết dân thường ở địa phương họ.

Việc dành cả đời theo đuổi nghiên cứu này khiến bà phải chịu những tổn thất cá nhân.

Vài tháng sau khi kết quả nghiên cứu của bà được công bố trên một bài báo ở Nam Hàn hồi tháng 4/1999, khoảng 2.000 cựu binh ở độ tuổi ngoài 50, tất cả đều mặc quân phục, biểu tình phản đối trước trụ sở toà soạn tạp chí Hankyoreh 21 tại Seoul.

The trashing of Hankyoreh newspaper's offices in Seoul, June 1999

Họ đập phá toà nhà, một số người còn tới phá hoại nhà riêng của bà, bà nói. Bà Ku và mẹ phải chuyển tới sống tại một khu căn hộ được bảo vệ an ninh cẩn thận.

Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc cũng muốn kiện bà về tội phỉ báng và gian dối, tuy nhiên vụ kiện đã bị bỏ ngang.

Không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh được ai là người phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát khiến gia đình bà Nguyễn Thị Thanh thiệt mạng tại làng Hà My.

Nhưng một cựu binh Đại Hàn, Ryu Jin-Sung, nói rằng sư đoàn ông chịu trách nhiệm cho một vụ thảm sát tương tự, xảy ra chỉ hai tuần trước vụ ở Hà My.

Ryu Jin-sung
Chụp lại hình ảnh, Ông Ryu Jin-sung hiện nay

Đại đội của Ryu trong lúc đang đi tuần tra thì bị một viên đạn bắn ra từ phía Phong Nhị, Phong Nhất, hai ngôi làng cách Hà My vài cây số, khiến một người lính bị thương.

Tấn công trả đũa bắt đầu - đại đội chia thành ba đơn vị, tiếp cận ngôi làng từ ba hướng khác nhau.

Đơn vị của Ryu di chuyển đầu tiên và cũng là đơn vị rời làng sớm nhất sau khi một đồng đội của ông bắn chết một cụ già không có vũ khí, hai đơn vị kia còn ở lại phía sau.

Tối hôm đó, ông nghe thấy đồng đội khoác lác về việc giết chết trẻ em và phụ nữ, rồi ngày hôm sau, ông nhìn thấy xác dân thường nằm la liệt hai bên đường Quốc lộ 1.

South Korean soldiers during the Vietnam War

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Ngày hôm sau khi tôi quay lại làng đó tuần tra, có một đám đông người. Khi chúng tôi tới nơi, họ gào thét giận dữ. Cảm giác như họ sẽ đâm tôi từ sau lưng, họ nhìn tôi chằm chằm."

"Tôi dùng nòng súng để mở lối đi. Tôi nhìn thấy các thi thể, tôi nhìn thấy người thân của họ trong đau khổ - và giận dữ. Cho tới tận hôm nay, hình ảnh đó vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi."

Map

Ông Ryu nói những người bác bỏ việc đã xảy ra vụ thảm sát Phong Nhị, Phong Nhất thì hoặc là bị cung cấp thông tin sai, hoặc là không dám thừa nhận sự thực.

BBC đã thu xếp một cuộc gặp giữa Ryu và bà Thanh, nay đã 63 tuổi, tại một nhà hàng ở thủ đô Seoul.

Cả hai, cũng như nhiều người Việt khác bị chấn thương tâm lý do chiến tranh, đều nói rằng họ bị những bóng ma ám ảnh.

Cựu chiến binh Ryu bị ám ảnh bởi bóng ma người đàn ông già nua bị đồng đội của ông bắn chết ở Phong Nhất, Phong Nhị, còn với bà Thanh, là bóng trắng cụt chân đi khập khiễng của người em trai.

Sau khi chia sẻ trải nghiệm của mình về cuộc chiến, cựu chiến binh Ryu cuối cùng đọc to một câu đơn giản bằng tiếng Việt mà ông đã chuẩn bị sẵn. "Tôi xin lỗi," ông nói.

Bà Thanh gật đầu nhẹ. Ông gắp thức ăn cho bà, bà mỉm cười, và họ bắt đầu dùng bữa trưa.

Khi rời nhà hàng, bà Thanh nói bà cảm thấy lòng đã nhẹ đi nhưng vẫn hy vọng sẽ nhận được một lời xin lỗi chính thức từ Seoul và các cựu binh khác.

Nguyen Thi Thanh meeting Ryu Jin-sung

Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trả lời BBC rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức hồi 1992, hai nước đã "tiếp tục có các nỗ lực phát triển quan hệ song phương, hướng tới tương lai trên cơ sở có chung quan điểm là cùng để lại quá khứ bất hạnh lại phía sau, để tiến về phía trước."

Hàn Quốc nay là một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với các hãng khổng lồ như Samsung, LG Electronics đổ hàng tỷ đô la vào xây dựng các nhà máy tại Việt Nam.

Nhà báo Hàn Quốc Koh Kyoung-tae, người đầu tiên công bố các kết quả nghiên cứu gây nhiều tranh cãi của Tiến sỹ Ku Su-jeong, nói rằng hình ảnh quân Đại Hàn có thể từng phạm tội ác không phù hợp với cách suy nghĩ 'coi mình là nạn nhân' của quốc gia này.

"Người Hàn chúng tôi nói rằng chúng tôi có 5.000 năm lịch sử và chúng tôi luôn là nạn nhân. Chúng tôi từng bị Nhật Bản, Mông Cổ, Trung Quốc cai trị... và chúng tôi phải chịu đựng. Giống như thể chúng tôi tự hào về sự nhẫn nhịn của mình."

Hàn Quốc cũng đã trải qua hàng thập kỷ vận động yêu cầu Nhật Bản phải có lời xin lỗi về việc hàng trăm ngàn phụ nữ Nam Hàn bị buộc làm nô lệ tình dục trong Thế Chiến Thứ Hai.

Bà Thanh, một bên tai bị nghe không rõ và trên người lỗ chỗ sẹo, cho rằng Việt Nam đã phớt lờ vấn đề.

Chính phủ Việt Nam hai lần không cấp giấy phép quay phim khi BBC đề nghị làm phim tài liệu về chủ đề này.

"Chính phủ Việt Nam nói là quan hệ hai bên thật tốt nên họ không muốn làm ảnh hưởng, nhưng riêng nạn nhân chúng tôi thì không thể không xin lỗi được vì người chết thì người đau lòng nhất là chúng tôi, mà bên chính phủ Việt Nam họ có người thân đổ máu rơi thịt đâu mà họ đau lòng," bà nói.

Trở lại Phú Yên, bà Trần Thị Ngải, nay 79 tuổi, cũng đang phải vật lộn với quá khứ cuộc chiến.

Bà nói các con bà đã phải đối diện với sự ngược đãi, phân biệt đối xử cả đời vì là 'lai Đại Hàn'.

Bà kể sau khi Việt Nam thống nhất, cha bà bị tra tấn, đánh đập đến chết hồi năm 1977 vì 'tội để con gái có quan hệ với người Đại Hàn, nợ máu quốc gia'.

Bản thân bà Ngải bị quản chế và bỏ tù ba lần trong thời gian từ 1975 đến 1978.

Tuy khó có thể xác minh trường hợp cụ thể của bà, nhưng đúng là dư chấn của Cuộc chiến Việt Nam tạo ra một giai đoạn trừng phạt căng thẳng, đất nước tan nát vì sự chia rẽ sau đó.

Nhóm 'Công lý cho Lai Đại Hàn ở Việt Nam' đang thúc đẩy yêu cầu lời xin lỗi chính thức cho các nạn nhân bị lính Đại Hàn hãm hiếp và những người ra đời từ các vụ hãm hiếp đó. Chiến dịch này ước tính hiện có khoảng 800 người còn sống là con cái của các nạn nhân.

Một trong những người vận động mạnh mẽ là con trai của bà Trần Thị Ngải, ông Trần Văn Ty, người từng thường xuyên bị vây đánh, chửi bới khi đi học, vì 'tội' có cha là người Nam Hàn.

Cựu Ngoại trưởng Anh, Jack Straw, đại sứ quốc tế của nhóm này, nói rằng không có lý gì mà một lời xin lỗi lại có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa các quốc gia 'nếu như được xử lý khéo léo'.

"Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng đồng ý 'hướng về phía trước chứ không nhìn lại,' là điều mà tôi hiểu được, nhưng cũng có những lúc có ngoại lệ."

"Trong một số trường hợp, để hướng tới tương lai, quý vị cần phải giải quyết những việc đã xảy ra trong quá khứ."

Nhóm này đang thúc đẩy việc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mở điều tra.

Một nạn nhân sống sót từ thảm sát Phong Nhất Phong Nhị được cho là do lính Đại Hàn thực hiện cũng đã đệ đơn kiện chính quyền Hàn Quốc trong tháng này.

Nếu như thẩm phán thấy có cơ sở để theo đuổi vụ kiện, thì phiên nghe trình bày đầu tiên có thể sẽ diễn ra sớm nhất là trong mùa hè này, tuy người ta cho rằng có thể sẽ mất vài năm cho tới khi kết luận được đưa ra.

"Lời xin lỗi nó không đáng là bao, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với nạn nhân chúng tôi," bà Nguyễn Thị Thanh nói.

statue

Nguồn hình ảnh, Vindice / Alamy Stock Photo

Chụp lại hình ảnh, Bức tượng Mẹ và Con

Một bức tượng đồng do nghệ sỹ người Anh Rebecca Hawkin thực hiện được đem đưa đi giới thiệu trên nước Anh, lấy cảm hứng từ câu chuyện của bà Trần Thị Ngải và con trai.

"Mẹ và Con" miêu tả hai nhân vật bị trói bởi cây si, loại cây phổ biến ở Việt Nam và luôn bóp nghẹt cây chủ bị nó quấn quanh.

"Chúng tôi cần người Nam Hàn thừa nhận những gì đã xảy ra. Họ đưa quân tới Việt Nam - chứ không phải là chúng tôi tới nước họ," bà Ngải nói.

Bài viết có sự đóng góp của Hyung Eun Kim, BBC News Tiếng Hàn.