Bạn đang ở: Trang chủ / Thấy trên mạng, bộ mới / Lũ lụt kéo dài ở miền Trung

Lũ lụt kéo dài ở miền Trung

- H.V. — published 21/12/2016 01:29, cập nhật lần cuối 21/12/2016 01:29


Tin tổng hợp


Lũ lụt miền Trung kéo dài


Những ngày qua, chúng tôi đã đưa lên mục "Thấy trên mạng" nhiều tin tức về lũ lụt nặng nề ở miền Trung. Đặc biệt năm nay, mùa lũ kéo quá dài (thường thì không quá tháng 11), cho đến ngày hôm nay (19.12) báo chí vẫn đưa thêm nhiều thông tin về tình hình lũ lụt và những vấn đề liên quan. Để giúp bạn đọc dễ theo dõi tình hình nghiêm trọng này, chúng tôi xin gộp lại dưới đây một số tin, bài tiêu biểu.

Xã Hương Giang, Hà Tĩnh

Những thiệt hại nặng nề


Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung ngày 17/12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, giữa tháng 10 đến nay, miền Trung xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ bất thường. Điển hình từ 30/10 đến 10/11, lũ xảy ra trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên kéo dài hơn 10 ngày. Tiếp theo là các đợt ngày 30/11-9/12, lũ diễn ra diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Chỉ ba ngày sau, miền Trung lại đón đợt lũ mới bắt đầu ngày 12/12 trên phạm vi rất rộng Quảng Bình - Ninh Thuận và lên cả Gia Lai với lượng mưa có nơi 600-700 mm, gây lũ đặc biệt lớn ở khu vực này.

Đợt mưa lũ này đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 nhà, 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng

Nếu tính từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm cho 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí là trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD)

Riêng đợt mưa lũ trong tuần 12 đến 19/12 đã làm 24 người chết, 16 người bị thương, thiệt hại nặng nhất là ở Bình Định.

Xem tin trên báo Tài nguyên môi trường, VnExpress 17.12, VnExpress 19.12, Tiền Phong, VietnamNet có mục riêng gom toàn bộ tin tức, hình ảnh mưa lũ năm nay. Theo bản tin ngày 18.12 của TTXVN, còn mưa to từ Bình Định đến Ninh Thuận, với nguy cơ lũ lên lại.

Quy Nhơn !

Nhân tai "kích hoạt" thiên tai


Tiểu đề trên đây lấy lại một bài báo đã cũ trên báo Nông nghiệp Việt Nam (ngày 15.11.2011), được đăng lại trên trang web của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, cảnh báo tình trạng lũ lụt ở miền Trung ngày càng ác liệt do "rừng đã bị khai tử" và "thuỷ điện tiếp tay". Những con số trong bài chắc chắn đã bị vượt qua 5 năm sau, nhưng những bài học được các chuyên gia nêu trong bài thì chắc vẫn cần được nhắc lại.

Về rừng, GS.TS Vũ Trọng Hồng,Chủ tịch Hội Thủy lợi VN (thời điểm của bài báo) nhấn mạnh:

Chúng ta cần phân biệt tác dụng của độ che phủ và lớp thảm thực vật đối với sự hình thành lũ. Giữ rừng để bảo vệ nước, phải bảo vệ được thảm thực vật để tạo ra dòng thấm nhằm làm giảm hệ số tập trung nước không gây xói mòn các mái dốc tạo nên cường độ lũ lớn. Ấy vậy mà hiện nay nhiều người vẫn cho rằng để bảo vệ rừng chỉ cần đảm bảo độ che phủ, nên không đắn đo khi phê duyệt những dự án phá đi những cánh rừng phòng hộ để trồng rừng SX”.

Năm năm sau, phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về vấn đề này, chỉ để nhắc lại rẳng lũ lụt miền Trung là một bài học về việc quản lý rừng !

Về thuỷ điện, sau khi đưa ra những con số về các công trình thuỷ điện ở các tỉnh miền Trung, bài báo viết:

"Rõ ràng, các thủy điện trên địa bàn miền Trung chỉ mới có giải pháp “phòng lũ” cho công trình chứ không màng đến việc phòng lũ cho các vùng hạ lưu. Đó là chưa kể đến việc vận hành xả lũ giữa các hồ chứa trên cùng hệ thống gây ra những đợt “lũ nhân tạo” dữ dội."

Nguyên thứ trưởng bộ Thuỷ lợi, GS Vũ Trọng Hồng cũng thừa nhận “Quy hoạch thủy điện bậc thang ở các sông nhỏ là một sai lầm, là nguyên nhân sâu xa của lũ. Về mặt kỹ thuật không được làm điều này nhưng chúng ta vẫn cố để làm. Cần phải lên án điều này”.

Hai nguyên nhân dĩ nhiên không độc lập với nhau, khi mà mỗi dự án thuỷ điện đều kèm theo phá rừng làm hồ chứa nước, phá rừng làm đường vào khu vực đập thuỷ điện, cũng là "con đường để lâm tặc đưa xe tải vào rừng chặt gỗ", như ông Phan Đình Nhã, chuyên gia lâm nghiệp, phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển CODE nhắc lại trong bài phỏng vấn trên VietnamNet ngày 18.10.2016 sau sự kiện  thuỷ điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước ngày 15.10. 

Cùng ngày 18.10, VietnamNet còn đăng một bài nói chuyện với GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, trong đó sau khi khẳng định rằng "cái lỗi chính của chúng ta là đã phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa một cách ồ ạt", GS Phạm Hồng Giang cho rằng việc các chủ nhà máy thuỷ điện và chính quyền địa phương thường đổ lỗi cho nhau trong việc xả lũ chỉ thể hiện "những lỗ hổng nhất định" trong quy trình và trong giám sát. 

Cảnh báo về những lỗ hổng quản lý thuỷ điện của ông Giang không ngăn cản được việc chỉ hai tháng sau, các hồ thủy điện lại đồng loạt xả lũ khiến nhiều các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chìm trong nước, người dân gồng mình chống lũ. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong những ngày nhân tai hoà với thiên tai này.

H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss