LUẬT VỀ ĐẶC KHU VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI NHÂN DÂN, VỚI LỊCH SỬ

 

TS. Nguyễn Thị Hậu

Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử VN

 

 

Kỳ họp quốc hội tháng 6/2018, ngoài những vấn đề nóng mà nhân dân mong muốn được nghe quốc hội lên tiếng như việc “thu giá BOT”, việc đạo văn, phong hàm giáo sư, phó giáo sư trong ngành giáo dục... và nhiều “việc thường kỳ” của các lĩnh vực khác, nhân dân cả nước rất quan tâm đến một vấn đề có tầm quan trọng nhất và ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của đất nước, đó là việc quốc hội bàn luận về Dự thảo để quyết định thông qua LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC.

Được biết, chủ trương thành lập các đơn vị hành chính này đã bắt đầu từ vài năm trước, những ai quan tâm sẽ nhận ra tín hiệu từ việc nhiều đại gia đổ xô đến những khu vực này mua bán đất đai, giá đất tăng nhanh nhất là trong một, hai năm gần đây. Cũng như nhiều khu kinh tế khác đã hình thành, việc đầu tư tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dù sôi động đến đâu vẫn được coi là bình thường, như một sự chuyển mình, phát triển mà ít nhiều mang lại sự thay đổi ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, sự quan tâm của nhân dân đến Dự luật về ba “đặc khu” và gây nên rất nhiều lo ngại chính là từ những điều khoản ảnh hưởng lớn đến chủ quyền quốc gia cả về chính trị, quân sự và kinh tế.

 Nhiều chuyên gia về kinh tế đã chỉ ra sự lạc hậu và những bất lợi của mô hình ‘đặc khu” đối với những nước đang phát triển như nước ta, bởi vì mô hình này đã ra đời từ vài chục năm trước trong hoàn cảnh của thế giới khi ấy. Những quốc gia áp dụng mô hình này đều đã có nhiều bài học kinh nghiệm mà không phải đều là bài học thành công, bởi vì mỗi quốc gia có một hoàn cảnh lịch sử riêng, điều kiện kinh tế xã hội riêng. Mấy chục năm sau, thế giới đã phát triển và thay đổi rất nhanh, bản thân cấu trúc và hoạt động của mô hình này cũng phải khác trước. Vì vậy những bài học thất bại của các “đặc khu” chính là sự cảnh báo quan trọng và cần thiết mà chúng ta phải quan tâm chứ không chỉ nhìn thấy một vài thành công, thậm chí chỉ ở một quốc gia mà coi đây là con đường duy nhất để phát triển.

Từ góc độ khác, cả ba đặc khu đều nằm ở vị trí đặc biệt nhạy cảm cả về quân sự và an ninh quốc gia: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những “tiền tiêu” trấn giữ bờ biển và biển Việt Nam, từ Vịnh Bắc bộ đến vùng biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cho tới biển Tây Nam ở Vịnh Thái Lan. Điều nguy hiểm là ngay từ tháng 3/2014 tại đã Hạ Long diễn ra Hội thảo về Đặc khu Kinh tế do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Đại học Thâm Quyến tổ chức (1). Tham gia hội thảo chỉ có lãnh đạo bốn tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng, đó là ba địa phương nằm ở ven biển có ba đơn vị hành chính trên và Lâm Đồng – tỉnh cao nguyên miền Trung có khu công nghiệp khai thác Boxit – một đại dự án cũng từng nhận được rất nhiều ý kiến lo ngại, cảnh báo và phản đối của nhiều chuyên gia, trí thức và các tầng lớp nhân dân về sự nguy hại và hoàn toàn bất lợi cho ta.

Rồi mới đây, tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 vào tháng 2 năm 2018, được tổ chức bởi Hội Khoa học và Chuyên gia VN Toàn cầu, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tài liệu hội thảo đã thẳng thừng nhắc đến vị trí chiến lược của Quảng Ninh và đặc khu Vân Đồn là "tiếp điểm quan trọng của dự án One Belt, One Road của Trung Quốc" ("an important node on the project One Belt, one Road of China")(2). Cả Bắc Vân Phong đều thuộc vùng “chiến lược” này còn Phú Quốc nằm ngay sát bên.

Theo dự luật: “thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 99 năm! Một thế kỷ - thời hạn dài một cách không tưởng trong thời đại ngày nay, khi mà một mỗi giây phút trôi qua thế giới đã có những biến đổi to lớn, mỗi một thế hệ kịp phát minh, nhận biết, tiếp thu được khối lượng tri thức khổng lồ bằng biết bao nhiêu thế kỷ trước... Vậy mà với vị trí chiến lược và ba vùng đất giàu tiềm năng như thế lại cho nước ngoài thuê đến 99 năm – khoảng thời gian bằng vài ba thế hệ người Việt Nam. Lẽ nào người Việt Nam chúng ta mãi mãi không đủ điều kiện, trình độ, tài năng để phát triển đất nước mình mà phải dựa dẫm vào nước ngoài như một sự lệ thuộc kiểu mới?

Từ hàng chục năm qua trong nước đã có nhiều khu vực và mô hình kinh tế mà chủ đầu tư là trong hay ngoài nước, đã có nhiều ưu đãi, dành được nhiều điều kiện thuận lợi từ trung ương đến địa phương... Tuy nhiên phải nói rằng việc quản lý nhà nước đối với những khu vực đó không mang lại sự tin tưởng của người dân đối với hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường...  cũng như kết quả khác từ hoạt động của các chủ đầu tư này. Boxit Tây Nguyên hay Formosa Hà Tĩnh, những nhà máy nhiệt điện, công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội... là vài trường hợp điển hình như vậy.

Mặt khác, từ những dự án, công trình trên còn phát hiện ra nhiều sai phạm của các cấp, các ngành quản lý, phổ biến hiện tượng “đặc khu là đặc quyền, đặc lợi”. Do đó sự lo ngại, cảnh báo, phản biện của giới chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đều có cơ sở và qua thời gian ngắn cho thấy phần lớn các ý kiến là đúng đắn.

Vì vậy, Dự luật về đặc khu với nhiều điều khoản ưu đãi, thời gian quá dài và nhằm vào những vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự, với tính chất “khép kín” và “độc lập” của các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc... hoàn toàn có cơ sở để nhân dân lo ngại, lên tiếng đề nghị xem xét lại Dự luật này, không phải chỉ về thời hạn của đặc khu mà còn cả về tính hợp lý, sự cần thiết của việc thành lập đặc khu, nhất là sự lo ngại rằng không thể lường trước những bất trắc và hệ lụy đối với hiện tại và tương lai của đất nước!

Chủ trương về thành lập các đặc khu từ vài năm trước đây có thể là đúng và cần thiết, nhưng, như đã nói ở trên, với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới toàn cầu và sự thay đổi của chính nước ta, việc quốc hội trong kỳ họp này xem xét lại Dự luật này là hoàn toàn cần thiết, chứng tỏ trách nhiệm của quốc hội đối với nhân dân và tương lai của đất nước.

Xin được gửi vài lời đến các đại biểu quốc hội: Thưa quý vị, tôi tin rằng trước khi bấm nút đồng ý hay không đồng ý thông qua Dự luật về các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, quý vị ĐBQH đều nhớ rằng mình là người Việt Nam trước khi là quan chức, doanh nhân hay bất cứ một cương vị nào. Tôi cũng tin rằng con cháu quý vị, không phải ai cũng mang tâm thế và hành xử kiểu COCC dốt nát, tham lam và hèn hạ, mà cũng như phần lớn người Việt Nam, họ là những người trẻ có lòng tự trọng, có tri thức và có trách nhiệm với đất nước, với tiền nhân. Nếu quý vị hành động sai lầm thì không có gì đau xót hơn là sẽ bị chính con cháu mình lên án!

Tôi rất mong quý vị ĐBQH chứng tỏ quốc hội là của nhân dân! Đừng để bị lịch sử lên án, và nhất là đừng để thế hệ tương lai phải sửa sai cho chúng ta. Hãy để tương lai làm việc của tương lai, nếu không đất nước ta mãi mãi lạc hậu trong nhục nhã vì không thể ngẩng mặt nhìn ai.

 

Sài Gòn ngày 8.6.2018

 

Chú thích:

(1) http://baoquangninh.com.vn/theo-dong-su-kien/201403/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-phat-trien-dac-khu-kinh-te-kinh-nghiem-va-co-hoi-2223071/

(2) http://www.vsf.a-vse.org/…/…/02/W4.2.DoanDinhHong_Slides.pdf

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201801/dien-dan-ben-vung-viet-nam-2018-cac-chuyen-gia-trao-doi-ve-mo-hinh-dac-khu-van-don-2371496/

 

Tác  giả gửi cho viet-studies ngày 8-6-18